Nghiên cứu lý luận

GIÁ TRỊ HỌA TIẾT TRANG TRÍ TRONG LĂNG KHẢI ĐỊNH VỚI GÓC NHÌN TỪ BÀI TẬP TẠO MẪU – CHUYÊN NGÀNH THIẾT KẾ THỜI TRANG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TW

14 Tháng Chín 2020

                                                                                     Trần Việt Hùng[*]

Lăng Khải Định được biết đến với vị thế của một công trình lăng độc đáo, nhiều yếu tố nghệ thuật và đã vươn mình ra khỏi những hình ảnh vốn quen thuộc của nghệ thuật lăng tẩm ở Việt Nam.

  1.  Vài nét sơ lược về lăng và kiến trúc lăng Khải Định

“Lăng Khải Định” hay còn gọi là Ứng Lăng, hiện nay thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, đây chính một lăng mộ cuối cùng được xây dựng của triều đại nhà Nguyễn cũng như các triều đại phong kiến Việt Nam. Lăng Khải Định là một công trình lăng độc đáo với nhiều nét kiến trúc mang hơi thở của kiến trúc hiện đại phương Tây (kiến trúc Pháp). Có những phần lại mang hơi hướng của kiến trúc Phật giao, Ấn Độ giáo… tạo nên những nét khác biệt cho lăng Khải Định.

Bên cạnh kiến trúc, lăng Khải Định còn mang những giá trị nghệ thuật đỉnh cao của nghệ thuật trang trí cung điện, lăng tẩm triều Nguyễn đó chính là trang trí nội thất. Sự xuất hiện chủ yếu của những họa tiết trang trí được ghép từ những mảnh gốm sứ đa dạng màu sắc, nhờ có kỹ thuật ghép tài hoa mà trở thành đỉnh cao của nghệ thuật trang trí.

  1.  Giá trị nghệ thuật họa tiết trang trí lăng Khải Định với bài tập tạo mẫu trang phục của sinh viên ngành Thiết kế thời trang

Nhìn từ góc độ của ngành Thiết kế thời trang, các giá trị nghệ thuật đặc biệt của họa tiết trang trí trong lăng Khải Định có thể là những gợi ý cho các sinh viên ngành Thiết kế thời trang - nhà tạo mẫu tương lai. Các yếu tố có thể kể đến như:

Đề tài

Chúng tôi nhận thấy đề tài các họa tiết hoa văn trong lăng Khải Định vô cùng phong phú, hấp dẫn và mang tính nghệ thuật cao. Ngoài ra đề tài hoa văn tại đây còn mang tính giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương đông và phương tây.

Đề tài về tứ linh, tứ quý, bát bửu, bát phúc, cụ thể như long, ly, quy, phượng; tùng, cúc, trúc, mai; bút, nghiên, bầu mực…

Ngoài ra còn có các đề tài khác như về động vật, thực vật các đồ vật hay như chữ vạn…

Với các đề tài này mang tính truyền thống và đậm chất phương Đông, trong khi đó trang phục trình diễn ấn tượng lại mang tính hiện đại. Do đó khi đưa những đề tài này lên trang phục trình diễn ấn tượng sẽ tạo ra một sự độc đáo, thu hút được những người yêu thời trang. Tuy nhiên đây cũng là một khó khăn dành cho các nhà tạo mẫu nếu như không tạo được sự hào hòa giữa đề tài và phong cách của trang phục mình tạo mẫu.

Hiện nay đã có nhiều mẫu đã sử dụng các họa tiết hoa văn với đề tài đậm chất phương Đông này, tuy nhiên các trang phục sử dụng họa tiết này phần lớn là trang phục mang tính truyền thống như áo dài, trang phục mang tính ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày. Việc ứng dụng giá trị nghệ thuật của các đề tài họa tiết hoa văn trang trí trong lăng Khải Định vào dạy môn tạo mẫu trang phục mà cụ thể là thiết kế trang phục Dạ hội sẽ là tiền đề cho sinh viên phát huy khả năng sáng tạo của bản than, cũng như có cách nhìn, cách tư duy hướng tới những cái độc đáo nhưng phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống.

Kỹ thuật

Kỹ thuật nổi bật, mang tính điêu luyện, tài hoa của người thợ được sử dụng trong việc tạo ra các họa tiết trang trí trong lăng Khải Định chính là kỹ thuật đắp nổi và ghép các mảnh sành sứ tạo nên hoa văn.

Kỹ thuật này đòi hỏi ở người thợ sự khéo léo, tinh tế từ việc lựa chọn hình dáng, vị trí cho đến màu sắc của các mảnh gốm sứ, độ cao của việc đắp nổi thành hình họa tiết cũng như vẽ các họa tiết để tạo nên được những họa tiết theo các đề tài đã lựa chọn.

Kỹ thuật này có thể đưa vào áp dụng trong bài tạo mẫu trang phục dạ hội như thể hiện kĩ thuật ghép vải với các họa tiết vải, màu sắc sao cho phù hợp, tạo nên sự độc đáo từ chất liệu đến tạo hoa văn cho bộ trang phục. Điều này tương đối phù hợp với trang phục Dạ hội vì đa phần được thực hiện thủ công và với số lượng ít nhằm tạo nên sự độc đáo cũng như tôn lên vẻ đẹp cho người sử dụng.

Ngày nay mặc dù kỹ thuật trong tạo mẫu trang phục ngày càng được hiện đại hóa bằng máy móc tạo sự nhanh, chính xác cho sản phẩm và mọi khâu kỹ thuật tạo nên sản phẩm. Tuy nhiên, với trang phục dạ hội là một loại trang phục thời trang đặc biệt cần nhiều yếu tố thủ công nên việc áp dụng những kỹ thuật mang tính thủ công tinh tế sẽ tạo được giá trị lớn cho bộ trang phục dạ hội của các nhà tạo mẫu.

Yếu tố hội họa

Màu sắc

Màu sắc là một trong những yếu tố quan trọng của bộ trang phục trong thiết kế thời trang và cũng là yếu tố đầu tiên được đề cập đến khi nhắc tới thời trang. Màu sắc ngoài tạo ấn tượng tới công chúng còn có khả năng giúp người mặc che được khuyết điểm của cơ thể, tôn lên vẻ đẹp của người mặc và hiệu ứng khi phù hợp với hoàn cảnh.

Trong lăng Khải Định với những màu sắc bắt mắt, nổi bật như vàng, nâu, trắng, lam…khiến cho lăng có một màu sắc mới lung linh, khác hẳn với màu trầm gỗ của các kiến trúc lăng tẩm khác.

Việc đưa màu sắc trong trang trí lăng Khải Định vào tạo ấn tượng cho các bộ trang phục dạ hội cùng là một trong những gợi ý cho SV ngành thiết kế thời trang của trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

Đường nét, hình mảng, bố cục

Trong môn tạo mẫu trang phục, việc sử dụng các đường nét là một cách thức làm vô cùng quan trọng. Đường trang trí được người tạo mẫu đưa thêm vào nhằm tăng thêm vẻ đẹp cho bộ trang phục. Người tạo mẫu nếu sử dụng đường nét tốt, đường nét để tạo nên các họa tiết trang trí cho tác phẩm của mình sẽ nâng tầm được giá trị của bộ trang phục lên rất nhiều. Và nét được sử dụng trong tạo mẫu trang phục ở một số khâu, trong đó có sử dụng nét trong việc vẽ, tạo họa tiết trang trí cho trang phục.

Các họa tiết trang trí trong lăng Khải Định đều được đánh giá với các yếu tố nghệ thuật cao. Đường nét uyển chuyển, nhẹ nhàng xuất hiện ở bức tranh trang trí trên trần chánh điện “Cửu long ẩn vân”. Nhờ có độ uyển chuyển của đường nét mà người xem có thể cảm nhận được sự ẩn mình thanh toát của rồng bên trong những đám mây. Bên cạnh đó, đường nét ở các họa tiết trang trí trong lăng Khải Định bằng chất liệu sành sứ vừa có độ khỏe khoắn do tính chất của việc ghép các mảnh gốm với nhau. Tuy đường, nét thể hiện không thực sự trơn, nuột, nhưng không hề thiếu đi sự mềm mại, uyển chuyển. Điều này đem đến cho các họa tiết này sự tinh tế, độc đáo.

 Việc vận dụng các yếu tố đường nét trong họa tiết trang trí lăng Khải Định vào bài học tạo mẫu trang phục sẽ đem đến cho các bộ trang phục một hơi thở mới với các đường nét mang tính độc đáo, vừa có sự khỏe khoắn nhưng lại không thiếu độ mềm mại, tinh tế. Đường nét có thể được sử dụng trong việc tạo họa tiết trang trí cho trang phục, thậm chí trong việc tạo dáng trang phục cũng có thể dùng đường nét để tạo hiệu quả cho đường cắt may. Bên cạnh đo sẽ là sự bố trí tốt các hình mảng, bố cục trong tạo mẫu cúng như tạo họa tiết cho trang phục.

Hình mảng và bố cục trong tạo mẫu trang phục được sắp xếp nhờ vào các khoảng trống tạo sự nghỉ ngơi cho mắt, khoảng cách tạo nền nhằm bố trí các họa tiết trang trí cho trang phục. Bố cục của trang phục là sự kết hợp tất cả các yếu tố hình thức cần thiết để tạo nên một bộ trang phục hoàn chỉnh, chuyển tải được tư tưởng thẩm mỹ của người tạo mẫu.

Hình mảng và bố cục trong trang trí các họa tiết tại lăng Khải Định đem đến cho người xem cái nhìn đa dạng, phong phú. Hình mảng, bố cục có khi là thoáng, nhiều mảng trống, những có những khi lại là ken đặc, tạo sự chặt chẽ cho bố cục.

Bố cục họa tiết trong các ô trang trí được sắp xếp phù hợp với vị trí và diện tích của ô trang trí. Khi là ô dọc, kéo dài và thoáng với các hình ảnh trang trí về tứ quý tạo sự mảnh mai, quý phái của các loại cây tượng trưng cho sức mạnh, tôn quý... hay cũng như các họa tiết trang trí khác. Khi là các ô hình chữ nhật với diện tích lớn, bé đan xen tạo nên sự hấp dẫn trong một bố cục tổng thể với nhiều các đề tài họa tiết trang trí khác nhau.

Từ sự phối hợp của đường nét mềm mại và khỏe khoắn, hình mảng, bố cục khi thì ken đặc lúc lại trống thoáng của các họa tiết trong trang trí lăng Khải Định, GV có thể hướng dẫn SV đưa vào áp dụng ở những bước tạo mẫu thích hợp. Các bước có thể từ đường cắt tạo phom, tạo họa tiết trang trí trên trang phục, tạo ra các phom dáng, bố cục và họa tiết phong phú, độc đáo, hấp dẫn.

Lăng Khải Định được đánh giá là lăng có nhiều nét độc đáo nhất từ kiến trúc cho đến cách trang trí, chính vì vậy chúng tôi mong muốn đưa những giá trị nghệ thuật độc đáo vào bài tập tạo mẫu trang phục dạ hội, ngành thiết kế thời trang trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Việc làm này nhắm phát huy được những vẻ đẹp họa tiết trang trí trong lăng Khải Định cũng như gợi ý cho những ý tưởng sáng tạo không ngừng của sinh viên và các kỹ năng cần thiết khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Thủy Bình, Phạm Hồng (1992), Kỹ thuật tạo mốt và vật liệu thời trang, Nxb Khoa học và kỹ thuật Hà Nội.
  2. Những người bạn cố đô Huế  (Tập XII )(2002), Nxb Thuận Hóa.
  3. Trần Đức Anh Sơn (2003) “Mấy nhận xét về trang trí nội thất lăng Khải Định”, Sông Hương dòng chảy văn hóa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội Tr 466-472.
  4. Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa
  5. Đặng Hữu Tuyền (1977), Ghi chép về gốm sứ trang trí kinh thành Huế, Khảo cổ học (4) Tr 42-45.

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K2 -   LL&PP dạy học Bộ môn Mĩ thuật