Nghiên cứu lý luận

Bản sắc văn hóa Thái tại bản Lác - Mai Châu

19 Tháng Tư 2019

                                                 Nguyễn Thị Hương

                                                     Cao học Quản lí Văn hóa- K6

Bản Lác - Mai Châu được biết đến là một trong những địa danh nổi tiếng ở nước ta. Điểm độc đáo trong văn hóa người Thái ở Mai Châu là ở đây có sự giao thoa văn hóa Thái và văn hóa Mường. Điều này làm cho văn hóa nơi đây có điểm đặc sắc, khác biệt so với văn hóa Thái các nơi khác. Với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, nằm gọn trong một thung lũng giữa núi rừng Tây Bắc, nét đặc sắc của văn hóa Thái khiến cho Bản Lác Mai Châu luôn được mệnh danh là Sa Pa của đất Mường.

Người Thái ở huyện Mai Châu thuộc nhóm Thái trắng. Sống giữa xứ Mường, nhưng người Thái vẫn giữ được những phong tục truyền thống, mang nhiều nét khác biệt so với các nhóm Thái khác ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Người Thái Mai Châu có đặc điểm khác với những tộc Thái khác đó là “Thái lai” do sinh sống tại đất Mường, thêm vào đó là sát với Lào, nhờ vậy mà người Thái Mai Châu đã tạo ra dấu ấn riêng của mình mà không lạc với bất kỳ một tộc Thái nào khác. Dấu ấn ấy được thể hiện qua nhiều biểu hiện cụ thể:

Thứ nhất là nghề thủ công truyền thống, người Thái ở Mai Châu đã và đang phát triển nghề truyền thống của cha ông xưa truyền lại. Sản phẩm thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, thậm chí sang cả nước ngoài. Sự giao thoa văn hóa Mường thể hiện ngay trong các họa tiết trang trí, trên thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu. Trong thổ cẩm, màu sắc là linh hồn của người dệt để tạo ra hình thêu hoa văn rực rỡ. Màu chủ đạo là màu xanh của cỏ cây hoa lá; màu đỏ, hồng, trắng của những bông hoa sắc màu. Màu vàng của ánh mặt trời, màu nâu của đất. Tất cả màu sắc đều được nhuộm thủ công từ các loại màu thiên nhiên. Do vậy, màu sắc thổ cẩm người Thái thường đẹp và bền màu hơn. Hoa văn trên mặt thổ cẩm thường được dùng làm vỏ chăn bông, làm đệm ngồi và chăn cho trẻ nhỏ. Đó là thứ tài sản quý giá của người Thái, do vậy được dùng làm đồ sính lễ trong cưới xin, dùng vào việc mừng dâu, mừng rể và sử dụng trong cả tang lễ của người Thái - đây là phong tục rất đẹp mang tính chất chia sẻ của người đang sống dành cho người đã khuất. Thổ cẩm của người Thái Mai Châu không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị thẩm mỹ cao, thể hiện tình yêu quê hương xứ sở và tinh hoa của người Thái. Trải qua bao năm tháng, đã có một thời gian, thổ cẩm người Thái bị lãng quên theo cơ chế thị trường nhưng với lòng say nghề của các nghệ nhân, thổ cẩm người Thái vẫn được gìn giữ và phát huy tạo nên bản sắc văn hóa đặc thù. Ngày nay, người Thái đã biết kết hợp giữa giá trị hiện đại và truyền thống, biến thổ cẩm thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các chị em trong bản, quảng bá tiềm năng du lịch làng nghề tới du khách trong nước và quốc tế.

Thứ hai là kiến trúc, nhà sàn của người Thái ở Mai Châu không còn giữ kiểu nhà sàn "chính thống" như ở Tây Bắc, trên hai đầu hồi không có "khau cút" - đặc trưng tiêu biểu, đậm chất Thái Tây Bắc. Ngôi nhà sàn của người Thái ở Mai Châu gần gũi với kiểu dáng của nhà sàn Mường Bi nhưng gầm sàn nâng cao hơn, chân cột thanh hơn, cầu thang lên có lan can tay vịn, ván thưng vách chứ không dùng phên đan hoa văn như nhà sàn Mường. Trước đây, nhà của người Thái có ba gian lớn: gian tiếp khách (hoóng noóc); gian giữa có bàn thờ ma nhà, bếp lửa để sưởi và uống rượu, chỗ ngủ của cả gia đình; gian bếp (hoóng cuộng), dành riêng cho phụ nữ làm bếp núc và dệt vải có cầu thang đi lên riêng. Ngày nay, bố cục các gian nhà có thay đổi để phục vụ nhu cầu của khách du lịch và thích ứng với cuộc sống. Nhiều nhà đã bỏ gian bếp và làm nhà "kép" (nhà ở - bếp) cho tiện; nhưng bàn thờ, bếp lửa ở giữa nhà để sưởi và uống rượu cần, là những thứ không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người Thái. Kỹ thuật làm nhà sàn vẫn giữ được những nét cơ bản của cha ông: cầu thang làm bằng gỗ, có tay vịn; dãy xà ngang làm bằng những thân cây dài hàng chục mét được gọt đẽo phẳng lỳ, tạo nên bộ khung chắc, khỏe, đủ sức đỡ mái nhà đồ sộ và làm cho không gian nhà rộng rãi, sáng sủa. Những lớp gianh lợp mái được buộc vào khung mái và được đè chặt bởi chiếc đòn nóc (pha bôn) có trang trí "đặc" Thái. Nhà sàn là nơi thể hiện rất rõ "bản sắc văn hóa" của người Thái Mai Châu. Ðó không chỉ là nơi ăn ở, sinh hoạt hằng ngày mà còn là nơi tế lễ, sinh hoạt văn hóa của gia đình họ hàng - cộng đồng trong dịp lễ hội bên bàn thờ - bếp lửa.

Bên cạnh nghề thủ công truyền thống và nhà sàn, người Thái Mai Châu lại sở hữu một kho tàng văn hóa văn nghệ đắc sắc những điệu xòe uyển chuyển, mềm mại. Họ cũng là chủ nhân của những lễ hội nổi tiếng, như: lễ xên bản, xên mường, lễ chá chiêng, lễ mừng cơm mới, nổi bật hơn hết là lễ cơm mới của người Thái. Trong một năm, người Thái có rất nhiều lễ, tết đặc biệt là lễ cơm mới, một năm một lần tổ chức sau vụ gặt, lễ cơm mới (“kháu mờ”) khép lại chu trình sản xuất của một năm, mở ra một chu trình làm ăn mới. “Kháu mờ” khác “kháu hạch” (ăn mừng cơm mới). Mỗi gia đình người Thái luôn tổ chức lễ ăn mừng cơm mới một năm hai lần, khi gia chủ ăn bát cơm chiêm, cơm mùa đầu tiên thì họ làm mâm cỗ cúng tưởng nhớ tổ tiên và ăn mừng sản vật nông nhiệp vừa thu được. Còn lễ “kháu mờ” mỗi năm tổ chức một lần trong khoảng thời gian từ tháng Chạp đến tháng Ba (tức là kết thúc vụ mùa đến mở đầu mùa làm rẫy). Thu hoạch lúa xong, anh em ruột họp nhau lại cử người đứng ra làm lễ, nếu nhà có ba người con trai thì thay phiên nhau mỗi người cứ ba năm phải làm một lần, nhà con một năm nào cũng phải làm. Lễ cơm mới mặc dù chỉ diễn ra trong một ngày, một đêm và bó hẹp trong sự quần tụ của một dòng họ, nhưng ngày đó là niềm vui trọn vẹn nhất của mọi nhà trong họ, người Thái sau một năm làm ăn vất vả để nghỉ ngơi vui chơi, để chế biến sản phẩm nông nghiệp, để tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Ngày ấy là khoảnh khắc giao cảm của mùa cũ và mùa mới, giao cảm giữa trời và đất, khoảnh khắc tạo ra sự gắn bó linh thiêng giữa các thành viên trong cộng đồng để cùng hướng đến những điều tốt đẹp đặt ra trước cuộc đời của mỗi người con dân tộc Thái. Đối với nguyên gốc của người Thái họ không có tục lệ ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, do sống gần với người Kinh mà người Thái nơi đây dần chuyển biến theo. Mặc dù vậy lế tết cơm mới của người Thái được tổ chức và làm long trọng như đối với lễ Tết Nguyên đán của người Kinh.

Ngoài văn học nghệ thuật, trang phục cũng là một trong những đặc trưng của người Thái ở Mai Châu. Điểm khác biệt hơn với những vùng khác đó là họ có áo ngắn và áo dài, mỗi loại áo được mặc với mục đích khác nhau. Áo ngắn là áo được mặc hằng ngày của người phụ nữ Thái với thiết kế ngắn và cổ tròn phù hợp với công việc lao động hằng ngày và rất đa dạng màu sắc. Chiếc áo ngắn của người Thái ở đây có điểm khá tương đồng với áo ngắn của người Mường. Áo dài may dài quá đầu gối, xẻ ngực, không cài khuy, không xẻ tà, màu đen hoặc màu xanh chàm. Áo dài thường được mặc ra bên ngoài cho ấm. Thường ngày, phụ nữ Thái ở Mai Châu thắt một dải khăn trắng ngang thắt lưng rộng khoảng 20 cm, đầu khăn buông xuống bên hông trái. Tiếp thu chọn lọc và cải tiến y phục của phụ nữ Mường, phụ nữ Thái không giấu đầu cạp váy vào phần dưới thân áo cóm như phụ nữ Mường, mà phô nó ra ngoài. Trên nền áo cóm trắng - thân váy đen, cạp váy là cả một công trình nghệ thuật thể hiện khiếu thẩm mỹ và bàn tay dệt, thêu khéo léo của thiếu nữ Thái, để "tôn" lên vẻ đẹp trời cho. Cạp váy có hai phần: nửa trên (lang tênh), dệt hai mầu đen trắng, hoa văn giản đơn; nửa dưới (lang tớ) gắn với thân váy, dệt bằng tơ tằm xen vài màu (4 đến 6 màu), có hoa văn hình rồng, phượng, hoa sen. Nếu không có chiếc cạp váy nghệ thuật này thì màu đen của thân váy hẳn sẽ gây cảm giác "nặng nề". Ðồng bộ với áo váy, chiếc khăn trắng, được gấp nếp ôm gọn búi tóc trên đầu và để nhọn trước trán. Khăn chít đầu của phụ nữ Thái ở Mai Châu cũng giống như khăn chít đầu của phụ nữ Mường, có màu trắng. Khi chít khăn, phụ nữ Thái Mai Châu gập đôi hoặc ba và chít quanh một vòng đầu. Một số thiếu nữ thường gấp khăn phía trước có hình quả núi. Học lối vấn khăn của phụ nữ Mường, phụ nữ Thái Mai Châu không đội chiếc khăn piêu thêu chỉ ngũ sắc như phụ nữ Thái Tây Bắc nữa, mà vẫn đẹp. Các cô gái Mai Châu càng đẹp hơn trong những ngày xuân vui hội với khăn trắng, áo cóm trắng, váy đen có đính cạp rồng, cạp phượng, thắt dải lưng xanh hoặc đỏ, chùm dây xà tích bạc lóng lánh bên hông, cổ tay tròn trịa đeo 2 đến 3 chiếc vòng bạc. Ngồi quanh vò rượu cần, ta say rượu, say các cô gái Thái uyển chuyển trong váy áo tha thướt. Chiếc áo "cóm" mầu trắng, cổ tròn, xẻ hai bên vai để chui đầu, ôm gọn dáng hình thon thả, hòa hợp với chiếc váy đen dài trùm gót.

Mỗi nơi, mỗi vùng miền đều có đặc điểm riêng hay nói dễ hiểu là đều có bản sắc văn hóa riêng của mỗi vùng miền mỗi dân tộc. Bản Lác - Mai Châu cũng không là ngoại lệ, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thiên nhiên vô cùng hấp dẫn thêm, nơi có nền văn hóa Thái đặc sắc và hấp dẫn. Họ đã tạo dựng nên bản sắc văn hóa của người Thái Mai Châu có cội nguồn văn hóa Thái nhưng đã giao thoa và tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa Mường - văn hóa "bản địa" của người Hòa Bình cổ. Cũng chính vì điều đó mà văn hóa Thái tại Mai Châu càng cần được bảo tồn, gìn giữ và phát triển để có thể lan tỏa giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Thái nơi đây không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

 

DANH MỤC THAM KHẢO

1. Lương Song Toàn (2016), Tín ngưỡng dân gian người Thái huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Quyển 1, Tín ngưỡng dân gian người Thái huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Quyển 2, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

2. Nhiều tác giả (1988), Tìm hiểu văn hóa cổ truyền của người Thái Mai Châu, Nxb Hà Nam Ninh, UBND huyện Mai Châu, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nam Ninh.

3. Nguyễn Hữu Thức (2012), Di sản văn hóa phi vật thể của người Thái ở Mai Châu, Nxb Lao động, Hà Nội.