Nghiên cứu lý luận

Đưa Hát Then vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc tại trường Trung học cơ sở Đồng Đăng, Lạng Sơn

16 Tháng Giêng 2019

Nguyễn Thị Thu Hoài [*]

Hát Then có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lạng Sơn. Người dân nơi đây rất tự hào với làn điệu hát Then. Ngày nay không chỉ những khi mở hội hay khi cầu cúng, tế lễ mà trong tất cả các sinh hoạt của đời sống thường ngày, trong các cuộc liên hoan của đoàn thể, ban ngành... người ta cũng hát Then. Lối hát mộc mạc, giản dị, làn điệu vừa đậm đà tính trữ tình, mềm mại vừa vui tươi rộn ràng trong sáng, bay bổng, tạo nên những trạng thái tình cảm say sưa, sâu lắng và vui tươi, phấn khởi... Vì thế mọi người dân Lạng Sơn (kể cả người Kinh và các dân tộc sống ở Lạng Sơn) rất say mê hát Then, chơi Tính Tẩu.

Những bài hát Then, những âm điệu trên cây Tính Tẩu là biểu hiện tâm hồn, trí tuệ người dân Lạng Sơn vừa đôn hậu, chân thành vừa tinh tế, sâu sắc. Hát Then là nhu cầu của đời sống tinh thần người dân Lạng Sơn. Nội dung những bài hát Then hiện nay đa dạng phong phú, cập nhật cuộc sống, phục vụ cho đời sống tinh thần, đồng thời góp phần xây dựng một quê hương Lạng Sơn phát triển vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Đối với lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở, khi tiếng hát Then vang lên có khả năng tác động mạnh mẽ vào tâm tư, tình cảm của học sinh, giúp phát triển khả năng thẩm mỹ, phát triển tư duy, trí tuệ, thể chất, những tình cảm đạo đức tốt đẹp và quan trọng hơn là hình thành nên ý thức dân tộc, tình yêu tha thiết với mảnh đất quê hương.

Hiện nay, một số trường trung học cơ sở của tỉnh Lạng Sơn, trong đó có trường THCS Đồng Đăng đã đưa hát Then vào hoạt động ngoại khóa, nhưng chưa trở thành một hoạt động thường xuyên, nên hiệu quả về giáo dục các giá trị thẩm mỹ, giáo dục đạo đức truyền thống chưa cao. Bài viết nghiên cứu đề xuất các biện pháp đưa hát Then vào hoạt động ngoại khóa thường xuyên tại trường THCS Đồng Đăng, từ đó nhân rộng đưa vào các trường phổ thông ở tỉnh Lạng Sơn, để học sinh hiểu các giá trị và thực hành hát tốt những bài hát Then, yêu thích thể loại dân ca của quê hương.

Trường THCS Đồng Đăng, tiền thân là trường cấp II Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn được thành lập từ năm 1959.

Đến nay, qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã khắc phục vượt mọi khó khăn, luôn nỗ lực cố gắng phấn đấu vươn lên, không ngừng mở rộng về quy mô giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của huyện Cao Lộc.

Những năm gần đây, Nhà trường đã triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, dạy học nội dung giáo dục địa phương, triển khai dạy học tích hợp giáo dục môi trường, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; xây dựng nguồn học liệu mở, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy theo đúng kế hoạch và phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Trang thiết bị, cơ sở vật chất của Nhà trường khá đầy đủ, đảm bảo cho các hoạt động dạy học và hoạt động ngoại khóa.

Học sinh Trường THCS Đồng Đăng, hầu hết là con em dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn. Đa số học sinh có khả năng nghe và trí nhớ âm nhạc tương đối phát triển, có thể học thuộc những bài hát có lời ca dài, có thể nghe và gõ lại tiết tấu từ đơn giản đến phức tạp.

Sự nhạy cảm âm nhạc của học sinh nhà trường, nhất là học sinh khối lớp 9, rất phù hợp với học và biểu diễn hát Then. Sống trong môi trường quê hương của các bài hát Then mượt mà, sâu lắng, trữ tình lại sôi nổi, vui tươi, các em rất yêu thích vừa đàn vừa hát những làn điệu Then. Đây là một thuận lợi để đưa hát Then vào trường THCS Đồng Đăng. Tuy nhiên, về đặc điểm nguồn gốc lịch sử, đặc biệt là nội dung lời ca hát Then cổ và giai điệu những bài Then cổ nhiều luyến láy, lối hát không chỉ nhẹ nhàng mà còn biểu hiện nhiều trạng thái tình cảm, nên cần phải có các biện pháp phù hợp mới có hiệu quả.

Thành lập Câu lạc bộ Hát Then tại trường Trung học cơ sở Đồng Đăng

Mục đích của việc thành lập câu lạc bộ là tập hợp những em có năng khiếu và yêu thích ca hát, biểu diễn âm nhạc khối lớp 9, tại trường THCS Đồng Đăng, để từ đó những thành viên này sẽ là nòng cốt cho việc học hát Then trong lớp, trong Trường.

Ban giám hiệu Nhà trường cần bổ nhiệm một giáo viên dạy âm nhạc hay phụ trách công tác Đoàn, Đội trong Trường làm chủ nhiệm Câu lạc bộ. Phó chủ nhiệm do chủ nhiệm Câu lạc bộ lựa chọn từ một đến hai học sinh. Trong Câu lạc bộ sẽ chia làm các tổ để sinh hoạt chuyên đề về hát Then.

Dạy học Hát Then trong Câu lạc bộ

Nội dung dạy học Hát Then trong câu lạc bộ phải xây dựng được cân đối hài hòa giữa lý thuyết và thực hành.

Để dạy học hát Then có hiệu quả, mang rõ dấu ấn của thể loại, nên chú ý về việc giới thiệu cho học sinh biết về đặc điểm, tính chất, xuất xứ, nội dung của bài hát, từ đó học sinh cảm thụ sâu sắc hơn. Học hát quan trọng nhất là vấn đề phát âm, nhả chữ. Dạy hát Then những bài hát cổ đều là tiếng Tày, Nùng nên yêu cầu người dạy phải học cách phát âm chuẩn lời ca trong bài hát. Thực tế cho thấy, khi học sinh phát âm và hiểu được lời bài hát Then cổ thì rất hứng thú học và thể hiện tốt nội dung tư tưởng, tình cảm của bài.

Một số kỹ năng dạy học hát Then

 Dạy hơi thở: Bất kể một lối hát nào hơi thở đều có vai trò quan trọng. Khi dạy học hát Then, yêu cầu học sinh giải phóng các cơ bắp, không được căng cứng, toàn thân mềm thoải mái, người trong tư thế đứng, chân lúc thẳng, lúc chùng (vì thời gian học dài), nhưng lưng phải luôn thẳng. Giáo viên hướng dẫn học sinh lấy hơi bằng cả mũi và miệng, nhưng chủ yếu bằng mũi. Lấy lượng hơi vừa đủ, không nên lấy hơi nhiều khiến cho cơ bụng căng cứng. Lấy hơi vào rồi giữ lại trong lồng ngực và bụng, rồi thở nhẹ nhàng ra. Tập cách lấy hơi, giữ hơi sau đó thở ra từ từ, nhẹ nhàng cho đến hết. Tập lấy hơi, nhả hơi trước khi học hát khoảng 5 phút.

Dạy phát âm: Phát âm, nhả chữ có mối quan hệ mật thiết tới việc sử dụng của lưỡi, môi, hàm dưới... Do đó cần hướng dẫn cho học sinh sử dụng lưỡi, môi, hàm dưới thật mềm mại, cử động tự nhiên. Dấu giọng liên quan tới ngữ điệu, do đó trước khi hát cần đọc lời rõ ràng, chậm, diễn cảm, rành mạch từng từ, từng ngữ.

Dạy hát chuẩn về cao độ, chính xác về nhịp phách. Để hát chuẩn về cao độ, chính xác về nhịp phách cần tăng cường luyện cách nghe, bằng thị phạm mẫu, bằng đàn, bằng loa đài, máy ghi âm… Cách dạy thông thường nhất là chia bài hát theo từng tiết nhạc, câu nhạc ngắn. Trước khi dạy hát, giáo viên cần chuẩn bị kĩ lưỡng, dự kiến những chỗ khó trong giai điệu để tìm ra phương pháp cụ thể phù hợp. Hát Then có nhiều luyến láy, nhất là láy những nốt cách 1 bậc từ trên xuống cần luyện tập hát đúng luyến láy mới ra phong cách.

Dạy hát Then trong hoạt động ngoại khóa ở câu lạc bộ ứng dụng công nghệ thông tin để minh họa cho nội dung, kỹ năng ca hát rất hiệu quả.

Tổ chức cho học sinh nghe, xem biểu diễn hát Then

Tổ chức cho học sinh nghe, xem biểu diễn và tìm hiểu hát Then là hoạt động âm nhạc ngoại khóa được học sinh yêu thích và hưởng ứng, vì học nhưng lại là chơi và chơi nhưng mà học. Hoạt động này tạo điều kiện cho việc phát hiện, khám phá, giao lưu, kích thích sự ham hiểu biết, thích sáng tạo của học sinh.  

Ở Lạng Sơn hiện có nhiều Câu lạc bộ Hát Then tại các phường xã, cơ quan, đoàn thể. Trong các Câu lạc bộ hát Then có những nghệ nhân hát Then rất hay, chơi Tính Tẩu rất giỏi. Những nghệ nhân này vẫn giữ được lối đàn hát truyền thống. Vì thế, việc mời các nghệ nhân tới biểu diễn vào giờ sinh hoạt ngoại khóa là một việc có ý nghĩa thực tiễn cao. Thông qua việc được xem nghệ nhân đàn hát, học sinh cảm nhận cụ thể dễ dàng về lối đàn hát truyền thống. Đây cũng là cơ hội để giao lưu của hai thế hệ, lớp người đi trước đối với thế hệ đi sau, trong việc khơi gợi tình yêu đối với những giá trị truyền thống, từ đó có ý thức gìn giữ, kế thừa và phát huy.

Việc tổ chức xem biểu diễn hát Then được diễn ra vào giờ sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề định sẵn như: Điệu Hát Then quê em hay Hát Then, Đàn Tính trên quê hương em… Tóm lại các hoạt động trong ngoại khóa âm nhạc nào cũng phải có chủ đề. Có như thế, nội dung của buổi sinh hoạt sẽ thống nhất về nội dung cũng như hình thức, tránh được sự khiên cưỡng, gò bó thì mục đích của hoạt động sẽ dễ dàng đạt được.

Tổ chức hội thi Hát Then

Trong hoạt động ngoại khóa âm nhạc ở trường THCS Đồng Đăng, tổ chức hội thi hát Then có ý nghĩa vừa tạo sân chơi, vừa khuyến khích sự say mê yêu thích, đồng thời phát hiện tài năng, hướng nghiệp cho học sinh.

Thời gian tổ chức Hội thi hát Then nên chọn vào những ngày Nhà trường tổ chức các hoạt động kỷ niệm như: ngày 3 tháng 2 - kỷ niệm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 19 tháng 5 - kỷ niệm sinh nhật Bác; ngày 20 tháng 11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam… Sở dĩ nên tổ chức Hội thi hát Then vào những ngày lễ, là để góp phần vào hoạt động kỷ niệm thêm vui tươi phấn khởi hơn, đồng thời kinh phí hoạt động kết hợp sẽ phong phú hơn, tạo điều kiện để chuẩn bị cho công việc chi phí như trang trí, phục vụ, giải thưởng…

Trước những biến chuyển của xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, việc giao lưu sẽ diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Thế hệ trẻ, trong đó có thế hệ học sinh THCS đang có xu hướng thích âm nhạc ngoại, không quan tâm đến âm nhạc dân tộc. Việc đưa hát Then vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc nhằm làm rõ giá trị độc đáo, đặc sắc để giáo dục thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh, đúng đắn, từ đó học sinh yêu mến, trân trọng, phổ biến, phát huy là việc làm có ý nghĩa lớn góp phần vào việc bảo tồn, phát huy một thể loại dân ca mang đậm bản sắc dân tộc.

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2003), Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp 6, 7, 8, 9, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

  3. Đặng Vũ Hoạt (1998), Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở Trường trung học cơ sở, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

  4. Lê Văn Hồng (2001), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

  5. Trần Kiều (1998), Đổi mới phương pháp dạy học ở Trường Trung học cơ sở, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

  6. Hoàng Long - Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học môn âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

  7. Nguyễn Dục Quang (2007), Hoạt động ngoài giờ lên lớp, Nxb Đại học Sư phạm.

  8. Nguyễn Văn Tân (2015), Đổi mới phương pháp dạy học hát Then cho sinh viên hệ Trung cấp trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuât TW.

  9.  Phạm Trọng Toàn (2016), “Tiếp biến văn hóa trong diễn xướng Then”, Tạp chí Giáo dục nghệ thuật, số 7/2018 (tr 61- 63).

  10.  Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học Âm nhạc ở Tiểu học và Trung học cơ sở, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

  11.  Phạm Tuyên (1987), Bàn thêm về phương pháp giáo dục Âm nhạc, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.

  12.  Trường THCS sở Đồng Đăng (2014), Trường Trung học cơ sở Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn 45 xây dựng và phát triển, Tài liệu nội bộ.

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K8 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc