Nghiên cứu lý luận

Đặc trưng nghệ thuật tạo hình trong tranh dân gian làng Sình

10 Tháng Giêng 2018

 Nguyễn Văn Phúc [*]

 

      Tranh dân gian Việt Nam luôn gắn bó in đậm dấu ấn trong cuộc sống tình cảm con người. Chủ đề tư tưởng cũng những đặc trưng độc đáo riêng biệt của tranh dân gian là những yếu tố tạo nên giá trị nghệ thuật,  thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của người xem.

      Làng Sình nổi tiếng bởi nghề làm tranh phục vụ tín ngưỡng và thờ cúng. Tranh làng Sình có thể sánh với các dòng tranh dân gian miền Bắc như Ðông Hồ, Hàng Trống... Tranh Làng Sình có đặc thù riêng như: Chất liệu dân giã, màu sắc mộc mạc, chủ đề hướng về tâm linh, đường nét phong phú, bố cục đa dạng, cộng với vẻ thô mộc gần gũi đã làm nên nét đẹp của dòng tranh dân gian đất Huế.  Lịch sử lâu đời và những đặc trưng địa lý của một làng quê ở ngã ba sông nước đã tạo cho làng Sình một bản sắc văn hóa riêng, độc đáo trong dòng chảy văn hóa Huế. Ngày nay với những gì còn lưu giữ, tranh dân gian làng Sình được đánh giá cao về những giá trị nghệ thuật tạo hình dân gian gắn liền với chức năng tâm linh của cư dân các làng quê miền Trung. Tự thân mỗi bức tranh đã có tiếng nói tâm linh- thẩm mỹ với sức mạnh biểu cảm niềm tin linh diệu, thiêng liêng trong đó.

      Về mặt nghệ thuật, tranh thờ làng Sình nổi bật ở cấu trúc đường nét, đó là yếu tố tạo hình cơ bản và sinh động nhất mà người nghệ nhân làng Sình sáng tạo nên. Nét trong tranh thờ làng Sình không trau chuốt, tinh nhã, sang trọng như tranh thờ Hàng Trống mà giản dị, chân chất và lay động. Ở mỗi đường nét đều hiện lên cảm xúc thẩm mỹ sâu lắng và niềm tin tâm linh sâu sắc, đây là điều rất khác biệt về ý niệm nghệ thuật - tâm linh của loại tranh này. Có những tranh nét thoáng, giản dị như tranh Con Ảnh, Con Tra Điệu, Khí dụng. Có những tranh nét dàn trải, phức hợp như tranh Bát Âm. Có tranh Heo, Trâu, Bò in mảng với vài nét phối hợp như tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ). Chính kiểu in mảng này đã tạo cho tranh làng Sình một chất biểu cảm mới, bình dị và chân thật, đậm đà bản sắc dân tộc.

      So sánh dòng tranh làng Sình với các dòng tranh dân gian khác sẽ thấy không lẫn vào đâu được. Nét vẽ và bố cục còn rất thô sơ, mộc mạc nhưng lại rất có hồn.

      Tranh thờ dân gian làng Sình lấy nét làm cơ sở, có tranh chỉ cần in nét là xong như tranh Tượng Ông, Trâu, Tiền xu, Cọp, Cung tên, có tranh chỉ điểm vài nét màu như con ảnh (nam, nữ, bé trai, bé gái), có tranh bôi màu kín từng mảng nhỏ tạo thành những mảng tiếp diễn khác nhau được phân bố đều khắp như tranh con Tra Điệu, Khí dụng, cấu trúc nét thô mạnh như tranh Đông Hồ. Nhưng đường lượn của nét, mật độ nét có vẻ gần với tranh dân gian Nam Bộ. Loại tranh vẽ Ngựa bay, Nhà kho, Thuyền, cùng các loại đồ dùng với màu đa sắc thì vẫn cho thấy nét là yếu tố chủ đạo. Các nhóm tranh khác nhau đều thể hiện rõ vai trò của nét trong tạo dựng hình tượng như Diêm Vương (trông coi địa ngục), Mẫu Thoải (cai quản vùng biển), Ngũ vị Hoàng tử, Bát Âm, Thuyền rồng, Chậu hoa, Nhà lầu, Ngựa bay, ... Nét cũng là ngôn ngữ tạo hình quan trọng trong bộ tranh cúng cầu cho con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn như tranh Bà Càn Thát,  Thập nhị thần (12 con vật)... Tranh Ngũ vị Hoàng tử là một trong những tranh phản ánh nhiều yếu tố ảnh hưởng từ văn hóa cung đình, vì vậy nét khá thanh nhã, đan xen, nhấn nhá vừa phải, đặc biệt sự diễn tả chân dung mỗi vị hoàng tử thể hiện có sự nhấn nhá rất sâu bằng nét. Cấu trúc nét của tranh này có vẻ khác với bút pháp tạo nét thông thường trong dân gian, cho thấy rất gần với lối vẽ cung đình.

      Tranh Bát Âm (gồm tám cô biểu diễn các loại nhạc cụ), mỗi bức thực sự là bộ tranh Tố nữ Huế, đòi hỏi sự tinh tế trong khắc ván cũng như tô màu. Ta có thể thấy trên các trang phục của các cô tố nữ có sự cầu kỳ từng chi tiết, như huê cài áo, huê giắt đầu, cho đến các văn đồng tiền, chữ thọ đến các đôi hài của các cô, đến các nhạc cụ của các cô cầm trên tay. Nét khắc của bộ tranh này khá mảnh, nhiều chi tiết nên bản khắc thường không sâu.

      Tranh dân gian làng Sình lấy đường nét làm cơ sở tạo hình cơ bản, không đi sâu vào miêu tả đường nét kỹ càng, tỉ mỉ mà nét trong tranh làng Sinh rất đơn giản, góp phần tạo mảng khối rõ ràng. Cái khác biệt của tranh làng Sình với các dòng tranh dân gian khác chính ở nét vẽ và bố cục còn rất thô sơ, hồn nhiên đậm chất mộc mạc làng quê. Khi sáng tác một bức tranh, bản mộc chỉ giữ vai trò làm khuôn và in màu chính (thường là màu tím chàm). Những màu sắc còn lại được người nghệ nhân vẽ bằng tay. Chính vì thế không có bức nào giống bức nào. Mỗi bức đều mang trong mình tâm trạng của nghệ nhân lúc đó.

      1. Màu sắc trong tranh làng Sình

      Về màu sắc trong tranh làng Sình chủ yếu là màu sắc rực rỡ, màu sắc dựa vào hệ ngũ sắc và những cặp màu tương phản để tạo ra màu sắc lạ vừa đối chọi nhau nhưng vừa rất dịu như: màu lục và màu cánh sen, màu vàng và màu chàm, màu trắng và màu đen...

      Màu sắc luôn tác động đến đời sống của con người, chi phối tất cả các ngành nghề trong cuộc sống, người hoạ sĩ cần nghiên cứu để ứng dụng cho phù hợp với ngành nghề của mình việc ứng dụng hệ ngũ sắc vào các bài học trang trí, từ cơ bản đến trang trí ứng dụng đều cho một hiệu quả tốt. Bản chất của sáu màu trong hệ ngũ sắc là những màu mạnh, đỏ, vàng, lam là ba màu mà không một màu nào có thể pha được nó ngược lại nó là nguồn gốc phát sinh ra vô số màu mới. Từ những màu sắc trong hệ ngũ sắc đặt lên nhau sẽ tạo ra những sắc độ mới tạo ra những hiệu quả đặc trưng cơ bản của màu như độ căng về màu sắc.

      Mỗi bức tranh làng Sình mang một nét riêng, với những tông màu chính là xanh, đỏ, đen, vàng, tím. Bố cục màu được quy định chặt chẽ nhưng không hề đơn điệu bởi sắc màu tươi tắn cùng đường nét tự nhiên. Bức tranh khi hoàn thành sẽ lấp lánh bởi vỏ điệp, nền nã bởi chất màu thô mộc, quyến rũ và quan trọng hơn cả là khi bức tranh đến tay người sử dụng đã ẩn chứa một cái gì đó thiêng liêng của cõi tâm linh.

      Tuy in bằng khuôn nhưng không có bức tranh nào giống bức tranh nào bởi khâu làm nguội đã làm thay đổi tất cả thần thái của bức tranh. Tranh dân gian làng Sình với nét màu đen chủ đạo, hay những sắc màu tươi rói và cả những gam màu trầm ấm là chủ đạo biến hóa, đôi khi điểm xuyết thêm những phương pháp tạo hình hiện đại, kết hợp từ dân gian với nét, mảng, chất liệu màu phẳng, gồ ghề giàu sức biểu cảm…, tạo ra nét riêng biệt trong cách thể hiện. Một cái nhìn mới về truyền thống có thể là từ những cảm nhận về đề tài. Trong thời đại mà một số người đua nhau đi tìm cái mới, cái lạ mắt, hướng ngoại nhiều hơn thì tranh Sình lại đưa các họa sĩ trở về cái bình dị vốn có của nó, trong quá trình đó họ tìm thấy ở tranh dân gian làng Sình sự thích ứng và xúc cảm thẩm mỹ đối với sáng tạo nghệ thuật và muốn tạo ra hình tượng nghệ thuật mới.

      2. Quan niệm về tạo hình

      Khuynh hướng tả thực hay biểu trưng trong nghệ thuật không xác định trình độ văn minh, mà nó phản ánh đặc trưng loại hình văn hóa của khu vực đó. Điều này lý giải tại sao phong cách tả thực truyền thống phương Tây được áp dụng triệt để ngay cả khi thể hiện những đề tài thần thoại, tưởng tượng. Những thiên thân của thế giới phương Tây cũng có hình dạng của một chú bé chỉ khác trên lưng có thêm đôi cánh để có thể bay lượn. Ngược lại ở nghệ thuật phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng ngay cả khi thể hiện cái thực người nghệ sĩ cũng vẽ một cách ước lệ, biểu trưng. Với hình thức này, hình thể sự vật được chắt lọc, giản lược triệt để đạt tới nội dung tư tưởng bên trong của sự vật. Hình thể sự vật do vậy có thể cách điệu, bóp méo thẩm chí đến bất hợp lý để đạt đến sự biểu cảm về nội dung. Rất nhiều thủ pháp nghệ thuật độc đáo đã được sử dụng như gợi tả, tổng hợp, mô hình hóa, biểu tượng… Tuy nó tạo ra thể loại tranh có hình thức đơn giản, cảm giác không thực, nhưng lại có tính tượng trưng, sức gợi tả rất lớn.

      Nếu phối cảnh không gian xa gần của hội họa phương Tây đã tạo ra lối bố cục tuân thủ quy luật thị giác thì ở tranh dân gian làng Sình các nghệ nhân đã dùng phối cảnh ước lệ Phương Đông làm cơ sở để tạo ra lối bố cục không gian tượng trưng và khái quát, chắt lọc về đường nét, về màu sắc.

      Bố cục tranh dân gian làng Sình là nhịp điệu hài hòa cả về hình lẫn sắc, bố cục hồn nhiên của nghệ thuật dân gian, bỏ dần chiều sâu của khung cảnh, bố trí nhân vật táo bạo, tranh dân gian dựa trên hình mảng khái quát, hình tượng hội họa được cụ thể hóa bằng cách điển hình các sự vật tạo ra dáng những con người và cảnh vật, ghi chép lại những hình ảnh giới tự nhiên, làm sống lại những trí tưởng tượng bằng bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, họ đã tạo ra được những hình tượng hội họa mang tính chiều sâu của đời sống tâm linh.

      Tranh làng Sình chú trọng đến bố cục, đường nét, đường nét được xem là dáng, với bố cục theo lối ước lệ, thuận mắt. Trong tranh dân gian làng Sình ta thấy chủ yếu là sử dụng những bố cục đối xứng, song song, cân đối đơn giản, nhân vật luôn ở giữa tranh, vừa to nổi bật như các tranh Môn thần, Tranh Bếp, Ảnh nữ, Ảnh nam, Bát âm, Mười hai con giáp…

      Bố cục của tranh thường được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn theo lối vẽ đơn tuyến bình đồ, do đó xem tranh dân gian làng Sình ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô, đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.

Nếu đứng về phương pháp tạo hình theo kiểu bác học để nhận xét trong cách tạo hình của tranh dân gian thì dễ thấy cái gì cũng sai, thiếu khoa học. Dựng hình người, vật đều xộc xệch, so sánh tương quan chung trong một bức tranh tỉ lệ người không cân xứng. Màu sắc, không gian và ánh sáng không thể hiện theo quy tắc khoa học về tạo hình... Điều đó có thể thấy qua bộ tranh thế mạng của tranh dân gian làng Sình.

      Tranh làng Sình được đánh giá cao về những giá trị nghệ thuật tạo hình dân gian gắn liền với chức năng tâm linh của cư dân Huế nói riêng và cư dân các làng quê miền Trung nói chung.

      Trong tranh dân gian làng Sình ngoài yếu tố thực còn có yếu tố siêu thực. Tranh tượng Bà là một điển hình. Khác với những tờ tranh thế mạng, tranh tượng Bà sau khi cúng xong được dán trên bàn thờ riêng thờ quanh năm cuối năm mới đốt. Tượng bà còn chia thành ba loại: tượng Đế, tượng chùa, và tượng ngang. Mặc dù các bức tranh được in mộc bản trên giấy phẳng, người Huế thường gọi là các bức tranh thờ này là tượng.

      Trong tranh Sình, hình ảnh Bà cưỡi trên một con voi tư thế phục chứng tỏ uy lực của Bà đối với bổn mạng, vì thế có tên gọi là tượng Voi, tượng Chùa... Cũng có lúc bà ngự trên một đài cao gọi là tượng Đế, hai bên luôn có Kim Đồng và Ngọc Nữ đứng hầu, tất cả toát lên trên khuôn mặt từ bi là sự kết tinh của lòng nhân ái, khoan dung và luôn đầy tinh thần trách nhiệm. Hình ảnh con voi trong tranh tượng Bà luôn gắn liền với nhau. Về bố cục các nhân vật trong tranh thờ đều giữ nguyên tắc là nhân vật có danh vị lớn nhất, được vẽ với tỷ lệ to nhất và được đặt ở vị trí quan trọng nhất của tranh, được tô điểm cao nhất bằng tạo hình, bằng trang trí và các vật phù trợ cho được nổi nhất. Các nhân vật nhỏ nhất được vẽ bé nhất cho dù nó không hợp với thực tại, bởi lẽ đây là ý niệm về thần linh và con người, không phải sự hợp lý của thị giác. Là loại tranh do trí tưởng tượng và ý niệm tạo thành, nên từ hình thể đến không gian mang tính siêu thực, trong nó chứa đựng một phần của ý niệm và trí tưởng tượng tạo thành. Cùng với những ý tưởng về không gian, các nghệ nhân đã sáng tạo ra những vẻ đẹp của các tầng không gian khác nhau. Nó đã siêu lên khỏi cái không gian cụ thể của trần gian, vượt ra khỏi cái nhìn thị giác tạo nên những hình lý tưởng mang tính siêu thực. 

      Cũng như các dòng tranh dân gian khác, tranh làng Sình trước hết là một tác phẩm nghệ thuật, ngoài chức năng thờ cúng phục vụ tín ngưỡng nó còn gần gũi với cuộc sống đời thường, không khác biệt, xa với những chủ đề của các bức tranh mỹ thuật trang trí. Tuy trong điều kiện hiện nay, nhiều yếu tố trong tranh đã bị “hiện đại hóa” ít nhiều ảnh hưởng đến chất dân gian của tranh, thế nhưng cái “thần” của các thế hệ cha ông được kết tinh trong bố cục đường nét nội dung tranh hết sức tinh tế và sâu sắc, vẫn được lưu truyền cho đến hôm nay và cả mai sau.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tôn Thất Bình (1994), Tranh thờ dân gian làng Sình, quá khứ, hiện tại và nhu cầu, Tạp chí Huế Xưa và nay, Huế.

2. Phan Thanh Bình (1995), Một dòng tranh dân gian trên đất Huế, Tạp chínghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Huế.

3. Phan Thanh Bình (2008), Phục dựng giới thiệu tranh dân gian làng Sình Huế, Đề tài NCKH cấp trường, Đại học Nghệ thuật Huế.

4. Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Tôn Nữ Khánh Trang, Lê Chí Xuân Minh (2002), Nghề tranh làng Sình, Đề tài nghiên cứu thuộc chương trình nghiên cứu - sưu tầm - bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế.

5. Nguyễn Hữu Thông (2011), “Làng Sình và nghề làm tranh”, Tổng tập làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 5, tr 1334-1355, Nxb KHXH, Hà Nội.

 

______________________

[*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật