Nghiên cứu lý luận

Giải pháp quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

02 Tháng Hai 2018

Lê Ngọc Hải

Lớp cao học K4 – Quản lý văn hóa

 

Quận Nam Từ Liêm là một quận mới được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ-CP, ngày 27/12/2013 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính quận Nam Từ Liêm để thành lập 02 quận (Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm). Theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Nam Từ Liêm là một trong những đô thị lõi, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, tập trung phát triển kinh tế trong khi chưa xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ di tích văn hóa, ý thức chấp hành luật pháp và nhận thức của cộng đồng về bảo tồn di tích lịch sử văn hóa trong phát triển chưa đầy đủ rất dễ dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững.

Với chuyển động đô thị hóa, những biểu tượng truyền thống đang biến dạng, diện tích đình ngày càng bị thu hẹp dần (nhất là những nơi tiếp giáp với nội thành như phường Trung Văn). Kiến trúc của đình cũng bị xâm phạm cả về kiểu dáng lẫn về cảnh quan. Hiện tượng bê tông hóa, sự thay đổi kiểu dáng qua những lần sửa chữa, sự thu hẹp diện tích làm kiến trúc đình của thành phố ngày càng pha tạp, xa dần sự thống nhất và cổ kính. Sự chuyển dịch kinh tế nông nghiệp - phi nông nghiệp làm mất hẳn vị trí quan trọng của cái đình. Việc phát triển kinh tế xã hội, kinh tế thị trường cũng dẫn đến sự thương mại hóa, thị trường hóa lễ hội của nhiều di tích...

Tất cả các yếu tố trên đã ảnh hưởng rất lớn đến phương hướng và nhiệm vụ trong việc quản lý di tích lịch sử văn hóa như đình Phùng Khoang. Do đó, cần có những giải pháp và phương hướng những giải pháp ứng sử thích hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa đình Phùng Khang trong bối cảnh hiện nay.

1.    Kiện toàn cơ chế, chính sách

Về chính sách tăng cường đầu tư cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa: trong những năm qua, chính quyền tỉnh quận Nam Từ Liêm đã dành một nguồn kinh phí lớn từ ngân sách để đầu tư cho việc trùng tu, tôn tạo di tích đình Phùng Khoang. Trước khi xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đình Phùng Khoang đã có một nguồn kinh phí lớn đã được đầu tư nhằm tu bổ sửa chữa lại toàn bộ di tích đình Phùng Khoang. Tuy nhiên,  để việc đầu tư này thực sự đem lại hiệu quả nhằm phát huy hết giá trị của di tích, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về thực trạng của các di tích (trên cơ sở bản quy hoạch hệ thống di tích), tiến hành phân di tích thành các loại khác nhau theo tình trạng xuống cấp, hư hỏng, trên cơ sở đó tiến hành đầu tư khẩn cấp cho các bộ phận (từng phần) của di tích. Bởi lẽ, đình Phùng Khoang  là di tích lịch sử văn hóa được coi là đại diện, là bản sắc, hình ảnh biểu tượng của cộng đồng, của người dân Phùng Khoang. Việc đầu tư ngân sách để bảo vệ các di tích này chính là làm tăng niềm tự hào cho cộng đồng.

Bên cạnh việc bảo tồn, tôn tạo các di tích về công trình kiến trúc, di vật, cổ và không gian cảnh quan của di tích, cần chú ý tới việc phục hồi, bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể gắn với các di tích đó.

Hiện nay, người dân khi đến các di tích nhất là di tích tôn giáo tín ngưỡng, người ta chú ý, quan tâm nhiều đến giá trị văn hóa phi vật thể của di tích đó. Do vậy, cần tăng cường công tác kiểm kê, phân loại các loại hình DSVH phi vật thể tại di tích, xác định các hình thức biểu đạt dân gian truyền thống và các không gian diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống. Căn cứ vào kết quả kiểm kê, phân loại, từng bước lập hồ sơ cho các DSVH phi vật thể, hoạch định khu vực bảo vệ đối với các không gian văn hóa truyền thống đó. Lựa chọn phục hồi một số lễ hội và hoạt động văn hóa dân gian có giá trị, tổ chức các cuộc thi ở địa phương có những trò chơi, trò diễn giống nhau như: thi thổi cơm, thi bắt vịt, đấu vật, thi hát… Bên cạnh đó cần vận động và tạo điều kiện để nhân dân tổ chức sưu tầm, giới thiệu các giá trị DSVH phi vật thể của địa phương tại các di tích.

Xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Kết quả của hoạt động trùng tu, tu bổ di tích đình Phùng Khoang trong những năm qua cho thấy vai trò của cộng đồng được thể hiện rất rõ: cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước thì một nguồn lực rất lớn huy động được từ nhân dân tham gia vào việc bảo vệ, trùng tu, khôi phục di tích. Nhờ có những nguồn lực này mà di tích đã thoát khỏi tình trạng xuống cấp, tránh được những nguy cơ xâm hại của con người, của thiên nhiên. Đây là những việc làm rất quý, đáng trân trọng, cần phát huy bằng những cơ chế phù hợp. Cần tiếp tục đổi mới pháp luật, thể chế nhằm phát huy hơn nữa sáng kiến và tinh thần làm chủ của người dân trong việc quản lý xã hội và cộng đồng được coi là giải pháp có hiệu quả thu hút sự tham gia của người dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra"và người dân sẽ hưởng chính thành quả của sự tham gia này.

Cần nghiên cứu để xây dựng chính sách quản lý và sử dụng các nguồn tài chính tại di tích (tiền công đức, tiền tài trợ, tiền kinh doanh dịch vụ…) theo hướng ưu tiên. Sử dụng các nguồn thu đầu tư cho việc tái đầu tư đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Việc xây dựng chính sách quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính cần được thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, công khai, khoa học và có hiệu quả, nhà nước không nắm giữ nguồn tài chính này nhưng có quyền giám sát các nguồn thu - chi, các BQL di tích phải có chế độ báo cáo thường xuyên cho các cơ quan quản lý về số lượng, mục đích sử dụng kinh phí đóng góp của người dân.

Có chính sách trợ cấp cho người trực tiếp trông coi, quản lý di tích, đồng thời có chính sách cụ thể để tôn vinh, ưu đãi những người có công bảo vệ, truyền dạy và phát huy giá trị của di tích. Tuy nhiên, các đối tượng đang trực tiếp tham gia bảo vệ tại các di tích như các thủ từ, thủ nhang tại các đình…. Đây là di tích không có hoặc ít có nguồn thu nên những người trông coi, bảo vệ cho di tích không hoặc được hưởng quyền lợi rất ít. Vì vậy, chính quyền các cấp cần xây dựng chính sách, có những khoản hỗ trợ nhất định cho những đối tượng này tùy khả năng ngân sách nhằm động viên, khuyến khích họ tham gia, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích. Ở các di tích gắn với tín ngưỡng có đồ thờ cúng thì cho phép người quản lý được hưởng một phần đồ thờ cúng đó, coi như một hình thức động viên cho họ. Để khuyến khích những người có thành tích quản lý tốt di tích, các cấp chính quyền địa phương cần áp dụng các hình thức ghi công thích hợp như khen thưởng (cả vật chất lẫn tinh thần), ưu tiên xét gia đình văn hóa.

Tăng cường sự phối hợp liên ngành. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích cũng cần chú ý đến sự phối hợp liên ngành, trong đó cần chú ý đến sự liên kết chặt chẽ giữa công tác quản lý di tích với các đơn vị thực hiện quản lý phát triển công nghiệp, quản lý đô thị trong quá trình CNH, ĐTH hiện nay. Khi tiến hành quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cơ sở vật chất, phát triển đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, nếu có sự phối hợp chặt chẽ, sẽ khoanh vùng được các địa điểm di tích tồn tại, cần được bảo tồn các công trình xây dựng không được làm ảnh hưởng đến di tích. Theo đó, các di tích các di tích là đối tượng sẽ đồng thời được bảo tồn và khai thác, tránh không phải điều chỉnh các quy hoạch trong tương lai gây tốn kém, lãng phí. Trong quá trình phát triển công nghiệp, mở rộng đô thị sẽ không tránh khỏi việc “va chạm"với các di tích, vì vậy cũng cần xây dựng cơ chế xử lý nhanh giữa bộ phận quản lý DSVH và các đơn vị quản lý công nghiệp, quản lý đô thị khi xuất hiện các tác động xấu của CNH, ĐTH đến các di tích. Sự bàn thuận, thống nhất giữa các bên một cách nhanh chóng, hợp lý sẽ làm cho các di tích tránh được nguy cơ bị xâm hại, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của di tích đó.

2.    Tăng cường công tác Quản lý của Nhà nước đối với hoạt động bảo tồn  và phát huy giá trị tại di tích đình Phùng Khoang

Đối với BQL di tích và Danh thắng Hà Nội: cần mở rộng chức năng, nhiệm vụ về bảo vệ phát huy giá trị DSVH trên địa bàn thành phố. Hiện nay, mô hình hoạt động của BQL đã, đang giải quyết kịp thời, có hiệu quả đối với các DSVH vật thể trên địa bàn thành phố, còn đối với các DSVH phi vật thể như lễ hội, tín ngưỡng… thực sự BQL di tích chưa với tới được. Trong khi đó, việc bảo tồn, phát huy di tích lịch sử văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ với các DSVH phi vật thể như lễ hội, tín ngưỡng... Để đảm bảo cho BQL di tích hoàn thành chức năng, nhiệm vụ cần tăng cường số lượng cán bộ được đào tạo theo đúng các chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực bảo tồn DSVH. Đồng thời, thành lập Quỹ bảo tồn di sản do Trung tâm quản lý, giám sát. Quỹ có nhiệm vụ kêu gọi, huy động, tìm nguồn tài trợ từ cộng đồng để phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và khai thác giá trị DSVH cả về vật thể lẫn phi vật thể.

Đối với BQL di tích đình Phùng Khoang: Cần nâng cao vai trò của các bên tham gia, trong đó chú ý tới vai trò tự quản của cộng đồng. Sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương (Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch phường) là rất quan trọng nhưng với một địa bàn có nhiều điểm di tích thì khả năng bao quát được hết các di tích là điều khó khăn.

Xác định rõ nhiệm vụ của BQL địa phương là tổ chức trông nom, bảo vệ, giới thiệu giá trị của di tích...  những vấn đề liên quan đến chuyên môn như bảo quản tu bổ, phục hồi di tích, nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể cần có sự quản lý, giám sát và phê duyệt của cơ quan chuyên môn là BQL di tích và danh thắng. Để phòng tránh tình trạng xâm hại di tích, tu bổ di tích sai nguyên tắc cần thiết phải thiết lập đường dây nóng với số điện thoại của ông/bà trưởng ban hoặc cán bộ phụ trách thường trực 24/24h, tổ chức đặt các hòm thư tố giác sai phạm tại di tích, nhằm đón nhận mọi thông tin phản hồi từ cộng đồng. Mọi thông tin cần phải được phúc đáp trong vòng từ 1 đến 5 ngày. Đây là một trong những việc thực hiện cơ chế hai chiều giữa cơ quan quản lý và cộng đồng.

3.     Tăng cường tổ chức và triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích đình Phùng Khoang

Tăng cường, đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về di tích lịch sử văn hóa.. Do vậy, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền về di tích cho người dân, bởi lẽ sự ủng hộ của cộng đồng, vai trò của quần chúng nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng, bởi vì chính cộng đồng tạo ra di tích và cũng chính cộng đồng là người sử dụng di tích, bây giờ cộng đồng phải là người quản lý, bảo vệ di tích.

Các cơ quan quản lý các cấp cần khai thác thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo, đài, internet...) làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về vai trò, giá trị của DSVH phi vật thể và vật thể ở các quận nam, thị xã... Nhận thức quyết định hành động của con người. Vì vậy, trong hoạt động quản lý di tích, cần nỗ lực tạo điều kiện cho cộng đồng nhận diện đúng giá trị của DSVH nói chung, di tích lịch sử văn hóa nói riêng, được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích tinh thần và vật chất thông qua hoạt động giữ gìn, bảo vệ di tích. Qua đó, lòng tự hào, tình yêu DSVH luôn được "hâm nóng"/giữ lửa trong cộng đồng, tạo ra động lực tinh thần cho họ đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích.

Trong việc giáo dục, tuyên truyền về di tích cũng cần chú ý tới thế hệ trẻ, định hướng để cho thế hệ này có sự nhìn nhận đúng về truyền thống văn hóa của dân tộc. Vì vậy, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến giá trị di tích trong các trường học, lồng ghép với các chương trình giảng dạy hoặc thông qua các lớp bồi dưỡng, học ngoại khóa, tổ chức tham quan di tích, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, di tích của địa phương. Thông qua các hoạt động này giúp cho học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của địa phương một cách chân thực, sinh động. Từ đó góp phần vào việc hoàn thiện nhân cách, đạo đức, biết trân trọng di sản của địa phương, của dân tộc.

Trung Văn là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế xã hội cao, quá trình CNH, ĐTH diễn ra trên khắp trên địa bàn của phường đã có những tác động đến các di tích cũng như việc quản lý các di tích này. Trên cơ sở khảo sát thực tế, tác giả  đã phân tích và đưa ra những dẫn chứng cụ thể về những tác động theo chiều tích cực mà quá trình CNH, ĐTH đưa lại như: nguồn đầu tư kinh phí cho tu bổ, tôn tạo được tăng lên, người dân có những nhận thức mới về vai trò của di sản… những ảnh hưởng tiêu cực như: các hiện tượng xâm phạm di tích gia tăng, môi trường cảnh quan của di tích bị phá vỡ…

Từ thực trạng của hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Phùng Khoang hiện nay, trên cơ sở của những thành tựu đã đạt được, nhận thức những hạn chế, rất cần triển khai quyết liệt hững giải pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này tại đình Phùng Khoang, trong đó, cần chú trọng tới vai trò quản lý của nhà nước, đề cao vai trò và sự tham gia của cộng đồng cư dân nơi di tích đang tồn tại. Cơ chế phối hợp giữa các bên tham gia là một trong những yếu tố đưa lại những thành công trong quản lý. Ngoài ra các giải pháp về cơ chế chính sách, tăng cường các hoạt động chuyên môn, tổ chức khai thác giá trị của di tích một cách hợp lý, có hiệu quả…cũng cần được triển khai thực hiện để những giá trinh lịch sử, văn hóa của đình Phùng Khoang chẳng những được bảo tồn mà còn phát huy trong bối cảnh hiện nay.

                                                    Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Chí Bền (chủ biên) (2010), Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
  2. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (đồng chủ biên), 2012, Quản lý văn hóa Việt Nam, trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb quốc gia - Sự thật.
  3. Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm, (2010), Từ Liên Di tích và lễ hội, Nxb Dân trí.
  4.  Ủy ban Nhân dân xã Trung Văn (1010), Lịch sử cách mạng xã Trung Văn (1945 - 2010), Nxb Văn hóa Thông tin.