Nghiên cứu lý luận

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích đền An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

17 Tháng Bảy 2018

Mạc Thị Hải Hà [*]

       Di tích lịch sử văn hóa đền An Sinh nằm trong quần thể Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2013, công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và các giá trị lịch sử văn hóa hàng trăm năm, đền An Sinh không chỉ là chốn hành hương của các Phật tử mà còn là điểm đến thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

       Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và đông đảo cộng đồng nhân dân những giá trị văn hóa lịch sử của đền An Sinh được bảo vệ, giữ gìn và tuyên truyền quảng bá, rộng rãi đến nhiều đối tượng du khách. Nhờ vậy, từ cảnh quan môi trường, các dịch vụ phục vụ du khách, đến các hiện vật có giá trị của đền An Sinh, đều được cải thiện, quản lý, bảo vệ rất tốt đền An Sinh.

       Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích đền An Sinh việc đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy tốt hơn chất lượng quản lý là rất cần thiết. Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đền An Sinh, tác giả mạnh dạn đưa ra một số giải pháp sau:

Nghiên cứu phục dựng lễ hội và các di sản văn hóa phi vật thể của các di tích

       Lễ hội truyền thống đền An Sinh đã được phục hồi. Hàng năm lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 8 âm lịch, thu hút hàng nghìn người tham dự. Lễ hội do UBND thị xã Đông Triều đứng ra tổ chức với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong thị xã và khách thập phương. Để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là các địa phương có thờ tự các vị vua Trần, Thành hoàng của làng, thì nên nghiên cứu và phục dựng lại lễ hội đền An Sinh theo mô hình lễ hội của đền An Sinh đầu thế kỷ XX với sự tham gia của cộng đồng dân cư trong toàn thị xã. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối lễ hội đền An Sinh với lễ hội Kiếp Bạc, tạo thành một tuyến lễ hội mùa “giỗ cha” (Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ) theo phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh đó, tổ chức các ngày kỷ niệm của đất nước hoặc của thị xã tại đền An Sinh;

       Các sự kiện liên quan đến khu di tích như kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các danh nhân liên quan đến di tích. Trong đó đặc biệt, có thể phối hợp với họ Trần Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các vị vua, các tướng lĩnh văn võ toàn tài của nhà Trần;

Đông Triều là nơi hình thành tổ chức thi ca đầu tiên của Việt Nam do vậy có thể phối hợp với hội văn học nghệ thuật các cấp tổ chức các sự kiện văn học nghệ thuật, thi ca lớn tại đây;

       Phối hợp với ngành giáo dục của Quảng Ninh tổ chức đưa các em học sinh trong tỉnh đến tham quan, học tập tại đền An Sinh để giáo dục truyền thống. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu sưu tầm các nguồn tư liệu lịch sử, truyền thuyết liên quan đến di tích đền An Sinh. Hệ thống hoá các tài liệu, tư liệu khoa học, các công trình khảo cổ học liên quan đến đền, từ đó có lộ trình ưu tiên đầu tư các hạng mục để phát huy giá trị của di tích đền An Sinh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích

       a. Phân chia nhóm đối tượng tuyên truyền. Bao gồm: Cộng đồng dân cư và cán bộ địa phương; Du khách trong nước; Du khách nước ngoài; Thanh thiếu niên; Các Phật tử và những người yêu đạo Phật.

       b. Hình thức tuyên truyền, quảng bá

Để tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích đền An Sinh tới các nhóm đối tượng kể trên cần xây dựng các chiến lược truyền thông, trong đó đưa ra mục tiêu cho từng nhóm đối tượng với những chủ đề phù hợp, cần đặc biệt lưu ý tới đối tượng thanh thiếu niên, học sinh. Chiến lược truyền thông nên truyền tải cả các thông tin về giá trị nổi bật của di tích cũng như trách nhiệm của người dân trong việc duy trì và bảo vệ các giá trị của di tích.

Trong quá trình quản lý di tích đền An Sinh, Ban Quản lý khu di tích nhà Trần ở Đông Triều cần có sự phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban trị sự Giáo hội hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền quảng bá về Phật giáo Trúc Lâm và thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm đến cộng đồng Phật tử trong và ngoài nước.

       c. Phương tiện tuyên truyền quảng bá

        * Internet

       Xây dựng một website cho khu di tích, cung cấp thông tin về giá trị nổi bật của khu di tích cũng như cung cấp các dịch vụ tiện ích khác như: liên hệ tham quan, chỉ dẫn bằng bản đồ số, giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm lộ trình tham quan, ăn, nghỉ,...  Trang web này liên kết với các đơn vị dịch vụ lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận tải để đảm bảo cho khách tham quan có được những thông tin hữu ích nhất cho chương trình tham quan của họ.

       Sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin truyền thông hiệu quả. Mạng xã hội là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc và những trải nghiệm của du khách sau những chuyến tham quan di tích. Do vậy, với sức lan tỏa của mạng xã hội, đây sẽ là kênh quảng bá hiệu quả, đồng thời qua đây đơn vị quản lý cũng tiếp thu được những ý kiến phản hồi của du khách để dần hoàn thiện các dịch vụ của mình.

       Ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng hệ thống thông tin địa lý tuyên truyền giáo dục lịch sử địa phương, là công cụ để vào chỉ dẫn du lịch khu di tích trên địa bàn(chỉ dẫn bằng công nghệ, hình ảnh và video như một hưỡng dẫn viên du lịch).

       * Ấn phẩm

       Các ấn phẩm gồm các loại tài liệu như tờ rơi, bản tin, bản đồ và các ấn phẩm khác giới thiệu về khu di tích. Các ấn phẩm cần được xuất bản liên tục giới thiệu về khu di tích cũng như các nghiên cứu mới về khu di tích. Tùy thuộc vào đối tượng và mục đích sử dụng, có thể xuất bản các sách nghiên cứu với kích thước lớn, trình bày đẹp dành cho những người nghiên cứu, các ấn phẩm có kích thước nhỏ, thông tin ngắn gọn và dễ hiểu dành cho khách tham quan.

       Hiện công tác xuất bản các ẩn phẩm nhỏ như tờ rơi, bản tin, ấn phẩm nhỏ đã được làm khá tốt. Việc xuất bản các ấn phẩm kích thước lớn với những thông tin chuyên sâu cũng nên được thực hiện.

       Việc phân phát các ấn phẩm cũng rất quan trọng, nên gửi các tờ rơi, tờ gập, ấn phẩm nhỏ đến các di tích, danh thắng thu hút nhiều người đến tham quan như: Yên Tử, chùa Ba Vàng; Côn Sơn, Kiếp Bạc; gửi tờ rơi tại các khách sạn lớn ở Hạ Long, Hà Nội, các hãng lữ hành để giới thiệu, quảng bá về khu di tích.

       * Khai thác và phát huy giá trị của đền An Sinh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thị xã

       Đền An Sinh với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa và cảnh quan, trong đó nổi bật là giá trị văn hóa tâm linh do đó, để khai thác hiệu quả thế mạnh nêu trên cần phát triển mạnh mẽ du lịch, dịch vụ, trong đó du lịch sinh thái văn hóa tâm linh là trọng tâm. Để đạt được mục tiêu này cần thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

       Xây dựng tuyến tham quan

       Gồm 9 tour trên địa bàn huyện và các tua kết nối với các tua bên ngoài, cụ thể như sau:

       * Tuyến tham quan tổng thể di tích Nhà Trần tại Đông Triều với chủ đề: “Về miền đất Phật” theo lộ trình: Cổng Tỉnh (Bình Dương)  =>  Đền An Sinh => Đền Thái => Ngải Sơn lăng => Thái lăng => Quỳnh Lâm => Chùa, quán Ngọc Thanh => Ngọa Vân => Hồ Thiên (2 ngày, 1 đêm trong điều kiện giao thông hiện nay; 1 ngày khi các tuyến cáp treo hoàn thành). Trong đó Đền An Sinh là nơi đón tiếp, giới thiệu tổng quan về quần thể di tích, trước khi đi tham quan khu di tích. Sau khi tham quan các di tích lăng tẩm, du khách nghỉ trưa, thưởng thức ẩm thực tại các điểm dịch vụ dừng chân trong khu vực;

       Tour kết nối khu di tích nhà Trần với các di tích lịch sử khác trên địa bàn huyện.

       Tuyến du lịch “Khám phá miền quê Đông Triều”: Tham quan nông thôn tiên tiến: Việt Dân, An Sinh, Bình Khê (theo mô hình du lịch làng quê Yên Đức).

       Kết nối với các di tích, danh thắng khác trong và ngoài huyện: Tour du lịch tâm linh văn hóa nhà Trần: Hà Nội => Côn Sơn, Kiếp Bạc => Cổng Tỉnh (Bắc Mã) => Đền An Sinh => Yên Tử (Uông Bí) => đền Cửa Ông và ngược lại (từ 2 - 3 ngày)

       Tour Hà Nội => Hạ Long => Yên Tử => Đền An Sinh => Hà Nội (2 - 3 ngày).

       Phát triển dịch vụ:

       Phát triển và quảng bá hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ ăn nghỉ và lưu trú, kêu gọi các nhà đầu tư để thực hiện theo hình thức đầu tư tư - quản lý tư;

       Quảng bá các đặc sản ẩm thực cũng như nông sản địa phương, tạo các sản phẩm thương hiệu phục vụ du khách làm quà tặng, lưu niệm.

       Hướng dẫn tham quan:

       Các đoàn khách đến tham quan đền An Sinh có thể theo hai hình thức: được tổ chức bởi các công ty lữ hành hoặc tự tổ chức; họ có nhu cầu có người hướng dẫn hoặc tự tham quan, khám phá. Vì thế, công tác hướng dẫn tham quan cũng có hai hình thức.

        Thuyết minh viên

       Việc đào tạo các thuyết minh viên sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy giá trị khu di tích, giúp khách tham quan hiểu giá trị khu di tích và quản lý số lượng khách. Các thuyết minh viên vừa phải nắm rõ lịch sử khu di tích, vừa có khả năng quản lý được nhóm khách và giải thích những đặc thù của từng điểm di tích. Từng bước nâng cao năng lực hướng dẫn viên có trình độ ngoại ngữ đáp ứng khách du lịch quốc tế.

       Biên soạn lại tờ rơi với cấu trúc ngoài các thông tin về di tích, vị trí và tuyến tham quan cũng cần bổ sung các thông tin về vị trí khu dịch vụ, nhà hàng và các công trình phụ trợ khác; Các thông tin chỉ dẫn nhằm giúp du khách tham quan dễ dàng thuận tiện như: Thời gian mở cửa các điểm di tích, phương tiện chủ yếu đi đến khu di tích.

       ùng với tờ rơi, cần soạn thảo tài liệu hướng dẫn chi tiết bằng ít nhất hai thứ tiếng (Việt, Anh) bán với giá vừa phải tại khu di tích hoặc cung cấp miễn phí tại các điểm di tích, danh thắng nằm trên tua kết nối với khu di tích hiện đã thu hút nhiều du khách, các khách sạn lớn và các quầy thông tin du lịch.

       Các sản phẩm lưu niệm

       Nghiên cứu thiết kế logo của di tích, sản xuất, in ấn logo trên các sản phẩm lưu niệm;

       Sản xuất các mặt hàng lưu niệm mang biểu tượng của đền An Sinh và vùng đất Đông Triều hoặc những ấn phẩm để du khách làm quà lưu niệm;

       Các đồ lưu niệm nhỏ: Sản xuất các di vật tiêu biểu của khu di tích, phát triển gốm, sứ làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu đã có thương hiệu để phục vụ du khách.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Anh (2013), Quần thể lăng tẩm nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh, Nxb Văn hóa - Thông tin.

2. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đông Triều (2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Triều, Tập I, II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 

3. Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh (2010), Di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Ban Quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh, Kỷ yếu hội thảo
khoa học năm 2008, Đông Triều với lịch sử nhà Trần.

5. Ban Quản lý di tích danh thắng Quảng Ninh (2005), Lý lịch di tích lịch sử văn hóa đền An Sinh.

-------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa