Nghiên cứu lý luận

KHAI THÁC, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH ĐÌNH CHÙA HẠ HỘI TRONG XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI

15 Tháng Bảy 2019

Nguyễn Thị Ánh Quyên [*]

Nằm trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, đình chùa Hạ Hội là cụm di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia năm 1991. Với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật, di tích đình chùa Hạ Hội là một di sản văn hóa quý giá của cộng đồng cần được bảo vệ và phát huy trong bối cảnh hiện nay.

1. Những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích đình chùa Hạ Hội

Cho đến nay, tuy không có tài liệu nào ghi rõ đình chùa Hạ Hội được xây dựng từ bao giờ, nhưng căn cứ vào phong cách kiến trúc và những di vật cổ nhất còn lưu lại như bản sắc phong cho Thành hoàng Đinh Tuấn có niên hiệu Đức Long thứ 5 đời vua Lê Thần Tông (tức năm 1633) và hệ thống bia đá tại chùa Hạ Hội có niên đại Vĩnh Tự nguyên niên (1678), Long Đức nguyên niên (1732), có thể phỏng đoán đình chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Có được diện mạo như ngày hôm nay, đình chùa Hạ Hội đã trải qua nhiều lần trùng tu và mở rộng quy mô. Với tuổi đời 300 - 400 năm, đình chùa Hạ Hội phản ánh truyền thống lịch sử lâu đời của cư dân nơi đây.

Theo Thần tích, đình Hạ Hội thờ Thành hoàng Đinh Tuấn vốn là một tiên đồng được phái xuống trần để giúp đời, an dân. Là người có tướng mạo phi phàm, văn chương quán triệt, võ bị tinh thông, tài năng nổi tiếng, Đinh Tuấn được dân làng mời làm thày dạy. Ông lấy nhân nghĩa thu phục nhân tâm, xây đắp thuần phong mỹ tục, ai ai cũng kính mến. Năm 1257, giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, Đinh Tuấn xếp bút nghiên tòng quân đánh giặc, lập nhiều chiến công, được phong làm Quản Giới Tam Quân. Trong trận giao tranh ác liệt ở Bạch Hạc, gặp tình thế hiểm nghèo, Đinh Tuấn đã anh dũng hy sinh để bảo toàn khí tiết. Sau khi qua đời, Đinh Tuấn được các triều vua Trần, Lê, Nguyễn gia phong là “Quảng Nhung Thiên Linh Đại Vương” và được nhân dân 4 làng của xã Tân Lập tôn thờ là Thành hoàng làng [2].

Đình chùa Hạ Hội lưu giữ nhiều di vật, cổ vật, tiêu biểu là hệ thống bia đá chùa Hạ Hội và bản sao của 28 đạo sắc phong do triều đình phong kiến ban tặng cho Thành hoàng Đinh Tuấn. Đây là những tư liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu của các ngành khoa học như kiến trúc, bảo tàng, văn hóa, lịch sử… Đình chùa Hạ Hội ghi dấu sự kiện đồng chí Đỗ Mười và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước về thăm.

Tọa lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng, đình chùa Hạ Hội mang đặc trưng kiến trúc đình chùa Việt Nam với nhiều công trình bề thế. Kết cấu kiến trúc của đình gồm có cổng tam quan, sân đình, hai dãy nhà giải vũ, phương đình và đại đình. Tòa Đại đình sừng sững với bộ mái tỏa rộng ra hai phía và kéo xuống thấp. Bên trong có 8 bức hoành phi và rất nhiều các cặp câu đối được treo dọc các cột trụ. Mặt bằng kiến trúc của chùa gồm có tiền đường, thượng điện, hậu đường, nhà tăng và nhà giảng pháp. Bên trong các công trình kiến trúc này có nhiều mảng trang trí, trạm trổ cầu kỳ theo nhiều đề tài như: hổ phù, triện cúc dây, tam ly hóa hí cầu và các đề tài hóa rồng,...

Đình chùa Hạ Hội là nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của dân làng, mà đỉnh cao là lễ hội đình làng Hạ Hội diễn ra vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm. Lễ hội làng Hạ Hội là một bảo tàng sống, nơi lưu giữ và trao truyền nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, của dân tộc. Trong lễ hội, ngoài các nghi thức lễ tế Thành hoàng, còn có các hình thức diễn xướng dân gian và các trò chơi dân gian như: thi thổi cơm trên thuyền, hội thi đánh cờ,…

Những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của đình chùa Hạ Hội không chỉ khẳng định vị thế và tầm vóc to lớn của di tích này mà còn có thể khai thác, phát huy phục vụ cộng đồng.

2. Một số giải pháp khai thác, phát huy giá trị di tích đình chùa Hạ Hội trong xã hội đương đại

Di sản văn hóa(DSVH) nói chung, di tích lịch sử văn hóa nói riêng chứa đựng nhiều giá trị to lớn. Vì vây, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết [4]. Thực tế minh chứng di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn vô cùng tận cho điểm đến du lịch. Di sản văn hóa là động cơ, là duyên cớ thôi thúc chuyến đi, là môi trường tương tác và là những trải nghiệm đáng giá cho du khách, qua đó trở thành tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch. Cũng chính sức cuốn hút ấy của di sản văn hóa đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào du lịch di sản, những dòng khách du lịch tấp nập đổ về; người người, nhà nhà làm du lịch... [5].

Như trên đã trình bày, di tích đình chùa Hạ Hội có những giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc. Bên cạnh đó, lễ hội làng Hạ Hội với các lớp văn hóa, các thực hành tín ngưỡng và trò chơi dân gian cũng tạo thêm một sức hút đối với cư dân quanh vùng và du khách. Do đó, với quan điểm di sản phục vụ lợi ích cộng đồng, cần đẩy mạnh khai thác, phát huy các giá trị của di tích đình chùa Hạ Hội để mang lại các lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho địa phương. Trong quản lý di tích đình chùa Hạ Hội, có thể áp dụng mô hình bảo tồn - phát triển gắn với kinh tế du lịch để phát huy hiệu quả các giá trị của di tích, cũng như để chính những giá trị của di tích tạo ra được nguồn lực quay lại góp phần vào công tác quản lý, bảo tồn di tích. Quản lý di sản gắn với phát triển du lịch đang là một cách thức được nhiều địa phương áp dụng nhằm biến di sản thành di sản “sống”, để di sản tham gia vào sự phát triển của cộng đồng. Để thu hút du khách đến với di tích cần tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, giá trị của di tích để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Mặt khác, quảng bá hình ảnh và giá trị di tích là cách thức để quảng bá du lịch.

Nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan di tích là nhu cầu của công chúng. Tuy nhiên, có nhiều người chưa có điều kiện để đến di tích hoặc chưa từng nghe tới các giá trị của di tích. Bởi vậy, việc giới thiệu và quảng bá di tích là cần thiết và có nhiều thuận lợi trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ. Các cơ quan quản lý di tích cần thu hút và tạo điều kiện cho các nhà báo, các nhà nghiên cứu tiếp cận và tìm hiểu về di tích, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho việc đăng tin, bài về di tích. Thời gian tới cần có thêm nhiều bài viết về di tích trên các trang báo, đặc biệt là báo điện tử. Có thể chọn lựa và liên kết với một vài tờ báo để từ đó có thể thường xuyên đăng các bài viết về di tích. Đặc biệt, trong những khoảng thời gian trước khi diễn ra các lễ hội, BQLDT cần đẩy mạnh công tác truyền thông đại chúng trên mạng internet, nhất là các trang mạng xã hội như facebook để chuyển tải thông tin đến đông đảo người dân mọi lứa tuổi.

Có thể nói, việc truyền thông và quảng bá để phát huy giá trị di tích cần áp dụng các kỹ thuật truyền thông và quảng bá tương tự như các doanh nghiệp, bao gồm: phân tích khách hàng, quảng bá qua các ấn phẩm, quan hệ với giới truyền thông, nghiên cứu thị trường, xây dựng trang web, tổ chức các sự kiện,... Các hoạt động này mang ý nghĩa giúp cho di sản được quảng bá trong thị trường du lịch, tăng khả năng tiếp cận của di sản với công chúng.

Với định hướng khai thác du lịch di tích, trong thời gian tới, Ban quản lí di tích(BQLDT) cần phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) huyện Đan Phượng và các tổ chức xúc tiến du lịch để xây dựng các tour du lịch gắn với di tích đình chùa Hạ Hội. Đan Phượng có nhiều thuận lợi và tiềm năng cho phát triển du lịch. Trên địa bàn huyện Đan Phượng có nhiều điểm du lịch thú vị như: cụm di tích đền thờ danh nhân Tô Hiến Thành, chùa Hải Giác, Miếu Hàm Rồng; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Tượng đài Phong trào phụ nữ ba đảm đang, các làng nghề như làng Phùng (đặc sản nem), khu sinh thái Phoenix Garden… Ngay trên địa bàn xã Tân Lập cũng có 09 công trình văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo gồm 04 ngôi đình và 05 ngôi chùa. Đây đều là những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc Á Đông. Ngoài ra, có thể xây dựng các tour du lịch kết nối đình chùa Hạ Hội cũng như các điểm du lịch của Đan Phượng với các điểm du lịch nổi tiếng ở các huyện lân cận như Sóc Sơn với đền Sóc, chùa Non nước,...

Tuy nhiên, khi khai thác du lịch di tích cần lưu ý một số điểm sau: Thứ nhất, phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng; tôn trọng đa dạng văn hóa, đề cao vai trò văn hóa bản địa; nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch văn hóa. Thứ hai, định hướng hoạt động du lịch và các hoạt động dân sinh khác trong lòng di sản một cách bền vững; quy định chi tiết về quy tắc ứng xử với di sản; những gì được làm, không được làm, những gì nên, không nên làm; kiểm soát nghiêm ngặt tác động về sức chứa, loại hình hoạt động và cân bằng nhịp sống của hệ sinh thái tại di sản [5].

Kết luận

Đình chùa Hạ Hội là một quần thể gồm hai di tích là đình Hạ Hội và chùa Hạ Hội có lịch sử trên 3 thế kỷ. Là một di tích cấp quốc gia, đình chùa Hạ Hội có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, là biểu tượng cho đời sống văn hóa - tín ngưỡng của người dân nơi đây. Do đó, công tác quản lý di tích cần coi trọng việc khai thác và phát huy giá trị di tích đình chùa Hạ Hội thông qua các giải pháp như đẩy mạnh công tác truyền truyền thông về di tích, phát triển du lịch gắn với di tích,…  qua đó không chỉ giúp di tích sống động trong đời sống cộng đồng mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Lập (2017), Lịch sử truyền thống Đảng bộ và nhân dân xã Tân Lập (1945 - 2015), bản đánh máy, lưu hành nội bộ.
  2. Ban Quản lý di tích đình chùa Hạ Hội, Thần tích - văn tế - điều lệ thờ thần đình Hạ Hội.
  3. Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (1991), Hồ sơ khoa học di tích đình chùa Hạ Hội, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.
  4. Nguyễn Thế Hùng, “Phát huy giá trị di tích phục vụ sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước”, Cổng thông tin điện tử Cục Văn hóa cơ sở, http://dch.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=365&c=61 (truy cập 15/3/2019)