Nghiên cứu lý luận

Một vài nét về yếu tố siêu thực trong tranh thờ người Sán Dìu, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

20 Tháng Giêng 2019

Lương Quốc Vĩ  [*]

Các dòng tranh thờ ở miền núi phía Bắc Việt Nam về tạo hình hầu hết đều mang yếu tố siêu thực, nhưng Tranh thờ người Sán Dìu tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên thì yếu tố siêu thực biểu hiện rõ nét nhất và vô cùng độc đáo, như: màu sắc, không gian, hình thể, mảng - nét và bố cục... Thông qua nghệ thuật tranh thờ Sán Dìu, chúng tôi mong muốn giới thiệu với các thế hệ học sinh, sinh viên, người yêu quý hội họa một cái nhìn mới về cảm nhận và đánh giá vốn cổ dân tộc. Ngoài ra áp dụng trong các bài học, để sinh viên học nghệ thuật biết khai thác vốn cổ, yêu quý và có ý thức bảo tồn giá trị nghệ thuật dân gian, nghệ thuật cổ Việt Nam.

Quá trình hình thành của tranh thờ người Sán Dìu

Nghệ thuật dân gian của người Sán Dìu rất phong phú, việc dùng thơ ca trong sinh hoạt hát đối nam nữ rất phổ biến. Tiêu biểu là hát Soọng cô (giao duyên). Ngoài ra còn có hát đám cưới, lễ ca, hát ru, kể chuyện, thơ. Người Sán Dìu có nhiều truyện cổ tích lưu truyền hay như: “Vua Cóc”, “Cô bé mồ côi” vv... Về múa có múa dâng đèn, múa tầm xích, múa nhảy trừ ma… là những điệu múa thường dùng trong nghi lễ thờ, cúng. Các điệu múa khác như múa sư tử, múa gậy thì thường sử dụng trong các ngày hội. Về nhạc cụ có tù và, kèn, trống, sáo, thanh la, não bạt chủ yếu để phục vụ nghi lễ tôn giáo. Nhiều trò chơi của dân tộc được đồng bào ưa thích là: đi cà kheo, đánh khăng, đánh cầu lông kiểu Sán Dìu, kéo co…

Bên cạnh Thơ ca dân gian, hát đối nam nữ, người ta còn nhắc đến một loại nghệ thuật vô cùng độc đáo, đó là tranh Thờ của người Sán Dìu. Đây là dòng tranh phục vụ tín ngưỡng tâm linh.

Cũng như nhiều cư dân các dân tộc Cao Lan - Sán Chỉ, người Sán Dìu rất coi trọng tổ tiên, thờ cúng tổ tiên, đồng thời thờ cả Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo và tin vào phép màu nhiệm của hệ thống thần linh, cúng bái khác. Đạo giáo cũng hiện hữu trong đời sống dân cư Sán Dìu từ giai đoạn họ di cư sang Việt Nam và dần dần phát triển, tồn tại theo năm tháng. Trong xã hội của người Sán Dìu ta cũng bắt gặp sự phân hóa giai cấp, có kẻ giàu, người nghèo, bần nông hay phú ông, địa chủ. Nên việc Đạo giáo xuất hiện như một cứu cánh cho tất cả, người nghèo thì cầu mong thần linh cứu rỗi thoát khỏi cảnh nghèo, người giàu thì muốn có cuộc sống thần tiên, trường sinh bất tử, có nhiều phép thuật…

Đạo giáo thể hiện bằng nhiều mặt trong đời sống tín ngưỡng của người Sán Dìu như việc họ cúng tế nhiều nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp (lễ Thượng điền, Hạ điền, Tết cơm mới, cúng Thần Nông…) hay những nghi lễ vòng đời, cấp sắc. Trong suy nghĩ, cũng như quan niệm của người Sán Dìu luôn cho rằng thế giới có rất nhiều thần linh, nhiều loại ma, tất cả hiện diện ở cả trên trời, dưới nước, dưới đất (ma trời, ma đất, ma nước, ma tổ tiên, ma rừng, ma núi…). Từ những quan niệm trên mà người dân Sán Dìu đã kéo theo nhiều tín ngưỡng, nhiều hình thức thờ cúng, hay thờ cúng các loại ma. Mỗi làng họ đều lập miếu thờ Thổ thần, thờ Thành Hoàng làng để bảo vệ người dân trong làng và hàng năm tổ chức cúng lễ lớn. Trong các buổi cúng, ngoài dụng cụ như áo choàng, mũ đội, kiếm, các loại bùa, lá sớ, mặt nạ… thì tranh thờ là một phương tiện quan trọng không thể thiếu của Thầy Tào, tùy từng nội dung buổi lễ mà thầy Tào lựa chọn thể loại tranh thờ cho phù hợp.

Với chủ đề về tôn giáo tín ngưỡng, là một lợi thế để nghệ nhân vẽ tranh thờ khai thác, sáng tạo, tìm cách biểu đạt ước nguyện của người dân nơi chốn núi rừng. Những bức tranh thiêng như “Tinh Quân, Thổ thần, Cầu Hoa, Tử Vi Cung, Sinh Cung, Công Đức…” đã được các nghệ nhân thể hiện rất đặc sắc, góp phần mang lại giá trị tinh thần trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Sán Dìu nói chung và người Sán Dìu ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên nói riêng.

Xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng mà tranh thờ đã hình thành và không thể thiếu trong sinh hoạt của người nói chung và người Sán Dìu Thái Nguyên nói riêng, họ sử dụng tranh thờ trong ba nghi lễ lớn:

Lễ cấp sắc

Cấp sắc là tục lệ phổ biến của người Sán Dìu nói chung và người Sán Dìu, Thái Nguyên nói riêng, tất cả nam giới khi đến tuổi trưởng thành đều phải làm lễ cấp sắc, thậm chí khi sống chưa làm thì lúc chết đi con cháu phải tổ chức lễ này cho bố mẹ mình như đã nói ở trên, về bản chất tục lệ cấp sắc là biểu hiện của lễ thành đinh nguyên thủy, một thử thách đối với người trẻ tuổi trước khi gia nhập vào thế giới của những người trưởng thành. Tuy nhiên, tục cấp sắc của người Sán Dìu không còn là một lễ thành đinh mà nó đã nhuốm màu Sa man giáo và mang những mục đích, ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều:

1. Người nào cấp sắc mới được thần thánh công nhận và cấp âm binh để làm nghề cúng bái.

2. Chỉ những người được cấp sắc thì khi chết mới được đoàn tụ với thế giới tổ tiên, được công nhận là con cháu của Bàn Vương và được Bàn Vương phù hộ.

3. Những người được cấp sắc thì lúc còn sống mới được thờ cúng tổ tiên, sau khi chết mới được trở thành tổ tiên và được con cháu thờ cúng. Xã hội Sán Dìu coi những người chưa được cấp sắc dù là tuổi già thì vẫn còn là trẻ con, khi sống không được lấy vợ, khi chết thì hồn chỉ được đưa đến động Đào Hoa, không thể về Dương Châu được. Với niềm tin này, lễ cấp sắc đối với người Sán Dìu đã trở thành hoạt động nghi lễ bắt buộc và hiện nay vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong xã hội người Sán Dìu.

Lễ tang ma

Người Sán Dìu cho rằng, khi một người chết đi hồn sẽ rời khỏi xác và sang thế giới bên kia, bắt đầu cuộc sống mới - cuộc sống vĩnh hằng. Vì vậy khi có một người nằm xuống, gia đình phải làm những thủ tục, nghi lễ cần thiết để tiễn đưa linh hồn của những người xấu số. Tuy nhiên, cách thực hành nghi lễ trong mỗi kiểu chết, đối tượng người chết không phải giống nhau. Những người nào chưa được cấp sắc, kể cả những người cao tuổi sau khi chết đi hồn sẽ không được về đoàn tụ với thế giới tổ tiên ở Dương Châu, không được công nhận là con cháu Bàn Vương và không được Bàn Vương phù hộ. Vì vậy, những người trẻ hay người già chưa được cấp sắc khi chết người ta chỉ làm ma chứ không làm chay.

Lễ kỳ yên trấn trạch

Quan niệm của người Sán Dìu về đất ở, khi gia chủ muốn cuộc sống bình yên khỏe mạnh, nuôi trồng thuận lợi thì trước khi ở hoặc xây dựng nhà cửa cần phải làm lễ tạ đất, trong lễ tạ đất thầy cúng lập đàn cúng tế, đàn cúng sử dụng tranh Thổ thần, nếu khu đất khí nặng thì cần treo thêm bộ tranh Phật.

Kỳ Yên được coi như là ngày ăn tết lại hay dịp ăn mừng nhà mới của gia đình nên có mặt đông đủ anh em họ hàng, làng xóm. Người đến chơi có thể mang theo chút quà biếu để tỏ tình thân mật với gia chủ.

Yếu tố siêu thực trong tranh thờ người Sán Dìu ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên.

Tranh tờ của người Sán Dìu có ở nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... thông qua tìm hiểu chúng tôi được biết tranh thờ Sán Dìu ở Đồng Hỷ có nhiều nhất, đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài và độc đáo nhất đó là về tạo  hình, mang đậm yếu tố siêu thực.

Màu sắc

Tranh thờ người Sán Dìu, Đồng Hỷ mang phong cách, đặc trưng riêng. Màu sắc trong tranh thờ của người Sán Dìu được vẽ theo ngũ hành (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ tương ứng với màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng)

           

H1 – Bảng màu trong tranh thờ Sán Dìu

Nguồn tác giả chụp tháng 5/2018

Màu sắc trong tranh gắn với thiên nhiên

Do tính đặc thù của người dân tộc quanh năm sinh sống ở núi rừng hoang vu, tiếp xúc với tự nhiên, lấy thiên nhiên làm bạn nên bảng màu họ lựa chọn cũng dựa vào thiên nhiên. Bên cạnh đó, bản thân các màu cũng được chế tác từ tự nhiên, nên màu sắc trong tranh rất trong trẻo, gần gũi và ấm cúng.

Màu sắc gắn với truyền thuyết, lịch sử

Dân tộc Sán Dìu thường sử dụng màu ngũ sắc trong tranh cũng như trong các buổi cúng lễ. Họ trang trí cho mâm xôi những màu sắc sặc sỡ, lấy từ lá cây, vỏ cây trong rừng nhuộm cho gạo. Mâm xôi ngũ sắc tăng thêm tính đa sắc trong buổi lễ.

Màu sắc trong quan niệm ngũ hành

Màu ngũ sắc, theo quan niệm của phương Đông là năm vật chất làm nên vũ trụ, ứng với ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Điều này ta thấy rõ nét nhất trong tranh Ngũ Hổ của Hàng Trống, diễn tả năm con hổ với các màu Đen, Trắng, Xanh, Đỏ, Vàng với màu vàng là trung tâm, là cội nguồn của vũ trụ, quan niệm này đã làm cho màu sắc tranh thờ thêm sâu sắc, lung linh huyền ảo.

 

Đường nét 

          

Tranh thờ người Sán Dìu thể hiện nét vẽ hồn nhiên nhưng đầy lòng trắc ẩn nội tâm của họ, làm cho tranh nhìn thoáng thì có vẻ vụng về nhưng xem kĩ thì có cốt, có hồn mà không họa sĩ nào làm được. Như vậy, người vẽ tranh phải là người am hiểu các qui luật của âm dương ngũ hành, là cầu nối giữa thế giới hiện thực và thế giới siêu tự nhiên.

Không gian

+ Không gian đồng hiện và liên hoàn

+ Không gian tôn giáo, tín ngưỡng

+ Không gian tiềm thức

+ Không gian trong quan niệm âm dương ngũ hành

Tranh thờ người Sán Dìu chứa đựng cả một miền không gian vũ trụ. Theo quan niệm của phương Đông, thế giới được hình thành dưới năm dạng vật chất. Các vật chất được thể hiện dưới dạng ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi hành tương ứng với một phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương.

Không gian trong tranh thờ Sán Dìu là sự vận động không ngừng nghỉ của vũ trụ, không gian tâm thức ẩn chứa sự vĩnh hằng về một cõi tâm linh huyền ảo.

Bố cục

Về bố cục trong tranh thờ Sán Dìu mang đậm nét siêu thực, mỗi chủ đề đều bộc lỗ rõ nét đó là hai dạng bố cục: Bố cục dọc, bố cục ngang.

Đối với bố cục dạng dọc, tạo hình các nhóm nhân vật được sắp xếp theo lối đồng hiện.

Với dạng bố cục ngang kéo dài sắp xếp theo lối bố cục liên hoàn và được chia thành những ô nhỏ.

Việc vận dụng các yếu tố tạo hình của tranh thờ Sán Dìu vào bài học bố cục nhưng không phải theo kiểu sao chép vụng về, không lấy tất cả những gì tranh thờ Sán Dìu có mà chỉ chọn một vài đặc điểm mang yếu tố Siêu thực để nâng lên, rút ra những cái đặc sắc nhất, trên cái nền của tranh thờ Sán Dìu ở hình, nét, màu, bố cục nhưng lại mang sắc thái mới.

Tạo hình nhân vật theo lối vẽ cảm tình, nhân vật chính thì to, nhân vật phụ bé hơn.

Những yếu tố siêu thực nghiên cứu được từ tranh thờ của người Sán Dìu nếu được ứng dụng trong dạy học môn Bố cục cho sinh viên Mĩ thuật hệ cao đẳng sư phạm trong các trường chuyên nghiệp trong cả nước, giúp sinh viên hiểu biết hơn nghệ thuật dân gian, kế thừa những nét tinh hoa, vận dụng một cách sáng tạo vào quá trình học tập, các sản phẩm của sinh viên là các tranh có bố cục phong phú, sử dụng màu sắc cũng như nét, mảng đa dạng, nội dung được khai thác trong nhiều mảng sinh hoạt, xã hội.  Bên cạnh đó sinh viên có ý thức trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc đang có nguy cơ bị mai một.

Đồng thời đưa những giá trị nghệ thuật của tranh thờ người Sán Dìu trên nhằm làm rõ những giá trị và nét điển hình của nghệ thuật dân gian, là nền tảng cho mỗi chúng ta tiến sâu hơn kho tàng mĩ thuật của dân tộc, làm hành trang trong giáo dục và đào tạo nghệ thuật hôm nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Diệp Trung Bình (2005), Phong tục và nghi lễ chu kỳ đời người của người Sán Dìu ở Việt Nam, Nxb Bộ Văn hóa – Thông tin.
  2. Miền núi phía Bắc Việt Nam, Nghệ thuật tranh thờ của người Cao Lan - Sán Chỉ và người Sán Dìu ở miền núi phía Bắc Việt Nam, Viện Mĩ thuật - Trường ĐHMT Việt Nam.
  3. Phạm Minh Phong (2010), Tính siêu thực trong điêu khắc đình làng và tượng chùa, NCKH, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
  4. Nguyễn Thu Tuấn (2011), Phương pháp dạy học Mĩ thuật (Tập 1 + 4. Tập 2), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K2 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật