Nghiên cứu lý luận

Nghệ thuật chạm khắc trong chùa Thầy vận dụng vào dạy học phân môn Vẽ trang trí ở Trường Trung học cơ sở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội

18 Tháng Chín 2018

 

    Trương Thị Dung [*]

Chùa Thầy tức Thiên Phúc Tự là một kiến trúc Phật giáo có vị trí nổi bật trong quần thể di tích nổi tiếng từ lâu đời quanh núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội. Được khởi dựng từ thời Lý, chùa Thầy gắn liền với truyền tích của vị thiền sư nổi tiếng thời Lý đó là Từ Đạo Hạnh, là người có công tạo dựng nên trung tâm Phật Giáo của vùng Quốc Oai. Nằm ở một vị trí đắc địa kết hợp với những nghệ thuật chạm khắc độc đáo trong kiến trúc và điêu khắc đã đưa chùa Thầy và cảnh quan nơi đây vào loại “Đệ nhất thiên hạ”.

Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại hòa nhập trên toàn thế giới, những vấn đề về tôn giáo tín ngưỡng cũng vẫn là một bộ phận tinh thần quan trọng trong đời sống xã hội. Trải qua nhiều thế kỷ, qua các di tích còn lại trên đất nước chúng ta, với rất nhiều ngôi chùa cổ kính không chỉ mang giá trị tinh thần của Phật giáo Việt Nam, mà còn đem lại những giá trị về kiến trúc, mỹ thuật của các thời kỳ.

Mỹ thuật là môn năng khiếu yêu cầu tính sáng tạo, cái cảm về vẻ đẹp xung quanh. Bởi học mỹ thuật là đem lại niềm vui cho chính mình và mọi người, làm cho mọi người thấy cái đẹp có ở xung quanh, nó gần gũi và đáng yêu. Vẽ trang trí là một phân môn có tính sáng tạo trong bộ môn Mĩ thuật. Ngoài việc cung cấp kiến thức thẩm mĩ cho học sinh, nó còn rèn luyện cho các em tính quan sát, kiên trì và sáng tạo trong mĩ thuật cũng như được ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Nhằm nâng cao trình độ cho học sinh khối trung học cơ sở nói chung và đặc biệt là trường Trung học Cơ sở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội nói riêng thì chúng tôi đã sử dụng những họa tiết hoa văn trong chạm khắc chùa Thầy vào dạy học phân môn này nhằm kích thích sự hứng thú, quan sát, sáng tạo của học sinh về những nét đẹp trong truyền thống tạo hình trong chùa với những hình tượng chạm trổ, bố cục sắp xếp của các mảng chạm khắc trong chùa Thầy.

Chạm khắc trong kiến trúc chùa cũng như kiến trúc cổ Việt Nam đã tạo nên giá trị nghệ thuật cao cho các công trình kiến trúc Việt Nam. Vì thế, trong việc góp phần tạo nên giá trị của một kiến trúc là tạo nên “hồn” cho các công trình - nghệ thuật điêu khắc. Những đề tài và kỹ thuật chạm khắc của thế kỷ XVII nói chung và ở những kiến trúc cổ, trong đó có kiến trúc chùa Thầy nói riêng đã mang đậm tính dân gian, là một trong những đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc kiến trúc của thế kỷ XVII thể hiện ý tưởng cho nghệ nhân và cũng là những thông điệp cho đời sống sinh hoạt văn hóa, thường ngày.

Chùa Thầy nổi bật với nhiều tác phẩm chạm khắc trong các tòa Tiền Đường, Điện Phật, Điện Thánh. Với phong cách trình bày của ba tòa này đều giống nhau về bộ mái, bộ khung và bộ phận khác bằng những mảng chạm khắc độc đáo. Như trong bộ mái ta có trang trí của các đầu kìm, góc đao, bờ nóc và bờ dải của ba tòa đều đắp các con sấu, lân, các góc đao là đầu rồng cong vút ở cuối. Bộ khung gồm: Các ván lá gió, ván bưng, ngạch, ngưỡng đều sử dụng trang trí hoa văn hình đao mác, lá đề. Các đề tài rồng, lân,... các mảng hầu hết có niên đại thế kỷ XVII. Đặc biệt ở tòa Thiêu Hương trang trí khá đẹp ở vách ngăn, cửa võng với các đề tài rồng, mây, hoa cúc, mặt trời. Các mảng hầu như có niên đại thế kỷ XVII. Trong đó hình tượng hoa cúc, mây, lá đề độc đáo, quen thuộc và gần gũi với người dân và học sinh. Trong đó hình tượng hoa cúc, lá đề phù hợp với chương trình của học sinh Trung học Cơ sở tại thời điểm này với các loại bài trang trí cơ bản: hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, trang trí đường diềm.

Bên cạnh đó, một trong những hình tượng không thể thiếu của chạm khắc thời kì bấy giờ là hoa sen. Đây là loài hoa gắn bó với đời sống con người từ rất lâu đời, được nhân dân ta yêu chuộng bởi giá trị vật chất và tinh thần rất phong phú, đa dạng. Sen gắn với kiến trúc và điêu khắc cổ Việt Nam như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thời đại, từ xa xưa đến ngày nay. Trong chùa Thầy, hoa sen được cách điệu đưa vào trong chạm khắc nổi bật trong đó có thể kể đến: Bệ của tượng vua Lý Thần Tông, đặt gian bên trái toà điện thánh. Cấu trúc khá phức tạp, hình lục giác với các cạnh không đều nhau, giật cấp ba tầng. Mặt bệ có cạnh lớn 0,68m; cạnh nhỏ 0,54m. Hoa văn mặt bệ là một đường diềm với trang trí xung quanh có các u tròn. Thân bệ thu nhỏ, nhiều hình trang trí, diềm trên và diềm dưới có một lớp cánh sen mũi xoắn. Mặt trước của bệ có ô trang trí một con rồng. Thân rồng mập lượn cong, phủ vảy điểm xuyết những viên ngọc, bờm một dải tỉa mượt lượn phía sau. Đầu rồng ngoảnh về sau, miệng nhả ra viên ngọc. Bốn mặt bên của bệ chạm hình sừng tê, ngọc báu trên nền hoa văn lá đề có diềm hình ngọn lửa. Sáu góc bệ đều có trụ chống, trang trí hoa sen với những cánh thon và các múi nổi.

Bởi vậy hình tượng hoa sen trong chạm khắc chùa Thầy phù hợp với phân môn Vẽ trang trí trong chương trình Vẽ Trang trí cơ bản và ứng dụng của lớp 7, 8 với các bài: trang trí đường diềm và ứng dụng trong cuộc sống, trang trí lều trại, trang trí trang phục.

Giá trị chạm khắc còn được thể hiện nổi bật tại khám thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh là người gắn liền với sự ra đời nghề múa rối nước tại nơi đây. Khám thờ được đặt ở góc trong cùng của toà Điện Thánh, trên một đế bệ (cơ đài). Trong Khám có tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh vô cùng độc đáo. Khám thờ Thiền sư Đạo Hạnh cao 3m; dài và rộng 1,83m. Khám gồm ba lớp: mái, thân, đế. Mái khám có hai tầng, giống như hình mui luyện. Trụ nhỏ mọc trên đỉnh mái, nâng cao một nụ sen. Mỗi góc mái đều có hai xà nhô ra chạm hình đầu rồng. Bốn cột tròn chạm rồng dựng tại các góc khám. Rồng dài thon cuộn tròn quanh cột theo chiều dài, thân phủ vảy, râu và vây có các dải mây lượn. Giữa các thanh xà nối bốn cột, có những cụm đấu củng hình vuông. Mỗi mặt có 3 cụm đấu, xen giữa là những biến thể hoa văn. Quanh xà có những đường diềm bao kín, chạm hoa dây, sen, mai, cúc. Giả lan can của khám có trụ vuông ở bốn góc, các trụ chính cũng là để mở lối vào khám. Mặt trước khám lắp bộ cửa gồm 2 cánh, cùng vách ngăn ở hai bên. Cánh cửa hình chữ nhật chia thành 4 ô trang trí. Hai ô trên cùng chạm hình rồng thân thon, lượn vặn vỏ đỗ từ dưới lên trên thành hình lá đề. Hai ô dưới đều chạm con phượng đang trong tư thế nhảy múa. Đuôi phượng mảnh, tỉa nhiều lớp uốn lượn toả ra phía sau, xen kẽ có các cụm mây hình khánh.

Đế khám chia làm 3 tầng, kết cấu tương tự bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần. Đế bệ chạm hồi văn được chia thành nhiều ô chữ nhật nhỏ, tỉa hình ca rô và các hình trám lồng. Mặt đế khắc 3 lớp cánh sen. Chân đế kiểu chân quỳ dạ cá, trang trí các cuộn lá đề và mây cuộn. Thân đế có một lớp cánh sen ngửa, mũi sen xoắn lõm.

Qua các đặc điểm độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc chùa Thầy với tinh thần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hoá, đồng thời giúp học sinh nâng cao vốn hiểu biết về nghệ thuật chạm khắc chùa nói chung và chùa Thầy nói riêng. Vì vậy, tiếp thu và sáng tạo nên một sức sống mới nhằm bảo tồn giá trị nghệ thuật chạm khắc chùa Thầy thì việc đưa nghệ thuật chạm khắc trong chùa Thầy vào dạy học môn Mỹ thuật nói chung và phân môn Vẽ trang trí nói riêng trường Trung học Cơ Sở An Khánh là hết sức cần thiết.

Nghiên cứu chạm khắc gỗ chùa Thầy, là chúng ta đang nghiên cứu một ngôi chùa tiêu biểu trong các ngôi chùa “Tiền Phật hậu Thánh”. Qua đó thấy được tầm quan trọng của việc vận dụng những nghệ thuật chạm khắc của chùa Thầy vào dạy học phân môn vẽ trang trí, giúp học sinh có cái nhìn và hiểu được giá trị nội dung, thẩm mĩ trong chùa Thầy.

Qua những bài vẽ của học sinh, ta sẽ biết được các em đã biết, đã hiểu được những gì về lĩnh vực mỹ thuật; đã biết trình bày những điều mà các em biết, hiểu ấy bằng cách diễn đạt như thế nào, vận dụng vào thực tế ra sao, từ đó kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học sao cho đạt hiệu quả cao hơn. Với những gì mà đã thực nghiệm qua công tác giảng dạy cho các em, chúng tôi nhận thấy rằng: Học sinh rất thích những buổi hoạt động ngoại khóa, bởi chính những buổi học này đã đem lại kiến thức thực tiễn từ những gì các em đã học mà không bị áp lực về học hành mà còn đem lại lợi ích cho nhà trường và xã hội. Như vậy, kết quả mà các em đạt được là khả thi, giúp cho thầy dạy tốt hơn, trò học hứng thú hơn, qua đó các em cũng tự hình thành cho mình tư duy cũng như ý thức trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo Dục và đào tạo (Tháng 6/2008), Hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp dạy học trong đào tạo giáo viên Âm nhạc - Mĩ thuật cho trường phổ thông”.

2. Phạm Thị Thu Hương (2004), Những ngôi chùa tiền phật hậu thánh ở vùng châu thổ Bắc Bộ, luận án tiến sĩ văn hóa học.

3. Đặng Thị Phong Lan(2012), Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Thầy, Luận án tiến sĩ.

4. Chu Minh Khôi (2018), “Giác ngộ oline”, Di sản chùa Thầy, Nguồn: Theo Tạp chí Văn Hoá Phật Giáo số ra ngày,

https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=77C440,[1/8/2007].

[*] Lớp Cao học K2 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật