Nghiên cứu lý luận

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG TẬP ĐỌC NHẠC CHO HỌC SINH KHỐI LỚP 6 TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ TRƯNG VƯƠNG, QUẬN HOÀN KIẾM, HÀ NỘI

03 Tháng Ba 2021

Lê Thùy Trang

K11 – Lý luận và PPDH Âm nhạc

 

Rèn luyện kỹ năng là một quá trình luyện tập các hành động để thực hiện nhiệm vụ theo một quy trình hợp lý, chặt chẽ và được thực hiện nhiều lần. Việc luyện tập phải sử dụng kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, kết hợp với chương trình luyện tập mới, được thầy cô hướng dẫn thông qua giảng dạy một chuyên đề về kĩ năng học tập riêng biệt; hoặc lồng ghép vào dạy học môn học của giáo viên, thông qua hoạt động của cố vấn học tập và các hoạt động xã hội của người học, những nội dung rèn luyện cho học sinh cơ bản.

Phương pháp rèn luyện kỹ năng tập đọc nhạc là những hình thức và cách thức thông qua đó giáo viên và học sinh (HS) thực hiện có mục đích nhằm tổ chức hoạt động rèn luyện kỹ năng tập đọc nhạc (TĐN), các định hướng này mang tính linh động phù hợp từng đối tượng cụ thể để giúp HS đọc nốt nhạc trong bài TĐN sao cho đúng cao độ, trường độ, sắc thái... của bản nhạc.

1. Vài nét về thực trạng dạy học tập đọc nhạc cho học sinh khối lớp 6 Trường THCS Trưng Vương

Trong hệ thống giáo dục phổ thông thì bậc Trung học cơ sở là giai đoạn giữa, là bước chuyển từ Tiểu học sang một giai đoạn mới đồng thời là nền tảng cho giai đoạn giáo dục THPT. Môn Âm nhạc ở bậc THCS có bốn phân môn chính đó là Học hát, Tập đọc nhạc, Nhạc lí và Thường thức âm nhạc. Học hát là phần tạo hứng thú nhiều nhất đối với các em học sinh, các em có thể bộc lộ niềm đam mê ca hát trong mỗi tiết học hát và phát huy tiềm năng vốn có trong âm nhạc của mình. Thường thức âm nhạc là phân môn trang bị cho học sinh những kiến thức sơ giản về một số nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam và thế giới; giới thiệu một số nhạc cụ; kiến thức sơ giản về dân ca và thể loại âm nhạc phổ biến... Nhạc lí và Tập đọc nhạc là hai phân môn có sự bổ trợ lẫn nhau. Học sinh được học những kiến thức lý thuyết âm nhạc cơ bản qua phân môn Nhạc lí, từ những kiến thức này các em học sinh bước đầu làm quen với cách đọc Tập đọc nhạc. Trong số 4 phân môn, có lẽ Tập đọc nhạc là tương đối khó. Trong quá trình học, hầu hết các em gặp khó khăn vì không phải em nào cũng có khả năng đọc chính xác được bài TĐN. Tuy nhiên tại Trường THCS Trưng Vương có một số ít các em HS có năng khiếu âm nhạc sẽ tỏ ra yêu thích và hứng thú với phân môn TĐN. Việc học thuộc tên và vị trí các nốt nhạc trên khuông nhạc cũng là trở ngại khó khăn với phần lớn các em HS. Chủ yếu các em HS thường ghi nhớ nốt nhạc bằng cách truyền khẩu từ giáo viên hoặc nghe qua đàn mẫu nên việc đọc TĐN sẽ tương tự như học một bài hát truyền khẩu, chỉ khác là HS sẽ hát giai điệu bằng tên nốt nhạc. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên có thể thấy là do phần lớn các bài TĐN trong sách giáo khoa được trích từ những bài hát dành cho thiếu nhi nên yếu tố học hát được nhấn mạnh hơn là đọc TĐN và HS THCS bước đầu được tiếp xúc với phân môn TĐN nên các em thực hành chưa thành thạo, còn bỡ ngỡ và có phần cảm thấy khó hiểu, trừu tượng.

Đội ngũ giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề chính là yếu tố quan trọng đóng góp nhiều thành công lớn trong công tác giảng dạy cũng như giúp các em học sinh trưởng thành hơn trong cuộc sống. Các em học sinh được học hỏi ý thức tự giác, rèn luyện trí thông minh, chăm chỉ học tập và nhiều em đã đạt được những giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Các em cũng rất yêu thích môn Âm nhạc. Đội ngũ giáo viên của trường giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết tuy nhiên phương pháp dạy Tập đọc nhạc khá máy móc, chưa linh hoạt để phù hợp với lớp học nhiều HS có năng khiếu âm nhạc không giống nhau. Thời gian dành cho một tiết âm nhạc hạn chế vì vậy cần được cải thiện để phù hợp với khả năng tiếp thu của mỗi học sinh.

2. Một số phương pháp rèn luyện kỹ năng tập đọc nhạc

2.1. Phương pháp thuyết trình

Đây là phương pháp dạy học được dùng phổ biến ở tất cả các môn học nhằm giảng giải, giải thích các kiến thức mới của môn học cho học sinh, hướng dẫn các em học hiểu những nội dung khó trong quá trình học tập. Với đối tượng học sinh Trung học cơ sở, việc giảng dạy âm nhạc cần được giáo viên thông qua phương pháp thuyết trình để giải thích về các nốt nhạc, âm độ, trường độ, nhịp, phách... trước khi các em đi vào xem bài đọc, nghe trực quan và thực hành. Đặc biệt là với các em học sinh lớp 6 vừa mới đi lên từ cấp tiểu học, thì việc giảng giải cặn kẽ của giáo viên sẽ giúp các em tiếp cận với âm nhạc, đặc biệt là nhạc lý tốt hơn, giúp các em củng cố và tích lũy dần kiến thức về âm nhạc cơ bản, cũng như các kiến thức cần thiết phục vụ cho quá trình học tập âm nhạc. Ví như: Khi giảng dạy bài tập đọc nhạc số 6 “Trời đã sáng rồi”, giáo viên sẽ thuyết trình giới thiệu một chút về dân ca Pháp, hỏi và giải thích cho học sinh về cao độ gồm các nốt Đô – Rê – Mi – Pha – Son - La, trường độ gồm nốt đen, nốt trắng và móc đơn… được sử dụng trong bài.

2.2. Phương pháp trực quan

Trong dạy học nói chung và dạy học Âm nhạc, tập đọc nhạc nói riêng, thì sử dụng hình ảnh trực quan rất cần thiết và phải được coi trọng. Muốn học sinh tiếp thu nhanh bài học, giáo viên phải đảm bảo 2 yếu tố “nghe” và “nhìn”, vì khi được nghe, nhìn và được hướng dẫn cụ thể, các em có thể tự mình rút ra được những kiến thức đã học và áp dụng vào việc thực hành. Sự trừu tượng của âm nhạc như độ cao, độ dài cần được minh họa bằng nhiều thủ pháp, biện pháp trực quan sinh động như: đàn, đài, băng, màn hình, phòng âm nhạc riêng... hoặc chính giáo viên, học sinh trong lớp tự trình bày. Bên cạnh việc sử dụng máy chiếu để trình bày giáo án điện tử, thì việc tận dụng bảng phụ trên lớp cũng là cách để giáo viên làm tăng hứng thú của học sinh. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh vẽ những nốt nhạc mình nghe thấy, dán những hình ảnh minh họa…. trên bảng phụ làm tăng tính sinh động của một tiết học. Để có những tiết học sinh động, hiệu quả, giáo viên còn cần phải dựa vào từng bài dạy để chuẩn bị trước các dụng cụ trực quan, đồ dùng dạy học, thao tác thành thạo các thiết bị dạy học, và nhuần nhuyễn bài dạy để truyền đạt đúng và đủ kiến thức âm nhạc cho các em... Ví như khi dạy bài tập đọc nhạc số 3 “Thật là hay” [34;19], giáo viên cần chuẩn bị trước bảng phụ bài tập đọc nhạc, hình ảnh liên quan đến bài hát, để qua phương pháp trực quan học sinh quan sát bản nhạc và trả lời câu hỏi. Từ đó giúp các em khắc sâu hơn những kiến thức đã học, làm cho phân môn tập đọc nhạc không bị coi là nhàm chán, tạo nên sự hứng thú đối với môn học, hình thành ở các em sự yêu thích và cảm nhận tốt hơn với bộ môn mang tính nghệ thuật này.

Đối với việc giảng dạy phân môn Tập đọc nhạc, yêu cầu giáo viên không chỉ giải thích bài học, mà để tăng tính hiệu quả của tiết học không thể chỉ nói với các em học sinh rằng bài hát này giai điệu hay, đẹp, mượt mà, sâu lắng, có ý nghĩa, dễ đi vào lòng người… mà phải minh họa bằng tiếng đàn, giọng hát, giọng đọc để các em nghe và tự mình cảm nhận ra cái hay, cái đẹp của bài nhạc. Do đó, giáo viên phải đàn, đọc, hát được bài học một cách chuẩn xác, thể hiện được cảm xúc vào bài hát, bản nhạc. Thậm chí có thể yêu cầu học sinh sau khi cảm thụ bài học có thể trình bày theo cảm xúc của mình. Nhờ đó thu hút được sự chú ý và phát huy được tính tích cực của học sinh trong quá trình giảng dạy.

2.3. Phương pháp hướng dẫn thực hành luyện tập

Đây được xem là phương pháp quan trọng trong dạy học âm nhạc, nhằm giúp học sinh vận dụng lý thuyết vào thực hành, nhờ đó mới nâng cao hiệu quả trong việc dạy - học âm nhạc. Thông qua sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ chủ động, tự giác luyện tập. Với đặc thù môn học, thời gian trên lớp chỉ cho phép các em học hiểu lý thuyết và thực hành sơ qua, do đó, việc tự rèn luyện của các em ngoài giờ học, ở nhà rất cần thiết. Sự hướng dẫn của giáo viên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dạy các em cách tự học, tự rèn luyện, nâng cao ý chí tự học, tự phát huy năng lực vốn có, qua đó bồi bổ sự say mê học môn âm nhạc trong các em. Ví như sau khi học bài Tập đọc nhạc số 2 “Mùa xuân trong rừng” [34;18],  giáo viên sẽ hướng dẫn cho các em về nhà ôn lại nhịp 2/4, sử dụng độ cao của những nốt nhạc đồ, rê, mi, fa, son, la, si; nốt đen, trắng; đọc gam C, luyện đọc nhạc và gõ phách; đọc lại từng câu và đọc cả bài; ghép lời ca và đọc cả bài hoàn chỉnh.

2.4. Phương pháp dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa cho học sinh

Trong dạy và học âm nhạc, tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa cho học sinh là việc làm cần thiết để gắn kết các thành viên trong lớp, cùng giúp đỡ nhau học tập và rèn luyện các kỹ năng âm nhạc. Bằng các hoạt động ngoại khóa, tham quan, khảo sát, biểu diễn... giáo viên sẽ giúp học sinh gắn kết hơn, cùng nhau chia sẻ việc học tập và rèn luyện kỹ năng tập đọc nhạc, cũng như phát huy năng khiếu âm nhạc vốn có trong mỗi em; giúp phát huy những ưu điểm của phương pháp dạy học hiện đại; đánh giá năng lực âm nhạc của học sinh một cách toàn diện nhất. Ví như: tổ chức cho các em các hoạt động như: Hát - múa tập thể các bài hát truyền thống, sinh hoạt Đoàn, Đội phù hợp với lứa tuổi, hoặc các bài hát phù hợp với những ngày lễ tết;  xây dựng các đội văn nghệ chủ chốt trong nhà trường, có thể chia nhỏ thành đội múa, đội hát đồng ca, nhóm hợp xướng, tốp múa – hát tập thể, nhóm nhạc...; tổ chức các câu lạc bộ âm nhạc, văn hóa nghệ thuật theo khối lớp hoặc trong cả trường, liên trường…;  Tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ trong các ngày lễ hội của nhà trường như ngày khai giảng, ngày bế giảng năm học, hoặc phục vụ các hoạt động, lễ hội của địa phương như hội làng, ngày hội đoàn kết, văn nghệ chúc mừng đại hội…; Tổ chức các cuộc thi kể chuyện âm nhạc, thi hát theo các dòng nhạc, hoặc tổng hợp; cho các em chơi các trò chơi âm nhạc; tổ chức cho các em gặp gỡ giao lưu và được tham gia biểu diễn cùng những nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng…

Vận dụng phương pháp dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa là một cách dạy học hiện đại, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và dễ tạo được sự hứng thú của học sinh với âm nhạc. Hơn nữa, lại có thể tổ chức ở mọi nơi, mọi lúc, như trong trường, lớp, trong hoặc ngoài giờ học, ở mỗi khối lớp, hay trong toàn trường. Có thể tổ chức thường xuyên hoặc theo thời gian qui định, theo các ngày lễ của trường, của địa phương hoặc đất nước... Tuy nhiên, khi tổ chức các hoạt động này, giáo viên âm nhạc cần phải sát sao, giữ vai trò là trung tâm đoàn kết các em cùng nhau sinh hoạt tập thể; hoặc phối hợp với các giáo viên bộ môn khác, giáo viên chủ nhiệm cùng nhau tổ chức, lồng ghép các hoạt động âm nhạc ngoại khóa với các hoạt động ngoại khóa khác theo nguyên tắc học mà chơi, chơi mà học; lựa chọn các hoạt động phù hợp với điều kiện sống và điều kiện học tập của học sinh, phù hợp với truyền thống của nhà trường và địa phương, gia đình và xã hội; lôi cuốn được nhiều học sinh tự nguyện tham gia, đồng thời thông qua các hoạt động âm nhạc ngoại khóa góp phần xây dựng lớp, nhà trường, gia đình, địa phương và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Trần Bảng (2000), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục.

Trần Kiều (1998), Đổi mới phương pháp dạy học ở Trường Trung học cơ sở, Nxb Giáo dục.

2. Nguyễn Thị Tố Mai, Lương Diệu Ánh, Hà Thị Hoa, Đặng Thị Lan, Lương Minh Tân, Học âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực lớp 6, Nxb Giáo dục Việt Nam.

3. Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học Âm nhạc ở Tiểu học và Trung học cơ sở, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

4. Thái Duy Tuyên (2008), Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Trịnh Hoài Thu (chủ biên), Nguyễn Thị Tố Mai, Nguyễn Thị Hải Phượng, Trần Thị Thu Anh (2011), Phương pháp dạy học ký xướng âm trong đào tạo GV âm nhạc phổ thông, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.