Nghiên cứu lý luận

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC HÁT THEO PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO HỌC SINH LỚP 6 TRƯỜNG SONG NGỮ QUỐC TẾ HANOI ACADEMY

22 Tháng Ba 2023

Học viên Phạm Thị Tố Quyên

K12- Chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc

 

Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực lấy học sinh (HS) làm trung tâm đang được rất nhiều các trường cấp học, giáo viên (GV) quan tâm trong những năm gần đây. Năm 2018, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông mới. Qua tìm hiểu các chuyên đề đổi mới giáo dục phổ thông cho thấy rằng có nhiều sự thay đổi so với chương trình giáo dục trước đây. Chính vì vậy mà GV trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy cũng đã có những thay đổi tích cực từ các quan điểm, nội dung, chương trình học tập và phương pháp giảng dạy nhằm phát triển tối đa năng lực của học sinh.

Trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy là hệ thống trường liên cấp từ Mầm Non đến Trung Học Phổ Thông tại Hà Nội, mục tiêu giáo dục là “Kiến Tạo Công Dân Toàn Cầu”. Đặc biệt về các phong trào văn hoá văn nghệ và về chất lượng dạy học âm nhạc trong nhà trường cũng rất được giáo viên (GV) âm nhạc, học sinh (HS) quan tâm, chú trọng đến.

Hát là phân môn mang tính thực hành cao, để dạy học đem lại hiệu quả tốt thì GV cần phải có phương pháp dạy học hát phù hợp cho từng đối tượng HS. Tuy nhiên, nếu chỉ dạy hát theo phương pháp dạy học (PPDH) truyền thống cũ thì học sinh chỉ học được sự truyền đạt dập khuôn từ giáo viên mà không lĩnh hội được các kiến thức đầy đủ. Do đó, giáo viên cần vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất âm nhạc, tạo cơ hội cho học sinh phát triển năng lực một cách toàn diện.

Tuy nhiên, theo chương trình 2018 mà Bộ GD-ĐT đề ra thì GV âm nhạc vẫn còn khá lúng túng trong cách xây dựng biện pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS. Vậy dạy học theo năng lực là gì, phương pháp dạy học phát triển năng lực được triển khai ra sao, so với cách dạy học truyền thống thì có điểm gì khác, làm thế nào để GV trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy có thể đáp ứng được theo yêu cầu mới hiện nay?

1. Lý luận về phương pháp

 Dạy học hát theo hướng phát triển năng lực: là cách dạy học hát hướng tới mục tiêu phát triển tối đa phẩm chất và năng lực học hát của người học thông qua hình thức tổ chức các hoạt động học tập độc lập, tích cực, sáng tạo của HS dưới sự tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ hợp lý của GV.

Các dạng thức của dạy học theo hướng phát triển năng lực bao gồm:

Dạy học phân hóa: là định hướng trong đó GV tổ chức dạy học tùy theo đối tượng, từ đó nhằm đảm bảo yêu cầu giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý, nhịp độ, khả năng, nhu cầu và hứng thú khác nhau của HS. Trên luận điểm đó, GV có thể phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi HS.

Dạy học tích hợp: là việc lồng ghép dạy học tích hợp vào các tiết học âm nhạc chính khóa hay ngoại khóa đem lại được hiệu quả cho HS. Khi dạy học tích hợp không chỉ khích lệ tính độc lập sáng tạo mà giúp các em trở thành chủ thể của hoạt động học, phải tự học, tự nghiên cứu để tìm ra kiến thức bằng hành động của chính bản thân mình. Các nội dung dạy học âm nhạc luôn gắn với cuộc sống hàng ngày, với các tình huống có ý nghĩa. Khi chính các em được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, phải trực tiếp quan sát, thảo luận, làm bài tập, giải quyết nhiệm vụ đặt ra theo cách nghĩ của mình, tự lực tìm kiếm nhằm khám phá những điều mình chưa rõ chứ không phải thụ động tiếp thu tri thức. 

Dạy học thông qua hoạt động: là khi chúng ta tổ chức cho GV tham gia vào các hoạt động học tập sẽ giúp việc học trở thành tự thân và sẽ đạt được hiệu quả cao nhất. Qua các hoạt động, HS sẽ ghi nhớ kiến thức được tốt hơn và phát triển năng lực HS toàn diện.

Dạy học theo hướng mở: là khuyến khích người học khám phá, thử nghiệm trực tiếp với kiến thức, hình thành các khái niệm và đưa ra các phân tích, kết luận của bản thân về kiến thức ấy. Trong đó, GV chỉ đóng vai trò là người định hướng, định hình nên hành vi tích cực cho người học, hướng cho HS vận dụng kiến thức đã học vào trong cuộc sống. Việc đưa bài học vào cuộc sống là việc làm thiết yếu trong dạy học phát triển năng lực.

Dạy học hát theo hướng phát triển năng lực cho học sinh trong phổ thông hiện nay là rất cần thiết. Cũng chính vì vậy mà việc dạy học phát triển năng lực cho học sinh của GV tại trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy hiện nay đang là tiêu đề chính, là yếu tố quyết định tạo sự đột phá, đổi mới trong chương trình giáo dục âm nhạc của trường cũng như hoàn thành mục tiêu mà chương trình giáo dục đã đề ra.

2. Một số phương pháp cơ bản cho việc dạy học hát phát triển năng lực cho HS lớp 6

Tại trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy khi mà một số GV vẫn sử dụng PPDH truyền thống thì so với GV sử dụng PPDH phát triển năng lực lại có nhiều sự thay đổi mới. Ở PPDH truyền thống, GV sử dụng PPDH truyền lời là chủ yếu. Trong môn Âm nhạc nói chung và phân môn hát nói riêng, thì các GV âm nhạc sẽ giới thiệu bài hát một cách đơn giản, đưa HS vào trực tiếp luôn vấn đề bài học nên trong quá trình học giữa GV và HS ít sự tương tác làm cho tiết học âm nhạc bị nhàm chán, lặp đi lặp lại dẫn đến HS không có sự sáng tạo và ứng dụng được vào trong thực tế.

Chính vì những vấn đề đó mà trường đã có những buổi tập huấn dành cho GV âm nhạc vận dụng một số phương pháp dạy học hát phát triển năng lực cho HS tạo nên một làn gió mới trong quá trình dạy và học giữa GV với HS. Tại trường GV được hướng dẫn dạy học hát theo chương trình âm nhạc bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo do Hồ Ngọc Khải – Nguyễn Thị Tố Mai (đồng Tổng chủ biên). HS được tiếp cận môn âm nhạc với phân môn hát một cách hứng thú và sôi nổi. Tạo được khả năng sáng tạo và lĩnh hội được các kiến thức một cách trọn vẹn cho HS.

2.1. Thiết kế hoạt động dạy hát

 Xác định chuần đầu ra năng lực của các bài học hát

  Bước 1: Dựa trên yêu cầu cần đạt của bài dạy hát để xác lập năng lực đặc thù mà bài dạy hát hình thành, phát triển cho HS các thành tố năng lực hát và thể hiện, vận dụng sáng tạo các thành tố đó.

  Bước 2: Trên cơ sở mỗi thành tố năng lực hát, xác lập các chỉ báo thể hiện năng lực hát cụ thể; từng mức độ yêu cầu cần đạt về năng lực của bài học hát. Việc xác lập cần đảm bảo chỉ báo quan sát, đo lường được.

  Bước 3: Đưa ra các tiêu chí chỉ báo về chất lượng được xác lập và phải đảm bảo mức độ năng lực tăng dần. Có thể sử dụng tích hợp các thang đo khác nhau như thang nhận thức của Bloom, thang kỹ năng thực hành của Dave…

Dạy học âm nhạc không cần hoàn toàn sơ cứng, dập khuôn mà GV có thể sáng tạo với các nội dung sáng tạo khác nhau để đáp ứng được mục tiêu phát triển năng lực.

Xác định nội dung và hình thức tổ chức dạy học bài hát:

Nội dung bài dạy học hát được xác định và chỉ ra thông qua những căn cứ về tìm hiểu, GV phân tích bài hát để xác định câu hỏi, vấn đề chính cần giải quyết trong bài dạy học hát.

Lập bảng mức độ yêu cầu bài dạy học hát:

Gv cần đưa ra các chỉ báo năng lực cần đạt của HS sau khi học xong bài hát được mô tả cụ thể thông qua 4 mức độ yêu cầu (hát chính xác bài hát, hát diễn cảm đúng tính chất, hát diễn cảm kết hợp vận động, vận dụng sáng tạo) Những nội dung, yêu cầu, mức độ được mô tả sẽ là căn cứ để biên soạn các bài tập câu hỏi, bài tập, nhiệm vụ học tập và kiểm tra đánh giá cho HS.

Xác định phương pháp, phương tiện:

Trên cơ sở về chuẩn đầu ra năng lực, nội dung bài hát, trình độ của HS lớp 6 của trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy và bảng mức độ yêu cầu về nhiệm vụ học, bài tập, câu hỏi để giúp cho GV lựa chọn ra các phương pháp, phương tiện chính phục vụ cho tổ chức các hoạt động dạy học hát phù hợp.

Biên soạn bài tập kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh:

Ví dụ ở bài Hò ba lí (Dân ca Quảng Nam), GV sẽ biên soạn các câu hỏi phù hợp với bài và năng lực của HS.

GV có thể hướng dẫn HS qua các tiêu chí của thang năng lực như:

Câu hỏi cấp độ Kiến thức (1) có thể là: Nội dung của bài hát Hò ba lí là gì?

Câu hỏi cấp độ Lĩnh hội (2) có thể là: Thông qua nội dung bài hát, em có cảm nhận gì và cần phải làm gì để thể hiện điều đó?

Câu hỏi cấp độ Ứng dụng (3) có thể là: Em hãy dùng thanh phách để gõ và hát bài Hò ba lí

Ở cấp độ Phân tích (4)câu hỏi có thể là: Cách hát của đoạn một và đoạn hai trong bài Hò ba lí có điểm gì khác nhau(Phân tích, so sánh, đối chiếu).

Cấp độ Tổng hợp (5)đòi hỏi học sinh phải có một sản phẩm âm nhạc, ví dụ như: Qua bài hát, em có thể chỉ ra được âm hình tiết tấu chủ đạo của bài như thế nào và sử dụng thanh gõ để gõ tiết tấu đấy cho cả lớp nghe? (Tổng hợp, đề xuất, kết hợp giữa lí thuyết và kỹ năng).

Cấp độ Đánh giá, sáng tạo (6), câu hỏi có thể là: Em có biết bài hát nào về dân ca không, có thể áp dụng cách hát bài theo lối xướng- xô vào bài đó được không?

Thiết kế tiến trình dạy học bài hát:

Tiến trình dạy học bài hát phải thiết kế thành các hoạt động của HS để thực hiện trên lớp và tự luyện tập ở nhà. Mỗi tiến trình trên lớp, GV không nhất thiết phải thực hiện tất cả mà chỉ cần thực hiện một số hoạt động trong tiến trình sư phạm của phương pháp và kỹ thuật dạy học sử dụng. Tuy nhiên, kế hoạch dạy học của mỗi bài hát cần thể hiện rõ ràng. Các hoạt động học hát của HS cần sử dụng phương pháp dạy học tích cực như: phương pháp phát hiện và giải quyết vấn đề, phương pháp trò chơi... GV cần thiết kế các hoạt động học xoay quanh việc thực hành hát để giải quyết vấn đề chính của bài.

2.2. Tổ chức hoạt động dạy học hát

Hướng dẫn học sinh khởi động học tập hát:

Đối với GV, trước khi hướng dẫn HS khởi động tập hát thì cần phải thiết lập, hướng tới giảng dạy cho HS các mẫu âm luyện thanh phù hợp với năng lực và tính chất của bài hát sẽ học tiếp theo. Khởi động giọng trước khi hát, cũng giống như khởi động cơ thể trước khi chơi thể thao. Vì khi khởi động, các cơ sẽ được giãn và thoải mái cũng như được thả lỏng nếu không thì sẽ rất dễ bị chấn thương. Trong học hát, chúng ta nếu không hướng dẫn HS khởi động giọng kĩ sẽ dễ gây tổn thương dây thanh của HS làm cho giọng hát bị khàn, oét khi hát vào bài sẽ bị lệch lạc mất âm thanh. Vậy nên GV cần hướng dẫn các em HS khởi động kĩ trước khi học hát.

Hướng dẫn học sinh khám phá kiến thức mới của bài hát:

GV cần thông qua các căn cứ tìm hiểu, phân tích bài hát để hướng dẫn HS bắt đầu khám phá kiến thức mới của bài hát.

Hướng dẫn học sinh phát hiện và giải quyết vấn đề của bài hát:

Lấy HS làm trung tâm, các em được thể hiện năng lực của bản thân, tiếp thu các kiến thức mới một cách chủ động, tiết học hát thêm nhiều hoạt động được trao đổi giữa GV và HS thông qua các PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề của GV hướng dẫn.

Hướng dẫn phân nhóm hát:

GV cần phân nhóm lớp ra để hướng dẫn học hát cho các em nắm chắc được bài. Khi phân nhóm, có thể theo nhóm khối tổ, hay có thể theo nhóm dãy bàn thì các em sẽ được luyện tập hát một cách chỉn chu nhất.

Hướng dẫn vận dụng sáng tạo trong trình diễn bài hát:

Khi các em được sáng tạo trong trình diễn bài hát thì các em sẽ cảm thấy được tự tin hơn khi hát hoặc làm việc trước đám đông. Tăng khả năng lãnh đạo và làm chủ bản thân trong các em

2.3. Đánh giá kết quả học tập

Hát chính xác bài hát, hát diễn cảm đúng tính chất, hát diễn cảm kết hợp vận động, vận dụng sáng tạo. Giáo viên cần tóm tắt từng vấn đề trong bài học, bổ sung tri thức mới của bài học; nêu câu hỏi xem học sinh đã hiểu các vấn đề trong các tình huống thể hiện âm nhạc, phân tích, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc; nhận xét, đánh giá về hoạt động nhóm hoặc cá nhân hay tập thể.

Kết luận

Tại trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy trong quá trình giảng dạy GV đã vận dụng một số phương pháp dạy học phù hợp như thiết kế hoạt động dạy hát, tổ chức hoạt động dạy học hát, đánh giá kết quả học tập. Đây cũng chính là những phương pháp thiết thực nhất để GV thành lập quá trình dạy học hát. Từ đó, giúp cho các em HS yêu thích ca hát hơn, thể hiện tốt những bài hát trong chương trình âm nhạc lớp 6, phát triển được khả năng tư duy, tinh thần tự học hỏi tìm hiểu bài, ứng dụng thực tiễn trong các chương trình âm nhạc thực tế của bản thân.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo Dục và Đào tạo (2017), Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

2. Nguyễn Thị Tố Mai (chủ biên, 2018), Học âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực (các lớp 6, 7, 8, 9), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Tố Mai (chủ biên, 2018), Dạy âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực (các lớp 6, 7, 8, 9), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Tố Mai (2019), Nghiên cứu nội dung và phương pháp dạy học mới cho sinh viên Sư phạm Âm nhạc đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông ở Việt Nam, đề tài NCKH cấp Bộ.