Nghiên cứu lý luận

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích đình Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

04 Tháng Mười Hai 2018

Nguyễn Doãn Đài [*]

Cùng với quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã xây dựng nên một nền văn hóa Việt ngàn đời với những tinh hoa được tích tụ và lắng đọng qua từng thế hệ. Di tích lịch sử văn hóa đình Huề Trì thuộc thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là nơi thờ Thiện Hân và Thiện Khánh - hai nữ tướng của Hai Bà Trưng trong thời kì khởi nghĩa chống quân xâm lược Tô Định. Sau khi hai bà qua đời, nhân dân đã lập đình thờ tại nơi bà mất, để tưởng nhớ một người con quê hương đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta và thể hiện lòng tôn kính, nhớ ơn của các thế hệ sau này với người có công với nước.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng quản lý di tích cấp quốc gia đình Huề Trì và hoạt động lễ hội tại đình trên các mặt: cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy, quan điểm định hướng và từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý di tích đình Huề Trì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khai thác tiềm năng du lịch tại xã An Phụ, huyện Kinh Môn đáp ứng nhu cầu đổi mới công tác quản lý di tích - thiết chế văn hóa đình trong thời kỳ hội nhập.

1. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý di tích đình Huề Trì tại xã An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, với tư cách là cơ quan chỉ đạo về mặt chuyên môn cần phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kinh Môn xác định và hướng dẫn cơ sở thực hiện nghiêm việc phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kinh Môn cần tiếp tục phát huy vai trò Thường trực Ban tổ chức các ngày lễ lớn của huyện, làm cầu nối trong các khâu công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội giữa tỉnh - huyện - xã.

Uỷ ban nhân dân xã An Phụ cử cán bộ tham gia cùng Ban Quản lý di tích đình Huề Trì, Ban khánh tiết, Ban thủ từ, Tổ bảo vệ trong công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích tại địa bàn quản lý. Có biện pháp cụ thể để đưa những hoạt động dịch vụ trong lễ hội tại di tích ngày càng hoàn thiện, đi vào nề nếp, nhất là dịch vụ giữ xe, dịch vụ ăn uống, giải khát…

Ban Văn hóa Thông tin, Ban Quản lý di tích, Ban khánh tiết, Tổ bảo vệ tại cơ sở giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp Uỷ ban nhân dân xã quản lý di tích tích cực hơn trong việc định ra các hình thức cũng như huy động các tổ chức đoàn thể tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Chủ động phát hiện và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những vi phạm về di tích.

2. Tăng cường công tác phối hợp

Phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan của huyện Kinh Môn. Mỗi ngành, mỗi đoàn thể cần xây dựng kế hoạch cụ thể cùng ngành Văn hóa Thông tin đưa mục tiêu chương trình hành động vì mục đích “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” vào nội dung hoạt động thường xuyên của ngành mình. Định kỳ có kiểm tra tiến độ thực hiện và báo cáo về ngành chủ quản.

3. Nâng cao vai trò tự quản của cộng đồng, khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý di tích

Cộng đồng luôn có ý thức quan tâm đến di tích, lễ hội nhất là các di tích, tôn giáo - tín ngưỡng, lễ hội tâm linh. Dân gian có câu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di tích, quyết định sự thành công của một lễ hội là rất lớn, cộng đồng có ý thức tốt, phối hợp tốt với cơ quan quản lý địa phương sẽ góp phần cho việc nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý di tích.

4. Kiện toàn và nâng cao chất lượng bộ máy nhân sự          

Công tác quản lý di tích đình Huề Trì là một nội dung mang tính khoa học, yêu cầu tính chuyên môn cao do đó đòi hỏi cần có một đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực thực sự mới đủ khả năng để nghiên cứu bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đình Huề Trì một cách hữu hiệu nhất. Vì vậy, xã An Phụ, huyện Kinh Môn cần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đủ sức đảm đương nhiệm vụ được giao.

5. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân về việc bảo vệ và phát huy giá trị  di tích

Đây là một trong những giải pháp trọng tâm cần được duy trì thường xuyên, nhằm vận động nhân dân thực hiện tốt Luật di sản văn hóa và các văn bản pháp quy về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt lưu ý, nhấn mạnh sự “kiên trì” trong công tác tuyên truyền. Không thể tuyên truyền theo kiểu “thời vụ”, hay “đánh trống bỏ dùi”. Chú trọng tuyên truyền việc bảo tồn và phát huy di tích gắn liền với việc duy trì, phát triển loại hình văn hóa lành mạnh như hội đình, mô hình sinh hoạt tín ngưỡng dân gian có từ bao đời nay.

6. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và định hướng hoạt động quản lý di tích đình Huề Trì

Phòng Văn hóa Thông tin cấp huyện phải căn cứ vào hiến pháp, pháp luật, các văn bản mới để thực hiện quyền quản lý di tích đình Huề Trì (nói riêng) ở cơ sở. Cần hướng dẫn Ban quản lý di tích đình Huề Trì, người trông coi di tích có kế hoạch phối hợp với các lực lượng công an, Đội kiểm tra văn hóa thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm xử lý kịp thời không để xảy ra hiện tượng lấn chiếm di tích. Nghiêm khắc xử lý và chấm dứt hiện tượng các trò chơi có tính chất ăn thua bằng tiền, trong hội đình, không bày bán hàng rong lấn chiếm mặt đường vào lễ hội, quy hoạch bãi giữ xe,… Mặt khác, cần củng cố, nâng cao trình độ và trách nhiệm của các Đội kiểm tra văn hóa liên ngành tại huyện và cơ sở hàng năm.

7. Huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa

Tăng cường công tác xã hội hóa không chỉ là hướng đến việc cởi bỏ tư tưởng thụ động, trông chờ vào kinh phí nhà nước mà phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhưng không có nghĩa là khoán trắng việc này cho xã hội, cho các tổ chức từ thiện mà phòng Văn hóa Thông tin phải đóng vai trò chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động xã hội hóa tại huyện phát triển theo hướng lành mạnh theo sự chỉ đạo của Đảng: “Các vấn đề xã hội, chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt”.

8. Khai thác các giá trị di tích đình Huề Trì vào hoạt động du lịch

Để thực hiện giải pháp này, trước mắt cần xây dựng đề án phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện Kinh Môn. Trong đề án sẽ chọn lọc đưa di tích đình Huề Trì vào danh mục bảo tồn và đáp ứng được những tiêu chí nhất định vào khai thác du lịch và lập phương án quản lý tốt hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vật chất kỹ thuật. Đó là, tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách theo hướng có trọng tâm, trọng điểm để tạo đòn bẫy thu hút các nguồn vốn đầu tư khác vào các dự án du lịch kết hợp khai thác giá trị di tích của huyện.

Tài liệu tham khảo

  1. Đặng Văn Bài (1995), “Vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di tích”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (số 2).
  2. Ban Quản lý di tích (2007), Lý lịch di tích lịch sử văn hóa đình Huề Trì do Ban Quản lý di tích Kinh Môn ghi chép và lưu giữ.
  3. Nguyễn Chí Bền, Trần Văn Ánh, Nguyễn Xuân Hồng (tuyển chọn) (2013), Về lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội.
  4. Bộ Văn hóa - Thông tin (1998), Công văn số 4432/VHTT-BTBT Hướng dẫn tăng cường quản lý cổ vật.
  5. Bộ Văn hóa - Thông tin (1998), Công văn số 4882/VHTT-BTBT Hướng dẫn việc đăng ký kiểm kê bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa