Nghiên cứu lý luận

Vài nét về lễ hội Chùa Trăm Gian xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội

06 Tháng Ba 2018

Đặng Thị Thùy Phương [*]

 

Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, là nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội là môi trường góp phần quan trọng tạo nên niềm cộng mệnh và cộng cảm của sức mạnh cộng đồng. Lễ hội truyền thống chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) mang đặc trưng của cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước. Hội chùa được mở vào dịp tết Nguyên đán, khởi đầu của mùa xuân và cũng là lúc nông nhàn, lòng người hồ hởi mong ước một năm mới mùa màng bội thu, mọi việc được an vui. Lễ hội là chất keo kết dính các thôn tứ bích, cũng như nhân dân khắp nơi về trẩy hội, tạo nên sự cố kết cộng đồng.

Chùa Trăm Gian nằm trên địa bàn xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Chùa Trăm Gian là một cụm di tích độc đáo bởi nó mang đậm bản sắc của Phật giáo của miền Bắc kết hợp hài hòa cùng với tín ngưỡng dân gian. Lễ hội chùa Trăm Gian được mở vào mồng bốn Tết hàng năm, là dịp con người tìm về cội nguồn của chính bản thân và dân tộc mình. Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc độc đáo. Cổng chùa được xây hai trụ lớn tạo một lối đi ở giữa, hai bên là hai tường nối với hai trụ nhỏ. Bước qua cổng chùa vào bên trong là một khuôn viên rộng lớn có sân chùa được lát gạch sạch sẽ, có hai dãy hành lang ở hai bên, hành lang bên trái dẫn đến tam quan và gác chuông, hành lang bên phải dẫn lên nhà bia tưởng niệm. Ở giữa là ngôi chính điện cổ kính, trang nghiêm. Chùa được làm theo kiểu kiến trúc đời Trần (thế kỷ thứ XIV) với một quy mô khá lớn. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một “gian” thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành ba cụm kiến trúc chính.

Cụm thứ nhất nằm ở ngoài cùng gồm 4 cột trụ và hai quán dùng làm nơi đánh cờ người trong ngày hội. Rồi đến nhà Giá ngự nhìn ra hồ bán nguyệt thả sen, là nơi xưa kia thường rước Thánh ra ngự để xem trò múa rối nước ở hồ sen.

Tiếp đó, qua mấy trăm bậc gạch xây là Tam quan - còn gọi là gác chuông. Gác chuông được xây theo kiểu hai tầng chồng diêm 8 mái, có lan can chạy quanh bốn mặt. Với tính chất Tam quan, gác chuông có một gian chính và 2 gian phụ, có sàn gỗ ngăn đôi tầng dưới với tầng trên. Lại lên 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc thế tới cụm thứ ba đó là chùa chính. Chùa chính làm theo kiểu “nội công ngoại quốc”, quay mặt về hướng Đông - Nam. Tòa Tam bảo gồm tiền đường 7 gian, tòa thiêu hương và thượng điện 3 gian. Hậu đường cùng chiều dài như tiền đường nhưng chia thành 9 gian hơi hẹp hơn, hai bên là 2 dãy hành lang dài, mặt bằng tạo thành một hình chữ nhật kín, ở giữa là lầu trống. Chùa ngoài có 2 tượng Hộ pháp Khuyến thiện và Trừng ác đồ sộ. Trong cùng là hai lớp thượng điện, thờ Phật; nối liền với nhà tổ, vây quanh một ngôi nhà 16 cột làm theo kiểu 4 mái, đao cong ở trong có một trống lớn, đường kính mặt trống 1m và một khánh đồng dài 1,20m, cao 0,60m, đúc năm Cảnh Hưng thứ 10 (1750). Cuối cùng là hai bên sân trước tiền đường có lối đi xuống hai vườn tháp với rất nhiều những ngôi mộ cổ ở đây.

Trong chùa có hơn một trăm pho tượng Phật, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất sơn son thiếp vàng. Trên cùng thờ đức Tam thế, đặt trên một bệ đồ sộ bằng gạch nung màu đỏ như son. Mỗi viên có kích thước khác nhau, được gắn liền với nhau bằng một con cá bằng chì bên trong. Gian bên phải là “Nam Thiên Đại Gác” trong có khám gỗ được quây kín bốn bên thờ Đức Thánh Bối (tức Đắc đạo chân nhân) cốt rút bằng mây đan, ngoài bọc vải sơn, trong có hài cốt của Thánh Bối. Gian nhà bên trái, trên cao thờ đức Phật Quan Thế Âm. Bên dưới là hai pho tượng gỗ sơn son thiếp vàng ngồi quay mặt vào nhau. Pho tượng ngồi bên trái là tượng “Quan Đô” hay “Đô đốc Đông” như nhân dân địa phương thường gọi. Tượng cao 1,3m, tả một vị võ tướng mặc triều phục đang ngồi, hai tay vòng về phía trước, tư thế trang nghiêm. Đây là một pho tượng chân dung có dáng vóc và tính cách của một nhân vật cụ thể, mô tả một người đã cao tuổi, dáng người cao to lẫm liệt, khuôn mặt rộng, gò má cao, môi dày, râu quai nón… Nét mặt hiền từ, chất phác nhưng nghiêm nghị của một vị võ tướng. Tấm bia “Đặng tướng công” hình vuông đặt tại gian nhà bên phải chùa ngoài khắc năm Cảnh Thịnh thứ năm (1797) do Phan Huy Ích soạn, Ngô Thì Nhậm nhuận sắc. Ngồi đối diện với tượng Quan Đô là pho tượng truyền thần Hà Quận Công, Đặng Thế Vinh, ông tổ năm đời của “Quan Đô”, cùng với tượng bà vợ cả Đặng Thế Vinh là Đỗ Thị Ngọc Đức, vợ thứ là Nguyễn Thị Từ Vệ, con gái trưởng là Đặng Thị Ngọc Phúc.

Hai dãy hành lang hai bên thượng điện có treo bộ tranh Thập điện Diêm Vương. Đây là một trong những bảo vật quý giá, ghi nhận giá trị lâu đời của chùa Trăm Gian. Các bức tranh cổ được tạc bằng gỗ mít, nội dung thể hiện 10 cửa địa ngục trần gian. Trải qua gần nghìn năm, các bức tranh đã lên màu đen bóng, mang giá trị tâm linh sâu sắc. Nội dung trên mỗi bức tranh thường là phần trên Phán quan ngồi, ở giữa hai bên có người hoặc quỷ sứ đứng hầu để xét hỏi tội, phần dưới là các tầng địa ngục mà tội nhân phải nhận các án trừng phạt như đeo gông, chặt đầu, bỏ vào vạc dầu… Các bức tranh đã miêu tả cảnh phạt tội ở địa ngục tăm tối. Từ đó, giáo dục đức thiện cho người dân, trách xa cái ác, cái xấu.

Dọc các gian tả và hữu hai bên thượng điện là nơi phụng thờ các vị La Hán được chạm khắc tinh xảo trên các bức phù điêu. Đây là những bức phù điêu gỗ chạm nổi, mang phong cách tạo hình sáng tạo, đa dạng. Mỗi vị La Hán là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với những nét cách điệu, sinh động, hài hòa của nghệ thuật tạo hình thời Lê.

Một trong những pho tượng đẹp nhất ở chùa Trăm Gian là tượng Tuyết Sơn. Tượng được tạc bằng gỗ mít sơn then đen nhánh. Pho tượng đẹp sinh động bởi tài năng điêu khắc của các nghệ sĩ dân gian, thể hiện được nét khắc khổ của tượng Tuyết Sơn. Với hơn 40 pho tượng thổ và mộc, các hoành phi, câu đối… đã tạo nên giá trị tâm linh phật giáo, cũng như giá trị lịch sử của chùa Trăm Gian.

Lễ hội Chùa Trăm Gian được tổ chức thành công, diễn ra suôn sẻ, đúng trình tự thì khâu tổ chức là quan trọng nhất. Trong công tác tổ chức lễ hội truyền thống chùa Trăm Gian, công tác thành lập Ban tổ chức lễ hội được tiến hành sớm nhất. Ban tổ chức lễ hội giữ vai trò chủ đạo, tham mưu kịch bản lễ hội, báo cáo xin phép Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ và Phòng Văn hóa thông tin huyện. Ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức và công tác quản lý, điều hành các hoạt động diễn ra trong lễ hội. Đặc biệt, để chuẩn bị cho lễ khai mạc lễ hội, ban tổ chức đã cho lắp đặt sân khấu chính trang trí công phu, và chuẩn bị chương trình nghệ thuật cho lễ khai mạc. Đồng thời, ban tổ chức triển khai chuẩn bị các điều kiện về thực hiện nhiệm vụ lễ tân, hậu cần phục vụ khai mạc lễ hội. Công tác chuẩn bị về lễ vật, đồ tế được ban tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Ban tổ chức cắt cử người cùng phối hợp với nhà chùa để chuẩn bị đồ rước “giá cỗ” gồm bánh chưng và bánh dày. Trong lễ hội còn tổ chức lễ rước kiệu Thánh, rước nhang yến (án), rước giá cỗ, rước giá văn (bản văn tế), rước mâm ngũ quả và bát nhang. Vì vậy, công tác chuẩn bị về trang thiết bị, cơ sở vật chất và con người phục vụ cho đoàn rước được chú trọng và chuẩn bị chu đáo, trang trọng. Công tác tuyên truyền cũng được ban tổ chức lên kế hoạch cụ thể và triển khai trước khi lễ hội diễn ra. Các bảng thông báo về tổ chức lễ hội được treo ở nhiều nơi để mời khách thập phương về dự. Các tiểu ban xây dựng kế hoạch chương trình và báo cáo những nội dung hoạt động trong lễ hội. Ban tổ chức kiểm tra, rà soát, và tổng hợp các báo cáo để lên phương án chuẩn bị cho lễ hội. Ban tổ chức còn có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra các hoạt động diễn ra trong lễ hội, thông qua bộ phận thường trực đã được phân công. Tất cả công việc chuẩn bị được ban tổ chức lên kế hoach đầy đủ, chi tiết, đảm bảo an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn, quản lý tốt các hoạt động diễn ra trong lễ hội.

Lễ hội chùa Trăm Gian được tổ chức từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Cứ 5 năm chùa lại tổ chức một lần chính hội. Lễ hội chùa Trăm Gian là lễ hội vùng, gồm các thôn như thôn Nội, thôn Thượng, thôn Phương Khê (thuộc xã Tiên Phương) và thôn Thổ Nghĩa (nay thuộc xã Tân Hòa, Quốc Oai). Đại đám có rước kiệu Thánh, rước nhang yến (án), rước giá cỗ (cỗ bánh chưng bánh dày của nhà chùa), rước giá văn bản (để bản văn tế), rước mâm ngũ quả và bát nhang. Mỗi giá rước có bốn người khiêng, riêng kiệu Thánh là kiệu bát công do 18 người khiêng.

Sau khi đám rước ngừng lại trước cổng chùa, người ta tổ chức các cuộc vui chơi, mở hội. Có phường hát Rô ở Quốc Oai đến, phường chèo Tàu từ Đan Phượng sang. Có cả đặc sản “Xẩm chợ” Hà Đông. Những hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội chùa Trăm Gian rất phong phú và độc đáo như: Thổi cỗ chùa, Thi oản chuối, cờ người, múa rối, đốt pháo, đấu vật…

Ngày mùng 5 thổi cỗ chùa, người đến lượt phải làm không được cấp ruộng. Thi đấu vật được tổ chức đơn giản trên bãi cỏ quanh chùa. Hội vật thu hút những đô vật là thanh thiếu niên đến từ các địa phương. Hội vật ngoài yếu tố tâm linh còn là một hoạt động vui khỏe, tinh thần thượng võ, khuyến khích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin và mưu trí đối với lớp trẻ. Hội pháo cũng sôi nổi, có pháo bông, pháo hoa, pháo ném vào màn pháo trên cao, pháo chuột, pháo nhị thanh. Trên hồ bán nguyệt, màn múa rối nước cũng được biểu diễn phục vụ đông đảo người dân và thanh thiếu niên đến xem. Đây là những màn biểu diễn múa rối nước chuyên nghiệp, do người thuộc phường rối nước các nơi được đón về biểu diễn. Cũng trên hồ bán nguyệt, xen lẫn những màn biểu diễn múa rối nước là đi thuyền hát quan họ quanh hồ.

Đặc sắc nhất trong lễ hội là cuộc thi cờ người, nên hội chùa Trăm Gian còn được gọi là lễ hội đánh cờ người. Hội cờ thu hút đông đảo các kỳ thủ từ khắp các địa phương trong tỉnh. Những người giỏi cờ khắp thiên hạ muốn vào đấu phải xin Ban quản cờ ghi tên rồi vào trong nhà khảo qua cờ bàn để xem tài cao thấp, sau đó chờ đến lượt mới lên sàn đấu. Tuy giải thưởng có giá trị không nhiều, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân cũng như quyết tâm tranh tài cao thấp của các kỳ thủ. Đây là một trò chơi không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn mang tinh thần thể thao, trí tuệ và đậm đà bản sắc dân tộc Việt.

Nghệ thuật tạo hình và trang trí trong lễ hội chùa Trăm Gian mang đậm nét truyền thống dân gian. Cờ hội với năm sắc ngũ hành - năm màu tương ứng với năm yếu tố cơ bản của vũ trụ theo quan niệm triết học cổ sơ, đặt cạnh nhau rất tương phản, gây sự chú ý. Các loại kiệu sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm trổ tinh vi. Tượng gỗ với cách tạo hình dân gian và truyền thống. Và, trong ngày hội làng, các đội tế với cách ăn mặc đặc biệt đã gây ấn tượng đối với người dự hội. Thực ra, trang phục của đội tế, từ chủ tế đến các thành viên của đội, là sự mô phỏng sắc phục của quan lại khi lâm triều. Đó cũng là yếu tố tâm lý hấp dẫn đối với những người trong đội tế. Dường như trong trang phục đó, họ cảm thấy một vinh dự đặc biệt và họ được đứng ở một vị trí khác hẳn ngày thường.

Lễ hội chùa Trăm Gian là sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Đây là một lễ hội mang tính lịch sử, lễ hội tôn vinh đức Thánh Nguyễn Bình An, trụ trì chùa Trăm Gian vào cuối đời Trần, là người đón thợ khéo về mở rộng cảnh chùa. Để kỷ niệm ngày hóa của đức Thánh đã tu tại ngôi chùa này, lễ hội chùa Trăm Gian được tổ chức nhằm hướng tới những chuẩn mực giá trị xã hội và đức tin vào một thế giới được huyền thoại hóa từ cõi đời thực, tạo nên niềm vui và sức mạnh chung của cả cộng đồng.

Lễ hội giúp cho con cháu biết hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc. Biết ghi nhớ công ơn của những người đã tạo dựng và giúp đỡ nhân dân có một cuộc sống ấm no. Thông qua lễ hội, người dân được giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc với truyền thống lịch sử vẻ vang mà cha ông ta đã xây dựng với những hy sinh to lớn, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng và xã hội.

Đến với lễ hội, mọi người như được tăng thêm sức mạnh tinh thần với đời sống tâm linh huyền bí. Tâm linh là cái thiêng mà con người ngưỡng mộ, tôn thờ. Tín ngưỡng thờ Thánh và thờ Phật được hòa trộn trong lễ hội, làm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh. Vượt lên trên cuộc đời trần tục hàng ngày đầy lo toan vất vả là cuộc đời thứ hai của con người, lễ hội giúp cho nhân dân tận hưởng những giây phút thăng hoa, đẹp đẽ. Theo đó, mọi người tự nhận thấy phải luôn sống hướng thiện, sống có đạo đức, cùng cầu cho quốc thái dân an, bản thân và gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Lễ hội chùa Trăm Gian là lễ hội vùng, người dân không chỉ hưởng thụ mà còn là người sáng tạo văn hóa, là chủ nhân thực sự trong đời sống của chính bản thân mình. Tất cả mọi người cùng hòa nhập trong các hoạt động của lễ hội, tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí trong quá trình tổ chức hoạt động lễ hội. Tham gia vào lễ hội, con người cùng sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa của mình.

                                 Tài liệu tham khảo

1. Toan Ánh (1991), Phong tục Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Toan Ánh (1992), Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Tổng hợp, Hồ Chí Minh.

3. Trần Lâm Biền (2000), Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa dân tộc.

4. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, Hà Nội.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2015), Công văn số 556/BVHTTDL-VHCS ngày 12/02/2015 về việc tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Hà Nội.

________________________

[*] Lớp Cao học k3 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa