Nghiên cứu lý luận

Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống người Sán Dìu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

10 Tháng Năm 2018

Kiều Thị Thiên Trang [*]

 

        Nói đến trang phục truyền thống là nói đến những nét văn hóa tinh hoa, sự sáng tạo độc đáo mà mỗi một cồng đồng dân tộc Việt Nam đã tạo ra. Trang phục không chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng của con người, bảo vệ cơ thể con người, làm con người đẹp lên mà nó còn kết tinh trong đó là cả một tác phẩm nghệ thuật. Trang phục còn là dấu hiệu đầu tiên để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, người này với người khác, là yếu tố thể hiện đẳng cấp xã hội.

         Đất nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa với những bước phát triển đột phá về mặt kinh tế vật chất cũng như các giá trị tinh thần. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của nó cũng vô cùng to lớn theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Trang phục truyền thống của người Sán Dìu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Giờ đây, việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đang đặt ra nhiều thách thức.

Đạo Trù là xã miền núi khó khăn của huyện Tam Đảo. Phía Bắc tiếp giáp xã Ninh Lai (Sơn Dương - Tuyên Quang); phía Đông tiếp giáp huyện Đại Từ (Thái Nguyên); phía Tây tiếp giáp xã Bồ Lý; phía Nam tiếp giáp xã Đại Đình. Tổng diện tích tự nhiên là 7.456 ha, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp là 712,66 ha. Dân số của xã là 15.081 nhân khẩu, với 3.740 hộ, xã có 13 thôn dân cư gồm: Thôn Đồng Quạ, Vĩnh Ninh, Tân Tiến, Phân Lân Thượng, Phân Lân Hạ, Xóm Gò, Tân Phú, Đạo Trù Thượng, Đạo Trù Hạ, Tiên Long, Tân Lập, Lục Liễu và Đồng Giếng. Xã có 2 dân tộc cùng sinh sống gồm dân tộc Kinh và dân tộc Sán Dìu, trong đó dân tộc Sán Dìu chiếm 87,5%.

Về trang phục truyền thống, xưa kia, đàn ông Sán Dìu búi tó, cuốn khăn nhiễu hoặc đội khăn xếp, mặc áo dài than, quần trắng, đi giày trong những ngày lễ Tết, còn thường phục chỉ mặc áo cánh và quần nâu. Còn đối với trang phục của nữ giới gồm: Áo dài bên ngoài, áo ngắn bên trong, váy, xà cạp chân, khăn, thắt lưng, túi đựng trầu, các đồ trang sức bằng bạc như: khuyên tai, vòng đeo tay, vòng cổ… tạo nên hình ảnh người phụ nữ Sán Dìu không thể lẫn với các dân tộc khác. Tuy nhiên  hiện nay, người Sán Dìu nói riêng và các dân tộc thiểu số sống trên địa bàn tỉnh chủ yếu mặc giống người Kinh và chỉ diện trang phục truyền thống vào các dịp lễ Tết. Vậy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do đâu?

Một trong số những nguyên nhân của sự biến đổi, mai một trang phục truyền thống, phải kể đến sự tác động của điều kiện kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, các hoạt động kinh doanh vận tải của Vĩnh Phúc có chiều hướng gia tăng và phát triển mạnh. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tạo quá trình thông thương hàng hoá của nhân dân. Hiện nay mạng lưới điện và điện thoại, Internet trong tỉnh đã phủ sóng khắp các thôn bản. Lớp trẻ tiếp cận sớm với hàng điện tử, công nghệ thông tin, phương tiện... nên không đam mê văn hóa truyền thống. Trong các lễ hội thì ngại không dám mặc trang phục truyền thống, nhất là nam giới.

Thực tế hiện nay, ta thấy trang phục truyền thống dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc đang bị mai một. Người nhiều tuổi, còn lại số ít biết cách may, lưu giữ và sử dụng. Người Sán Dìu ít mặc trang phục truyền thống trong đời sống hàng ngày, những bộ trang phục truyền thống ấy chỉ được họ mặc trong các sự kiện, hoạt động văn hóa tiêu biểu, trọng đại trong năm. Vì vậy những cửa hàng cũng giảm, người thợ may đồ trang phục đó cũng càng ít.

Sự tác động của quá trình đô thị hóa, nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã đến từng thôn, làng của đồng bào dân tộc thiểu số, tác động trực tiếp đến suy nghĩ, đến lối sống của chính bản thân họ theo xu hướng mới.

Do trình độ dân trí còn thấp, nên đa phần đồng bào không quan tâm đến việc lưu giữ, kế tục, sử dụng và truyền dạy văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau.

Bên cạnh đó là sự tác động của cơ chế chính sách. Trên thực tế, hiện nay, hầu hết các chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc mới chỉ tập trung vào việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống; bảo tồn làng bản; bảo tồn làng nghề truyền thống; bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca dân vũ; bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết... nhưng lại chưa có một chính sách cụ thể nào để khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách nhằm ưu tiên, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua nhiều năm thực hiện chính sách văn hoá đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu nhất định: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về văn hóa nói chung, văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên một bước; Đời sống văn hoá cơ sở đã có bước phát triển; Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc, đặc biệt là văn hoá của các dân tộc thiểu số có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu.

Bên cạnh những thành tựu đáng kể đã đạt được trong lĩnh vực văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua cũng còn nhiều vấn đề cấp bách cần khắc phục. Đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 5.000 người và dưới 10.000 người) đều rất khó khăn so với các dân tộc có số dân đông hơn. Trong đó, vấn đề đặc biệt cấp bách đặt ra là bản sắc văn hóa của các tộc người này bị mai một nhanh chóng. Đầu tư của Nhà nước cho bảo tồn văn hoá còn thấp và manh mún, đặc biệt đầu tư bảo tồn và phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, yếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực là người dân tộc thiểu số. Người có uy tín và các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ngày càng ít dần. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp.

Những bất cập trên xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản và then chốt: Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa đúng, chưa thật đầy đủ, thống nhất cao; Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã được thể chế hoá, nhưng từ văn bản đến hiện thực vẫn còn nhiều khoảng cách mà nguyên nhân là thiếu sự tương thích giữa bảo vệ, giữ gìn với phát huy phát triển. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương ở cơ sở chư­a chú trọng và có biện pháp chỉ đạo tích cực, hữu hiệu cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ch­ưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng đến các thôn, làng và các tầng lớp nhân dân.

Từ điều kiện kinh tế, xã hội, từ sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa dẫn đến một thách thức không nhỏ, là nhận thức, tâm lý của người dân đang thay đổi. Nhiều người không nhận thấy nét hay, nét đẹp trong trang phục của dân tộc mình, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên có tâm lý mặc cảm, tự ti khi sử dụng trang phục của dân tộc mình trong giao tiếp xã hội… 

Hơn nữa, hoạt động thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tổ chức không được thường xuyên, còn sơ sài. Nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đang bị mai một. Cơ sở vật chất, sản phẩm, phương tiện văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn thiếu và lạc hậu... đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc trên địa bàn, nhất là các giá trị văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Vấn đề cần được quan tâm nữa đó chính là cơ hội để trưng diện những bộ trang phục truyền thống. Việc hoàn thành nên những bộ trang phục, sử dụng nó trong đồng bào dân tộc thiểu số đã khó khăn, càng có khăn hơn khi cơ hội xuất hiện ngày một bị thu hẹp. Hiện nay, hầu hết trang phục của các dân tộc thiểu số chỉ được mặc vào các dịp trọng đại như ngày tết, lễ hội hoặc các ngày kỉ niệm lớn của đất nước.

Giai đoạn 2008 - 2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản và tổ chức các hoạt động thực hành di sản.

Những hoạt động này diễn ra rất thường xuyên nhưng điều đáng nói ở đây là hình thức sinh hoạt hay và sinh động lại chỉ có những lớp người từ 50 - 60 tuổi trở lên tham gia, không hề có lớp trẻ tham gia sinh hoạt để bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa, văn hóa của dân tộc mình. Đây là một vấn đề rất đáng bàn luận và cần sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt từ các cơ quan chuyên môn, các ban ngành trực tiếp liên quan để bảo tồn văn hóa của dân tộc thiểu số nói riêng và cộng đồng các dân tộc anh em trên đất Vĩnh Phúc.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của trang phục truyền thống trước tiên là phải xuất phát từ chính nhu cầu của người Sán Dìu. Bởi văn hóa xuất phát từ chính nhu cầu của con người, do con người và vì con người. Vì thế, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của trang phục truyền thống của người Sán Dìu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo phải xuất phát từ nhu cầu muốn bảo tồn, tiếp nhận và thụ hưởng các giá trị văn hóa của chính chủ thể văn hóa - người dân ở  đây.

Cần nhận thức sự biến đổi của trang phục truyền thống của các dân tộc nói chung và trang phục truyền thống người Sán Dìu nói riêng là một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa hiện nay. Vì thế không nên có quan điểm cứng nhắc, mà cần bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn trên cơ sở lý luận khoa học về quản lý văn hóa. Trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng người dân tham gia vào quá trình thực hiện bảo tồn và gìn giữ. Đồng thời cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với việc bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc.

Đảng và Nhà nước cần thống nhất thể chế hóa các chủ trương của Đảng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đó có bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của trang phục truyền thống. Gắn chặt việc quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số với việc thực hiện đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vấn đề quảng bá trang phục truyền thống người Sán Dìu trước công chúng là một giải pháp có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của trang phục truyền thống người Sán Dìu. Hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin với các các kênh thông tin khác nhau như: Internet, các hoạt động ngoại giao, kinh tế, văn hóa nghệ thuật,... là phương tiện hữu hiệu cho người dân xã Đạo Trù quảng bá hình ảnh, văn hóa truyền thống của mình trước công chúng.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống người Sán Dìu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo cũng cần có những mục tiêu, phương hướng và giải pháp cụ thể. Qua đó, thực hiện một cách hiệu quả, đây là nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu của các cấp, các ngành, các nhà quản lý văn hóa trên tiến trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Trong bối cảnh xã hội hóa toàn cầu như hiện nay, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, làm sao để các giá trị văn hóa hòa nhập mà không hòa tan, thay đổi mà không đánh mất mình. Người dân tộc Sán Dìu nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung phải quyết tâm hơn nữa để các giá trị văn hóa luôn được bảo tồn và phát huy bản sắc riêng có của mình.

 

sán dìu 2.jpg
Trang phục Sán Dìu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay
(Nguồn: Sưu tầm)

Tài liệu tham khảo

  1. Lâm Quý (2009), “Văn hóa các dân tộc thiểu số Vĩnh Phúc”, Nxb Ban Dân tộc - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.
  2.  Trần Thanh Thủy (2011), Bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam,Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương.

________________________

[*] Lớp Cao học k5 - Chuyên ngành Quản lý văn hóa