Nghiên cứu lý luận

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Nhà Văn hóa huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng

06 Tháng Mười Một 2018

Vũ Duy Hiếu [*]

Công tác quản lý nhà nước về thiết chế văn hóa từ trước cho đến nay thành công hay thất bại một phần rất lớn là do đội ngũ cán công chức, viên chức, người lao động, ban chủ nhiệm đang làm việc tại các thiết chế văn hóa. Họ là những người tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức thực hiện đến với quần chúng nhân dân. Tại huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, đội ngũ những người làm công tác trong các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được các cấp ủy đảng chính quyền quan tâm kiện toàn một các đầy đủ và rộng khắp đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Thực trạng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Nhà văn hóa huyện Kiến Thụy

Trước yêu cầu đổi mới liên tục của đời sống văn hóa - xã hội thì đội ngũ cán bộ làm công tác trong các thiết chế văn hóa của huyện còn bộc lộ một số hạn chế đó là:

Thứ nhất, chất lượng các lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn theo chuyên đề dành cho cán bộ công chức, viên chức những người lao động làm công việc tại trung tâm văn hóa thông tin, nhà văn hóa chưa cao, còn mang tính hình thức, hành chính.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là thành viên ban chủ nhiệm các nhà văn hóa đa phần lớn tuổi, làm việc dựa trên kinh nghiệm cá nhân là chính, thiếu trình độ chuyên môn.

Thứ ba, thành phố và huyện chưa có cơ chế riêng để thu hút những người có chuyên môn, năng lực về công tác tại các thiết chế. Chế độ tiền lương và phụ cấp của cán bộ văn hóa từ huyện đến xã, thị trấn, thôn, làng là rất thấp.

Thứ tư,  cơ chế và phương pháp quản lý cũ đã không còn phù hợp.

Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộTrung tâm văn hóa - thông tin, NVăn hóa tại huyện Kiến Thụy

Từ những thực trạng nêu trên, tác giả xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ viên chức, người lao động ở trung tâm văn hóa - thông tin, nhà văn hóa tại huyện được tốt hơn trong thời gian tới.

Một là, việc mở các lớp ngắn hạn đào tạo tập huấn cho hệ thống cán bộ làm công tác văn hóa cần phải được toàn diện để trong quá trình tổ chức các lớp tập huấn, giảm lý thuyết, tăng phần kĩ năng, thực hành năng lực thực tế, xử lý tình huống và giải đáp các tình huống cụ thể của học viên đưa ra tại cơ sở từ những người trực tiếp thực hiện tại cơ sở. Việc cử cán bộ đi học của đơn vị chủ quản cũng phải triệt, đó là đã cử cán bộ đi tập huấn đào tạo thì không được giao việc thực hiện trong thời gian đi học, khi triển khai các lớp đào tạo tập huấn thì đơn vị chủ quản phải có phương pháp quản lý lớp học nghiêm túc trách nhiệm, sau mỗi buổi phải có điểm danh, đánh giá chất lượng lớp học thực sự; Về nội dung tập huấn cần tập trung ngắn gọn đi sâu vào phân tích tình huống và phương pháp triển khai thực hiện từ thực tiễn, tránh rập khuôn, giáo điều.

Hai là, về vấn đề con người tham gia làm việc tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa đa phần là lớn tuổi, thiếu chuyên môn về các hoạt động của ngành. Đây là vấn đề vô cùng khó khăn trong thực tế hiện nay bởi nhu cầu của xã hội, đa phần các bạn trẻ có năng khiếu, được đào tạo chuyên môn tốt thì tham gia công tác tại các đơn vị chuyên nghiệp hoặc tại các thành phố lớn, để khắc phục vấn đề này trước mắt Trung tâm văn hóa - thông tin, Nhà văn hóa cũng cần cử một số đồng chí đi học những lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác nhà văn hóa, cũng như tổ chức đoàn đi giao lưu học hỏi mô hình nhà văn hóa ở các địa phương tiêu biểu, sao cho có thể lĩnh hội những quy định mới nhất, cũng như có thêm được những cách thức tổ chức mới phù hợp với xu thế phát triển chung. Về lâu dài, Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương cần có chính sách đãi ngộ thu hút những người trẻ có chuyên môn tài năng được đào tạo cơ bản về công tác tại các địa phương phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội. Chỉ khi nào chúng ta thực sự có cơ chế thu hút được người tài về công tác lúc đó mới thực sự đem lại hiệu quả khác biệt trong quản lý và triển khai thực hiện phong trào văn hóa cơ sở.

Ba là, để giải quyết vấn để chế độ tiền lương phụ cấp đối với cán bộ viên chức công tác tại Trung tâm văn hóa thông tin, nhà văn hóa cơ sở trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn khi mà ngân sách nhà nước hiện nay không đủ để lo cho bộ máy hành chính ngày một phình to ra. Giải pháp thực tế là từ thành phố đến huyện, xã, thị trấn, các thôn, làng, tổ dân phố trước hết phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII về vấn đề tinh giảm biên chế tinh gọn bộ máy nhân sự của ngành, mặt khác phải có cơ chế xã hội hóa và có danh mục định mức thu trong các hoạt động tại hệ thống trung tâm văn hóa - thông tin, nhà văn hóa để lấy đây là nguồn thu chính để có nguồn nuôi lại bộ phận cán bộ, người lao động đang trực tiếp công tác tại các thiết chế văn hóa này.

            Bốn là, đổi mới phương pháp quản lý cho phù hợp với thực tiễn. Công tác quản lý nhà văn hóa cần phải thay đổi cả chất và lượng là điều cần thiết, trong đó lưu ý đến một số vấn đề sau:

Mở rộng các hình thức hoạt động cho phù hợp với đặc điểm sức khỏe, tâm lý, nhu cầu của nhiều lứa tuổi. Khảo sát và nắm bắt nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa hiện nay của người dân để lên kế hoạch, xây dựng chương trình hoạt động mới cho phù hợp, tránh tổ chức những hoạt động theo cách đã quá quen thuộc, dẫn đến sự nhàm chán của người tham gia.

Thay đổi thái độ phục vụ người dân của cán bộ quản lý, xác định người dân là trung tâm của các hoạt động phục vụ. Việc người dân đến nhà văn hóa tham gia hoạt động văn hóa một mặt là nhu cầu tự thân nhưng đồng thời cũng là một trong những nguồn thu chính để tái tạo đầu tư và duy trù tổ chức hoạt động. Nếu hoạt động nhà văn hóa trước đây được bao cấp để thực hiện nhiệm vụ chính trị là chủ yếu thì ngày nay, do thay đổi hình thức hoạt động và phương thức tài chính nên ngoài nhiệm công ích, nhà văn hóa phải tự hạch toán thu - chi, sao cho không những đảm bảo hoạt động theo nhiệm vụ được giao mà còn có khả năng duy trì hoạt động khác, đảm bảo đời sống thu nhập cho cán bộ, nhân viên nhà văn hóa. Chính điều này nên việc có thái độ thân thiện với người dân đến tham gia hoạt động là hết sức cần thiết, sao cho mọi người đến sinh hoạt, vui chơi ở nhà văn hóa phải thực sự thoải mái, không còn có tâm lý e dè, sợ sệt hay bức bối, khó chịu khi dịch vụ được nhận không tương xứng với giá trị vật chất mà Nhà nước đã đầu tư và người dân bỏ ra.

Việc đổi mới phương thức hoạt động nhà văn hóa cần được nghiên cứu và áp dụng trong từng hoạt động cụ thể, từ việc đổi mới cách thức tổ chức chương trình văn hóa văn nghệ hiện nay, tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, lớp năng khiếu đến việc tuyên truyền cổ động cho người dân dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Để làm tốt việc này, cần chú trọng đến một số yếu tố sau: Có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ, nhân viên Nhà văn hóa chủ động có tìm tòi, đề xuất những sáng kiến trong việc tổ chức những hoạt động mới; thay đổi, cải tiến những hoạt động đang thu hút nhiều người tham gia theo cách thức hấp dẫn hơn. Đồng thời rà soát lại những hoạt động chiếm nhiều cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật mà không đem hiệu quả.

Tóm lại, các cấp ủy đảng chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý của ngành văn hóa thông tin cần tập trung giải quyết triệt để các vấn đề trên bằng kế hoạch thực hiện trước mắt và lâu dài thì sẽ giải quyết được những hạn chế trong công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng cũng như thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng về tham gia quản lý và tổ chức hoạt động tại trung tâm văn hóa - thông tin, nhà văn hóa trên địa bàn huyện. Từ đó sẽ là cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại hệ thống thiết chế văn hóa góp phần nâng cao giá trị của hệ thống tạo động lực mới trong đời sống văn hóa tinh thần của cồng đồng dân cư, đem lại sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với văn hóa xã hội để thực hiện được mục tiêu xây dựng huyện Kiến Thụy phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng (2009), Nghị quyết số 29-NQ/TU, về “xây dựng và phát triển huyện Kiến Thụy đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, Hải Phòng.
  2. Bộ Văn hóa thể thao và du lịch (2010), Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL, Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm văn hóa - thể thao xã, Hà Nội.
  3. Huyện ủy Kiến Thụy (2003), Lịch sử Đảng bộ huyện Kiến Thụy, Nxb Sự thật, Hà Nội.
  4. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kiến Thụy (2013, 2014, 2015, 2016, 2017), Báo cáo Tổng kết Công tác văn hóa, thể thao và gia đình. Kiến Thụy.
  5. Đỗ Văn Thủy (2016), Quản lý nhà nước về thiết chế văn hóa ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Hà Nội.

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa