Nghiên cứu lý luận

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích đền Bình Hải, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

10 Tháng Tám 2018

                                                                                                                                  Phạm Chí Linh [*]
    
    Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích đền Bình Hải có nhiều chuyển biến tích cực.Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp về còn hạn chế, các dự án tu bổ xây dựng chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân đóng góp mang tính tự phát khó quản lý. Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, có nhiều biến động. Trước những hạn chế đó, yêu cầu đặt ra đối với Ủy ban nhân dân xã Yên Nhân, Ban quản lý di tích đền Bình Hải cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý di tích đền Bình Hải trong thời gian tới.
Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về pháp luật di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới nhiều hình thức đổi mới, đa dạng và phong phú, chú trọng vận dụng việc xã hội hóa trong công tác truyên truyền, đầu tư kinh phí. Thiết kế một số ấn phẩm riêng, đặc trưng giới thiệu về đền Bình Hải, biên tập thành sách để tạo sự hiểu biết một cách có hệ thống và cơ bản về di tích. Ban Văn hóa và Thông tin xã Yên Nhân tham mưu cho cấp trên về việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với đặc thù của địa phương.Thường xuyên mở các lớp tập huấn về nội dung Luật Di sản văn hóa, Nghị định 98 quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
    Việc xây dựng chính sách tài chính cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các phòng ban ngành có liên quan như Ban Văn hóa và Thông tin xã, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Ban quản lý dự án… Sự phối hợp chặt chẽ cao giữa các đơn vị sẽ tạo cho công tác quản lý di tích đền Bình Hải đạt hiệu quả tốt nhất. Trong những năm tới, xã Yên Nhân cần xây dựng những cơ chế chính sách tài chính cụ thể cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích đền Bình Hải gắn với phát triển du lịch, cần có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho Ban quản lý di tích đền Bình Hải có nguồn thu phục vụ cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, hướng dẫn ban quản lý di tích thực hiện tốt chế độ thu, chi tài chính liên quan đến công tác quản lý di tích.
    Trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng các đề án xã hội hóa công tác bảo vệ, phát huy giá trị của di tích về mọi mặt, xã hội hóa cả sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực di sản, về tuyên truyền giới thiệu, việc hưởng thụ các giá trị văn hóa mà di tích đem lại... Cần có những chính sách khuyến khích động viên kịp thời những cá nhân tập thể, tham gia đóng góp xây dựng, bảo vệ di tích. Đồng thời tăng cường thanh kiểm tra việc quản lý di tích, tránh để xảy ra tình trạng dùng kinh phí xã hội hóa, xây dựng tràn lan làm thay đổi, biến dạng, các giá trị kiến trúc, nghệ thuật của di tích.
    Trong quá trình tiến hành tu bổ, Ban Văn hóa và Thông tin xã Yên Nhân, Ban quản lý di tích đền Bình Hải cần chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan tiến hành khảo sát thực địa, đề xuất phương án tham mưu Ủy ban nhân dân xã lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo, đưa ra các bước thực hiện cho cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế của di tích. Việc bảo tồn di tích đền Bình Hải phải tuân thủ theo quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Quá trình thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích phải được thực hiện theo các bước nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, trên cơ sở kết quả nghiên cứu về di tích một cách thấu đáo để triển khai các hạng mục trùng tu, tôn tạo. Phải có cơ chế quản lý mang tính chuyên biệt, trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa, luật xây dựng, và những văn bản pháp lý có liên quan.
    Ủy ban nhân dân xã Yên Nhân, Ban quản lý di tích đền Bình Hải cần tập trung tăng cường hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị di tích đền Bình Hải đến đông đảo nhân dân trên nhiều hình thức phong phú, xây dựng đề án xúc tiến du lịch, thiết kê tour, tuyến du lịch trong địa bàn xã, mở rộng ra các xã có khu di tích và danh thắng... Kết hợp với du lịch tâm linh, du lịch lễ hội tạo thành các tuyến điểm du lịch, thu hút du khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị cội nguồn lịch sử dân tộc. Đẩy mạnh đào tạo và thu hút đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu có liên quan tới di tích, phục dựng những nghi lễ, một số tích trò trong lễ hội, các giá trị văn hóa phi vật thể, tính thiêng của di tích... để tăng tính hấp dẫn của di tích thu hút sự quan tâm của du khách. Việc khai thác giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch phải thực hiện phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, quá trình khai thác và bảo tồn và luôn được tiến hành đồng bộ.
    Cần nâng cao chất lượng bộ máy, đội ngũ quản lý, bổ sung thêm cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành, có chính sách thu hút những người có trình độ, chuyên môn cao về chuyên ngành di sản văn hóa; xây dựng các biện pháp chế tài và chế độ thù lao cho người trực tiếp trông nom tại di tích. Xây dựng các chương trình nâng cao năng lực, mở rộng quy mô đào tạo cán bộ chuyên ngành bảo tồn, cung cấp đủ các điều kiện trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác bảo tồn. 
    Ban Văn hóa và Thông tin xã Yên Nhân cần phải phối hợp với các đơn vị liên ngành xây dựng được kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo từng quý, từng năm, thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, xây dựng mạng lưới cộng đồng, tận dụng vai trò của ban thanh tra nhân dân và có các hình thức xử phạt thích đáng nhằm chấm dứt hiện tượng và hành vi gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tại di tích.
    Như vậy để công tác quản lý di tích đền Bình Hải trong thời gian tới đạt hiệu quả cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể; phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ xã đến các cơ sở. Tổ chức tốt công tác nghiên cứu khoa học, đánh giá hiện trạng, tìm ra những giá trị còn tiềm ẩn của di tích, từ đó lập phương án bảo tồn, tôn tạo di tích, bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác quản lý di tích. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích, trong đó chú trọng và khai thác hiệu quả nguồn lực từ xã hội hóa. Cần có sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, giữa việc phát huy các giá trị của đền Bình Hải gắn với khai thác và phát triển du lịch văn hóa... Trên cơ sở tìm hiểu thực trạng quản lý di tích đền Bình Hải, đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý di tích đền Bình Hải trong những năm tới. Các giải pháp trên tuy độc lập nhưng có tính hệ thống, thống nhất chặt chẽ với nhau không thể tách rời, khi tiến hành một giải pháp này cũng là tiến hành nhiều giải pháp khác, với hy vọng sẽ là những đóng góp nhỏ trong công tác quản lý di tích đền Bình Hải ngày càng tốt hơn góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy những giá trị di tích lịch sử của xã Yên Nhân nói riêng và những di sản văn hóa trong cả nước nói chung.

Tài liệu tham khảo
1.    Bộ Văn hóa - Thông tin (2003), Quyết định số 05/2003/QĐ/BVHTT ngày 06 tháng 2 ban hành Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.
2.    Chính phủ, (2006), Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 6/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong  hoạt động Văn hóa - Thông tin.
3.    Chính phủ (2010), Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ban hành ngày 21/9/2010 Quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
4.    Quốc hội (2001), Luật di sản văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5.    Quốc hội (2009), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật di sản, Nxb
6.    Tỉnh ủy Ninh Bình, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
7.    Sở Văn hóa Thông tin và thể thao (1992), Tài liệu khảo sát điển dã di tích đền Bình Hải.
8.    Sở Văn hóa Thông tin và thể thao (1992), Tư liệu Hán Nôm đền Bình Hải, thôn Bình Hải xã Yên Nhân huyện Tam Điệp tỉnh Ninh Bình.
9.    Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình. (2015), Quyết định số 34/2015 QĐ-UBND ngày 14/12/2015 của UBND tỉnh Ninh Bình. về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
________________________
[*] Lớp Cao học k5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa