Nghiên cứu lý luận

NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGHỆ THUẬT THÊU TAY TRONG ÁO DÀI VIỆT

30 Tháng Mười Một 2022

 

Lê Nguyễn Kiều Trang

 

Khoa TKTT&CNM

 

Ngành công nghiệp thời trang đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, xu hướng của thời trang nhanh đang chiếm lĩnh thị trường với rất nhiều mô hình sản xuất khác nhau, đáp ứng được thị hiếu của chung của xã hội. Thời trang nhanh đã trở thành mảnh đất vô cùng màu mỡ cho các thương hiệu chạy theo xu hướng “mì ăn liền” này. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển như vũ bão của thời trang công nghiệp thì những năm gần đây, thời trang thủ công nói chung và nghệ thuật thêu tay trên trang phục nói riêng đã dần hấp dẫn trở lại. Nghệ thuật thêu tay đã tạo nên nhiều cơn sốt trong làng thời trang và trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế. Những đường nét bay bổng của nghệ thuật thêu tay trên áo dài đang từng bước phát triển, khẳng định được giá trị vốn có và ngày càng đạt đến độ thẩm mỹ đỉnh cao. Nét chấm phá nhịp nhàng của nghệ thuật thêu tay kết hợp cùng chiếc áo dài mang hơi thở của nghệ thuật truyền thống vào thời trang, giờ đây đã trở thành biểu tượng tuyệt đẹp của văn hóa Việt Nam.

Trên thế giới, nghệ thuật thêu đã tồn tại trong nền công nghiệp thời trang từ lâu, thêu không chỉ đơn thuần là một xu hướng trong thời trang mà nó còn mang sắc màu văn hóa rất riêng. Song hành với thời trang, nghệ thuật thêu khẳng định được giá trị vốn có bằng những đường nét bay bổng đầy quyến rũ. Không giống với những xu hướng thời trang khác, phải trải qua những giai đoạn thăng trầm thoái trào, nghệ thuật thêu lại từng bước phát triển và ngày càng đạt đến độ tinh xảo tuyệt đối. Cho đến thời điểm hiện tại, nghệ thuật thêu trong thiết kế thời trang đã trở nên vô cùng phong phú, đầy màu sắc và mang đến nét độc đáo cho trang phục. Thêu được ứng dụng ở mọi loại trang phục và phụ kiện thời trang, trên mọi chất liệu. Thêu đã trở thành loại hình nghệ thuật mang lại nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế trên thế giới.

 

Thời trang Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung đó. Thêu tay vốn là một loại hình nghệ thuật truyền thống mang màu sắc văn hóa đậm chất Việt. Trong văn hóa của người Việt Nam, yếu tố truyền thống là bản sắc đã được hình thành từ lâu đời, được nhiều thế hệ xây dựng và vun đắp. Bản sắc văn hóa Việt được khẳng định qua các loại hình nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại. Đó không chỉ là nghệ thuật thuần túy mà còn mang giá trị văn hóa qua từng thời kỳ, góp phần làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật của đất nước. Việc khai thác yếu tố truyền thống không chỉ là hình thức nhìn thấy đơn thuần mà nó còn là giá trị vô hình, là yếu tố văn hóa có thể cảm nhận. Mỹ thuật ứng dụng trên cơ sở khai thác các yếu tố truyền thống, được đưa vào vào các thiết kế sáng tác phù hợp về hình thức và công năng, biểu đạt ngôn ngữ nghệ thuật ở mức cao nhất có thể. Nghệ thuật thêu tay truyền thống với lịch sử hàng trăm năm và trải theo chiều dài của đất nước, mỗi tác phẩm thêu tay chứa đựng bản sắc, tinh hoa văn hoá và luôn được đánh giá cao bởi sự công phu, tỉ mỉ, tinh tế. Để sáng tạo ra một sản phẩm thêu tay hoàn mỹ, người nghệ nhân phải kết hợp nhuần nhuyễn các loại chất liệu từ thiên nhiên ứng dụng vào sáng tạo. Bên cạnh đó, người nghệ nhân phải có niềm đam mê và năng khiếu cũng như mắt thẩm mỹ để đánh giá, cân đối các yếu tố tạo hình trong quá trình sáng tác. Có như vậy, mới truyền tải được nhiều sắc thái của ngôn ngữ sáng tạo, chuyển đi được cái “hồn cốt” mang thông điệp văn hóa của sản phẩm, biến sản phẩm thêu tay vươn đến thành loại hình nghệ thuật đỉnh cao. Trải dài trên mọi miền đất nước ở đâu cũng có những nghệ nhân giàu sáng tạo và đam mê với loai hình nghệ thuật truyền thống này. Từ những sản phẩm thêu đơn giản cảnh vật dân giản, cho đến những sản phẩm thêu cầu kỳ như họa tiết hoa văn trên trang phục vua chúa xưa, người nghệ nhân và thợ lành nghề đã tỉ mỉ sáng tạo, và ở mỗi địa phương lại là một nét độc đáo riêng. Chính sự đam mê sáng tạo, cần mẫn với văn hóa Việt của các nghệ nhân đã khiến cho nghệ thuật thêu tay trở thành điểm nhấn độc đáo trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam. Chỉ bằng ngôn ngữ tạo hình của đường kim, mũi chỉ, thêu tay đã thổi hồn vào loại hình nghệ thuật truyền thống của người phụ nữ Việt Nam với sắc màu văn hóa vô cùng đặc sắc. Đây cũng chính là điều hấp dẫn làm nên các giá trị văn hóa khi đặt chân đến các làng nghề thêu truyền thống trên mọi vùng miền trên đất nước Việt Nam.

Trong thời trang, có lẽ loại hình nghệ thuật này được thể hiện thường xuyên nhất trên những tà áo dài. Khi nhắc đến nghệ thuật thêu tay, không thể không nhắc đến những chiếc áo dài duyên dáng, thướt tha được thêu họa tiết vô cùng công phu. Cũng giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, từ lâu chiếc áo dài luôn là hình ảnh gắn liền với người phụ nữ Việt, trở thành biểu tượng tuyệt đẹp của văn hóa dân tộc, niềm tự hào của con người Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài như chứa đựng trong nó bề dầy văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt. Khác với những chiếc áo dài thông thường, áo dài thêu tay là câu chuyện mà ở đó sự tỉ mỉ trong từng đường nét, đã thổi hồn vào đó sắc màu văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc. Để tạo ra một chiếc áo dài thêu tay, nhà thiết kế phải chỉn chu từ việc lựa chọn chất liệu, chú ý đến từng chi tiết, đường kim thêu sao cho thật hài hòa trong cách kết hợp. Chất liệu được dùng trong những sản phẩm áo dài thêu tay chủ yếu là lụa từ các làng lụa nổi tiếng của Việt Nam như Hà Đông, Duy Uyên, Tân Châu… Tất cả các công đoạn phải thật tỉ mỉ nhằm mang đến cho người mặc sản phẩm hoàn thiện và tinh xảo nhất. Có thể nói, áo dài thêu tay đang ngày càng trở nên hấp dẫn với nhiều phụ nữ Việt, nghệ thuật thêu tay không chỉ thường xuyên xuất hiện trong áo dài những dịp lễ tết quan trọng mà nó đang ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống, là trang phục được phụ nữ lựa chọn mặc như một sản phẩm thời trang thể hiện phong cách cá nhân riêng. Cùng với đó, mỗi chiếc áo dài thêu tay cũng là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân, góc nhìn thẩm mỹ của nhà thiết kế.

Hòa mình vào dòng chảy của thời trang hiện đại, tà áo dài ngày nay vẫn giữ được những giá trị truyền thống qua nét đẹp của nghệ thuật thêu tay. Tuy đã được cách tân về kiểu dáng, chất liệu cầu kỳ hơn để phù hợp với xu hướng và thị hiếu của người mặc, nhưng áo dài thêu tay vẫn kết hợp hài hòa nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ xưa, pha lẫn tinh thần phóng khoáng, trẻ trung của hiện đại, mang lại những giá trị văn hóa sâu sắc bên cạnh làn gió mới về thời trang. Hiện thân trên tà áo dài là vẻ đẹp pha trộn sự mộc mạc nhưng đầy tính nghệ thuật, toát lên từ những hình thêu họa tiết thân thuộc như hình ảnh làng quê, chim hạc, hoa sen…  Ở mỗi không gian, hoàn cảnh, lứa tuổi có sở thích khác nhau, áo dài thêu tay bằng ngôn ngữ của màu sắc, họa tiết hoa văn vẫn giúp người mặc khoe được trọn vẹn vẻ đẹp duyên dáng của mình. Mỗi chiếc áo thêu tay như một bản thể chỉ dành riêng cho mỗi người, gắn với những đặc điểm cơ thể và phong thái riêng của từng cá nhân. Từ những kỹ thuật thêu cơ bản, qua đôi bàn bàn tay khéo léo của nhà thiết kế, nghệ nhân đã truyền cảm xúc vào từng đường kim mũi chỉ để những hình thêu với dấu ấn văn hóa Việt hiện lên vô cùng sống động và mang theo hơi thở thời đại. Quả thực, chiếc áo dài thêu tay mang tinh thần văn hóa Việt, xứng đáng được coi là loại trang phục truyền thống thể hiện được vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

 

Đứng trước những thách thức của thời đại công nghiệp, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của các dòng sản phẩm thời trang nhanh thì trang phục áo dài cũng là một loại trang phục đang được các nhà thiết kế, các nhà văn hóa vô cùng quan tâm và khai thác triệt để trên nhiều phương diện. Hằng ngày những doanh nghiệp mới, nhãn hiệu mới ra đời, kèm theo đó là một xu hướng thời trang với khả năng thích ứng và cạnh tranh cao với thị trường, chính điều đó đã tạo ra sự phong phú trong giới thời trang vốn đã vô cùng đa dạng. Bên cạnh đó, nghệ thuật thêu tay nói chung và thêu tay trên áo dài nói riêng đã uyển chuyển tìm cho mình chỗ đứng riêng trong làng mốt Việt. Thêu tay đã không còn đơn thuần là loại hình nghệ thuật truyền thống của ông cha nữa, mà giờ đây nghệ thuật thêu sắp đặt trên mỗi sản phẩm áo dài là một tác phẩm nghệ thuật, những nhà thiết kế, nghệ nhân như đã thêu văn hóa lên chiếc áo dài. Giống như ở hầu hết các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam, trang phục áo dài luôn là một phần thi bắt buộc, hay các người đẹp Việt khi tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế, đều chọn áo dài là trang phục dân tộc để trình diễn với niềm tự hào và đầy kiêu hãnh, bởi khó có thể tìm được bộ trang phục nào thể hiện tốt nhất bản sắc văn hóa Việt Nam như áo dài. Và nghệ thuật thêu tay cũng luôn được các nhà thiết kế ưu ái thể hiện trên những sản phẩm áo dài của mình khi đồng hành cùng các người đẹp đại diện cho nhăn sắc, trí tuệ Việt trên đấu trường quốc tế. Có thể thấy, nghệ thuật thêu tay truyền thống, nghệ thuật thêu tay trên áo dài đã trở thành nét văn hóa rất riêng mà người Việt luôn muốn giữ gìn, phát huy và vô cùng tự hào.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Trong nước

  1. TS. Trần Thủy Bình (2002), Giáo trình Mĩ thuật trang phục, NXB Giáo Dục.
  2. Nguyễn Hạnh (1999), Nghệ thuật phối màu, NXB Mĩ thuật.
  3. Việt Hùng (2010),  Áo dài Việt Nam truyền thống – đời thường – cách điệu, NXB Tổng hợp TP.HCM
  4. Nhiều tác giả (2010), Giáo trình môn học Thiết kế trang phục, NXB Đại học Công nghiệp TP. HCM.
  5. Nhiều tác giả (12/2006), Giáo trình môn học Thiết kế trang phục 4, NXB Thống kê.
  6. Tổng cục thống kê https://www.gso.gov.vn
  7. Trang thông tin điện tử https://vnexpress.net

Nước ngoài

  1. Teri Agins (2010), The End of Fashion: How Marketing Changed the Clothing Business Forever.