Nghiên cứu lý luận

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CỦA HỌA SĨ AKIRA TORIYAMA TRONG TRUYỆN TRANH

06 Tháng Mười 2020

Vũ Công Thành[*]

Họa sĩ Akira Toriyama sinh ngày 5-4-1955 tại Nagoya, Aichi (Nhật Bản). Với những bước đi táo bạo và khác biệt, họa sĩ Akira đã đưa dòng sản phẩm của mình thành công trong nước và thế giới, điển hình đó là Dragon ball và Dr. Slump.

Tạo hình cơ thể

            Phong cách tạo hình cơ thể của tác giả Akira trải qua hai giai đoạn đoạn, giai đoạn đầu nét vẽ của ông mang tính trang trí cao, các nhân vật được tả bằng nét vẽ tròn, mềm min, có nhiều sự tương đồng với bộ truyện Doraemon. Tỷ lệ cơ thể của các nhân vật hầu như đều bị rút ngắn, đầu to, tay chân mũm mĩm, không rõ khớp, thể hiện sự đáng yêu, ngộ nghĩnh cho các nhân vật. Ở thời điểm này các bộ truyện của ông đều mang sự giải trí cao, hài hước và ngây ngô, ví dụ như Dragon Quest, Dragon Ball, Dr. Slump.

            Các bộ truyện này có điểm chung, các nhân vật chính đều là những đứa trẻ có tính cách ngây thơ, tốt bụng và tinh nghịch, Đây là giai đoạn mà thế mạnh của ông là vẽ trẻ nhỏ, vì đây là thời điểm và ông mới chuyển từ trang trí minh họa sang truyện tranh. Các nét vẽ của ông chủ yếu mang tính biểu tượng, đó cũng là điều tạo lên sự đặc biệt của ông vào thời điểm bấy giờ. Dù là nhân vật lớn tuổi, trung tuổi, nhỏ tuổi, ông đều miêu tả họ bằng đường nét mềm mại, mũm mĩm. Nên các nhân vật của ông có tạo hình luôn hài hước và hóm hỉnh …. thời kỳ này các tác phẩm của ông đều mang nội dung nhẹ nhàng, giải trí, hài hước.

            Giai đoạn sau này Akira Toriyama đã chuyển sang sử dụng tạo hình tỉ lệ chuẩn. tác giả đã sử dụng để làm về phần tiếp theo của Dragon Ball đó là Dragon Ball Z, với nội dung câu chuyện về nhân vật Son Goku khi đã trưởng thành. Những tập đầu tác giả vẫn sử dụng phong cách cũ, sử dụng những nét tròn để tạo hình nhân, sau dần phong cách của ông đã thay đổi, nét vẽ ngày càng cứng rắn, và chú trọng đến cơ bắp của nhân vật. Cùng với sự thay đổi về giải phẫu đó, tác giả đã miêu tả nhân vật của mình có sự trưởng thành và chững chạc rõ rệt, chiều sâu nhân vật ngày càng được thể hiện tinh tế. Nếu trước đây phong cách vẽ của ông đơn giản ở tạo hình, nhưng lại tỉ mỉ ở việc tả bối cảnh, phục trang, thì hiện tại độ chi tiết về bối cảnh, sự vật, hiện tượng lại được tác giả đơn giản hóa, và tập trung hơn vào tạo hình của nhân vật. Akira đã sử dụng kiến thức về giải phẫu để miêu tả nhân vật của mình, nhưng Akira lại không tuân thủ nó, ông đã phóng đại những đặc điểm lớn và đơn giản hóa những chi tiếp nhỏ, không những thuận mắt độc giả mà đó còn là phong cách được nhiều người yêu thích nhất thời điểm đó, vì sự đơn giản nhưng tinh tế mà Akira đã sáng tạo ra, dễ gần với mọi lứa tuổi.

Mái tóc

Trong các tác phẩm của họa sĩ Akira Toriyama, mái tóc các nhân vật của ông là một yếu tố thú vị và ấn tượng trong thế giới truyện tranh. Cho đến tận ngày nay, nó vẫn mang tính thương hiệu và cũng là biểu tượng cho bộ truyện. Trong xuyên suốt các tác phẩm của ông, mái tóc chính là một trong những điều tạo nên điểm nhấn cho nhân vật. Nhìn vào đa số các tác phẩm truyện tranh trên thế giới, mái tóc chỉ giữ một vai trò nhỏ trong việc phát triển nhân vật, điều này dễ nhận thấy ở các tác phẩm truyện tranh châu âu, các mái tóc thường được gắn liền với thực tiễn. Đối với truyện tranh Nhật bản, Mái tóc đước phát triển một cách phong phú, nhưng vẫn dựa trên những chuẩn mực nhất định. Họa sĩ Akira trước khi tạo nên loại thương hiệu Dragon Ball, các tác phẩm trước đó của ông chưa có sự đột phá nhiều về tạo hình mái tóc, nhưng với phong cách vẽ độc đáo, vẫn giúp độc giả nhận ra đó là tranh của Akira Toriyama, đây cũng là điều tương tự đối với một số bộ truyện tranh thành công khác. Nhưng đến khi Dragon Ball ra đời, đây là tác phẩm hiếm có khi chỉ cần nhìn đến mái tóc, độc giả có thể đoán được luôn nhân vật. Bước đi táo bạo của họa sĩ Akira Toriyama đã giúp ông để lại được sự ấn tượng đối với độc giả. Điểm nhấn dễ nhận thấy nhất đó là mái tóc tạm gọi là xù của nhân vật Son Goku, phải nói là tạm gọi vì thật khó để miêu tả về bộ tóc này, nhưng chính nhờ đó mà độc giả nhìn vào có thể ngay lập tức nhận ra đó là Son Goku, đây là một điều mà hiếm có tác phẩm nào có thể đạt được. Điều thú vị ở đây là mái tóc tuy không tuân theo một nguyên tắc nào nhưng lại cân đối và hợp mắt đối với nhân vật và phong cách của ông, nếu tác giả muốn tạo hình của nhân vật có nguyên bản là một con khỉ nhưng lại trong cơ thể của con người, thì mái tóc này cũng minh chứng được điều đó, một mái tóc xù ngây ngô và tinh nghịch. Ngoài Son Goku, Vegeta cũng sở hữu một mái tóc phi lý, tóc của anh dài và dựng đứng, cũng là nguyên bản từ một con khỉ, nhưng mái tóc này lại thể hiện được sự cao ngạo và kiêu hãnh, kết hợp với trán hình chữ M sâu đến vô lý, nhưng lại miêu tả rõ ràng nhân vật này có thêm sự thông minh và lanh lợi.

Nhìn chung mái tóc trong các phẩm của ông cũng khác biệt lớn với triết lý tạo hình thời bấy giờ, hầu hết các mái tóc đều sắc nhọn, dễ nhận thấy nhất là những mái tóc xù. Nếu để ý, phong cách tóc mà họa sĩ Akira Toriyama tạo ra có xu hướng quy vào một khối, dù tóc mượt hay cứng, cũng được họa sĩ khéo léo đặt vào một mảng chung, hạn chế tối đa những sợi tóc thưa, bởi vì như đã nói phía trên, phong cách của ông luôn đặt nặng vào trang trí. Điều này đã thành công, độc giả hoàn toàn yêu thích và không có một thắc mắc nào với những sự vô lý hài hòa đó, độc giả có thể dễ dàng vẽ lại những nhân vật của ông, và chỉ cần nhìn vào mái tóc ai cũng có thể nhận ra đó là nhân vật nào.

Đôi mắt

            Ở đôi mắt, các tác phẩm truyện tranh cùng thời như Detective Conan, Ouke No Monshou, Yugi-Oh, Sailor moon, … Hướng đến sự phóng đại cho đôi mắt, Các đôi mắt trở lên long lanh và cuốn hút, nhưng lại có hạn chế với việc miêu tả được tính cách cụ thể của một nhân vật nhất định. Với phong trào đó, họa sĩ Akira Toriyama lại tạo cho tác phẩm của mình những đôi mắt hoàn toàn khác so với phần còn lại. Minh chứng rõ ràng cho sự khác biệt đó của ông là các bộ thuộc tác phẩm Dragon Ball, đây là bộ truyện thể hiện rõ ràng phong cách tạo hình mắt của tác giả. Tác giả đã sử dụng hình hình elip cắt đôi, không nối viền, hình thành đôi mắt to, tròn để thể hiện những nhận vật có tính cách ngây thơ, hồn nhiên và vô tội. Đối với Doraemon, đây cũng là bộ truyện được thể hiện với phong cách đơn giản, tuy nhiên các đôi mắt của bộ truyện đều giống nhau và không có sự khác biệt giữa các nhân vật có cá tính khác nhau. Khác biệt với điều đó, Dragon ball của Akira Toriyama còn thể hiện được đôi mắt cho khác cho những nhân vật phản diện, hay những nhân vật có sự sâu sắc, từng trải. Đôi mắt này là sự khác biệt hoàn toàn khi chủ yếu là sử dụng hình sắc cạnh, giống như phác thảo trong khi dựng khối mặt trong hình họa, hoặc giống khung mắt của một người máy. Đôi mắt này tả được sự chững chạc, khí chất trong ánh nhìn của nhân vật. Ví dụ điển hình đó là nhân vật Son Goku sở hữu đôi mắt ngây thơ, trong sang từ nhỏ tới lớn, tuy nhiên khi cậu chịu đựng sự mất mát, cậu đạt đến trạng thái Super Saiyan (Ssj) và các trạng thái sau đó, cậu sở hữu đôi mắt của kẻ chững chạc, trưởng thành, Nhân vật Son Gohan cũng là một ví dụ khi chuyển biến từ một đứa nhóc hồn nhiên, sang một chàng trai chững chạc. Đối với nhân vật phản diện, tác giả thu nhọn đặc điểm của ánh mắt, đôi mắt này tả được sự gian manh, xảo trá của nhân vật. Trong một số trường hợp, nhân vật chính diện cũng được sử dụng đôi mắt này. Vegeta là một nhân vật điển hình, thời điểm đầu khi xuất hiện, Vegeta là nhân vật thuộc phe phản diện, và đôi mắt thể hiện rõ ràng sự tà ác và gian manh của hắn, vào thời gian sau khi Vegeta chuyển sang chính diện, ánh mắt này thể thiện tính cách xảo quyệt, tinh quái của nhân vật. Đôi mắt thứ ba trong bộ truyện có thể dùng cho nhân vật phản diện và cả chính diện, nhóm nhân vật này có chinh một đặc điểm là sự lạnh lung, vô cảm, thường thấy ở nhóm nhân vật không phải con người, là các người máy sinh học, robot,… Nhân vật phản diện có Frieza, là một trong những kẻ sở hữu đôi mắt này, tuy không tả được sự gian ác của đôi mắt phản diện như Vegeta, đôi mắt này lại miêu tả được sự lãnh lẽo, độc ác, tàn bạo từ một kẻ độc tài lạnh lẽo, vô tình trước những cuộc sát phạt man rợ, vô nhân tính. Nhân vật này không cần đôi mắt phản diện để trở nên gian manh, đôi mắt của hắn khiến hắn không thể đoán định, nham hiểm…

             Bên cạnh các loại mắt, các biểu cảm của mắt cũng được họa sĩ Akira Toriyama sử dụng theo những nguyện tắc riêng, với cơ sở là những kiểu mắt đơn giản, nên việc chuyển biến biểu cảm cho mắt của ông cũng được tùy biến dễ dàng và đa dạng. Ông dịch chuyển lông mày của nhân vật cong lên và cao hơn, để thể hiện sự hớn hở, vui thích của nhân vật. Đối với sự tức giận thì tác giả sẽ dịch chuyển lông mày chéo xuống, sự tức giận và nỗi buồn tột cùng sẽ được tác giả thể hiện độ chéo lệch nhau, và kích thước hai bên mắt cũng không tương xứng. Với đôi mắt ngạc nhiên, tác giả sẽ phóng to mắt hơn 1/3 tỉ lệ bình thường và thu nhỏ lòng đen lại, lòng đen của mắt càng nhỏ thì càng diễn tả sự kinh ngạc của nhân vật. Để diễn tả sự đau đớn, tác giả sẽ để lòng đen chuyển thành màu trắng và chỉ để viền nét màu đen, và sẽ mất hoàng toàn lòng đen khi nhân vật ở trạng thái đau đớn tột cùng hoặc trong khoảnh khắc nhân vật đó qua đời.

Là một trong những người ở thời kỳ đầu của nghệ thuật truyện tranh Nhật Bản, Akira đã tạo ra một con đường riêng khác biệt so với phong cách truyện tranh thời đó, và cũng là một trong số ít những người tạo nên sự đột phá phong cách tạo hình để hình thành nên thế giới truyện tranh đa dạng như bây giờ. Cho đến nay Dragon Ball vẫn đang đứng top 2 những bộ truyện tranh bán chạy nhất thế giới, Akira vẫn là một trong tám tác giả nổi tiếng nhất Nhật Bản, Bộ truyện Dragon Ball.

                                                      TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Akira Toriyama, Barbie Ayumi (2016), Dragon Ball Đại Tuyển Tập vol 1, Nxb Kim Đồng, Hà Nội
  2. Lê Huy Văn, Trần Như Thành (2012), Cơ cở tạo hình, Nxb Mỹ thuật,
    Hà Nội
  3. Scott McCloud (1994), Understanding Comics: The Invisible Art, Nxb William Morrow Paperbacks. (tạm dịch: Hiểu về truyện tranh: nền nghệ thuật vô hình)
  4. Comicola (2017). Tôi Vẽ - Phương Pháp Tự Học Vẽ Truyện Tranh, Nxb Dân trí, Hà Nội.
  5. Scott McCloud (2000), Reinventing Comics, The Evolution of an Art Form, Nxb Willi
  6. am Morrow Paperbacks. (tạm dịch: Tái sáng tạo truyện tranh, cuộc cách mạng của một loại hình nghệ thuật)
  7. Kamikaze Factory Studio (2012), Shonen Manga- Action-Packed!, Nxb Harper Design. (tạm dịch: Truyện tranh hành động- hành động trọn gói).

 

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành LL&PP Dạy học Bộ môn Mĩ thuật