Nghiên cứu lý luận

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

24 Tháng Hai 2021

                          Phạm Thị Mai Linh

K9 – Quản lý văn hóa

Đình Khương Thượng được xây dựng vào thế kỷ XVII, tọa lạc tại vị trí trung tâm làng Khương Thượng xưa, sau đó dân làng Khương Thượng tìm một khu đất khang trang rộng rãi hơn để chuyển dời ngôi đình về vị trí như hiện nay là phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là một trong số các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận Đống Đa còn giữ được những giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc đặc trưng từ thế kỷ XVII đến nay dù đã qua nhiều lần tôn tạo, tu bổ nhưng vẫn cơ bản giữ được nguyên vẹn. Đình Khương Thượng được nhà nước xếp hạng theo Quyết định số 15 Văn hóa Quyết  định ngày 27/12/1990 vào sổ danh mục Di tích lịch sử văn hóa số 679 ngày 24/3/1991. Đình Khương Thượng là nơi hội tụ đầy đủ nhất về những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư làng Khương Thượng đồng thời còn là nơi giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân những người cố công với đất nước, dân tộc…Theo ghi chép trong Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Đình làng Khương Thượng hiện đang lưu giữ tại Đình làng, từ nguồn tư liệu ngọc phả, sắc phong và những thông tin trong dân gian thì vị thần được thờ trong đình làng Khương Thượng là thần Động Rùa. Có thể nói, di tích lịch sử văn hóa đình Khương Thượng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân người dân làng Khương Thượng xưa nay là phường Khương Thượng nói riêng và nhân dân quận Đống Đa nói riêng.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, sự đồng tình và hưởng ứng tích cực các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phường đã có được nhiều thành tích, bảo quản, giữ gìn phát huy các giá trị vật chất và tinh thần của địa phương. Phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước tới thế hệ trẻ tương lai. Bên cạnh những điểm đã đạt được, công tác quản lý di tích đình Khương Thượng cũng có những điểm hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục như:
Về nguồn nhân lực quản lý trong các tổ chức bộ máy từ cấpquận đến cấp phường đến cấp cơ sở còn hạn chế về chuyên môn trong lĩnh vực quản lý di tích và lễ hội; Các hoạt động liên quan đến quảng bá di tích trên các phương diện thông tin đại chúng còn chưa được tập trung; Thiếu định hướng, chính sách chế tài cụ thể nhằm khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di tích… Qua đó cần có những giải pháp cụ thể để công tác quản lý di tích đình Khương Thượng có thể bảo tồn và phát huy được tốt nhất những giá trị tiêu biểu góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trên địa bàn phường Khương Thượng nói riêng và di tích đình Làng Khương Thượng sẽ dần trở thành một địa chỉ quen thuộc được du khách tìm tới mỗi khi đến với mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích đình Khương Thượng

Quy hoạch phát triển đô thị phải đồng bộ với quy hoạch bảo tồn các di sản văn hóa: Trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay, xu hướng chung của đô thị hóa đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đối với Phường Khương Thượng từ một làng nông nghiệp qua quá trình phát triển đã trở thành một phường có tốc độ đô thị hóa cao. Do đó yếu tố quy hoạch phát triển đô thị phải đồng bộ với quy hoạch bảo tồn các di sản văn hóa có nghĩa là khi quy hoạch cần phải tính đến việc bảo tồn không gian của đình, phải giữ gìn những nét kiến trúc cổ kính, những nét văn hóa truyền thống của địa phương.Hiện nay, Phường đã tiến hành xây dựng và đã đưa vào thực hiện quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với một số di tích tiêu biểu trên địa bàn phường. Trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng các quy hoạch này, cơ quan quản lý có cái nhìn tổng quát về hiện trạng và giá trị của từng di tích, từ đó có những định hướng cơ bản, kế hoạch, giải pháp cụ thể để bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trong mối quan hệ với quy hoạch phát triển của địa phương.

Đình Khương Thượng đã được Bộ Văn Hóa - Thông tin xếp hạng và
công nhận là di tích lịch sử văn hóa cần được trân trọng và giữ gìn. Nên tổ
chức các cuộc họp đóng góp ý kiến của người dân với ban quản lý di tích và UBND phường về việc trùng tu, tôn tạo và bảo quản đình. Không gian của ngôi đình phải được bảo vệ, không để cho các công trình của người dân như nhà ở, xưởng sản xuất... lấn chiếm hay xây dựng trong phần đất của di tích với bất kỳ lý do nào. Hạn chế tối đa các ngôi nhà quá cao tầng được mọc lên xung quanh làm che khuất tầm nhìn và không gian của đình. Cần phải tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ và giữ gìn môi trường cũng như không gian kiến trúc của các di sản văn hóa địa phương.

Nâng cao chất lượng trong bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích: Xây dựng quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích. Cho đến nay, ở cấp độ quốc gia đã ban hành Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 là cơ sở để tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với di tích trên địa bàn phường Khương Thượng.Tôn tạo di tích đình làng Khương Thượng với các hạng mục: sắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống chống cháy; tôn tạo cảnh quan thiên nhiên: Có thể nên phá bỏ hai dãy nhà của Bộ Nội vụ đã xây dựng từ lâu nằm song song với hậu cung để đảm bảo bố cục kiến trúc hài hoà và hợp lý. Quy hoạch trồng cây xanh ở hai phía của Hậu cung khi đã phá vỡ các kiến trúc vốn không có trong tổng thể của di tích; mở rộng khu không gian vui chơi giải trí của cộng đồng trongdịp lễ hội như khu chọi gà, khu chơi cờ tướng, cờ người trên sân...

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng: bên cạnh việc tăng cường quản lý phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong việc nâng cao chất lương nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học cho hoạt động bảo tồn thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Bởi lẽ sự ủng hộ của cộng đồng, vai trò của người dân trong việc bảo vệ và phát triển các giá trị truyền thống tiêu biểu của di tích đình Khương Thượng lầ một trong yếu tố rất quan trọng.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Để vận hành được một hệ thống, bộ máy quản lý ta phải xác định chủ thể ở đây phải là con người là nguồn nhân lực, người quản lý có chuyên môn cao thì mới có thể điều hành, vận hành bộ máy đạt kết quả cao. Những người trong ban quản lý di tích là những người trực tiếp bảo vệ, giữ gìn các di tích phải được trang bị những kiến thức cơ bản về di tích, về Luật Di sản văn hóa và các hình thức bảo vệ, chống vi phạm di tích và các nguyên tắc trong việc tu bổ, tôn tạo di tích để thực thi quyền giám sát và phát hiện kịp thời khi thấy tình trạng tu bổ, tôn tạo bị sai lệch với kết cấu kiến trúc cổ truyền của di tích. Tổ chức các lớp bồi dưỡng cần có kế hoạch cụ thể và hợp lý, đối với những người trực tiếp quản lý di tích cần có chế độ đãi ngộ về mặt vật chất và tinh thần để khuyến khích, động viên họ tham gia tích cực, tự giác và có trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích.

Với các di tích không có nguồn thu, UBND Thành phố, UBND quận cần có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách của địa phương để trích một khoản thù lao, bồi dưỡng cho những người trông coi di tích.Để công tác quản lý di tích đạt hiệu quả, trước hết phải có các cá nhân với trình độ chuyên môn cao mới có thể tham mưu đúng và trúng cho các cấp quản lý.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư: cần có những cơ chế và chính sách phù hợp, khuyến khích về mặt vật chất và tinh thần đối với các tổ chức, cá nhân sau khi đã đầu tư nguồn vốn vào tu bổ di tích. Đối với các nhà đầu tư tu bổ - tôn tạo các di tích gắn với danh nhân văn hoá, có thể dành một diện tích thích hợp trong di tích để tổ chức các cuộc triển lãm hoặc trưng bày giới thiệu sản phẩm truyền thống tương ứng, tổ chức các lớp dạy nghề thủ công truyền thống, là nơi sinh hoạt của hội viên.

 Đối với các nhà đầu tư, những người công đức tùy theo khả năng đóng góp sẽ được ghi danh vào bia đá gắn tại di tích hoặc sổ vàng danh dự của địa phương. Tổ chức lễ hội truyền thống đình Khương Thượng cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hội thi, hội diễn nhằm thu hút khách tham quan trên địa bàn.

Giải pháp phát huy giá trị của di tích trên địa bàn dân cư: Vấn đề giữ gìn, phát huy tối đa giá trị di tích cần có sự chung tay của nhiều tổ chức xã hội nhưng trước hết phải là cộng đồng dân cư, cộng đồng dan cư phải hiểu được di sản văn hóa là tinh hoa của nền văn hóa dân tộc. Nó là kết tinh của sức lao động, tình cảm, tinh thần và truyền thống văn hóa được tích lũy và kế thừa từ thời đại này sang thời đại khác và tồn tại cho đến ngày nay. Biết giữ gìn và bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với lớp lớp cha ông đã dày công bồi đắp nên và để lại cho chúng ta. Vì vậy tuyên truyền nhận thức giá trị của di tích tới người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Để giữ gìn và bảo vệ các di sản văn hóa của đình Khương Thượng, chính quyền địa phương cũng cần đưa ra những chính sách, quy định chặt chẽ về quyền hạn, BQL di tích có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc cần phải được tôn trọng và gìn giữ. Nếu vi phạm, các đối tượng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Sự chung tay, đồng lòng của toàn thể người dân, các cấp chính quyền địa phương chính là chìa khóa để mở cánh cửa hội nhập phát huy sâu rộng giá trị di tích lich sử văn hóa đình Khương Thượng.

Với nền tảng dựa trên các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý di sản văn hóa tác giả đã trình bày phương hướng, nhiệm vụ của ban quản lý di tích đình Khương Thượng từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ di tích của ban quản lý. Hạn chế những tác động trong thời đại CNH – HĐH đất nước cộng đồng dân cư cũng  góp phần không nhỏ trong việc  giữ gìn và vâng cao giá trị di tích lịch sử văn hóa đình làng Khương Thượngtrong giai đoạn hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2001), Luật Di sản văn hóa năm 2001 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều luật năm 2009, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Thắm (2015), Giá trị văn hóa, nghệ thuật của Đình làng Khương Thượng, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội.  
  3. Bùi Vinh (2006), Khương Thượng những chặng đường lịch sử năm 2006, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thịnh (2012), Di sản văn hóa Việt Nam bản sắc và những vấn đề quản lý, bảo tồn, Nxb Xây Dựng, Hà Nội.
  5. Hà Văn Tấn (2005), “Bảo vệ di tích lịch sử văn hóa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Tập 2, Nxb Thế giới, Hà Nội tr.44 – 45.
  6. Lưu Trần Tiêu (2011), “Mấy vấn đề về hoạt động tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa”, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 3, tr.3-7.