Nghiên cứu lý luận

Dạy học hát Đồng dao cho học sinh trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội

16 Tháng Giêng 2019

Nguyễn Thị Thu Hà [*]

          Đồng dao là loại hình nghệ thuật dân gian đã đi vào đời sống xã hội, vào sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân lao động bao thế hệ người Việt Nam. Nhìn chung, Đồng dao góp phần hiện thực hóa thiên nhiên, môi trường, con người từng vùng văn hóa qua ngôn ngữ thơ và nhạc, cho thấy những nét đẹp của văn hóa Việt Nam về tinh thần lạc quan, yêu đời, mang đậm tính nhân văn, tâm hồn dân tộc của bao thế hệ Việt Nam. Mặc dù một số bài hát Đồng dao đã ít nhiều được đưa vào để giảng dạy ở các cấp phổ thông song số lượng bài bản đưa vào dạy ở cấp tiểu học thực sự còn rất ít. Trường tiểu học Thanh Xuân Nam là trường chuẩn của khu vực Thanh Xuân với rất nhiều thành tích trong giáo dục văn hóa nghệ thuật nhưng việc dạy học hát Đồng dao chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng.

          Có rất nhiều khái niệm về Đồng dao, chẳng hạn định nghĩa của Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị: Đồng dao, đồng diêu: câu hát chơi, con nít hay hát” [1; tr. 324]. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam 2B, định nghĩa Đồng dao như sau: “Đồng dao, những câu hát của trẻ con, thường gồm những câu bốn chữ, có vần; có khi không có nghĩa rõ rệt, như cốt để trẻ con tập nói; có khi mỗi câu một ý, không liên tục, từ ý này nhảy sang ý khác, chỉ nối nhau bằng vần; truyền cho các em một số hiểu biết về những sự vật xung quanh hoặc những nhận xét về con người, về đời sống xã hội. Đồng dao vui, ngộ nghĩnh, dí dỏm và dễ nhớ, hợp với tâm sinh lí trẻ con như: Cá đổ mồ hôi, Là con cá liệt. Theo nhau ráo riết. Là cá ong căng. Cá rụng hết răng. Là con cá móm. Sợ thằng kẻ trộm. Là con cá thu... Cũng gọi những câu có ý nghĩa bí hiểm như lời sấm, người lớn đặt ra đưa cho trẻ con hát, nhằm truyền bá trong dân gian là Đồng dao. Ví dụ: Nhong nhong ngựa ông đã về; Giặc đến Bồ Đề thì giặc lại tan” [10; tr. 870-871].

          Tuy có rất nhiều định nghĩa khác nhau song có thể nhận định rằng Đồng dao là những bài hát có cấu trúc nhạc đơn giản, lời ca bình dị, đơn giản nói về con người, loài vật, hiện tượng thiên nhiên, cuộc sống đời thường. Bài bản Đồng dao thường có cấu trúc ngắn, khi hát thường gắn với các trò chơi, Đồng dao có chủ đề phong phú, không có tác giả, mô hình cấu trúc bài bản có thể được “biến tấu” tạo thành những dị bản khác nhau tùy sự sáng tạo của trẻ thơ khi tham gia thực hành ở mỗi vùng, mỗi địa phương.

        Xuất hiện từ rất sớm, Đồng dao hình thành và phát triển gắn liền với từng giai đoạn ẩn chứa nhiều giá trị trong đó có giá trị giáo dục con người.

          Đồng dao giúp trẻ thơ biết yêu quê hương, đất nước, dù có đi xa nhưng vẫn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nó giúp trẻ có thêm nhiều ước mơ, khát vọng về cuộc sống, biết sống thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, gần gũi với cỏ cây, muông thú, và phát triển khả năng ngôn ngữ trong giao tiếp cuộc sống.

          Dạy học hát Đồng dao cũng là một quá trình dạy học như các môn khác, đó là con đường, cách thức, là phương pháp truyền thụ các bài Đồng dao đến người học. Dạy học hát Đồng dao có thể qua nhiều phương pháp, trong đó phương pháp chính là dạy truyền miệng. Đây là phương pháp mà ở đó các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy tốt nhất, trực tiếp đi vào đời sống văn hóa tinh thần ngay trong môi trường của hát Đồng dao mỗi vùng, miền hay tộc người. Việc dạy học hát và sưu tầm các bài Đồng dao là một trong những hoạt động góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa nghệ thuật dân tộc. Đồng thời nó cũng góp phần thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc song song với mục tiêu phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập của đất nước.

Giá trị của Đồng dao mang lại cho học sinh là rất lớn Tuy nhiên khi tìm hiểu chương trình âm nhạc tiểu học hiện nay cho thấy, số lượng bài Đồng dao còn hạn chế. Trong khi đó, số lượng học bài hát thông thường, bài hát dân ca, bài hát nước ngoài lại chiếm tỷ lệ cao. Vì thế, mục tiêu bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc nói chung, dạy hát các bài Đồng dao nói riêng là điều cần được các trường tiểu học ở Hà Nội cũng như trường Tiểu học Thanh Xuân Nam quan tâm hơn nữa.

          Đặc điểm lời ca: Đồng dao có ca từ đa dạng thường là hai từ, ba từ, bốn từ, sáu từ, tám từ... hay hỗn hợp các thể thơ. Cấu tạo của bài hát Đồng dao gồm nhịp điệu và thanh điệu. Ca từ gắn với nhịp điệu tạo chất ca xướng đa dạng, phong phú bởi đặc điểm của lối bắt vần chân, vần lưng cũng có ảnh hưởng tới cấu trúc âm nhạc cho từng bài Đồng dao cụ thể. Chẳng hạn trong các bài Đồng dao Thả đỉa ba ba, Kéo cưa lừa xẻ, Mười ngón tay,

          Đặc điểm âm nhạc: Tiết tấu của thể loại Đồng dao là những nhịp điệu dành để kết hợp các trò chơi âm nhạc nên rất được học sinh yêu thích. Bởi vậy đa số các em rất hào hứng khi tham gia các trò chơi trong hát Đồng dao. Hát Đồng dao cổ truyền thường cấu trúc nhịp theo chu kỳ lặp đi lặp lại với mô hình chẵn hay lẻ, tiết tấu đơn hay phức, điều này làm trẻ dễ nhớ và dễ thuộc.

          Môi trường diễn xướng: Chẳng hạn có thể là sân nhà, sân trường, bãi đất rộng, nơi chăn trâu, kiếm củi của trẻ... đều có thể trở thành không gian, môi trường để các em thực hành Đồng dao. Cùng môi trường, không gian đó, thông qua các hoạt động vui hát giải trí trong mối quan hệ của lời ca, nhịp điệu bài bản Đồng dao.

          Đối tượng thực hành Đồng dao: Riêng với các trò chơi trong Đồng dao thì thiếu niên, nhi đồng là đối tượng chính thực hành loại hình nghệ thuật này. Đồng dao có nhiều sắc vẻ, tính chất, đặc điểm phù hợp với tâm lý hiếu động, ưa khám phá của trẻ thơ Việt Nam.

  • dạy học âm nhạc cho học sinh trường Tiểu học Thanh Xuân Nam trong giờ chính khóa cho thấy đã có các nội dung dạy hát kết hợp một số hoạt động vui chơi nghệ thuật. Bên cạnh đó, hoạt động ngoại khoá âm nhạc vừa là mang ý nghĩa giáo dục đa dạng, đa chức năng vừa là hoạt động nâng cao được thẩm mỹ, lối sống có văn hoá lành mạnh tạo một thói quen về nhu cầu hưởng thụ văn hoá cho học sinh tiểu học. Ngoài ra hoạt động ngoại khóa còn là mô hình thống nhất trong môn học âm nhạc dành cho học sinh các cấp, trong đó có trường tiểu học Thanh Xuân Nam. Các bài Đồng dao trong chương trình ngoại khóa cần được chọn lựa nội dung tiêu biểu, đặc sắc, phù hợp chủ đề từng hoạt động cụ thể của nhà trường, đa dạng về nội dung và tính chất âm nhạc. Các trò chơi phải mang tính sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn phù hợp khả năng âm nhạc học sinh tiểu học.
  • iáo viên có trình độ cao đẳng và đại học nhưng kiến thức đệm đàn và sử dụng các tính năng của đàn còn hạn chế, giáo viên ít sử dụng Đàn phím điện tử để đệm hát cho ca khúc. Học trò chưa tích cực tham gia chơi trò chơi, có em không thích học môn nhạc vì chưa thuộc bài nên sợ cô giáo kiểm tra bài cũ khiến giờ học nhạc trở nên kém sôi nổi.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu việc giảng dạy âm nhạc tại trường Tiểu học Thanh Xuân Nam chúng tôi nhận thấy để học sinh tiếp thu kiến thức âm nhạc tốt hơn nữa đòi hỏi giáo viên cần có phương pháp dạy học phù hợp, linh hoạt và sáng tạo. Việc dạy hát Đồng dao gắn trò chơi âm nhạc trong dạy và học âm nhạc giờ ngoại khóa sẽ góp phần tạo sự hứng thú cho học sinh, đáp ứng được nhu cầu “học mà chơi, chơi mà học”.

          Đồng dao là một thể loại âm nhạc đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong kho tàng dân ca, dân nhạc dân tộcViệt Nam. Đồng dao là loại hình dân ca có hát gắn liền với hoạt động vui chơi. Những trò chơi dân gian của trẻ hầu hết đều gắn liền với những bài Đồng dao. Đồng dao có nhiều chức năng và giá trị giáo dục khác nhau như giáo dục  thẩm mỹ, nghệ thuật tri thức, tầm hồn tr thơ. Thực hành hát Đồng dao còn là cách làm trực tiếp góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa âm nhạc của dân tộc trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Thực tế, thực hành hát Đồng dao sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc giáo dục trẻ từ phát triển ngôn ngữ, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ đến hoạt động, vận động nâng cao sức khỏe, trí tuệ cho trẻ... Vì vậy việc đưa dạy học hát Đồng dao vào các trường tiểu học là rất quan trọng để góp phần cùng thế hệ trẻ thơ bảo tồn tinh hoa, văn hóa dân tộc - Đồng dao.

Tài liệu tham khảo

  1. Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895), Đại Nam Quấc Âm tự vị, Nxb Rey, Curiol &Cie, Sài Gòn.

  2. Kỳ Duyên, Hồng Vân, Đình Chương, Đăng Khoa (2014), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

  3. Lê Hàm, Hoàng Thọ, Thanh Lưu (2000), Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Nghệ An.

  4. Hà Thị Hoa (2014), Nhập môn Âm nhạc cổ truyền, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

  5. Hội đồng quốc gia (2005), Từ điển Bách khoa Việt Nam 2B, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

  6. Hội đồng quốc gia (2005), Từ điển Bách khoa Việt Nam 4, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

       7.  Đào Việt Hưng (1999), Tìm hiểu điệu thức dân ca người Việt Bắc Trung Bộ, Viện Âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

      8.  Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

  1. Đặng Nam, Bế Minh Hà (2000), Đồng dao Thái Tây Bắc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

  2. Triều Nguyên (2009), Tìm hiểu Đồng dao người Việt, Nxb Thuận Hóa, Huế.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K7 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc