Nghiên cứu lý luận

Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An

10 Tháng Tám 2018

                                                                                                                        Phạm Thị Minh Nguyệt [*]
Là một trường chuyên nghiệp đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, hơn 20 năm qua, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Nghệ An đã và đang tích cực góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Trong thời gian qua, đặc biệt ngày 27/11/2014 dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã chính thức được UNESCO vinh danh, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có chủ trương hướng dẫn đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào dạy trong các trường học. Nhà trường đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp, đến nay chất lượng dạy học hát dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đã từng bước được nâng cao. 
Tuy nhiên, việc giảng dạy môn học Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh dùng cho hệ cao đẳng chuyên ngành Âm nhạc, Sư phạm Âm nhạc vẫn còn hạn chế và bất cập về chương trình, giáo trình cũng như cách truyền thụ kiến thức với những vấn đề cơ bản mà chúng tôi xin dẫn ra như sau: 
Một là, chương trình môn học chỉ đưa ra thực hành một số làn điệu, chưa đảm bảo tính hệ thống các làn điệu gốc và làn điệu cải biên. Trong chương trình môn học, chưa thể hiện được phần lý luận về nét đẹp, đặc trưng cơ bản, nguồn gốc, tính chất của các làn điệu… Qua khảo sát, chúng tôi thấy rất rõ điều này ở môn hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh dùng cho hệ cao đẳng chuyên ngành Âm nhạc, Sư phạm Âm nhạc. Là hai đối tượng học âm nhạc chuyên nghiệp cần thành thạo về ca hát và hiểu rõ tính chất các làn điệu, ứng dụng làn điệu, biết cách diễn xướng cũng như hình thành các vấn đề về dàn dựng sân khấu, chương trình nghệ thuật… thì điều này cũngcchưa được chú trọng. Do đó, chưa phát huy được hiệu quả dù rằng các giảng viên, nghệ nhân đã nỗ lực rất nhiều vào công việc truyền dạy trong những lời hát, truyền lửa trong những cung bậc cảm xúc của cha ông xưa để lại.
Hai là, chưa thống nhất các phương pháp dạy học, như: Phương pháp dạy học theo lối truyền nghề của nghệ nhân, thầy hát trước, trò bắt chước theo sau. Vẫn biết rằng đây là lối dạy học hát dân ca kiểu dân gian truyền thống. Nhưng vì đây là môi trường chuyên nghiệp, người học cần được giới thiệu về các bản phổ ký âm của người sưu tầm, phải được tiếp cận với bản phổ các làn điệu, thậm chí là cùng một làn điệu nhưng bản ký âm khác nhau, nhiều cách hát khác nhau. Do chưa làm được điều này nên dẫn đến người học thiếu đi một chỗ dựa cần thiết và mất nhiều thời gian hơn để hát thuộc một làn điệu.
Một số người dạy sử dụng phương pháp dạy theo kiểu đọc xướng âm trước, rồi ghép lời. Mà dân ca thường có nhiều những âm tô điểm, chùm âm luyến láy, nhấn nhá khó hát. Chưa đáp ứng được mục tiêu mà môn học đề ra trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp là sự kết hợp các phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới... Cụ thể là: 
Với âm tô điểm: Do phải tập trung tính trường độ của âm tô điểm nên việc thực hành luyện tập những mẫu tô điểm không nhiều, các chữ đệm lại là những âm tô điểm với tính chất nhấn nặng của dân ca Nghệ Tĩnh là rất khó để các em hát đúng được.
Với chùm âm luyến: Các em còn nhầm lẫn giữa âm tô điểm và âm luyến. Ví dụ như khi hát quãng hai của âm luyến thì nhầm là âm tô điểm hoặc ngược lại do kiến thức về lý thuyết âm nhạc còn hạn chế. Để giải quyết được vần đề này cũng đòi hỏi khá nhiều thời gian, như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giờ dạy.
Với các quãng nhảy: Đa số các em đọc quãng nhảy chưa chính xác trong các giờ học xướng âm, song khi học theo hình thức truyền khẩu thì các em ít bị mắc lỗi hơn do các em hát chỉ cần có năng khiếu tai nghe chuẩn là có thể hát được.
Ba là, thời lượng dành cho môn hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh dùng cho hệ cao đẳng chuyên ngành Âm nhạc và Sư phạm Âm nhạc chỉ 45 tiết, trong đó phần lý thuyết là 15 tiết, thực hành là 30 tiết hình thức học theo tập thể. Như vậy là quá ít, các em chỉ mới bao quát được giai điệu của mỗi làn điệu mà chưa được thực hành chỉnh sửa chi tiết các kỹ năng. Nhìn chung là chưa đủ để chuyển tải nội dung cơ bản, chưa tương xứng cho ngành học là đối tượng học âm nhạc chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy với những lớp đã tốt nghiệp ra trường các em chưa thực sự đủ năng lực hoạt động tại các cơ sở, kỹ năng đàn và hát của các em còn rất hạn chế, kiến thức âm nhạc còn hạn hẹp. Bởi, phần kiến thức chuyên ngành bao gồm những phân môn chuyên ngành được đào tạo sâu rất cần trải qua một quá trình rèn luyện nhất định chứ không chỉ gói gọn trong một thời gian ngắn mà đòi hỏi hình thành kỹ năng và kỹ xảo được.
Trong quá trình nghiên cứu thực trạng môn hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, chúng tôi xin được xây dựng đổi mới một phần nội dung của chương trình dành cho hệ cao đẳng chuyên ngành Âm nhạc, Sư phạm Âm nhạc góp phần nâng cao hiệu quả trong giảng dạy môn học này đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, như sau: 
Trước hết, cần bổ sung phần lý thuyết vào nội dung chương trình từ 15 tiết lên 25 tiết, nhằm bổ sung thêm về lý luận cho người học. Học hát dân ca Ví, Giặm không chỉ hát lên làn điệu, bài bản mà còn phải hiểu được cái hay, cái đẹp và những giá trị nhân văn trong từng làn hát, làm cho bản thân yêu hơn, trân trọng hơn những âm điệu, lời ca của cha ông để lại, từ đó góp phần gìn giữ và phát huy. Người học cần hiểu về nội dung, tính chất âm nhạc của làn điệu. Không dừng lại ở việc hát thuộc lời cổ mà còn phải thay lời mới chuyển tải được những tình cảm, phù hợp, gần gũi với tư duy, nhận thức của con người trong thời đại mới.
Cần tăng phần thực hành vào nội dung chương trình từ 30 tiết lên 65 tiết. Hát thuộc, hát hay nhưng còn phải học về ứng dụng các làn hát đó. Vì vậy, phải tổ chức các hoạt động của CLB dân ca Ví, Giặm. Thực hành hát dân ca Ví, Giặm trong những môi trường không gian, thời gian, tính chất diễn xướng khác nhau. Không hát riêng lẻ từng làn điệu mà có sự kết hợp nhiều làn điệu cùng loại, khác loại, hát lời cổ, lời cải biên. Tổ chức những cuộc hát với những nội dung cụ thể nào đó. Nội dung của khối Sư phạm Âm nhạc cần bổ sung thêm phần phương pháp thực nghiệm dạy hát dân ca Ví, Giặm phổ thông để phục vụ cho công việc dạy học của các em sau ngày ra trường.
Bên cạnh hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không nhạc đệm, cần cho sinh viên trải nghiệm với lối hát có phần đệm của các nhạc khí cổ truyền, cho các em luyện tập, thực hành một số cách vận dụng kỹ thuật biểu diễn đơn giản. Chúng tôi cho rằng đây là sự tiếp nối, là một lối thực hành mới mà sinh viên thích thú hơn. Nó làm tăng khả năng truyền cảm, tính thẩm mỹ của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống đương đại nhưng không làm mất đi giá trị truyền thống vốn có. 
Ngoài ra, tài liệu sách giáo khoa và thiết bị phục vụ học tập của giáo sinh bổ sung đầy đủ để cho các em tham khảo và học tập. 
Với các bước triển khai xây dựng chương trình, giáo trình, như sau: 
Bước 1: Thành lập nhóm biên soạn  
Nội dung phù hợp từng mã ngành, phân tích nhu cầu môn học, thiết kế các phiếu hỏi khảo sát tình hình chung và xử lý kết quả. Nghiên cứu các hình thức thực hành biểu diễn, tham khảo chương trình môn học của một số ngành liên quan về âm nhạc dân gian trước đó. Sau đó trao đổi ý kiến với chuyên gia các nghệ nhân và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian để lập kế hoạch tổng thể triển xây dựng chương trình.
Bước 2: Tổ chức hội thảo lần 1
Khoa âm nhạc triển khai tổ chức hội thảo soạn chương trình giáo án, tập bài giảng, thống nhất về mục đích, mục tiêu, nội dung. Phân công trưởng nhóm là người có năng lực chuyên môn chuyên gia về môn học và giao công việc cụ thể cho mỗi thành viên. 
Bước 3: Đề xuất dự thảo chương trình nhóm, triển khai công việc đã được phân công. Trưởng nhóm tổng hợp các kết quả công việc của các thành viên, các ý kiến đóng góp của dự thảo lần 1.
Bước 4: Triển khai khảo sát ý kiến về chương trình, bài giảng thông qua các nhóm. Khảo sát các mục cấu trúc chương trình, nội dung, tài liệu học tập và kiểm tra đánh giá tổng hợp dự thảo chương trình đưa ra bản dự thảo lần 2.
Bước 5: Tổ chức hội thảo lần 2 
Lấy ý kiến của hội thảo, thống nhất về mục tiêu môn học, thời lượng cho từng hình thức tổ chức dạy học môn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cho mỗi ngành đào tạo, hình thức kiểm tra đánh giá, tài liệu giảng dạy và học tập.
Bước 6: Hoàn thiện chương trình, giáo trình
Tiếp thu ý kiến đóng góp, rà soát lại toàn bộ chương trình, giáo trình bổ sung những vấn đề chưa đạt theo sự tổng hợp các ý kiến của trưởng môn học hoàn thiện. Hoàn tất bản chính cùng các hồ sơ liên quan thông qua các phòng, các cấp liên quan để thẩm định phê duyệt và đăng lên trang web của trường để phổ biến rộng rãi. 
Bước 7: Tổ chức thực hiện
Các giảng viên bộ môn thực hiện giảng dạy theo chương trình môn học truyền tải nội dung tới người học bằng cách soạn giáo án giảng dạy theo khung chương trình, giáo trình đã soạn và ban hành. Đồng thời nên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật để đáp ứng nhu cầu theo trình độ năng lực của người học.
Tài liệu tham khảo
          1. Nguyễn Nhã Bản, Ngô Văn Cảnh, Phan Xuân Đạm, Nguyễn Thế Kỷ (2001), Bản sắc văn hóa của người Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An.
          2. Nguyễn Thị Thanh Bình (2005), Đưa Dân ca vào chương trình dạy nhạc cho SV Khoa Tiểu học - Đại học Sư Phạm, Luận văn Thạc sỹ Văn hóa học, Viện Nghiên cứu văn học, Hà Nội. 
          3. Phạm Tiến Dũng, Cao Đăng Vĩnh, Tạ Quang Tâm (2012), Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An.
          4. Ninh Viết Giao (1996), Kho tàng ca dao xứ Nghệ, Nxb Nghệ An.
         5. Lê Hàm (2000), Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Hội văn nghệ dân gian, Nghệ An. 
         6. Lê Hàm, Thanh Lưu, Vi Phong (1991), Dân ca Nghệ Tĩnh, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
          7. Hoàng Lân - Văn Nhân (1995), Giáo trình giảng dạy âm nhạc, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội.
         8. Nguyễn Thụy Loan (2006), Ầm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm.
________________________
[*] Lớp Cao học k7 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc