Nghiên cứu lý luận

ĐẶC ĐIỂM GIAI ĐIỆU CỦA CA KHÚC CÁCH MẠNG GIAI ĐOẠN 1945 - 1975 ĐỐI VỚI DẠY HỌC THANH NHẠC

21 Tháng Chín 2020

Ngô Văn Đức

Lớp: K11-Lý luận và PPDH Âm nhạc

 

Ca khúc cách mạng giai đoạn 1945 - 1975 chiếm vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc nước ta. Từ trong suốt ba mươi năm kháng chiến chống ngoại xâm cho đến ngày nay, các ca khúc cách mạng vẫn là lựa chọn của nhiều ca sĩ, nhiều chương trình ca nhạc và của hàng triệu người yêu âm nhạc trên cả nước. Trong dạy học thanh nhạc, người giáo viên cần phân tích kĩ về hai yếu tố cơ bản của giai điệu là âm vực và âm điệu/tính chất giai điệu.

1. Âm vực

Hiện nay, có nhiều tài liệu, giáo trình với các cách ghi kí hiệu chữ cái chỉ quãng tám khác nhau. Vì vậy, để thuận tiện cho việc theo dõi trong khi phân tích âm vực và giai điệu, chúng tôi thống nhất thể hiện âm vực trên khóa Son 2 như dưới đây.

Ví dụ 1:

Âm vực là một trong các yếu tố tạo của giai điệu, trực tiếp ảnh hưởng đến âm sắc giọng hát và khả năng biểu đạt của người hát. Qua tìm hiểu khoảng 100 ca khúc cách mạng giai đoạn 1945 - 1975 phù hợp với giọng nam nói chung, chúng tôi nhận thấy các ca khúc đều có âm vực không quá rộng. Những bài như Áo mùa đông (Đỗ Nhuận), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)... có âm vực hẹp nhất là quãng 9, từ D4 đến E5.

Ví dụ 2:                     NGƯỜI HÀ NỘI (trích)

                                                                                            Nguyễn Đình Thi

Âm vực thường gặp là quãng 11 đến quãng 13. Bài có nốt viết thấp nhất ở G3 như Tự nguyện (Trương Quốc Khánh) ở giọng Đô trưởng, Tiến bước dưới quân kì (Doãn nho) giọng Son trưởng... thì nốt cao nhất cũng chỉ đến E5 (âm vực quãng 13). Hầu như không có tác phẩm nào có âm vực vượt quá quãng hai quãng tám. Một số ít bài có âm vực rộng tiệm cận đến hai quãng 8 như Anh vẫn hành quân (nhạc: Huy Du, phỏng thơ: Trần Hữu Thung) giọng la thứ với quãng 14 từ A3 đến G5. Trong các tác phẩm chúng tôi tìm hiểu và sử dụng trong chương trình giảng dạy, ca khúc duy nhất có âm vực rộng nhất là hai quãng tám là Người chiến sĩ ấy của Hoàng Vân ở giọng Mi giáng trưởng, từ G3 (ô nhịp 26) đến G5 (ô nhịp 54).

Ví dụ 3:                  NGƯỜI CHIẾN SĨ ẤY (trích)

Hoàng Vân

Âm vực:

Một số bài có âm vực rộng đến quãng 14 (từ B3 đến A5) nhưng các nốt cao nhất hoặc thấp nhất là những nốt luyến nhanh như Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên), giọng Mi thứ, luyến ở nốt cao A5.

 

Ví dụ 4:               CHIẾC GẬY TRƯỜNG SƠN (trích)

Phạm Tuyên

            Đối với hệ trung cấp thanh nhạc Trường Đại học VHNT Quân đội, âm vực các ca khúc là một đặc điểm để GV lựa chọn bài phù hợp cho từng đối tượng học viên trong từng giai đoạn của toàn khóa học. Chẳng hạn: Học viên năm thứ nhất có tố chất giọng hát ở mức khá, âm vực chưa được mở rộng thì những ca khúc thích hợp để luyện tập ban đầu là Áo mùa Đông (Đỗ Nhuận) hay Tự nguyện (Trương Quốc Khánh)...; học viên năm thứ nhất có giọng hát khá tốt, âm vực luyện thanh đạt được quãng 13 thì những ca khúc như: Bến cảng quê hương tôi (Nguyễn Đức Toàn) có âm vực là quãng 11, từ B3 đến E5 hay Xe ta đi trong đêm Trường Sơn (Tân Huyền) có âm vực là quãng 12 từ C4 đến G5... Lựa chọn ca khúc để giao cho học viên dựa vào âm vực là một khoa học trong quá trình dạy học để đạt mục tiêu phát triển âm vực, kích thích hứng thú học tập và là cơ sở để học viên rèn luyện các kỹ thuật thanh nhạc phù hợp năng lực giọng hát.

2. Tính chất giai điệu

Tính chất giai điệu của một ca khúc được được biểu thị bởi các yếu tố cơ bản là nhịp độ, tiết tấu, các quãng và hướng chuyển động của nó trong một kết cấu âm nhạc liền mạch. Những yếu tố ấy tạo nên sự khác biệt về về tính chất âm nhạc giữa các tác phẩm, gắn bó chặt chẽ với ý đồ xây dựng hình tượng và nội dung cần chuyển tải của tác giả. Tính chất giai điệu có thể được xem là một trong những yếu tố có vai trò cơ sở đối với người dạy và người học thanh nhạc. Dựa vào tính chất giai điệu, chúng tôi nhận thấy ca khúc giai đoạn 1945 - 1975 có thể được phân chia thành những thể loại gồm: Nhóm hành khúc, nhóm ca khúc trữ tình và nhóm ca khúc vui hoạt.

Đề tài của nhóm hành khúc thường gắn liền với hình tượng người chiến sĩ vũ trang. Vì vậy, đặc điểm giai điệu của các bài hành khúc đều có những điểm chung là: Giai điệu mạnh mẽ, khỏe khoắn, phù hợp với nhịp đi, thường sử dụng các quãng 4, quãng 5 trong tiến hành giai điệu và với tiết tấu móc giật (móc đơn chấm dôi và móc kép). Nhóm ca khúc này hầu hết được áp dụng kỹ thuật hát non-legato và hát nhấn. Rất nhiều hành khúc ra đời trong giai đoạn này đã trở nên quen thuộc và phổ biến trên cả nước cho đến ngày nay như: Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành - 1946), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí - 1950), Tiến bước dưới quân kì (Doãn Nho - 1958), Mỗi bước ta đi (Thuận Yến - 1965), Bài ca Trường Sơn (nhạc: Trần Chung, lời thơ: Gia Dũng - 1966), Bước chân trên dải Trường Sơn (nhạc: Vũ Trọng Hối, lời: Đăng Thục - 1966), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục - 1970), Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (nhạc: Thanh Phúc, lời: Hải Hồ - 1971)...

Ví dụ 5:          TIẾN BƯỚC DƯỚI QUÂN KÌ (trích)

Doãn Nho

Tiến bước dưới quân kì là sáng tác thành công đầu tiên của Doãn Nho. Các quãng 4 liên tục được sử dụng tạo nên âm điệu kiểu kèn đồng, những nét nhạc chắc khỏe đổ dần từ trên xuống, nối tiếp liền mạch với các quãng nhảy phát triển dần lên cao, phù hợp với giọng nam cao kịch tính. Sự phân ngắt rõ ràng trong chuyển động của giai điệu là một thuận lợi cho người hát để chuẩn bị hơi thở. Các nét luyến đi lên quãng 3, quãng 4 xuất hiện ít nhưng đều nằm trong tiết tấu đảo phách. Toàn bài đòi hỏi người hát giữ vững được tính chất mạnh mẽ, khỏe khoắn theo nhịp hành khúc.

Giai điệu của hành khúc còn có sự hòa quyện giữ chất hùng ca và trữ tình. Vì vậy, một số bài hành khúc vừa mang lại cảm giác mạnh mẽ, khỏe khoắn, vừa có âm điệu nhẹ nhàng như Bước chân trên dải Trường Sơn (nhạc: Vũ Trọng Hối, lời: Thơ Đăng Thục), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục)...

Ví dụ 6:   BƯỚC CHÂN TRÊN DẢI TRƯỜNG SƠN (trích)

Nhạc: Vũ Trọng Hối

Lời: Thơ Đăng Thục

            Mặc dù với tiết tấu móc giật nhưng giai điệu tiến hành chủ yếu theo quãng 2, quãng 3, kết hợp với nội dung lời ca khiến cho câu nhạc kết bài vẫn mang chất trữ tình, có phần tha thiết. Giai điệu kết hợp tinh tế giữa chất hành khúc và trữ tình. Đây cũng là một yếu tố quan trọng mà người GV thanh nhạc cần lưu ý để chuyển tải cho học viên trong quá trình dạy học.

Nhóm ca khúc trữ tình cách mạng giai điệu mềm mại, uyển chuyển, thường ở nhịp độ vừa phải hoặc chậm vừa. Những ca khúc trữ tình cách mạng đòi hỏi lối đặc tả trong cách hát khác với ca khúc trữ tình trước 1945, thể hiện được cảm hứng trữ tình gắn liền với tính chất trong sáng và lạc quan, đó là xúc cảm trữ tình cách mạng. Cho đến nay, rất nhiều ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn 1945 - 1975 vẫn giữ được giá trị riêng biệt trong nền ca khúc Việt Nam như: Quê em miền trung du (Nguyễn Đức Toàn - 1948), Tình ca (Hoàng Việt - 1957), Tình em (Huy Du - 1962), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường - 1962), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận - 1961), Bến cảng quê hương tôi (Hồ Bắc - 1968)…

Ví dụ 7:                                 TÌNH CA (trích)

Bài Tình ca được viết ở giọng sol thứ, hình thức một đoạn dạng biến tấu a - a’. Với nhịp độ chậm, giai điệu toàn bài chủ yếu là quãng 2, quãng 3, những chùm ba với lối tiến hành mô tiến được sử dụng thường xuyên tạo nên tính trữ tình đằm thắm, cao cả và có cả kịch tính. Đoạn a’ có sự thay đổi về sắc thái với cách hát nhấn, có những thay đổi liên tục trong thời gian từ hai đến bốn nhịp về cường độ từ mạnh (f) đến mạnh vừa, rất mạnh (ff) và nhẹ/nhỏ (p). Giai điệu ít có quãng nhảy xa. Cao trào của bài ở ô nhịp 31 được ngân dài hai phách và sau đó đi xuống quãng 6 trưởng (F5 xuống A4) với kí hiệu sắc thái legato đòi hỏi người hát kìm nén hơi thở thật tốt mới có được âm thanh đẹp.

Nhóm ca khúc vui hài hước có tính chất âm nhạc sôi nổi, vui, lời ca mang tính hài hước, thường ở nhịp độ nhanh, nhanh vừa hoặc tự do như: Anh Ba Hưng (Trần Kiết Tường - 1950), Anh quân bưu vui tính (1966) và Tôi là Lê Anh Nuôi (1967) của Đàm Thanh, Tôi thích thể thao (Đỗ Nhuận - 1972)... Trên thực tế, khi trình diễn những ca khúc dạng này, người hát thiên về kỹ năng diễn xuất và có ứng dụng một số kỹ thuật hát nói để tạo chất hài hước. Chính vì vậy, chúng tôi không đi vào phân tích về đặc điểm giai điệu của nhóm ca khúc này.

Sự phong phú về đặc điểm giai điệu, nội dung tư tưởng, hình tượng lời ca và bút pháp âm nhạc, ca khúc cách mạng giai đoạn 1945 - 1975 thực sự là một kho tư liệu quý giá để phục vụ cho công tác giảng dạy thanh nhạc ở các trường nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như đối với những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn thanh nhạc.

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dương Viết Á (2000), Ca từ trong Âm nhạc Việt Nam, Nxb Viện Âm nhạc Hà Nội.
  2. Dương Viết Á (2005), Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa, Nxb Hà Nội.
  3. Hoàng Dương, Hồ Quang Bình, Phạm Tuyên, Vũ Tự Lân, Nguyễn Thụy Kha,     Nguyễn Thị Minh Châu (2010), Ca khúc Hà Nội những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb Hà Nội.
  4. Phạm Lê Hòa (2013), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  5. Đào Việt Hưng (1999), Tình hiểu điệu thức dân ca người Việt Bắc Trung Bộ, Viện Âm nhạc - Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thụy Kha (2004), Lá xanh, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
  7. Nguyễn Thụy Kha (2005), Lá đỏ, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
  8. Nguyễn Đăng Nghị (2011), Bay lên từ truyền thống, Nxb Văn hóa Thông tin – Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.
  9. Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên (2000), Âm nhạc mới Việt Nam - Tiến trình và thành tựu, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội.
  10. Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức và thể loại âm nhạc 1, Nxb ĐHSP.
  11. Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức và thể loại âm nhạc 2, Nxb ĐHSP.