Nghiên cứu lý luận

Phát huy vai trò cộng đồng trong công tác quản lý di tích Đền Bà Triệu xã Triệu Sơn, huyện Triệu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

06 Tháng Ba 2018

Nguyễn Thị Minh [*]

 

            Một hay nhiều di tích lịch sử - văn hóa tồn tại trong đời sống cộng đồng được cộng đồng lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của chính di tích đó. Di tích lịch sử - văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng, di tích đã gắn bó, cùng tồn tại, có bề dày về thời gian, dấu ấn lịch sử, điểm nhấn trong tiềm thức, trong đời sống tinh thần của cộng đồng (với cuộc sống người dân). Vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di tích là rất quan trọng, Nếu cộng đồng quay lưng lại với di tích thì dẫn đến di tích sẽ không có điều kiện để tồn tại và phát triển.

            Cộng đồng không chỉ là chủ thể sáng tạo di tích mà còn có vai trò to lớn trong việc quản lý di tích để từ đó góp công vào việc bảo tồn phát huy giá trị di tích trong đời sống văn hóa cộng đồng. Cũng chính vì thế mà các văn kiện của UNESCO trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản rất chú trọng đến vai trò của cộng đồng. Cụ thể nhất trong tài liệu hướng dẫn thực hiện công ước Di sản thế giới 1972 của Ủy ban UNESCO quốc gia Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội khuyến nghị việc sử dụng bền vững các di sản văn hóa gắn với quản lý trực tiếp từ cộng đồng.

            Di tích lịch sử - văn hóa và các yếu tố cấu thành của di tích là nguồn cung cấp phục vụ cho cuộc sống của bản thân cộng đồng. Khi người dân và cộng đồng có cuộc sống vật chất phụ thuộc vào sự tồn tại của di tích sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến di tích, đặc biệt là những di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt. Đối với việc khai thác, phát huy các giá trị của di tích, cộng đồng là người trực tiếp tạo ra các giá trị của di tích, các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, tồ chức lễ hội gắn với các trò diễn dân gian (Các hoạt động sinh hoạt cộng đồng mang tính tinh thần đó được khai thác để phát huy giá trị di tích, cộng đồng tạo ra các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của đông đảo nhân dân và khách du lịch). Sống cùng di sản trong một khoảng thời gian dài, trải qua nhiều thế hệ, người dân trong cộng đồng là người thấu hiểu nhất những giá trị của di tích mà đã gắn bó với cộng đồng, các giá trị đó được truyền từ thế hệ này đến thế hệ sau. Cộng đồng chính là những pho sử sống, những hướng dẫn viên mang giá trị di tích, bề dày lịch sử - văn hóa quảng bá đến mọi miền đất nước, khu vực và thế giới.

            Bảo tồn và phát huy giá trị di tích phải được gắn kết trong các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của địa phương, vùng miền và đất nước; nhà nước có vai trò định hướng; cộng đồng là chủ nhân, người trực tiếp giữ gìn, bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị di tích; cộng đồng nên được xem xét ưu tiên trong việc phân chia các lợi ích đem lại từ di tích.

            Khu di tích Bà Triệu đón bằng công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt ngày 07/4/2015. Khu di tích nằm trên địa phận vùng đất làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đền được xây dựng chính nơi diễn ra cuộc đấu tranh ác liệt giữa nghĩa quân Bà Triệu với quân giặc Ngô, cũng chính là nơi chủ tướng Triệu Thị Trinh tuẫn tiết vì đại nghĩa. Nhân dân đã lập đền thờ để tri ân, tưởng nhớ, tôn vinh đến công lao to lớn của người nữ anh hùng Triệu Trinh Nương đã vì nước mà hi sinh thân mình. Ngôi đền là nguồn sử liệu sống, minh chứng sống cho cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô vào thế kỷ thứ III của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Nữ tướng.

            Trải qua mấy chục thế kỷ, qua bao thăng trầm của thời gian, của lịch sử dân tộc, của khí hậu mà người dân luôn có ý thức gìn giữ, tôn tạo, hương khói rất cẩn thận. Vào năm 2008, đền đã được nhà nước quan tâm, trùng tu, tôn tạo lại rất khang trang xứng với đức hi sinh của Bà Triệu. Hiện nay, di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu ngày càng là điểm dâng hương, điểm đến tìm hiểu lịch sử, giá trị văn hóa, điểm du lich tâm linh của khách tham quan.

            Một trong những điểm nhấn đó là hàng năm, chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Bà Triệu từ ngày 19 đến ngày 24, tháng 2 âm lịch với quy mô cấp tỉnh với sự trực tiếp chỉ đạo của Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa). Đây là sự kiện hình thành trên cơ sở tái hiện một sự kiện lịch sử, làm sống lại lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, tỏ lòng biết ơn, tôn vinh tài năng xuất chúng của Bà Triệu.

            Khu di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 20 km, nằm ở khu vực ít chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa.

            Xác định vai trò quan trọng của cộng đồng trong công tác quản lý khu di tích, trong những năm vừa qua, đơn vị quản lý khu di sản này là Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa, đã thực hành nhiều biện pháp qua đó bước đầu đã nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích, tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Về cơ bản đã thay đổi nhận thức của cộng đồng theo hướng tích cực phần nào hiểu được giá trị của khu di tích cũng như trách nhiệm và lợi ích đối với khu di tích.

            Di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu tồn tại trong lịch sử trước đây chủ yếu do cộng đồng tự quản còn tương đối nguyên vẹn.

                        Cộng đồng được tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả của hoạt động bảo tồn, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị của di tích. Cộng đồng là một thành phần tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả của hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích, qua đó thể hiện ý kiến của cộng đồng, những lợi ích thật sự mà họ được hưởng. Bên cạnh đó, nhờ quá trình đánh giá hiệu quả này, cộng đồng đã hoàn thiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu và đạt nhiều thành tựu đáng kể đặc biệt từ năm 2014 đến nay.

            Công tác tôn vinh giá trị di tích, sáng tạo trong hoạt động và tham gia giám sát, bảo vệ di tích cần sự tham gia của cộng đồng. Vì vậy, để bảo vệ và phát huy tốt hơn cần đưa di tích đến với cộng đồng. Yếu tố quan trọng để di tích tồn tại bền vững trong hiện tại và tương lai là sự ủng hộ của nhân dân. Nhận thức điều đó, các cơ quan quản lý, bảo vệ khu di tích cần nâng cao nhận thức, coi nó là giải pháp cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đó cũng là giải pháp tích cực nhằm thực hiện có hiệu quả chủ chương xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích.

Để luật đi vào cuộc sống và có hiệu lực trong thực tế, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu được giá trị của di tích cần tăng cường tổ chức, phổ biến tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Di sản Văn hóa. Để từ đó sẽ có cách ứng xử với di tích tích cực hơn, tránh tình trạng không hiểu luật mà vi phạm luật, ngăn chặn những hành vi xâm hại tới di tích. Muốn thực hiện tốt công tác này đội ngũ cán bộ địa phương, cán bộ làm chuyên môn Tổ quản lý di tích phải được tập trung đào tạo cả về công tác quản lý cũng như chuyên môn, nghiệp vụ.

Xây dựng và giữ gìn để phục vụ nhu cầu của cộng đồng làng xã. Người dân không chỉ là chủ nhân có trách nhiệm giữ gìn khu di tích mà họ còn cần được thực sự hưởng lợi từ những hoạt động khai thác, phát huy giá trị khu di tích của cộng đồng. Giải quyết các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của các cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa. Khu di tích Bà Triệu là công trình tôn giáo, tín ngưỡng, nên sự linh thiêng là một thuộc tính vô cùng quan trọng của di tích. Cần quan tâm giữ gìn sự linh thiêng của di tích để bảo vệ và phát huy có hiệu quả giá trị Di sản Văn hóa.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa là việc làm rất cần thiết, với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm bảo tồn phát huy các giá trị của di tích trong khi hàng năm nhu cầu trùng tu, tôn tạo ở nhiều di tích là rất lớn, trong khi nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước lại hạn chế. Vì thế, xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích ngày càng được coi trọng. Việc huy động các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng nhà nước, tổ chức truyền dạy Di sản Văn hóa phi vật thể… là việc đang được Nhà nước khuyến khích. Từ đó, cần bổ sung các quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ, giảm hoặc miễn thuế cho các hoạt động được thực hiện từ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế.

Thường xuyên tuyên truyền về xã hội hóa với hình thức đa dạng, có chiều sâu và được phổ biến đến người dân ở mọi địa bàn trên toàn quốc. Tuyên truyền, phổ biến các mô hình xã hội hóa hoạt động tốt; các tổ chức cá nhân tích cực trong các hoạt động xã hội hóa. Thông qua đó nâng cao vai trò nhận thức của nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Để phong trào xã hội hóa, hoạt động văn hóa tiếp tục phát triển rộng
khắp, đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới thì Tổ quản lý khu di tích tập trung thực hiện công tác vận động tuyên truyền thường xuyên hơn, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tham gia đóng góp trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa (2006), Danh nhân Thanh Hóa, 3 tập, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.

2. Mai Thị Hoan (2008), Lệ Hải Bà Vương và đền thờ Bà Triệu, Nxb Thanh Hóa.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2008), Thanh Hóa trên con đường hội nhập, Nxb Lao động, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học k4 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa