Nghiên cứu lý luận

BIỆN PHÁP DẠY HỌC KỸ THUẬT PIANO CƠ BẢN CHO TRẺ 6 TUỔI TẠI TRUNG TÂM MUSIC TALENT

22 Tháng Ba 2023

                                                                        Học viên Bùi Ánh Ngọc

                                            K12 – Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc

 

Tại Hà Nội, Trung tâm năng khiếu Nghệ thuật Music Talent là một Trung tâm tương đối có uy tín và chất lượng trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật nói chung và môn Piano nói riêng. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, đối với môn Piano dành cho trẻ em 6 tuổi, việc dạy và học kỹ thuật Piano cơ bản vẫn còn có những hạn chế, tồn tại nhất định như việc lựa chọn, sử dụng giáo trình, giao bài tập, hướng dẫn rèn luyện, dạy tự vỡ bài,… Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề xuất, thực nghiệm một số biện pháp dạy học kỹ thuật Piano cơ bản theo hướng đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy piano tại Trung tâm theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra trong chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Hiện nay, theo khung chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thì môn Nghệ thuật được đưa vào giảng dạy ở tất cả các cấp học phổ thông. Bên cạnh đó, tại Hà Nội, hàng loạt các trung tâm năng khiếu nghệ thuật đã được mở với mục đích đào tạo các bộ môn nghệ thuật cho các lứa tuổi trẻ em như: Múa, Thanh nhạc, Mỹ thuật, Guitar, Violon,.. đặc biệt, bộ môn Piano được các bậc phụ quan tâm nhiều nhất.

Nhằm đáp ứng được nhu cầu học nhạc cụ theo xu hướng xã hội hóa của trẻ em tại Hà Nội, Trung tâm năng khiếu Nghệ thuật Music Talent đã đưa môn Piano vào chương trình giảng dạy với sự đầu tư lớn cả về mặt tri thức lẫn chuyên môn giảng dạy.

Học nhạc cụ nói chung và đàn Piano nói riêng, kỹ thuật cơ bản luôn là chiếc chìa khóa rất quan trọng mở ra trong quá trình học tập, rèn luyện. Bởi, học sinh muốn chơi đàn giỏi thì phải bắt đầu bằng các kỹ thuật cơ bản. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, tại Trung tâm năng khiếu nghệ thuật Music Talent, việc dạy và học kỹ thuật cơ bản của đàn Piano cho trẻ 6 tuổi chưa được chú trọng nhiều và đạt hiệu quả cao như mong đợi. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy, có một câu hỏi đặt ra là: Trẻ em 6 tuổi nói chung và trẻ em 6 tuổi tại Music Talent khi học Piano có cần làm quen ngay với kỹ thuật cơ bản hay không? Theo chúng tôi, câu trả lời là có và thậm chí là rất cần thiết.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn chúng tôi đề xuất một số biện pháp dạy học kỹ thuật Piano cơ bản cho trẻ 6 tuổi, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy Piano cho học sinh nhỏ tuổi tại Trung tâm.

1. Vài nét về thực trạng dạy học Piano cho trẻ 6 tuổi tại trung tâm Music Talent

          Về đội ngũ giáo viên dạy Piano

Đội ngũ giáo viên dạy các môn tại Trung tâm, hầu hết đều có trình độ chuyên môn tốt, có trình độ đại học chuyên ngành, có nhiều kinh nghiệm và trách nhiệm trong công việc dạy học. Riêng với bộ môn Piano, các thầy cô đều là sinh viên năm cuối hoặc đã tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo uy tín như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội,... Các giáo viên của Trung tâm đều có tinh thần giảng dạy tích cực, phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề, nắm bắt tâm lý học sinh tốt, luôn lên lớp đúng giờ, nhiệt tình dìu dắt học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn mặt hạn chế nhất định, đó là, do số lượng học sinh quá đông, các ca học sát giờ nhau, nên sau mỗi tiết học giáo viên không có nhiều thời gian để nói chuyện, để hiểu học sinh hơn và chưa giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Ngoài ra, việc sử dụng giáo trình Piano còn khá tùy tiện, chưa thống nhất, đặc biệt chưa có sự phân hóa trình độ các nhóm học sinh cùng lứa tuổi trong việc giao bài, hướng dẫn luyện tập, chưa thực sự chú trọng và đi sâu vào vấn đề dạy kỹ thuật cơ bản...

           Tình hình học Piano của học sinh 6 tuổi tại Trung tâm

Qua thực tế giảng dạy chúng tôi thấy, hầu hết các em học sinh 6 tuổi tại Trung tâm Music Talent chưa từng học hay làm quen với cây đàn Piano hoặc chưa tiếp xúc với các kỹ thuật cơ bản của cây đàn, nên việc tiếp thu những kiến thức và kỹ thuật chơi đàn còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là một hạn chế thường gặp ở một số trung tâm khác có đào tạo môn Piano. Hầu hết các em ở giai đoạn 6 tuổi các tư thế để tay chưa chuẩn, các ngón tay khi chơi đàn còn cứng và thiếu sự linh hoạt, kỹ thuật tạo âm thanh chưa tốt,… Mặc dù giáo viên có giao một số bài tập kỹ thuật nhưng các em chưa hiểu được tầm quan trọng của chúng nên chưa chú trọng đến việc luyện tập thường xuyên các kỹ thuật luyện ngón như Gam, Hanon, Etude,... Các em thường chỉ chú ý đến việc tập một số bài ca khúc quen thuộc hoặc tiểu phẩm dễ nhằm giải trí cho vui.

Có một thực trạng nữa là, trong quá trình dạy học, chúng tôi nhận thấy, do xuất phát từ quan điểm của nhiều phụ huynh cho con học Piano là học để giải trí, để thư giãn sau các giờ học văn hóa căng thẳng từ đó dẫn đến thái độ học tập còn mang tính đối phó, tùy tiện, kết quả học tập của học sinh chưa thực sự thuyết phục. Thực tế này cũng phần nào làm giảm sút sự nhiệt tình trong giảng dạy của một bộ phận giáo viên tại Trung tâm.

Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao đa số các phụ huynh và các em học sinh nhận thức được môn Piano là môn cần thiết và quan trọng nhưng thái độ học tập của các em lại mang tính thụ động? Hiện nay, tại Trung tâm vẫn còn phổ biến tình trạng học sinh lơ là việc rèn luyện kỹ thuật, không biết tự vỡ bài khi lên lớp,... Chúng tôi cho rằng, vấn đề này là do nhiều yếu tố tác động nhưng trước tiên, một trong những lý do chính đó là, do chúng ta chưa có phương pháp dạy học phù hợp và hiệu quả đúng đặc biệt, chương trình giảng dạy chưa thật gây hấp dẫn với từng nhóm lứa tuổi đặc biệt là nhóm lứa tuổi từ 6 đến 7, 8 tuổi.

2. Một số biện pháp dạy học kỹ thuật Piano cơ bản cho trẻ 6 tuổi

Kết hợp giữa thực hành với lý thuyết

Âm nhạc của mỗi thời kỳ có sự khác nhau về phong cách tác giả, mỗi tác phẩm âm nhạc đều mang một tính chất, hình tượng, phong cách riêng, chưa kể sắc thái cũng khác nhau,... và tác phẩm Piano cũng không ngoại lệ. Vì thế, để hiểu và chơi được một bản nhạc hay hoàn thiện kỹ thuật cơ bản một cách chính xác thì người giáo viên phải kết hợp những kiến thức lý thuyết như ký xướng âm, tìm hiểu về thể loại, xử lý sắc thái,…

Nhằm giúp giờ học được sinh động, không bị nhàm chán cũng như tạo không khí sôi nổi, giáo viên nên sử dụng thêm các giáo cụ trực quan trong những nội dung dạy lồng ghép lý thuyết, xướng âm,… Thông qua những phương dạy học sẽ giúp cho giáo viên thực hiện tốt hơn quá trình tổ chức các hoạt động trong dạy học. Giáo cụ trực quan giúp học sinh phát huy các giác quan khác năng lực hoạt động nhận thức tiếp nhận thực tiễn, nâng cao khả năng tự tìm tòi, kích thích khả năng khám phá vậy rèn luyện kỹ năng học tập và thực hành cho học sinh. Nếu giáo viên biết cách dùng giáo cụ trực quan linh hoạt, thì tiết học sẽ trở nên thú vị, và giúp cho học sinh nắm bắt được kiến thức một cách nhanh chóng và sâu hơn.

 Hướng dẫn học sinh tự vỡ bài

Tại Trung tâm Music Talent, thời gian học Piano trên lớp là 60 phút/buổi, với thời lượng khiêm tốn nên có nhiều bất cập cho giáo viên và học sinh. Piano là môn học chuyên về thực hành, cần luyện tập thường xuyên. Do đó, ngoài các buổi học cùng giáo viên trên lớp, thì những ngày, giờ trong tuần còn lại, học sinh muốn đạt kết quả tốt thì phải dành thời gian luyện tập ở nhà. Với biện pháp này chúng tôi xin đưa ra một cách như sau:

Trong các buổi học, giáo viên cần hướng dẫn học sinh tập trung vào các ký hiệu trong bài tập và yêu cầu kỹ thuật cơ bản. Khi tập, cần hướng dẫn các em tập từng tay riêng với tốc độ chậm trước rồi sau đó ghép hai tay. Khi đã tương đối hoàn thiện kỹ thuật thì lúc đó mới tăng tốc độ lên đúng với yêu cầu của tác phẩm. Bên cạnh đó, giáo viên nên hướng dẫn học sinh nhìn và ghi nhớ số ngón tay. Cần sắp xếp ngón tay một cách phù hợp để việc chơi đàn được lưu loát và linh hoạt khi xử lý tốc độ cao. Khi hướng dẫn kỹ thuật, giáo viên cần lưu ý cho học sinh những ký hiệu âm nhạc như Legato - Non Legato - Staccato,... trong mỗi bài học cụ thể.

Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá

Những môn học thuộc về rèn luyện kỹ năng nói chung và Piano nói riêng, thì phương pháp kiểm tra, đánh giá của người học là rất quan trọng. Qua mỗi tiết dạy, giáo viên sẽ quan sát, theo dõi từng em học sinh, bám vào phần xử lý các kỹ thuật của học sinh để kiểm tra, sửa những lỗi sai kỹ thuật cơ bản khi chơi đàn như: cao độ, sắc thái, tiết tấu,... Đặc biệt, khi các học sinh tự tập bài ở nhà thì không thể tránh khỏi những lỗi thường mắc phải như ngồi sai tư thế, lưng không thẳng, đặt bàn tay trên phím đàn bị gãy ngón, tùy tiện đổi ngón tay, chơi không đúng các kỹ thuật Legato, Staccato, Non Legato,... Chính vì vậy, giáo viên cần thường xuyên quan sát, kiểm tra, đồng thời hướng dẫn các phương pháp tập luyện ở nhà và tập luyện tại lớp ngay từ buổi đầu khi giao bài cũng như những buổi lên lớp trả bài tiếp theo, không để các em tự do tập bài một cách tùy tiện.

Lồng ghép trò chơi vào giờ học thực hành

Phương pháp sử dụng trò chơi trong dạy học là một trong những phương pháp tích cực, theo định hướng mới trong giai đoạn hiện nay “Học mà chơi, chơi mà học”. Với những ưu điểm nổi bật là giúp cho người học phát huy được tính chủ động trong việc tiếp thu kiến thức, rèn cho học sinh tinh thần đoàn kết, khả năng lựa chọn và tự quyết định đáp án mà mình cho là đúng. Khi học sinh tự tiếp thu kiến thức, tự tìm hiểu thông tin trong quá trình học thì sẽ dễ dàng ghi nhớ nội dung bài học hơn. Với tâm lý của học sinh 6 tuổi thì việc áp dụng phương pháp trò chơi trong dạy học là rất cần thiết.

3. Kết luận

Dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh đang là yêu cầu đặt ra trong giáo dục nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng. Ở các Trung tâm năng khiếu nghệ thuật hiện nay, mặc dù dạy học các môn âm nhạc và môn Piano là theo hướng xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của tất cả các trẻ em. Tuy nhiên, muốn phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển năng khiếu âm nhạc, tạo nguồn năng khiếu cho các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp thì việc củng cố, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập đối với các môn học thực hành nhạc cụ trong đó có môn Piano là rất cần thiết. Theo chúng tôi, chất lượng giảng dạy thể hiện chính ở chỗ cần chú trọng đến việc dạy bài bản hơn, trong đó kỹ thuật cơ bản là một yếu tố rất quan trọng. Có thể,  đối với một số học sinh ở thời gian học ban đầu, khi chưa đi vào nề nếp thì kỹ thuật cơ bản có vẻ hơi khó nhưng thiết nghĩ, khi đã học Piano, dù có chuyên nghiệp hay không chuyên thì vẫn cần những yếu tố bài bản, kỹ thuật.

Đối với giáo viên, việc nắm bắt tâm sinh lý, khả năng tiếp thu trong học tập của học sinh để lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả là rất cần thiết. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần chia sẻ những khó khăn về đặc điểm của một Trung tâm đào tạo âm nhạc không chuyên, với những em học sinh 6 tuổi mới tập làm quen với Piano, năng khiếu âm nhạc hạn chế sẽ không tránh khỏi khó khăn. Do đó, đối với dạy học phát triển phẩm chất năng lực của học sinh, người giáo viên cần nắm bắt và biết lấy học sinh làm trung tâm, luôn tìm tòi, lựa chọn và đưa ra những phương pháp dạy học phù hợp và hiệu quả thì mới đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần kích thích khả năng tìm tòi, sáng tạo, biết khơi gợi và nuôi dưỡng hứng thú học tập, rèn luyện cho học sinh, rèn luyện cho các em tính tự lập, kỹ năng tự tập luyện và bản lĩnh sân khấu khi biểu diễn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Thị Phương Mai (2003), Một số vấn đề trong việc giảng dạy học sinh Piano nhỏ tuổi ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Học viện Âm nhạc QGVN.
  2.  Nguyễn Thanh Quỳnh (2016), Phương pháp luyện ngón trên đàn piano   cho học sinh Trung học cơ sở tại Cung thiếu nhi Hà Nội, luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.
  3. Nguyễn Thị Thu Trang (2016), Dạy học đàn Piano cho trẻ 4-5 tuổi tại Trung tâm đào tạo Âm nhạc Musicland - Hà Nội, luận văn thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.