Nghiên cứu lý luận

Mẫu mã bao bì với sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam

16 Tháng Tư 2021

PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

            Tóm tắt

Kết tinh trong mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ngoài công năng hay giá trị sử dụng còn hàm chứa trong đó nhiều giá trị thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa. Trước sự thâm nhập của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nước ngoài với ưu thế về giá thành và đặc biệt là mẫu mã, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang rất cần được chú trọng không chỉ về nội dung mà còn cả hình thức, trong đó mẫu mã bao bì là yếu tố không thể bỏ qua.

Từ khóa: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mẫu mã bao bì, Việt Nam.

Packaging design in relation to Vietnamese handicraft products

Abstract:

Crystallizing in each handicraft product, besides the functions or useful values, it also contains many aesthetic, historical and cultural values. Facing the penetration of foreign handicraft products with advantages in price and especially designs, Vietnamese handicraft items need to be focused not only in terms of content but also in form, in which packaging design is a factor that cannot be ignored.

Key words: Handicrafts, packaging design, Vietnam

Đặt vấn đề

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ vốn được biết đến là nhóm hàng rất thức thời với thị hiếu của thị trường, ngoài việc đáp ứng công năng sử dụng thực tiễn thì chúng còn mang nhiều giá trị khác nhau. Kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập, trước sự thâm nhập, lấn lướt của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc nước ngoài (chủ yếu đến từ Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á), các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam bắt đầu được các làng nghề quan tâm, chú trọng về hình thức bên ngoài, trong đó mẫu mã bao bì được xem là một công đoạn có vai trò quan trọng trong tổng thể quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làng nghề, trực tiếp gây ấn tượng, tác động đến cảm xúc và và thẩm mỹ thị giác của khách hàng, góp phần tạo dựng hình ảnh thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Đội ngũ các nhà thiết kế được đào tạo ngày một chuyên nghiệp hơn, không ít doanh nghiệp ở các làng nghề đã có sự đầu tư hơn trong thiết kế mẫu mã bao bì với ý thức khởi đầu cho sự định hình thương hiệu với khách hàng trong và ngoài nước. Đây có thể coi là sự đổi mới đáng mừng của các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong bối cảnh thị trường cạnh tranh năng động cũng như đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển du lịch đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, có một điểm chung còn khá phổ biến trong khâu thiết kế mẫu mã bao bì ở các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện nay đó là sự hạn chế cả về thẩm mỹ lẫn công năng. Mẫu mã bao bì của chúng ta hiện nay dường như còn rất yếu trong việc truyền tải thông điệp văn hóa và bản sắc dân tộc, bản sắc làng nghề cũng như của thương hiệu làng nghề đến với khách hàng. Về cơ bản, hình thức bên ngoài bao bì của chưa gắn liền với nội dung bên trong của sản phẩm, phần chữ, màu sắc, hình ảnh trên bao bì chủ yếu mới chỉ mang tính chất cung cấp thông tin thông thường, tính thẩm mỹ chưa cao và dường như thiếu sự tương tác, gắn kết với tính chất và đặc điểm của sản phẩm bên trong; chất liệu bao bì của mỗi chủng loại sản phẩm cũng chưa được phù hợp; và đặc biệt là một số quy định về các tiêu chuẩn bắt buộc như mã vạch, hàm lượng các chất hóa học trong nguyên vật liệu chế tác sản phẩm... gần như chưa được quan tâm.

Nhìn từ góc độ chung nhất, bao bì của sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể hiểu đơn giản như một chức năng của sản phẩm hay có ý nghĩa như một giá trị gia tăng của sản phẩm. Theo đó, thiết kế bao bì được xem như là sự kết hợp giữa nguyên liệu, cấu trúc, các thể hiện/trình bày, hình ảnh, màu sắc và đặc biệt là ý tưởng hay thông điệp… nhằm trước hết tạo ra sự thu hút thị giác và cao hơn là sự thể hiện ý nghĩa văn hóa đặc trưng gắn với làng nghề và sản phẩm làng nghề.

 Một số tiêu chí trong thiết kế mẫu mã bao bì cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Để đảm bảo sự gắn kết giữa mẫu mã bao bì và sản phẩm thủ công mỹ nghệ có hàm lượng văn hóa đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển du lịch hiện nay, một số tiêu chí cần được quan tâm, đó là:

Một là, bao bì phải thực hiện tốt chức năng bảo vệ sản phẩm thủ công mỹ nghệ khỏi sự biến dạng hay va đập vỡ hỏng trong quá trình vận chuyển cũng như những tác động của môi trường bên ngoài: bụi bẩn, nhiệt độ, ôxy hóa…

Hai là, bao bì là phương tiện truyền tải thông tin về sản phẩm tới khách hàng: tên sản phẩm, chất liệu/thành phần cấu tạo sản phẩm, nhà sản xuất (làng nghề, cơ sở sản xuất, nghệ nhân)… Một thiết kế bao bì thông minh là giúp truyền tải thông tin của sản phẩm đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng và dễ dàng nhờ sự súc tích và cô đọng nhưng hiệu quả. Qua đó, bao bì sản phẩm là công cụ tạo dựng mối liên kết giữa thương hiệu và người tiêu dùng, trong nhiều trường hợp chính nhờ bao bì mà tên tuổi của làng nghề, nghệ nhân được biết đến nhiều hơn, hình ảnh thương hiệu sẽ không ngừng được củng cố. Ở tiêu chí này, cần chú ý đến khía cạnh “đa ngôn ngữ” trên bao bì - tức là đảm bảo nhu cầu ngôn ngữ của từng quốc gia nhằm thu hút được nhiều khách hàng đến từ các nền văn hóa khác nhau, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi hàng thủ công mỹ nghệ của chúng ta đang hướng tới việc không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài.

Ba là, mẫu mã bao bì mang “giá trị văn hóa kép”, theo đó trước hết cần thể hiện được tinh thần Việt Nam, văn hóa Việt Nam và đặc biệt là những yếu tố hình ảnh, biểu tượng tiêu biểu về văn hóa, bản sắc địa danh nơi xuất xứ của sản phẩm là từng địa phương, từng làng nghề cụ thể. Song bên cạnh đó, bao bì sản phẩm còn cần tôn trọng đặc trưng văn hóa của mỗi quốc gia mà nó hướng đến, chẳng hạn Nhật Bản rất ưa chuộng các mẫu bao bì có màu sắc tươi sáng, bắt mắt với nhiều hình vẽ (đặc biệt là hình ảnh hoạt hình), trong khi người Thụy Sỹ thích sự tinh tế, đơn giản, dễ hiểu trên mỗi sản phẩm bao bì; trong khi các sản phẩm sang trọng của Anh quốc thường được đóng gói trong bao bì màu đen thì kiểu bao bì này sẽ không được hoan nghênh ở Trung Quốc bởi màu đen theo quan niệm thẩm mỹ của họ là màu của sự chết chóc, u buồn… Nói cách khác, đây chính là phương thức “địa phương hóa” bao bì sản phẩm nhằm thu hút các nền văn hóa cụ thể, do vậy song hành với việc thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm còn là sự nghiên cứu, tìm hiểu về sở thích, tâm lý, đặc điểm văn hóa của khách hàng đến từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Bốn là, thiết kế mẫu mã bao bì cần hướng đến việc hỗ trợ xây dựng một thương hiệu mạnh và nhất quán của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Theo đó, mỗi bao bì được thiết kế cho từng chủng loại mặt hàng mang tính đặc thù ở mỗi làng nghề, mỗi địa phương cần dựa trên định hướng thiết kế của hệ thống nhận diện cũng như định vị của thương hiệu sản phẩm. Hình dáng, hình ảnh, màu sắc và ngôn ngữ trên bao bì sản phẩm phải tạo ra hiệu ứng về nhận thức thị giác của khách hàng trong nhận diện thương hiệu. Để đạt được tiêu chí này, mẫu mã bao bì cần được ứng dụng quy tắc của hệ thống nhận diện thương hiệu nhằm tạo ra sự khác biệt về mặt hình ảnh so với các sản phẩm cạnh tranh khác. Như vậy, mỗi làng nghề thủ công mỹ nghệ trước hết cần phải xây dựng được thương hiệu của riêng mình, trong đó việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, cấp độ khác nhau bao gồm xây dựng thương hiệu của quốc gia, của làng nghề và xây dựng thương hiệu của các hộ cá thể - các gia đình, các doanh nghiệp. Hiểu một cách đơn giản, thương hiệu sản phẩm làng nghề bao gồm hai yếu tố là văn hóa và chất lượng sản phẩm của mỗi làng nghề, và xây dựng thương hiệu chính là xây dựng danh tiếng, uy tín, niềm tin của các nhà sản xuất đối với khách hàng, thị trường và nhà sản xuất được chứng nhận là chủ nhân đích thực của sản phẩm bởi vì họ đã gắn lên sản phẩm một nguồn gốc, xuất xứ rất rõ ràng.

Năm là, tính sáng tạo trên mỗi sản phẩm bao bì. Cần hướng tới tiêu chí bao bì không chỉ đơn thuần thực hiện chức năng bao chứa sản phẩm mà trên đó còn thể hiện tính sáng tạo với các ứng dụng khác nhau, ý tưởng thiết kế mới mẻ, khác biệt có khả năng thu hút sự chú ý của khách hàng. Những mẫu mã thiết kế thông minh còn có thể có hiệu quả ở nhiều nền văn hóa khác nhau và khi ấy các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam sẽ có được lợi thế rất lớn để thâm nhập thị trường của họ.  

Sáu là, thân thiện với môi trường. Trước những cảnh báo về hàng loạt các vấn đề môi trường của chúng ta trên phạm vi toàn cầu, trong những năm gần đây, nhận thức về sự thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng được các doanh nghiệp chú ý đến ngay từ khâu thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm. Do vậy, chúng tôi đề xuất mẫu mã bao bì hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng cần được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận này, theo đó tận dụng tối đa những nguyên vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, các vật liệu phân hủy sinh học, bao bì tái chế… góp một phần trách nhiệm đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay.

Sau cùng, mẫu mã bao bì sản phẩm phải trở thành một trong những nhân tố giúp tăng doanh số bán hàng bởi nó mang đến cơ hội tiếp xúc cuối cùng với khách hàng trước khi họ quyết định lựa chọn mua mặt hàng đó hay không. Với khả năng tác động, khích lệ trực tiếp hành vi mua hàng của người tiêu dùng, bao bì được ví như là “một vũ khí bí mật” mang lại lợi thế bán hàng song lại giúp giảm đáng kể chi phí cho các hoạt động quảng bá sản phẩm khác trong chiến lược marketing của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Rõ ràng trong những sản phẩm cùng loại thì mẫu mã bao bì của sản phẩm nào đẹp mắt hơn, hấp dẫn hơn sẽ có cơ hội được khách hàng lựa chọn nhiều hơn.

Kết luận

Để mẫu mã bao bì gắn kết được với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam thì yếu tố cốt lõi chính là phải tạo ra được sự khác biệt với những hình tượng, hình ảnh chứa đựng tinh thần/bản sắc văn hóa của quốc gia cũng như mỗi địa phương làng nghề. Mẫu mã bao bì cần hướng đến các tiêu chỉ đơn giản, tinh tế, kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống - hiện đại và có thể phát huy hiệu quả tối ưu với nhiều nền văn hóa khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, bao bì sản phẩm đang phát huy vai trò quan trọng của nó trong việc nhận diện và khẳng định thương hiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam thông qua hàm lượng văn hóa kết tinh trong mỗi mẫu mã bao bì, đó chính là yếu tố tương tác chặt chẽ với các thành phần khác trong tổng thể một sản phẩm thủ công mỹ nghệ hoàn hảo. Có thể nói, bao bì cùng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ song hành với nó đang thực hiện chức năng như những “sứ giả” truyền thông truyền tải những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của con người Việt Nam tới với thế giới, qua đó góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới .

                              Tài liệu tham khảo

 Một số website

  1. http://baobianhsang.vn
  2. http://ape.gov.vn
  3. https://baotintuc.vn
  4. http://idesign.vn