Nghiên cứu lý luận

Cống hiến xuất sắc về nghệ thuật Ký họa của hai họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oánh

10 Tháng Bảy 2018

 Nguyễn Huyền Trang [*]

       Nguyễn Thụ và Huy Oánh là hai họa sĩ nổi tiếng Việt Nam, có hoạt động tích cực trong thời chiến tranh chống Mỹ từ 1960 đến 1975 và trong thời hòa bình sau 1975.

       Hai họa sĩ đã theo học và tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) từ nửa đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Vì học giỏi, các ông được giữ lại làm giảng viên của trường. Theo chương trình học tập, năm nào thầy trò của trường cũng đi vẽ thực tế từ 2 đến 3 tháng. Họ đi khắp các miền đồng quê, trung du, miền núi, biên giới, hải đảo, thậm chí vào cả chiến trường ác liệt… Cũng chính là từ một trong những chuyến đi vẽ như thế lên Lạng Sơn, họa sĩ Nguyễn Thụ đã yêu và lấy vợ người dân tộc Tày. Ông đã trở đi, trở lại vùng đất này nhiều lần và vì vậy đa số tranh ông vẽ về đề tài miền núi phía Bắc và thấm đẫm vẻ duyên dáng của phụ nữ, nhà sàn, núi non của miền đất biên cương này. Còn họa sĩ Huy Oánh thì có khá nhiều dịp vào vùng đất lửa khu IV, thậm chí vào cả chiến trường Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây theo đường mòn Hồ Chí Minh cùng các sinh viên xuất sắc thuở ấy như Ca Lê Thắng, Đoàn Văn Nguyên, Nguyễn Văn Chư… Tranh ông truyền tải được vẻ đẹp trực diện, gân guốc như các lão dân quân miền biển, khỏe khoắn như cầu Hàm Rồng và khốc liệt như đường Trường Sơn dưới mưa bom, bão đạn quân thù.

       Chính trong những thời khắc đặc biệt ấy, hai họa sĩ đã tích cực vẽ được vô số ký họa thuộc loại xuất sắc nhất của nghệ thuật ký họa Việt Nam. Và từ những ký họa ấy, hai ông đã xây dựng được những tác phẩm để đời. Với Nguyễn Thụ, đó là các bức: Mưa - lụa, Dân quân - khắc gỗ, Bộ đội đấu vật - khắc gỗ, Ghé qua bản - lụa, Bên bếp lửa - lụa, Sàng sẩy - lụa, Dệt vải - lụa, Trên nhà sàn - lụa… Với Huy Oánh, đó là các bức: Ra đồng - khắc gỗ, Ông cháu - khắc gỗ, Cháu hát các chú nghe - sơn dầu, Cầu Hàm Rồng - sơn mài… Đặc biệt hai ông còn là đồng tác giả của bức tranh cổ động nổi tiếng Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân.

       Điều hấp dẫn nhất ở hai ông là cá tính sáng tạo trong nghệ thuật, mỗi người có một phong cách, bút pháp, đậm nhạt và màu sắc riêng, hết sức nổi trội trong nghề. Người đời thường nghĩ đến cá tính sáng tạo trong tác phẩm của nghệ sĩ. Nhưng với hai ông thì điều này nổi bật ngay từ ký họa, mỗi tác giả một vẻ, hết sức ấn tượng đến mức người trong nghề nhìn liếc qua cũng biết đâu là ký họa Nguyễn Thụ, đâu là ký họa Huy Oánh: bên thì uyển chuyển, mơ mộng và lặng lẽ với những nét lượn cong miền núi, bên thì khai thác xuất sắc vẻ cương trực, mạnh mẽ của con người và thiên nhiên Việt Nam trong chiến tranh.

       Với họa sĩ Huy Oánh, đó là cách vẽ sôi nổi, mạnh bạo, quyết liệt… bởi ông rất vững về hình họa. Thể loại ký họa nào ông vẽ cũng mạnh mẽ: nhóm người, chân dung, phong cảnh điểm người, góc cảnh… đều nồng nàn hơi thở của cuộc sống bởi ông vẽ như bắt mạch ngay được sự sống động đó. Góc độ nào ông vẽ cũng như vừa khai thác hết hình tượng nổi bật nhất, lại lấy được luôn nét cô đọng, tinh chất nhất mà tranh vẫn thoáng. Chất liệu nào mà ông dùng để ký họa cũng trở nên đầy gợi cảm và lung linh: chì, phấn màu, mực nho, màu nước… đều làm cho các đồng nghiệp phải xúc động. Không hẳn đã vì ông dụng công tả - kể, có khi chỉ vài nét đơn sơ mà đã lột tả được bản chất của sự vật. Con người trong tranh ông hiện lên rất dày dặn, bối cảnh trong tranh ông rõ các lớp lang và cả chiều sâu hút. Chưa cần nói đến con người, chỉ sắt thép, thân cây, cột nhà… trong ký họa của ông cũng đều hiện lên như có nhựa sống. Chính là từ những ký họa đầy hiệu quả ấy, họa sĩ Huy Oánh đã xây dựng nên những tác phẩm xuất sắc một thời như: Ông cháu - khắc gỗ đen trắng, Cháu hát các chú nghe - sơn dầu, Cầu Hàm Rồng - sơn mài… hiện đều được trưng bày vĩnh viễn trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Thần tình là ở chỗ ông có thể tả kể tối đa trong sơn dầu và ngược lại có thể kiệm lời đến tối thiểu chỉ một sắc đen trong khắc gỗ mà vẫn thấy cuộc sống dày dặn, sung sức.


Công nhân sửa lại đường ray của cầu Hàm Rồng sau trận không quân Mỹ đánh phá,
ký họa, Trần Huy Oánh

       Với Nguyễn Thụ, đó là cách vẽ mềm mại, đầy trữ tình, giàu nhạc điệu miền núi và Á Đông. Tất cả đường nét, màu sắc, mảng miếng trong ký họa của ông đều giàu chất trang trí mà vẫn xao xuyến hơi thở của cuộc sống. Cũng là một người vững vàng về hình họa nhưng ông ưa chuộng diễn hình bằng đường nét trữ tình, uyển chuyển như trang trí của dân tộc. Ông không định tả - kể mà chú trọng vào gợi tả. Cái thần tình ở ông là có khi chỉ vài đường nét cũng làm bừng lên cái tình miền núi và dân tộc. Quê ở miền xuôi nhưng lớn lên ở miền núi, sau này lấy vợ người dân tộc Tày, Nguyễn Thụ thấm đẫm chất núi rừng đầy tình cảm, sâu lắng và uyển chuyển. Khá nhiều bức ký họa xuất sắc được ông chuyển vào tác phẩm một cách đầy hiệu quả như bức Mưa - lụa, hiện trưng bày thường trực trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ký họa cũng mực nho mà tranh lụa cũng mực nho, loang-chảy-nhòe-ướt một cách xuất sắc đến độ lung linh. Đây là bức tranh xuất thần từ ký họa: chủ động trong vẻ ngẫu nhiên, loang nhòe có điều khiển, kiệm màu đến tối thiểu (chỉ có mực nho trên nền lụa) mà lung linh, dung dị. Ký họa của ông rất Việt Nam, mà rõ hơn nữa, đó là một miền núi phía Bắc Việt Nam duyên dáng và trữ tình.


Mưa, Lụa, Nguyễn Thụ

       Đặc biệt hơn hết thảy là việc hai ông đã cộng tác để vẽ nên một bức tranh cổ động vào loại xuất sắc nhất Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ: Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân. Tất cả mọi người Việt Nam thời ấy đều ít nhất một lần được nhìn thấy và xúc động vì tranh này. Tranh đã được in, phóng, sao chụp, chuyển chất liệu vô số lần trên khắp cả nước vì tính hiệu quả mọi mặt của nó. Điều đáng lưu ý là bức cổ động được vẽ theo bút pháp ký họa. Họa sĩ Huy Oánh ký họa hình ảnh Hồ Chủ Tịch - lãnh tụ và linh hồn của dân tộc theo hình khối và mảng đậm nhạt mạnh mẽ đến độ quyết liệt. Vị Cha già dân tộc mặc áo ka ki, chống tay vào hông, cương nghị nhìn về phía trước. Đây là hình ảnh điển hình của cuộc trường kỳ kháng chiến với niềm tin tất thắng không gì lay chuyển nổi. Khá nhiều họa sĩ cũng đã vẽ Bác trong tư thế này nhưng chỉ có nét vẽ đầy bản lĩnh của họa sĩ Huy Oánh là hiệu quả nhất. Họa sĩ Nguyễn Thụ vẽ đoàn chiến sĩ đang hành quân vượt đèo phía sau theo bút pháp ký họa trữ tình. Đoàn chiến sĩ đông đảo bước tiếp bước, vượt núi, băng đèo ra trận mà lưu luyến ngước nhìn Cha già kính yêu… được thể hiện với đường nét uyển chuyển và dung dị, tràn ngập vẻ thanh xuân và tình yêu cuộc sống. Hai cách vẽ trên là sự kết hợp tài tình, không chỉ bổ sung đến ăn ý mà còn làm nổi bật tình cảm dân tộc của người Việt với lãnh tụ kính yêu. Không nhiều màu, chỉ đen trắng là chính, thậm chí nét là chính mà sao bức cổ động ấy lại tình cảm kỳ diệu đến vậy! Với 2 họa sĩ Nguyễn Thụ, Huy Oánh, ký họa chính là mang hơi thở cuộc sống vào tác phẩm. Hai ông đã chứng minh xuất sắc giá trị của ký họa qua mọi tác phẩm của mình, đặc biệt qua bức tranh cổ động làm chung. Tưởng như tranh cổ động chỉ khô khan, lý trí, nặng về hô khẩu hiệu… nhưng Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của hai ông lại mạnh mẽ mà vẫn dạt dào cảm xúc xiết bao qua nét vẽ giàu chất lượng ký họa đặc trưng đầy cá tính của hai ông.


Tranh cổ động “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của hai họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oánh

       Ngày nay không hiếm người coi ký họa chỉ là việc lấy tài liệu mà trong thời đại ảnh kỹ thuật số của thế kỷ XXI thì việc đó phải chăng không cần thiết nữa? Tất nhiên có những tài năng có thể xây dựng hình tượng trực tiếp thành tác phẩm và có những trường phái như Trừu tượng chẳng hạn thì không cần đến ký họa. Nhưng nếu xét đến nghệ thuật hiện thực trong bối cảnh Việt Nam thì quan sát thực tế và ký họa vẫn còn hết sức cần thiết. Hàng năm các lớp đại học mỹ thuật vẫn giành ra hai tháng để đi vẽ thực tế khắp các miền đất nước. Một trong những câu trả lời khác là hãy xem và rất nên xem ký họa của Nguyễn Thụ và Huy Oánh. Cá tính sáng tạo của hai ông hết sức rõ nét và cống hiến của hai ông là rõ ràng trong mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Một người đã thể hiện xuất sắc nhịp sống công nghiệp và cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, người còn lại biểu hiện tha thiết tình yêu thiên nhiên và vẻ duyên dáng của phụ nữ miền núi phía Bắc. Cơ sở để hai ông thành công là tài năng và sự rèn luyện đầy hiệu quả thông qua các ký họa theo suốt cuộc đời, từ tuổi thanh xuân đến khi già lão.

       Từng có thời người ta quá chú trọng vào ký họa bởi những thiếu thốn thời chiến khiến hầu như không thể làm tác phẩm lớn. Lại từng có thời người ta muốn loại bỏ hoàn toàn ký họa để chỉ cần xây dựng trực tiếp các tác phẩm lớn. Sang thế kỷ XXI ảnh kỹ thuật số và điện thoại có kỹ năng chụp ảnh phát triển vượt bậc đến mức ai cũng có thể chụp ảnh theo ý mình. Từng có lúc các sinh viên đi thực tập ham chụp ảnh là chính mà chỉ vẽ ký họa để đối phó cho có bài treo. Nhưng rồi cũng có người nhận ra rằng chép theo ảnh chụp là bị cuốn theo góc nhìn của máy ảnh. Chưa kể khi ta nhìn và vẽ trực tiếp thì sự sống động của thực tế sẽ trực tiếp hiện diện trên ký họa theo khả năng cảm nhận và thể hiện của mỗi họa sĩ. Điển hình nhất vẫn là những ký họa xuất sắc của hai ông Nguyễn Thụ và Huy Oánh. Ký họa của các ông sinh động đến mức có người coi như có dấu ấn của sáng tạo tác phẩm. Nhiều nhà sưu tập đã đến tận nhà để chọn mua các ký họa của hai ông và hãnh diện chọn treo trong phòng trưng bày tư gia.

       Để tổng kết chặng đường sáng tạo của mình, hai họa sĩ đã tổ chứccuộc triển lãm cá nhân theo kiểu triển lãm hồi cố, tập hợp các chặng đường nhà nghề. Hai triển lãm đã được giới chuyên môn hoan nghênh nhiệt liệt. Các tác phẩm lớn của họ đẹp như những trang nhật ký tràn đầy tình yêu cuộc sống, trải dài theo mọi miền đất nước, theo những bước chân họ đã đi. Ký họa của Nguyễn Thụ và Huy Oánh đã để lại những dấu ấn không phai mờ của một thời ký họa Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Thị Bích Ngân (Chủ biên) (2017), Huy Oánh - Ký họa thời chiến, Nxb Mỹ thuật.

2.  Đặng Thị Bích Ngân (Chủ biên) (2016), Họa sĩ Nguyễn Thụ - Tranh lụa và ký họa trong sưu tập của Yoong Voon Sin, Nxb Mỹ thuật.

3.https://vnfam.vn/vi/hi%E1%BB%87n-v%E1%BA%ADt/5ab387e0e58750001e71fe5e, Truy cập ngày 8/6/2018.

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K2 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật