Nghiên cứu lý luận

Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch cụm di tích đền Dành, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

12 Tháng Tám 2019

Nguyễn Đình Hào [*]

 

Phát huy tiềm năng lợi thế của các di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch đang là xu hướng phát triển của nhiều tỉnh trong nước. Huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 92 di tích và cụm di tích đã được Nhà nước xếp hạng. Trong đó có 20 di tích, điểm di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, còn lại 72 di tích được UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích cấp tỉnh, đền Dành là một trong số 72 di tích đó được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006.

Đền Dành tọa lạc trên đỉnh núi Dành, tại một vị trí đắc địa, cao hơn mặt nước biển 117m, được bao bọc bởi những cánh đồng trung du trù phú, màu mỡ, lại có con sông Thương uốn mình bao quanh, tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình. Trong đền thờ đức thánh Cao Sơn - Quý Minh, là những vị tướng giỏi thời vua Hùng. Quanh khu vực đền Dành còn có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như đình Vường, chùa Không Bụt, đình Liên Bộ… bên cạnh đó còn có các sản vật như sâm nam, nem nướng, loại hình văn hóa nghệ thuật hát ống, hát ví. Đây chính là những vốn quý để phát triển loại hình du lịch hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển cho quê hương.

Thực trạng công tác phát triển du lịch cụm di tích đền Dành

Trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật góp phần thiết thực vào công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của các DSVH, đặc biệt là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quyết định số 1307/QĐ-UBND ngày 25/10/2012  của UBND huyện Tân Yên về việc phê duyệt đề án tu bổ, nâng cấp khu du lịch tâm linh sinh thái núi Dành xã Liên Chung, xã Việt Lập huyện Tân Yên giai đoạn 2013 - 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa đền Dành. Đề án với hệ thống hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ đáp ứng phát triển du lịch tín ngưỡng và nhu cầu hành hương của nhân dân, góp phần giữ gìn, phát huy, giáo dục truyền thống của địa phương cho thế hệ mai sau. Cùng với đó sẽ thu hút khách thập phương đến với di tích lịch sử - văn hóa đền Dành góp phần quảng bá, phát huy các giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch tâm linh. Thời gian qua công tác bảo tồn, tôn tạo di tích làm cơ sở cho phát triển du lịch cùng với công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa đền Dành luôn được Ủy ban Nhân dân huyện Tân Yên, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Yên, Ủy ban Nhân dân xã Liên Chung quan tâm, thường xuyên phối hợp cới các kênh truyền hình Trung ương như VTV1, VTV2, VTV5, VTC, Truyền hình Nhân dân…, các cơ quan báo trung ương như: Báo Tiền Phong, Thông tấn xã Việt Nam, Dân trí… và kênh truyền hình Bắc Giang, Báo Bắc Giang, tạp chí Sông Thương… viết tin bài và xây dựng các phóng sự tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di tích đền Dành, lễ hội đền Dành, sâm Nam núi Dành, nem nướng Liên Chung, hát ống, hát ví và các nét đẹp văn hóa của đất và người nơi đây. Việc xây dựng các sản phẩm và tuyến, điểm du lịch liên quan đến di tích với lượng du khách đến với di tích đền Dành ngày càng đông, đặc biệt là dịp lễ hội đầu năm. Vấn đề quản lý tài chính từ nguồn nhà nước cấp và từ nguồn du lịch, đối với di tích lịch sử văn hóa đền Dành hiện nay dựa vào 3 nguồn, đó là: Nguồn ngân sách từ nhà nước; Nguồn từ khách du lịch và nguồn từ nhân dân địa phương đóng góp. Bên cạnh đó công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra và khen thưởng, kỷ luật trong công tác quản lý di tích đền Dành được thực hiện tương đối tốt, đã kịp thời ngăn chặn những vi phạm xâm hại đến di tích.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý và phát huy giá trị của di tích đền Dành thời gian qua còn có những tồn tại, hạn chế như: Về mô hình quản lý, cơ chế chính sách chưa đồng bộ; Chất lượng nguồn nhân lực yếu; Ngân sách đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích chưa được tập trung; Công tác tuyên truyền về di tích chưa thường xuyên.; Việc kết nối các điểm di tích với đền Dành và xây dựng sản phẩm khu vực núi Dành chưa đạt hiệu quả cao; Việc huy động cộng đồng tham gia bản quản, tu bổ, phát huy giá trị của di tích đền Dành còn hạn chế; Việc phát triển các dịch vụ phục vụ khách du lịch ở di tích chưa có.

Giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển du lịch cụm di tích đền Dành

Thứ nhất, nhóm giải pháp phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đền Dành gắn với phát triển du lịch

Tăng cường tính hấp dẫn của di tích bằng các hình thức tuyên truyền, quảng bá: Như chúng ta đã biết tính hấp dẫn của di tích chủ yếu được thể hiện thông qua những giá trị hàm chứa trong di tích như: giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, các giá trị văn hóa phi vật thể như: truyền thuyết, tính thiêng của di tích, phục dựng những nghi lễ, một số tích trò trong lễ hội.

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trùng tu tôn tạo: Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tạo ra và thực hiện sản phẩm du lịch cũng như quyết định mức độ khai thác tiềm năng du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.

Xây dựng các chương trình du lịch kết nối các tuyến, điểm du lịch: Việc kết nối các tuyến tham quan của du khách có vai trò rất quan trọng, do vậy ngoài việc kết nối di tích đền Dành với các điểm di tích lịch sử văn hóa cần kết nối di tích đền Dành với các điểm trong và ngoài huyện

Thứ hai, nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với di tích đền Dành.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy: Đối với các Bộ ngành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ, Quốc hội để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về di sản văn hóa.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ: Con người là yếu tố quyết định, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng của công tác quản lý cũng như bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm: Trong lĩnh vực văn hóa nói chung, di tích lịch sử nói riêng thì công tác quản lý nhà nước không thể tách rời vai trò của công tác thanh tra và kiểm tra… Do vậy để tiếp tục bảo vệ và  phát huy giá trị của di tích đền Dành trong thời gian tới, thì công tác thanh tra, kiểm tra vẫn tiếp tục phải được duy trì thường xuyên, đặc biệt là vào dịp lễ hội và những lần trùng tu di tích.

Thứ ba, nhóm giải pháp nhằm phát huy vai trò của người dân trong việc quản lý di tích đền Dành

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò của di tích đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc, sự phát triển kinh tế đất nước, địa phương và của cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng, sẽ hình thành tính tự giác, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích và chấp hành nghiêm Luật Di sản văn hóa.

Phát huy nguồn lực xã hội hóa: Xã hội hóa các hoạt động bảo tồn DSVH không chỉ là vấn đề trước mắt, cũng không phải là biện pháp tình thế để chia sẻ sự đóng góp cho ngân sách nhà nước, mà còn là nhiệm vụ lâu dài bởi các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn là nhu cầu thiết yếu, được duy trì và không ngừng phát triển với những tiềm năng và nguồn lực từ nhân dân.

Tăng cường giám sát của cộng đồng: Để phát huy tốt nhất vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư cần phải xây dựng kết hoạch phối hợp giữa Ban quản lý di tích lịch sử đền Dành với cộng đồng dân cư địa phương, nơi có di tích là cần thiết, cộng đồng là sợi dây liên hệ giữa di tích với cơ quan quản lý. Những hiện tượng sai trái, xâm phạm di tích, sẽ được cộng đồng dân cư phát hiện và truyền tải đến cơ quan có thẩm quyền kịp thời chấn chỉnh và xử lý vi phạm.

Vận động người dân địa phương tích cực tham gia việc phát triển dịch vụ phục vụ du khách: Hiện nay người dân địa phương quanh khu vực đền Dành chỉ tham gia bán một số mặt hàng như: đồ ăn nhanh, đồ lưu niệm, nem nướng, rượu sâm trong những ngày lễ hội. Do vậy chính quyền xã Liên Chung, Ban quản lý di tích đền Dành có thể vận động sự tham gia của các hộ dân hai bên đường vào di tích cùng tham gia mở các dịch vụ, nhằm quảng bá các đặc sản ẩm thực cũng như những nông sản địa phương, tạo các sản phẩm thương hiệu để phục vụ khách tham quan làm quà lưu niệm. Đồng thời cộng đồng người dân địa phương chính là những thuyết minh viên giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá những giá trị của di tích, bởi họ là người bản địa, hiểu hơn ai hết về di tích và văn hóa đặc sắc nơi đây.

Trong xu thế phát triển và hội nhập như hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, do đó nhu cầu hưởng thụ và tìm hiểu về cội nguồn dân tộc cũng ngày càng cao. Vì thế, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH của dân tộc là rất quan trọng, góp phần xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Thực tế cho thấy di sản văn hóa tạo sức hấp hẫn cho điểm đến du lịch, di sản văn hóa là động cơ, là môi trường tương tác và là những trải nghiệm cho du khách, qua đó di sản văn hóa đã trở thành tài nguyên, nguồn lực chiếm lược cho phát triển du lịch. Đền Dành, xã Liên Chung, huyện Tân Yên nằm ở một vị trí đẹp, đền tọa lạc trên đỉnh núi Dành, xung quanh là những cây thông to, phía chân núi là những thửa ruộng bậc thang, lại có dòng sông Thương bao bọc núi Dành, đã tạo nên một khung cảnh thơ mộng. Ngoài ra quanh khu vực đền Dành lại có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực. Nếu các nhà quản lý di tich đền Dành biết khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của di tích thì tin chắc rằng tương lai không xa cụm di tích đền Dành sẽ trở thành điểm hành hương, tham quan, trải nghiệm, khám phá có tiếng của tỉnh Bắc Giang, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến với di tích, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Yên xuất bản năm 2017, Tân Yên vùng đất - con người.

2. Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang (2006), Lý lịch di tích đền Dành, tài liệu lưu hành nội bộ.

3. Dương Văn Sáu (biên soạn) (2017), Giáo trình Văn hóa Du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Ngô Văn Trụ (chủ biên) (2002), Lễ hội Bắc Giang, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang.

5. UBND huyện Tân Yên (2013), Đề án tu bổ, nâng cấp khu du lịch tâm linh - sinh thái núi Dành xã Liên Chung, xã Việt Lập huyện Tân Yên, giai đoạn 2013 - 2020.

6. Cổng thông tin điện tử huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Giới thiệu di tích đền Dành, xã Liên Chung, http://tanyen.bacgiang.gov.vn/tin-tuc/ 8897/Gioi-thieu-di-tich-Den-Danh,-xa-Lien-Chung.html, truy cập tháng 12/2018.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa