Nghiên cứu lý luận

CHẠM KHẮC HOA LÁ TRÊN ĐỒ THỜ ĐÁ TRONG LĂNG MỘ THỜI LÊ – TRỊNH

17 Tháng Sáu 2021

Nguyễn Xuân Giáp

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Tóm tắt: Hoa lá là đề tài mang tính chất phổ biến, được thể hiện ở nhiều di tích, ở mọi vị trí không chỉ trên đồ thờ mà còn ở các hiện vật kiến trúc, điêu khắc khác. Trong lăng đá thời Lê – Trịnh, hoa lá được chạm khắc phong phú về phong cách và có hình thức thể hiện khá đa dạng. Ở một số hiện vật, hoa lá được chạm khắc ở vị trí trung tâm, một số khác, hoa lá chỉ sử dụng trang trí phần diềm hoặc điểm xuyết cho một bố cục trang trí lớn. Tất cả tạo nên một thế giới thực vật đầy hấp dẫn, làm tăng vẻ đẹp cho các đồ thờ bằng đá thời Lê – Trịnh.

Từ khoá: Chạm khắc, hoa lá, đồ thờ, lăng mộ

The art of carving the subject of plants on the worshiping objects in the tomb of the Le - Trinh period

 

Summary: The theme of plants is popular and carved in many relics, in every position not only on the worshiping objects but also in other architectural and sculpture artifacts. In the stone tombs of the Le - Trinh period, the themes of plants are carved rich in style and show quite diverse forms. In some artifacts, plants are carved in a central position; in others, plants only use fringing or décor for a large decoration. All create a fascinating botanical world, increasing the beauty of stone worshiping objects of the Le - Trinh period.

Keywords: Carvings, flowers, worshiping objects, tombs

Hoa được xem là biểu tượng của cái đẹp, là hiện thân của sự tinh khiết, mỏng manh nhưng đầy quyến rũ. Chính vì thế, sức mê hoặc của họa tiết hoa lá  trên những hiện vật được trang trí là một điều không thể phủ nhận. Trong các lăng mộ thời Lê – Trịnh, họa tiết hoa lá góp phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp cho hệ thống đồ thờ bằng đá, khiến cho các hiện vật mỹ miều, mềm mại hơn kết cấu và chất liệu thực sự của nó.

Đề tài thực vật thể hiện trong trang trí đồ thờ ở lăng mộ thời Lê-Trịnh chủ yếu tập trung ở đối tượng hoa và lá mà không thể hiện cả một cây hay từng loại quả. Những mô-típ được chọn đều có mối liên hệ đến những biểu tượng của đời sống văn hóa Việt Nam. Có một số ít đồ thờ trang trí chỉ một loại hoa, còn lại hầu hết các hiện vật sử dụng những bố cục kết hợp các giống hoa và lá khác nhau trên cùng một đồ án. Phương thức thể hiện chủ yếu dùng thủ pháp làm biến dạng, cách điệu các loài hoa, lá trong mối liên kết cộng hưởng, tương hỗ, làm đẹp cho hiện vật thờ.

Thế giới cỏ cây trong nghệ thuật chạm khắc và trang trí trong lăng mộ thời Lê-Trịnh xuất hiện trong lĩnh vực tạo hình luôn có dụng ý tinh tế, cây được chọn có thể chỉ khoanh phần trình bày ở một bộ phận nào đó như: lá, hoa, thân… đó là chưa nói đến vị trí của nó trong bố cục tổng thể: trên, dưới, phải, trái, phần trung tâm hoặc là sự phối hợp giữa thực vật với thực vật, thực vật với động vật, giữa thực vật với đồ vật… Và không chỉ có vậy, trong nhiều mối liên hệ khác, thế giới của các họa tiết trang trí chính là những thuyết minh nhiều mặt về nhân sinh. Đặc biệt, khi chúng hóa thân thành vật linh hoặc bổ sung vào các bộ phận của linh vật, đó là một hình thức trang trí điển hình của họa tiết hoa lá trong chạm khắc thế kỷ cuối thế kỷ XVII. Đến đầu thế kỷ XVIII, hình thức này được đẩy cao hơn và phát triển ở quy mô rộng lớn hơn, phủ khắp các đồ thờ trong di tích. Điều đó cho thấy con người không chỉ nhìn cỏ cây qua tính năng đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn cảm thông, chia sẻ, khám phá, khái quát… thậm chí nhân cách hóa, nhân tính hóa, linh hóa, thần thoại hóa hoặc thăng hoa thành những gì không thực, để từ đấy, các giống loài thực vật bừng lên những hình ảnh mang hơi hướng của sự linh thiêng với tiếng nói riêng.

1. Đề tài hoa lá hiện thực

Các loại hoa lá được chạm khắc trang trí ở lăng mộ thời Lê-Trịnh phổ biến nhất bao gồm:

Hoa sen

Hoa sen là một biểu tượng được chạm khắc trang trí phổ biến ở hầu hết các đồ thờ trong lăng mộ thế kỷ XVII-XVIII. Mô-típ hoa sen thể hiện đa dạng, phong phú nhất phải kể đến là ở hình chạm khắc của lăng Phạm Mẫn Trực (Hà Nội). Khi ở vị trí của chân hương án, hoa sen được cách điệu với số lượng cánh khá lớn, bao phủ toàn bộ diềm hoa chân hương án hoặc phần nối giữa các bộ phận của hương án. Phong cách này được kế thừa từ cách tạo hình hoa sen ở các bệ thờ đá thời Trần, tuy nhiên cách tạo hình cánh sen có đôi chút khác biệt, ở bệ đá thời Trần thì cánh hoa làm lớn, mập và giản dị còn ở hương án thời Lê-Trịnh, các cánh sen được làm mảnh mai, cầu kỳ và phức tạp hơn trong tạo dáng cùng các đường lượn. Trường hợp các lư hương lăng họ Ngọ (Bắc Giang), lăng Vũ Hồng Lượng (Hưng Yên), lăng Phạm Đôn Nghị, lăng Phạm Mẫn Trực (Hà Nội),… hoa sen được tạo hình trọn vẹn từng bông hoa cách điệu phủ kín hiện vật với đầy đủ các cánh trên dưới, trong ngoài, đôi khi còn có cả nhụy hoa. Cùng dạng hoa này có thể tìm thấy trên bia lăng Chúa Đôi (Bắc Giang). Đôi khi, được sử dụng trang trí cho bia đá, sen được kết hợp theo dạng hoa dây và thường được sắp xếp xen kẽ với một loại hoa khác như ở bia lăng họ Ngọ (Bắc Giang).  Ở mỗi lăng, hoa sen đều là mô-típ cho thấy sự đầu tư công phu của nghệ nhân trong tìm tòi các hình ảnh thể hiện ở trên tác phẩm.

Sen được chạm nhiều nhất có lẽ ở đồ thờ đá lăng Phạm Mẫn Trực (Hà Nội). Sen được chạm ở cả hai hương án và lư hương. Với hương án phía ngoài, cách chạm sen khá đặc biệt với tầng trên cùng chạm khắc một bông hoa sen cánh mập bao trùm lấy nhụy của bông hoa. Tỏa về hai bên là các cánh sen có kích thước và kiểu dáng tương tự xếp liên tiếp nhau tạo thành một dải cánh hoa như không có điểm kết thúc. Phía dưới trang trí những bông cúc được đặt trong một khung hình ô van. Các cánh sen cách điệu được chạm trong ô vuông, lòng chạm nổi cụm vân xoắn, đan xen giữa từng cặp cánh lớn là một cặp cánh phụ. Cứ thế các tầng cánh được tạo thành các lớp nối tiếp nhau chạy suốt, phủ khắp hương án đá này.

Hoa và lá cúc

Hoa cúc mang ý nghĩa tượng trưng cho mùa thu, dường như nó thêm ý nghĩa về thời gian cho không gian của lăng mộ. Cúc còn biểu tượng cho niềm vui, sự an lạc, viên mãn và là bạn đời của những người từ quan hay nghỉ ngơi sau một đời bận rộn. Về giống loài, cúc khá phong phú về chủng loại nên trong nghệ thuật tạo hình, cúc được thể hiện với nhiều hình dạng khác nhau, có lúc đối xứng tạo cảm giác nghiêm trang, có lúc nghiêng ngả, uốn lượn gợi lên tính trữ tình. Hoa cúc là một trong những mô-típ được trang trí phổ biến trong chạm khắc trên đồ thờ trong lăng mộ thời Lê-Trịnh. Cúc được khai thác ở nhiều dạng: cúc dây, cúc leo, cúc hoa… đi kèm với hoa, lá cúc cũng được thể hiện khá sống động với hướng nghiêng, hướng chính diện, cả lá hoặc trích đoạn một phần của lá để hỗ trợ cho các đề tài trang trí với các đồ án trang trí phức tạp. Có thể tìm thấy hình ảnh của hoa và lá cúc trên đồ thờ ở khắp các lăng mộ giai đoạn này như trên hương án lăng Phạm Đôn Nghị, Phạm Mẫn Trực (Hà Nội), trên bia đá lăng họ Đỗ (Bắc Ninh),…

 Thể hiện nhiều họa tiết hoa cúc nhất có lẽ phải kể đến lăng họ Ngọ (Bắc Giang), đây là di tích có hình ảnh hoa cúc phủ kín đồ thờ từ hương án, đẳng thờ, sập thờ đến bia ký. Bám theo phần diềm của đẳng thờ, những bông cúc được thể hiện chỉ có một nửa bông, trên những ô vuông trang trí của hương án và sập thờ, hoa cúc lại được thể hiện toàn vẹn cả bông hoa, cánh mập mạp tràn đầy các bố cục vuông, ở trên bia. Trên diềm bia, mô-típ này được thể hiện cả bông nhưng xoay theo hướng nghiêng, cánh mảnh mai kết hợp với hoa dây, hoa sen tạo nên sự sinh động cho diềm bia. Phối hợp với các họa tiết khác, mỗi cánh cúc được chạm tỉa tỉ mỉ, xếp cạnh nhau để tạo ra những mảng chính, mảng phụ một cách khoa học, khiến người xem không bị rối mắt, mặc dù đường diềm này được cố tình thể hiện với một bố cục khá phức tạp.

Hoa thị

Hoa thị là một họa tiết thoát sinh từ họa tiết vòng tròn cắt lẫn nhau và đi qua cùng một chỗ sao cho tạo nên ở chỗ ấy thành tâm một ngôi sao bốn cánh. Có nhiều người cho rằng hoa thị chỉ là cách gọi chứ hoa thị màu vàng ngoài đời không đáp ứng được yêu cầu trang trí và không mang một ý nghĩa nào cả. Nghĩa là họa tiết hoa thị không bắt nguồn từ thực vật giới cách điệu ra, chỉ là một cái tên đặt theo lối dân dã. Họa tiết hoa thị được dùng làm nền, có khi chỉ thuần túy hoa thị nhưng cũng có khi kèm theo hoa lá cách điệu hóa.

Trong chạm khắc đồ thờ ở lăng mộ thời Lê-Trịnh, hoa thị là một mô-típ khá phổ biến trong trang trí hoa văn nền, hoặc nối nhau liên tiếp tạo thành đường diềm, hoặc phối hợp với các loại hoa khác trong các tổ hợp trang trí. Mô-típ này có nơi còn gọi là hoa chanh, được thể hiện có thể là 4,6 hoặc 8 cánh đều nhau. Hoa thị được chạm dày đặc nhất có lẽ là ở lăng Phú Đa (Vĩnh Phúc). Diềm của cả 10 bia ở kiến trúc này đều chạm hình hoa thị 4 cánh hoặc 8 cánh. Nếu là hoa thị 4 cánh thì những bông hoa được đặt sát vào nhau, nối liền nhau còn loại hoa thị 8 cánh thì chạm nhỏ hơn và được cấu tạo nằm trong hình bát giác. Những hình bát giác này liên kết với nhau thành một hệ thống kiểu mạng lưới. Hoa thị 4 cánh còn được trang trí đơn lẻ trong các ô vuông trang trí trên bề mặt đồ thờ khác của di tích này như trên hương án, đẳng thờ. Những bông hoa thị tương tự cũng được thể hiện ở các di tích khác như ở hương án lăng họ Ngọ (Bắc Giang), lăng Nguyễn Diễn (Bắc Ninh),… 

Hoa dây

Hoa dây được gọi theo nghĩa của loại hoa văn kiểu dây leo chứ không phải là tên một loại hoa cụ thể nào. Loại hoa văn này thường là sự kết hợp của nhiều loài hoa khác nhau như sen, cúc, mai… đi kèm với lá cách điệu. Hoa dây trong lăng mộ thời Lê-Trịnh thường là một hệ thống dây leo được phối hợp bởi những cung tròn không khép kín nối tiếp nhau, thường được gọi là hình sin. Những cung tròn này được tạo nên bởi phần thân của dây hoa được tạo hình là một đường gân chạm nổi, mảnh, đều. Trong mỗi cung tròn có thể là một bông hoa hoặc là một cụm hoa kết hợp với lá. Lá cũng có thể được tạo hình chạy dọc theo đường gân của hoa dây tạo nên những mảng phụ để tôn vẻ đẹp của những mảng chính trong cung tròn. Những đồ án hoa dây như vậy có thể tìm thấy ở khắp các kiến trúc sinh từ, lăng mộ thời kỳ này, đặc biệt dày đặc trên đồ thờ. Vị trí quen thuộc của chúng là ở diềm bia, diềm hương án, diềm đẳng thờ… Những đồ án hoa dây được tạo hình công phu nhất trên các đồ thờ giai đoạn này phải kể đến là ở trên bia lăng họ Ngọ (Bắc Giang), bia lăng Vũ Hồng Lượng (Hưng Yên), bia lăng họ Đỗ (Bắc Ninh), bia lăng Phạm Mẫn Trực (Hà Nội)… Dạng hoa văn này là sự kế thừa liên tục từ nghệ thuật chạm khắc các giai đoạn trước đó và vẫn vô cùng phát triển sau thời Lê-Trịnh.

2. Hoa lá được linh vật hoá

Các Quận công, chủ nhân của các lăng mộ đá thời Lê-Trịnh đều là những nhân vật quan trọng trong hoạt động triều đình. Vì thế, dù có sự xuất phát từ nhiều quê hương khác nhau, khi tham gia hoạt động của triều đình, họ vẫn có sự ảnh hưởng dòng nghệ thuật quyền quý, chính thống phong kiến với nhiều biểu tượng mang nặng tư tưởng Nho giáo. Những đề tài trang trí mang tính cung đình, nổi bật là hình tượng tứ linh có mặt trong hầu hết các điêu khắc trên đá trên các đồ thờ lăng mộ giai đoạn này.

Bên cạnh những rồng, lân, rùa, phượng đặc tả chi tiết là các dạng hoa lá thực vật, mây, hồi văn... hóa rồng, hóa phượng được thể hiện trên nhiều đồ thờ đá. Các con vật trong tứ linh còn được trang trí kết hợp với nhau, với một số động vật khác, với các biểu tượng của tự nhiên, với hoa lá thực vật, với các chữ Hán, những lời cầu chúc may mắn hay những biểu tượng tốt lành. Có thể nói, từ thời Lê-Trịnh, mỹ thuật Việt Nam nói chung, chạm khắc trên đồ thờ đá nói riêng, hình tượng tứ linh xuất hiện đồng bộ và phổ biến với vô số các biến hóa về hình thể đầy hàm nghĩa quyền quý.

Thuộc dạng đề tài mang nặng tính khuôn mẫu cứng nhắc với những quy phạm khắt khe của tinh thần Nho giáo song bằng thủ pháp tả chân và cách điệu, các linh vật trong tứ linh đã được người đá chuyển hóa linh hoạt, tạo nên cái thần thái riêng trong quá trình thể hiện. Thông qua đồ thờ đá thời Lê-Trịnh, chúng ta có thể nhận thấy những nghệ nhân chạm khắc đá đã truyền được sức sống cho các linh vật, tạo nên sự chuyển hóa vô hình qua những kiểu thức long hóa, phượng hóa, lân hóa, rùa hóa, hổ phù hoá được thể hiện ở nhiều tư thế khác nhau như hình ảnh cá hoá rồng, tôm hoá rồng ở chạm khắc trên sập thờ Từ chỉ họ Đặng (Bắc Ninh).

Những tưởng tượng của các nghệ nhân xưa đã khiến thảo mộc có thể kết hợp với những linh vật huyền bí. Sâu thẳm trong tư tưởng dân gian, lẽ biến đổi của thiên nhiên là vô cùng. Có thể nói nét đẹp của mỹ thuật Lê-Trịnh chính là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên nên khi trang trí trên đá, người thợ đúc đã sử dụng nhiều kiểu thức cách điệu hoa lá thực vật uốn lượn thành các linh vật trong tư thế giao thoa, chuyển hóa bằng các họa tiết trúc hóa, mai hóa, cúc hóa, lan hóa... tạo nên kiểu trang trí kết hợp động - thực vật khá độc đáo. Sự phối trí linh hoạt của hoa lá, cây cối hóa tứ linh đã tạo nên hơi thở của động vật trong thực vật, tạo nên sức sống của cây cỏ trong tứ linh được cách điệu dưới muôn hình muôn vẻ, với những biến thể độc đáo đã phá đi những cảm giác đơn điệu, nhàm chán trong sự lặp lại của các đề tài trang trí như trang trí lá hoá rồng trên hương án lăng Phạm Đôn Nghị (Hà Nội)

Trong nhóm tứ linh được thể hiện với thủ pháp hoa lá được linh vật hoá rồng là linh vật có tần số xuất hiện nhiều nhất, được thể hiện bằng những đồ án trang trí phong phú và đa dạng nhất trên các đồ thờ đá. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế khác nhau, thân uốn lượn mềm mại vài lần với độ cong lớn, tạo nên dáng vẻ khỏe mạnh, sống động cho các đồ đá vốn có chất liệu cứng cỏi. Các đồ án về rồng được sử dụng phổ biến trên đồ đá dưới dạng đứng độc lập, kết hợp, cách điệu hoặc biến thể với các đồ án rồng cách điệu như gốc mai hóa rồng, cúc hóa rồng, lan hóa rồng, gốc trúc hóa rồng, lá hóa rồng... thường được sử dụng để trang trí trên hương án, bài vị. Kiểu thức dây lá hóa rồng, hồi văn hóa rồng, mây hóa rồng... được dùng khá phổ biến trên bia ký, đẳng thờ.

Rồng thường thấy trong mô-típ trang trí này là rồng hoá lá, rồng hoá cây hoặc cây hoá rồng, dây lá hoá rồng. Rồng hoá từ hoa lá những loài quý và có ý nghĩa như: mai hóa rồng, cúc hóa rồng,.. là đặc điểm phổ biến được trang trí trên đồ thờ đá trong các lăng mộ thời kỳ này, đều tuân thủ các nguyên tắc về bố cục của nghệ thuật trang trí mỹ thuật phương Đông. Đó là qui luật đối xứng (bao gồm đăng đối qua trục và đối xứng lệch); cân đối; nhắc lại và đồng hiện. kết hợp nhiều nguyên tắc chẳng hạn như: đối xứng qua trục, cân đối và nhắc lại; đã gặp trong trang trí đường diềm của các hiện vật câu đối, cuốn thư, đại tự; trong trang trí đường diềm hoa văn của các hương án, bài vị, ngai thờ.

Điều này có thể thấy rất rõ ở phần chạm khắc trên bài vị đá lăng Đề Đốc (Hà Nội). Hình đôi rồng chầu vào phần chữ của bài vị cho thấy kỹ thuật cũng như nghệ thuật tạo hình độc đáo của người nghệ nhân xưa. Từ hình ảnh lá và hoa dây cùng mây tạo thân uốn như thân rồng chuyển dần biến thành hình đầu ở phần cuống lá và xung quanh tạo hình mây ẩn hiện đã tạo nên sự huyền ảo cho hình tượng này. Nhìn qua tác phẩm, ta ngỡ là những hoa lá, nhìn kỹ hơn ta sẽ thấy rồng ẩn hiện, thực thực hư hư. Đó chính là một thành công đặc biệt của bức chạm này.

3. Hoa lá được nhân cách hoá

Nhân hóa là biến sự vật thành con người bằng cách gán cho nó những hoạt động, tính cách, suy nghĩgiống như con người, làm cho nó trở nên sinh động, hấp dẫn, gần gũi, sống động và có hồn hơn. Có nhiều cách để tạo nên sự nhân cách hoá. Có thể nhân hóa để tả hình dáng, tức là miêu tả hình dáng của một sự vật, hiện tượng nào đó gắn liền với những hình ảnh thường thấy của sự vật hiện tượng khác. Hoặc nhân hóa để tả hoạt động.

Ta có thể thấy một phần nào đó xu hướng này ở cách tạo hình trang trí trên hương án lăng họ Đỗ (Bắc Ninh). Từ những hoa văn hoa lá chuyển biến dạng kỷ hà khúc triết và biến thành một khuôn mặt người. Phía dưới hoa văn này, các yếu tố kỷ hà biến chuyển thành dáng tay đang vòng chầu và đôi chân trong tư thế cung kính.

Trong kiến trúc, điêu khắc và đồ thờ, các hoa văn trang trí chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Bằng nghệ thuật cách điệu, tượng trưng hóa các đối tượng như thiên nhiên, cây cỏ, động vật… thành các biểu tượng, người nghệ nhân xưa đã sáng tạo, tiếp thu và sử dụng nhiều mô-típ trang trí trên đồ thờ trong lăng mộ có khả năng biểu hiện tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ của cả một cộng đồng, dân tộc. Hoa văn hoa lá cùng với những biến thể của nó đã góp phần không nhỏ giúp cho đồ thờ đá trong lăng mộ thời Lê-Trịnh hàm chứa yếu tố thiêng liêng, đạt đến giá trị thẩm mỹ cao, tạo nên những tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc cổ.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Lâm Biền (2003), Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  2. Nguyễn Du Chi (2003), Hoa văn Việt Nam (từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến), Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  3. Triệu Thế Hùng (2013), Hình tượng thực vật trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, Nxb Thời đại, Hà Nội.
  4. Lê Văn Tạo (2008), Một số đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc đá truyền thống ở Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.
  5. Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa.