Nghiên cứu lý luận

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý cụm di tích Cầu Vồng, xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

18 Tháng Sáu 2019

Nguyễn Thị Bé Nhung [*]

 “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể” [1]. Với nhận thức sâu sắc về giá trị, vai trò của Di sản văn hóa đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong những năm qua xã Song Vân đã từng bước quan tâm, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và các đề án, kế hoạch, dự án… về bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa trên địa bàn. Trong đó, công tác quản lý di tích luôn được xã Song Vân ưu tiên dành nhiều sự quan tâm đặc biệt.

 Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn xã Song Vân có tổng số 25 di tích các loại, đến nay có 5 di tích được xếp hạng [2; tr.17], trong đó có Cụm di tích Cầu Vồng một trong 23 điểm di tích lịch sử, những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được Thủ tướng chính phủ ra Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012 về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt [6].

Cụm di tích Cầu Vồng sở dĩ gọi là cụm di tích vì nơi đây là cả một quần thể gồm nhiều di tích cổ như: Cầu Vồng, Đình Vồng, Chùa Vồng, Đền Vồng, Nghè Vồng (Cầu Vồng bắc qua ngòi Vồng nay không còn) những di tích này có quan hệ khăng khít với nhau trong lịch sử rất oanh liệt, vang bóng một thời, ngang dọc lẫy lừng với câu phương ngôn “Trai Cầu Vồng Yên Thế” [3]. Cụm di tích là những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng cổ, được nhân dân địa phương dựng lên để thờ phụng những vị thần có công với dân, với nước và thờ phật.

1. Thực trạng công tác quản lý cụm di tích Cầu Vồng, xã Song Vân trong thời gian qua

Trong những năm qua, công tác quản lý di tích đã được Uỷ ban nhân dân xã Song Vân, Ban Quản lý cụm di tích Cầu Vồng cùng với các ban, ngành, chính quyền địa phương cùng quần chúng nhân dân trên địa bàn xã quan tâm và thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng Luật Di sản văn hóa [4] và các văn bản từ trung ương tới địa phương về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn. Uỷ ban nhân dân xã đã phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Quản lý di tích; đưa các nội dung về bảo vệ, phát huy giá trị của cụm di tích vào quy ước, hương ước để nhân dân cùng thực hiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Di sản văn hóa, về giá trị của cụm di tích và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp cụm di tích bằng các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp đạt hiệu quả. Công tác an ninh trật tự, quản lý và bảo vệ di tích được đảm bảo. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường và có nhiều biện pháp xử lý kịp thời, góp phần thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý cụm di tích còn tồn tại một số mặt hạn chế như: Công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá và nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị cụm di tích chưa được thường xuyên, liên tục. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý văn hóa đều có trình độ đại học nhưng lại không được đào tạo đúng chuyên ngành về văn hóa. Nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo cụm di tích chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác quản lý dịch vụ tại di tích chưa được quy hoạch cụ thể; Công tác thi đua, khen thưởng chưa được quan tâm đúng mức…

2. Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý cụm di tích Cầu Vồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

 Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý cụm di tích Cầu Vồng và nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế ở trên cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, nâng cao nhận thức cho nhân dân về việc bảo vệ cụm di tích Cầu Vồng. Công tác này được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng do đó cần phải tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước tới toàn thể nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của họ đối với di sản văn hóa để từ đó họ sẽ có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích. Cần tăng cường biên tập tin bài tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh, Cổng thông tin điện tử của huyện, xã; biên tập tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về cụm di tích để tuyên truyền, quảng bá tới du khách thập phương. Cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống cho các đoàn viên, hội viên; chỉ đạo các trường học trên địa bàn xã nâng cao chất lượng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong đó chú trọng việc chỉ đạo các trường thường xuyên chăm sóc di tích trên địa bàn và tổ chức các buổi học ngoại khóa cho các em tại di tích nhằm giới thiệu truyền thống lịch sử, quê hương thông qua di tích.

Thứ hai, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước bằng cách: Cần thường xuyên kiện toàn, nâng cao trách nhiệm Ban Quản lý cụm di tích; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích có tâm huyết, có trình độ, năng lực chuyên môn. Thường xuyên cử đi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di tích cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa xã; đội ngũ quản lý, bảo vệ và tổ chức hoạt động tại di tích. Có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích. Xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên điểm tại di tích nhằm phục vụ du lịch.

Thư ba, tăng cường đầu tư nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ và tu bổ, tôn tạo cụm di tích. Cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ ngân sách của xã trong việc tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp. Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình của trung ương, tỉnh, huyện cho công tác tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích, cụm di tích xếp hạng. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị cụm di tích.

 Thứ tư, tăng cường các hình thức bảo vệ, chống xâm lấn cụm di tích. Hàng năm, Ủy ban nhân dân xã Song Vân cần chỉ đạo Đội kiểm tra Liên ngành Văn hóa thông tin và Tệ nạn xã hội xã phối hợp với lực lượng Công an xã xây dựng kế hoạch kiểm tra trong có nội dung kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về lấn chiếm đất đai, cảnh quan của các di tích trên địa bàn xã. Cần có quy hoạch khu dịch vụ hội trong những ngày diễn ra lễ hội để tránh tình trạng các trường hợp kinh doanh buôn bán tự do lấn chiếm hết không gian di tích và cần xỷ lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm trong khu vực bảo vệ di tích.

Thư năm, tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, tôn tạo cụm di tích. Hiện nay, theo quy hoạch tổng thể cụm di tích đã được Thủ tướng chính phủ ra quyết định phê duyệt thì cụm di tích Cầu Vồng còn thiếu nhiều các hạng mục như: Cổng tam quan, khu xử lý rác thải, tường bao quanh di tích, bãi đỗ xe, am hóa vàng [5]…và một số hạng mục khác của di tích đang bị xuống cấp. Do đó, trong thời gian tới cần phải tập trung huy động các nguồn lực để xây thêm các hạng mục công trình trong cụm di tích và tu bổ những hạng mục bị xuống cấp để làm cho di tích ngày càng thêm khang trang, tố hảo.

Thứ sáu, nâng cao vai trò của cộng đồng trong hoạt động phối hợp bảo vệ di tích. Do di tích là công trình văn hóa tôn giáo tín ngưỡng thường gắn bó chặt chẽ với các xóm, làng, cộng đồng dân cư do vậy cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân ở chính nơi có di tích tham gia vào việc bảo vệ, sử dụng và khai thác giá trị của di tích, đây là một việc làm rất cần thiết và đúng đắn của các nhà quản lý văn hóa. Việc trao cho người dân tham gia vào hoạt động quản lý, trông nom, bảo vệ di tích cũng làm cho người dân thấy được quyền làm chủ của mình đối với di tích, từ đó tạo niềm tin, ý thức, trách nhiệm của họ đối với di tích.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm và biểu dương, khen thưởng về di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Ủy ban nhân dân xã Song Vân trong thời gian tới cần phải có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Quản lý cụm di tích; có quy chế quản lý tiền công đức rõ ràng như vậy khi xảy ra các sự việc liên quan tới di tích thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có căn cứ pháp luật rõ ràng trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với cụm di tích. Cần tăng cường phối hợp hay tranh thủ xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn của huyện cũng như của tỉnh trong quá trình thực hiện việc thanh tra, kiểm tra di tích, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa. Đồng thời cần phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương.

Như vậy, việc đánh giá thực trạng công tác quản lý cụm di tích Cầu Vồng để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp trong công tác quản lý là góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của cụm di tích trong giai đoạn hiện nay, từ đó góp phần rất lớn vào việc phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Song Vân trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương đảng (1998), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Hà Nội.

2. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Song Vân (2015), Lịch sử Đảng bộ xã Song Vân (tái bản bổ sung năm 2015) (Tài liệu lưu hành nội bộ).

3. Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang (2011), Lý lịch những di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (cuối TK XIX - đầu TK XX), Bắc Giang (Tài liệu lưu hành nội bộ).

4. Quốc hội (2002), Luật Di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang (2014), Báo cáo tóm tắt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang.

6. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012 về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, Hà Nội.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7- Chuyên ngành Quản lý Văn hóa