Nội san

Hát trống quân Dạ Trạch

13 Tháng Hai 2011

Phạm Lê Hòa

Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, trước là tổng Yên Vĩnh, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) là một xã nằm bên sông Hồng với số dân hơn 5000 người. Ngoài nghề chủ yếu là nông nghiệp, người dân của xã còn sinh sống bằng các nghề phụ như: làm gạch, nuôi cá đầm v.v... So với những xã bên cạnh, thu nhập của người dân nơi đây tương đối cao do hầu hết các gia đình có người đi làm ở ngoại tỉnh (với khoảng 3,7 - 4,0 triệu/người/năm).

Dạ Trạch cũng là địa danh từ lâu nổi tiếng với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Tại đây có đến 72 thôn, xã dọc theo sông Hồng về Dạ Trạch xin chân hương ở Đền Hoá mang về thờ. Ngôi đền này cùng những di tích lịch sử, văn hóa đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng vào năm 1988. Nhằm chào đón sự kiện này, xã Dạ Trạch đã tái tổ chức Lễ hội kỷ niệm ngày Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân về trời sau suốt 50 năm gián đoạn (lễ hội lớn lần cuối cùng được tổ chức vào năm 1938). Trong những ngày diễn ra Hội rước nước vào 10/2 âm lịch, ngoài các trò chơi dân gian (như đập niêu, bịt mắt bắt dê, chọi gà, cờ tướng, bắt vịt dưới ao .v.v...), Hát trống quân đã tồn tại như một thành tố không thể thiếu trong tổng thể lễ hội dân gian truyền thống này.

Hát trống quân là một loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian, một hình thức hát giao duyên từ lâu của người Việt ở đồng bằng và trung du từ Thanh Hóa trở ra. Nhưng lịch sử của Hát trống quân cho đến hôm nay vẫn là điều mà giới nghiên cứu âm nhạc dân gian còn chưa xác thực được, dù cho thuật ngữ “trống quân” thường được nhiều người nhắc tới và đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đề cập đến hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian này. Thậm chí, loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này được nhiều người coi như một thành tố mang tính phổ quát cao trong tổng thể kho tàng văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam. Thực tế cho thấy, bên cạnh mỗi hiện tượng văn hóa dân gian thường có nhiều truyền thuyết/huyền thoại xoay quanh sự hình thành/tồn tại của nó. Tuy các truyền thuyết của một hiện tượng văn hóa dân gian cần được cân nhắc về tính xác thực, nhưng chính chúng, xét về một mặt nào đó, được coi là điều hiện hữu/di sản văn hóa phi vật thể giúp các nhà nghiên cứu “bóc/tách”, tìm trong đó những giá trị thật đã bị “khúc xạ” trong diễn trình lịch sử.

Quanh sự ra đời của Hát trống quân cho đến hôm nay có nhiều truyền thuyết, theo chúng tôi được biết, có hai truyền thuyết phổ biến hơn là:

Truyền thuyết thứ nhất: Hát trống quân xuất hiện từ đời nhà Trần, thời kỳ chống quân Nguyên. Trong lúc nghỉ ngơi, binh sĩ nhà Trần đã ngồi hai hàng đối diện nhau, một bên là “hát xướng”, một bên là “hát đáp”. Khi hát họ gõ vào tang trống để giữ nhịp.

Truyền thuyết thứ hai: Hát trống quân có từ thời Nguyễn Huệ. Khi đem quân ra Bắc Hà đánh đuổi quân Thanh (năm 1789),ông bày cảnh đôi bên giả trai gái hát đối đáp với nhau để đỡ nhớ nhà.

Từ hai giả thuyết trên, Nhạc sỹ - PGS. Tú Ngọc cho rằng: “Lối hát giao duyên vốn là sinh hoạt văn hóa rất thông thường ở nông thôn xưa. Mỗi địa phương có những làn điệu khác nhau, nhưng cách hát xướng thì thường giống nhau. Phải chăng chính là những binh sĩ thời Trần, thời Nguyễn Huệ đã dùng những điệu hát và lối sinh hoạt ca hát giao duyên ở quê nhà để làm phương tiện giải trí trong quân ngũ.” [Tú Ngọc. Dân ca Việt Nam. NXB Âm nhạc. Hà Nội 1994. 300 trang].

Nhất trí với nhận định trên của Nhạc sĩ - PGS. Tú Ngọc, song chúng tôi cho rằng: không phải tất cả các lối hát giao duyên trong sinh hoạt văn hóa thông thường ở nông thôn Việt Nam xưa được các binh sĩ thời Trần, thời Nguyễn Huệ dùng làm phương tiện giải trí ở hai giả thuyết trên đều là Hát trống quân. Lối hát giao duyên trong sinh hoạt văn hóa dân gian còn lại đến ngày hôm nay có rất nhiều các loại hình khác như: Quan họ (Bắc Ninh), Hát Đúm (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), Hát Xoan, Hát Ghẹo (Phú Thọ) v.v... Như vậy, Hát trống quân không phải là tên chỉ một “lối chơi” của binh sĩ như ở hai giả thuyết trên. Theo những khảo sát/nghiên cứu của chúng tôi: Trống quân tuy là tên gọi cho hình thức hát giao duyên khá phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng ở mỗi vùng văn hóa, Hát trống quân luôn mang trong nó những dáng vẻ riêng, mang đậm ảnh hưởng của văn hóa bản địa.

Trong Lịch sử âm nhạc dân gian cổ truyền, nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nguyễn Viêm viết: “Trống quân Đức Bắc ở vùng đồng chiêm huyện Lập Thạch dùng để hát trong hội mời phường xoan. Trai Đức Bắc chở phường xoan (các đào xoan) qua sông vào làng. Nữ bưng trước ngực một cái trống con, trai cầm dùi gõ trống, mặt đối mặt, đi lùi từng bước”.

 

Ảnh minh họa

 

Còn trong Hát trống quân của mình, tác giả Trần Việt Ngữ cho rằng: "Hát trống quân là loại dân ca đối đáp thi tài đua trí với nội dung trao đổi những câu giao duyên tình tứ, trao đổi những nhận biết và kinh nghiệm sống giữa nam nữ trung niên, thanh niên trong xã hội nông nghiệp với văn minh lúa nước. Hát trống quân được tổ chức chính vào Tết Trung thu hàng năm, phổ biến ở nhiều vùng trung châu và đồng bằng phía bắc Việt Nam”1. Thời điểm tổ chức của Hát trống quân, theo tác giả Trần Việt Ngữ cũng tương đối phù hợp với Hát trống quân ở Dạ Trạch. Trong lời ca Hát trống quân cũng có câu:

                          Tháng tám anh đi chơi xuân,

                     Đến đây gặp hội trống quân anh vào.

Lời ca trên đã cũng thể hiện một cách nhìn dân gian về khái niệm "xuân"đó là thời điểm nông nhàn cùng những thành tố cấu trúc cần thiết của khái niệm. Xuân” ở đây không chỉ là mùa xuân, mà có thể là “tháng tám” khi hội đủ những thành tố cần có quan trọng nhất của “ngày hội mùa xuân”, quả là "Có nam có nữ mới nên xuân, có xôi có oản mới nên phần".

Ngoài ra, xét về phương diện lời ca của Hát trống quân, ba bản in từ đầu những năm 30 (1932, 1933, 1934) đều là lời thơ lục bát. Đây cũng là điểm khác biệt so với nhận xét của tác giả Trần Việt Ngữ khi ông đi khảo sát "ở mấy tỉnh trung châu và đồng bằng miền bắc" (như cách viết của tác giả trong văn bản) trong khoảng từ năm 1955 đến 1964: "Trống quân thuộc dạng hát nói, hát kể, nương theo niêm luật và thanh điệu câu chữ của thơ lục bát bằng trắc, song thất lục bát, đôi khi cả thất ngôn bát cú biến thể chút ít2 . Theo chúng tôi, đây là hiện tượng thường gặp trong nghiên cứu văn hóa dân gian tạo nên do sự giao lưu giữa các loại hình khác nhau của văn hóa dân gian trong sự tiến triển cùng thời gian. Sự giao lưu này có tác dụng làm phong phú thêm các hình thức diễn xướng dân gian, song trong không ít trường hợp cũng là biến dạng, thậm chí thay đổi cả những vấn đề mang tính bản chất của một loại hình văn hóa dân gian. Đây cũng là khó khăn rất lớn đối với những người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian trong quá trình bóc-tách/làm sáng tỏ các vấn đề mang tính bản chất của một hiện tượng văn hóa dân gian từ những di sản còn lại ngày hôm nay, đòi hỏi người nghiên cứu phải luôn thận trọng trong công việc của mình...

Một đặc điểm khác khá đặc trưng của diễn xướng trống quân là: có hát trước bốn tiếng sau của câu sáu ở đầu mỗi lần hát và hát trước tiếng thứ tám của câu tám trước tiếng thứ bảy ở cuối mỗi lần hát. Đây cũng là điều cho đến hiện nay chúng ta vẫn gặp ở các nghệ nhân Hát trống quân Dạ Trạch. Chẳng hạn câu:

Tháng bảy anh sắm cành đa,

Hẹn nàng tháng tám nàng ra chốn này.

Bây giờ trông thấy nàng đâu,

Hay là nàng bỏ chốn này nàng đi.

nghệ nhân sẽ hát thành:

(Anh sắm cành đa) Tháng bảy anh sắm cành đa,

Hẹn nàng tháng tám nàng ra chốn này.

Bây giờ trông thấy nàng đâu,

Hay là nàng bỏ chốn này (đi) nàng đi.

1.                  VỀ VIỆC CHẾ TÁC TRỐNG QUÂN. Các nghệ nhân Dạ Trạch kể lại: trống quân xưa dùng một sợi mây dài từ 4,5 đến 5 mét, hai đầu được buộc vào cọc. Sau đó căng sợi dây lên một thùng gỗ cao khoảng 40cm, chiều rộng (đường kính) 35 cm. Trước đó dây mây cần phải được ngâm nước cho dẻo. Thùng gỗ có gia cố thêm 3 đai bằng tre, phía trên đặt một cái nạng gỗ cao khoảng 15 cm (cn lưu ý là nạng là một vật được các nghệ nhân rất chú ý không chỉ về phương diện tính năng (để chịu lực khi căng sợi dây mây) mà cả về phương diện nghệ thuật (trang trí)). Tiếp theo, người ta căng sợi mây lên trên nạng gỗ. Sợi dây mây cần phải tiếp tục kê phía dưới thùng sao cho thật căng trên nạng gỗ. Vừa kê cho sợi dây căng, nghệ nhân vừa điều chỉnh sao cho được âm thanh có độ vang cần thiết cho một canh Hát trống quân. Bên cạnh đó, trước khi hát các nghệ nhân cũng thường tìm trên dây mây điểm gõ sao cho que gỗ khi tác động vào có âm thanh vang không quá đanh và có thể quện được vào câu Hát trống quân.

Nhạc cụ trong hát trống quân cổ (ảnh minh họa)

 

Ở đây chúng ta cũng cần tham khảo thêm cách chế tác một số loại trống quân khác mà tác giả Trần Việt Ngữ đã mô tả trong cuốn sách Hát trống quân của mình. Theo ông, có nhiều loại trống cùng dạng với trống quân có các tên gọi và cách chế tác khác nhau như: trống nằm chìm dưới đất (có que chống hoặc không có que chống; có đặt chum sành hay không đặt chum sành trong hố đất), trống nằm nổi trên mặt đất (dây căng trực tiếp trên chum sành hay trên thùng dầu hỏa). Và một điều khá lý thú ông có tài liệu chứng minh về sự tồn tại của nhiều dạng trống quân của các dân tộc khác trên thế giới.

2.                  VỀ NGÔN NGỮ ÂM NHẠC. Có thể nhận định rằng: Tất cả các bài Hát trống quân dù ở đồng bằng hay ở trung du đều thuộc loại nhịp chẵn (nghĩa là có sự luân phiên đều đặn giữa phách mạnh và phách nhẹ), và trong một chừng mực nhất định, gần với loại nhịp 2/4 của âm nhạc kinh điển châu Âu. Ở đây cũng cần nói thêm : trước và sau khi có nhận xét như vậy, chúng tôi đã xem lại những bản ký âm Hát trống quân và thấy các tác giả dùng khuông nhạc 5 dòng kẻ làm phương tiện ký âm đều ghi số chỉ nhịp là 2/4. Về vấn đề này, Hát trống quân Dạ Trạch không là một ngoại lệ.

Như các loại hình văn hóa dân gian khác, trong quá trình hình thành và phát triển, Hát trống quân cũng có mối quan hệ, giao lưu cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian khác trong khu vực như: xoan, ví, sa mạc, cò lả, đúm .v.v... trên cả hai phương diện làn điệu cũng như lời ca. Vì vậy, chúng ta cũng không có gì ngạc nhiên khi tìm thấy trong Hát trống quân Dạ Trạch một số câu hát có lời ca trùng với những câu hát của các loại hình âm nhạc dân gian khác.

Hát trống quân có thể có hoặc không có nhạc cụ đệm (như trong trường hợp Hát trống quân ngoài đồng của xã Dạ Trạch). Và ngay cả nhạc cụ (trống) ở đây cũng không phải chỉ có một dạng duy nhất: có thể là một trống con (như trong Hát trống quân Đức Bắc) mà cũng có thể là một trống quân (như ở Dạ Trạch) .v.v... Song theo chúng tôi, trống quân ở Dạ Trạch mang trong nó vẻ độc đáo riêng, gợi ta nhớ đến trống đồng - một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của cư dân Đông Nam Á. Mặc dù xét về phương diện phân loại nhạc cụ thì trống quân thuộc nhóm các nhạc cụ dây với phương pháp kích âm là , còn trống đồng thuộc nhóm các nhạc cụ tự thân vang (theo phương pháp phân loại nhạc cụ của E.M. Hornbostel và C. Sachs)..

Ở đây cũng cần lưu ý rằng: nhạc cụ đệm của Hát trống quân Dạ Trạch mới chỉ có ý nghĩa ở mức độ giữ nhịp với những âm hình, tiết tấu khác nhau mà chưa mang trong nó ý nghĩa thật sự về phương diện cao độ âm thanh âm nhạc. Tất nhiên, với cách nhìn của lý luận âm nhạc hiện đại thì mọi âm thanh đều tồn tại trong nó bốn thuộc tính mang tính bản chất (cao độ, trường độ, âm sắccường độ) và đều là âm thanh âm nhạc. Có một thực tế là khi xem các nghệ nhân làm trống quân ở Dạ Trạch, chúng tôi nhận thấy họ dường như chưa ý thức nhiều lắm (hoặc có thể cho là không cần thiết) về phương diện cao độ (cũng như âm vực) của loại nhạc cụ này. Đứng về phương diện khoa học, như chúng ta đã biết, mỗi khoảng rung khác nhau của một dây đàn sẽ tạo ra tần số dao động/ cao độ không giống nhau của âm thanh. Điều này thể hiện rất rõ khi gõ thử lên trống quân Dạ Trạch, ta sẽ nhận thấy có sự khác nhau về tính chất và cao độ âm thanh ở từng khoảng khác nhau trên sợi dây mây. Khi được hỏi về vị trí gõ xuống sợi dây mây khi Hát trống quân, các nghệ nhân cho biết, vị trí này không được xác định rõ ràng. Hay nói cách khác, có thể bất cứ vị trí nào nhưng thường gõ vào khoảng gần nạng gỗ (vai trò giống như ngựa đàn ở các loại nhạc cụ dây trong dàn nhạc giao hưởng kinh điển châu Âu dạng violon), chỉ cần đáp ứng được điều kiện tiên quyết là tạo được những âm thanh hòa hợp với giọng của các nghệ nhân Hát trống quân.

Thực ra vấn đề có hay không có nhạc cụ đệm theo cho giọng hát trong các hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian không phải là hiếm trong di sản văn hóa âm nhạc thế giới và Việt Nam. Chúng ta có thể nhớ ngay tới Hát quan họ Bắc Ninh, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, không chỉ là niềm tự hào riêng của người Kinh Bắc mà còn là sự khẳng định những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc chúng ta. Theo các nhà nghiên cứu thì Hát quan họ Bắc Ninh truyền thống là không có nhạc đệm, nhưng trong những năm gần đây, hầu như chúng ta luôn thấy hát quan họ bao giờ cũng có nhạc đệm. Theo tôi, việc có hay không có nhạc cụ đệm là không quan trọng, vấn đề là làm sao tạo dựng được những âm thanh/những giá trị văn hóa thực sự theo đúng ý nghĩa bản chất của nó.

Mặc dù ứng với lời ca, chúng ta có thể gặp một số dạng tiết tấu cơ bản khác nhau những trường hợp diễn xướng khác nhau; nhưng nói chung, tiết tấu trong trống quân thường thống nhất ở tính trữ tình/bình ổn, không có đảo phách, nghịch phách như trong chèo hay một số loại hình âm nhạc dân gian khác. Các dạng tiết tấu trong Hát trống quân không chỉ “đệm”, “làm nền” cho giọng hát, mà trong nhiều trường hợp, còn giữ vai trò “lưu không” khi thay đổi các giọng hát (từ giọng nam sang giọng nữ hoặc ngược lại).

 

Giai điệu của Hát trống quân gần với ngữ điệu của tiếng nói với ý nghĩa toát lên chính từ sự chuyển tải lời thơ, coi lời thơ là thành tố chính. Người sáng tác cho trống quân là sáng tác phần lời thơ, còn phần sáng tạo tiếp theo thuộc nghệ nhân. Người Hát trống quân thường chỉ chú ý hát sao cho đúng lời thơ trên một trật tự âm thanh nhất định.

Một điều đặc biệt đó là: kỹ thuật thanh nhạc là vấn đề không được đặt ra trong Hát trống quân Dạ Trạch. Nghệ nhân hát một cách tự nhiên không theo phương pháp cộng minh. Cách lấy hơi cũng “tự nhiên” miễn sao lấy được nhiều hơi để có thể hát một cách thoải mái nhất. Và có lẽ vì vậy mà những câu hát của trống quân Dạ Trạch cũng thường không dài quá khiến nghệ nhân phải lấy hơi ngay sau mỗi câu. Nói một cách khác, tiêu chuẩn thanh nhạc đặt ra đối với các nghệ nhân Hát trống quân Dạ Trạch là chú ý hát sao cho rõ lời và đúng âm điệu mà thôi.

3.                  VỀ LỜI HÁT TRỐNG QUÂN DẠ TRẠCH. Bên cạnh những đặc điểm của Hát trống quân châu thổ Bắc Bộ như đã nói ở trên, lời ca Hát trống quân Dạ Trạch thực sự là tiếng nói tâm tình, là ước vọng về một cuộc sống tươi đẹp, là sự thể hiện trí tuệ của người lao động trước những hiện tượng của tự nhiên và xã hội. Hội trống quân là thời điểm họ bày tỏ tình cảm của mình trước người thương:

Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Anh tìm đâu được người hơn là nàng

Anh xin gửi tấm lòng vàng

Anh quyết yêu nàng, nàng chớ quên anh

Gần xa nô nức yến oanh

Sân đình chật ních trai thanh gái tài

Đôi ta vào hội hát chơi

Trước sau rồi sẽ thành đôi vợ chồng

Và mỗi canh hát cũng là khoảng thời gian hai bên nam nữ thi tài ứng đối. Họ hát hoạ, hát đố để thử tài trí nhau qua những câu Hát trống quân:

     Nam:

Quả gì năm múi năm khe

Quả gì nứt nở như đe nhà giàu

Quả gì người ước kẻ ao

Quả gì long lánh như sao trên trời

Quả gì ăn đủ năm mùi

Quả gì to lớn có người ngồi trong

Quả gì thích chữ trăng rằm

Quả gì cùi trắng nước trong hỡi nàng

Quả gì da nó vàng vàng

Quả gì lăn lóc giữa đường cái đi

Quả gì vốn nó xù xì

Quả gì đóng cọc em thì mang phơi

Quả gì năm ngón nàng ơi

Quả gì anh để có nơi trong nhà

Quả gì thờ mẹ kính cha

Quả gì đem dẫn cùng ba cô nàng

 

Nữ:

Quả khế năm múi túi khe

Quả na nứt nẻ như đe nhà giàu

Quả mận kẻ ước người ao

Quả mai lóng lánh như sao trên trời

Quả lê ăn đủ năm mùi

Quả động to lớn có người ngồi trong

Quả chuối thích chữ trăng rằm

Quả dừa cùi trắng nước trong hỡi chàng

Quả thị da nó vàng vàng

Thiều biêu lăn lóc giữa đường cái đi

Quả nâu vốn nó xù xì

Quả mít đóng cọc anh thì đem phơi

Bạch thủ năm ngón chàng ơi

Thanh thiên anh để thảnh thơi trong nhà

Quả hồng thờ mẹ kính cha

Quả cau anh hỏi được ba cô nàng

4.                  VỀ PHƯƠNG THỨC DIỄN XƯỚNG. Hát trống quân có thể xuất hiện trong nhiều trường hợp như: hát ngoài ruộng khi làm đồng (đi cấy, cuốc đất hoặc làm cỏ .v.v...), hát trong hội hè, hát ở các đám khao .v.v... Trong từng trường hợp nhất định, trật tự các bài Hát trống quân có thể khác nhau tùy theo nội dung của câu hát, bài hát: hát chào, hát mời, hát mời trầu, hát giao duyên, hát đố, hát họa, hát thách cưới, hát chia tay.

Trong một canh Hát trống quân ở Dạ Trạch trước đây, người hát thường được chia làm hai nhóm: nhóm nam và nhóm nữ, đứng hai bên dây mây của trống quân. Mỗi nhóm thường có từ 4 đến 5 người. Hai bên dây mây đặt ghế gỗ cho đại diện mỗi nhóm ngồi hát. Hát trống quân được trình bày theo hình thức từng người hát một, do đó, đầu tiên bên nam (hoặc nữ) cử một người vào hát trước, khi người của bên nam hát gần xong khổ thơ của mình thì bên nữ (hoặc nam) cử người của bên mình vào. Người hát vừa hát vừa dùng một que tre nhỏ gõ vào sợi dây mây đệm cho giọng hát của mình, đồng thời nhằm giữ nhịp mỗi khi hết một câu hát.

 

Ảnh minh họa

 

Trong Hát trống quân, ngoài các từ chính của câu hát còn có thể có thêm những từ phụ (như “ơi”, “a”, “kia”, “hỡi”...) như trống quân Phú Thọ; hoặc ít sử dụng các từ phụ như trong trống quân Dạ Trạch. Phần nhiều Hát trống quân được diễn xướng theo kiểu “hát đối”, rất ít khi hai bên nam nữ cùng hát chung (nếu có thì chỉ diễn ra khi kết thúc phần hát của hai người). Theo các tài liệu mà chúng tôi có thì chỉ có Hát trống quân làng Hữu Bổ ven sông Thao (cách thị xã Phú Thọ 10 km) mới có diễn xướng theo kiểu hát dẫn và đồng ca mà thôi.

 

*** MỘT SỐ KẾT LUẬN TỪ VIỆC NGHIÊN CỨU HÁT TRỐNG QUÂN DẠ TRẠCH:

1. Đây là một hiện tượng văn hóa dân gian cần được lưu giữ và phát triển bởi tính độc đáo của nó trong sự so sánh với các loại hình âm nhạc dân gian khác nói chung, và với ngay chính Hát trống quân ở các vùng khác nói riêng. Theo sự phân loại các hiện tượng âm nhạc dân gian, Hát trống quân Dạ Trạch thuộc cấp độ đầu, thang âm sử dụng chủ yếu gồm 3 âm chính tạo thành một quãng 4 đúng và một quãng khoảng ba thứ (chúng tôi dùng thêm phụ ngữ “khoảng” để chỉ sự không chính xác như quãng được chia theo hệ bình quân luật trong âm nhạc kinh điển châu Âu). Điều đó có nghĩa là, Hát trống quân Dạ Trạch còn mang trong mình giai điệu gần với âm điệu của ngôn ngữ.

2. Việc Hát trống quân tham gia vào sinh hoạt Lễ hội Chử Đồng Tử là một việc làm tự nhiên của cư dân xã Dạ Trạch, được coi như một thành phần mang tính bản chất của nhiều hiện tượng văn hóa dân gian khác. Trống quân Dạ Trạch sinh ra/hiện hữu dưới bầu trời và không gian của địa linh Dạ Trạch như một yếu tố trong tổng thể văn hóa dân gian vùng đất này. Do đó, trống quân Dạ Trạch là một phần không thể thiếu được trong kho tàng văn hoá phi vật thể nơi đây.

3. Hiện nay, những người hát được trống quân theo cách truyền thống ở Dạ Trạch không nhiều mặc dù lãnh đạo xã đã chú ý, quan tâm đến việc truyền dạy Hát trống quân cho thế hệ trẻ. Trong những lần khảo sát điền dã/nghiên cứu khoa học gần đây ở Dạ Trạch, chúng tôi rất vui khi hầu hết các em đều yêu thích và lắng nghe một cách say mê giai điệu của Hát trống quân. Nhưng ... những âm điệu Trống quân của các em thì khác hẳn, không còn thuần túy là những âm điệu tuyền thống mà thể hiện sự “giao lưu”, “pha trộn” nhiều với những loại hình văn hóa dân gian và hiện đại khác.

Một thực tế là chúng ta hiện có khá nhiều cách để bảo tồn các hiện tượng văn hóa dân gian, thậm chí là bảo tồn trong chính sự phát triển của loại hình văn hóa dân gian đó. Nhưng những phương thức bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian như thế nào cho hiệu quả và ngày càng phát huy, phát triển được trong dòng chảy hối hả, biến động không ngừng của xã hội hiện nay là một câu hỏi lớn đối với những người làm văn hóa nói chung, chính quyền của những địa phương có loại hình văn hóa dân gian đó nói riêng. Thiết nghĩ, nếu cứ tiếp diễn như hiện nay thì chỉ một thời gian nữa, về sự tồn tại của Hát trống quân Dạ Trạchmột hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian độc đáo, di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát triển – rất đáng lo ngại. Mặc dù đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, tư liệu và ghi hình hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian này, song chúng tôi vẫn mong muốn các cơ quan chức năng có những động thái tích cực, hiệu quả và nhanh chóng hơn, để Hát trống quân Dạ Trạch sẽ hiện hữu và được bảo tồn trên chính quê hương Dạ Trạch, và hơn thế, được giới thiệu những nét độc đáo, đặc sắc vốn có với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước – những người yêu thích loại hình văn hóa âm nhạc dân gian này./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Tú Ngọc. Dân ca Việt Nam. NXB Âm nhạc. Hà Nội 1994. 300 trang.

2. Nguyễn Viêm. Lịch sử âm nhạc dân gian cổ truyền. Viện nghiên cứu âm nhạc. Hà Nội 1996. 279 trang.

3. Bùi Trọng Hiền. Hát trống quân ở Dạ Trạch. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 10/1999. Các trang từ 78 - 84.

4. Bùi Quang Hàm. Đi tìm điệu Hát trống quân. Bản viết tay của tác giả.

5. Trần Việt Ngữ. Hát trống quân. NXB Âm nhạc. Hà Nội 2002.

6. Phạm Lê Hòa. Hát trống quân nơi Đền Hóa Dạ Trạch. Kỷ yêú Hội thảo Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Sở VHTT Hưng Yên năm 2000.

 

 

MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN

CỦA HÁT TRỐNG QUÂN DẠ TRẠCH

Nam: 

Tháng bảy anh sắm cành đa,

Hẹn nàng tháng Tám nàng ra chốn này.

Bây giờ trông thấy nàng đâu,

Hay là nàng bỏ chốn này nàng đi.

 

Nữ:

Xin chàng mong mỏi làm chi,

Giữ lời hẹn ước em thì ra đây.

Hẳn là rồng được gặp mây

Bõ đêm chàng đợi, bõ ngày chàng mong.

 

Nam:

Bây giờ đã thoả tấm lòng

Nhớ ngày nhỏ bé bên sông chơi đùa

Nàng đi hái những bông hoa

Tung lên mái tóc tôi và rủ tôi

Ơ này đẹp lắm mình ơi

Đánh âu, đánh chắt, cùng chơi hát cùng.

 

Nữ:

Lúa thu xanh mượt cánh đồng

Lưng kha ngại sớm nở đòng chàng ơi

Mến chàng em đã ra chơi

Xin chàng chớ ngại ngỏ lời nước non.

 

Nam:

Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Anh tìm đâu được người hơn là nàng

Anh xin gửi tấm lòng vàng

Anh quyết yêu nàng, nàng chớ quên anh

Gần xa nô nức yến oanh

Sân đình chật ních trai thanh gái tài

Đôi ta vào hội hát chơi

Trước sau rồi sẽ thành đôi vợ chồng.

 

Nữ (sa mạc):

Đến đây muôn sự ngại ngùng

Hát sao cho được thoả lòng người xem

Tôi ra đây cùng chị cùng em

Tôi chào tất cả kẻ khen, người cười.

(Trống quân):

Chào ông tiên chỉ ngồi chơi

Chào ông thứ chỉ soạn bài cờ vinh

Chào ông chánh hội đàn anh

Chào ông thư ký thâu tình cho tôi

Chào chiếu tộc biểu đang ngồi

Chào đến ông phó đương thời việc quan

Tôi chào tất cả đông nhan

Chào tất lý dịch trong làng vừa xong

Tôi chào đến ông trương tuần

Tôi chào tất cả đàn ông, đàn bà

Chào đến bạn trai gần xa

Chào chị em gái ta đà chơi xuân

Chào ông lập đám trống quân

Chào người có trống, có thùng, có dây

Tôi chào tất cả đông tây

Để cho nam nữ hôm nay hát hò

Xin làng, xin tổng cứ cho

Chị em tôi được nôm na lời chào

Bên chàng năm tháng khát khao

Hôm nay hẳn được cùng nhau thoả lòng.

 

Nam

Bây giờ thoả nỗi ước mong

Bõ công áo tía quần hồng sắm sanh

Bên em hát với bên anh

Thoả lời hẹn ước phân minh tỏ tường

Chúng ta hát giữa dân làng

Nam, phụ, lão, ấu, bạn sang chơi bời

Bên anh xướng họa vài lời

Em hoạ bài đất tiếp lời cho thông

Bên nam hoạ núi, bên nữ họa sông

Vui chơi cảnh đẹp cánh đồng tốt tươi

Thiên nhiên phong cảnh mình ơi

Mây bay lơ lửng gió thời vi vu

Hoa thơm quả ngọt bốn mùa

Sương sa gió lạnh nắng mưa thế nào

Muôn vật sinh sống ra sao

Lòng đất người đào có thấy gì không

Em mà hoạ được rất thông

Lụa hồng làng thưởng nhất em hội này

Anh về thưa với mẹ thày

Cưới em bằng võng đào dầy kết duyên

Trống quân không phải chuyện đùa

Ai mà thất hoạ thì thua.

 

Nữ:

Bước chân vào đám hẹn hò

Bốn bề chờ đợi tôi thưa lời này

Bài đất em hoạ ngay đây

Chàng đừng ngớ ngẩn như cây ngô đồng

Dưới đất có núi có sông

Chứa chất trong lòng vàng bạc kim cương

Có người sinh sống muôn phương

Kinh, Tày, Nùng, Mán, Thổ, Mường, Thái, Dao

Bán buôn thêu dệt, vó câu

Gieo trồng ngô lúa muôn màu tốt tươi

Trăm bề nghìn kế chàng ơi

Sớm chiều hội tụ đông vui dồi dào

Tiền rừng bạc biển biết bao

Muôn loài sinh sống dựa vào thiên nhiên

Có bao nhà cửa, chùa chiền

Có vua ngự giá, có đền thờ vua

Thuyền rồng bơi biển mặt hồ

Có người đội đá vá cho trời lành

Có Sơn Tinh, có Thuỷ tinh

Có động Hương Tích, có thành Phong Châu

Ánh trăng soi tỏ mái lầu

Nắng vàng sáng toả sớm chiều chàng ơi

Bài đất em nay hoạ rồi

Chàng hoạ bài trời cho chúng bạn nghe

Xin đừng ăn xổi ở thì

Hoạ hay em đón chàng về nhà chơi.

 

Nam:

Trời cao ở tận trên ngôi

Ngồi đây anh hoạ bài trời cùng nghe

Trên trời có mây, có mưa

Có sấm, có chớp, có chùa nàng tiên

Trên trời có cửa phật tiền

Có ông nguyệt lão kết duyên vợ chồng

Trên trời cũng có cầu vồng

Lại có mống cụt đằng đông đợi chờ

Trên trời cũng có bàn cờ

Có núi phóng hoả, có chùa Thiên Lôi

Nam Tào, Bắc Đẩu mình ơi

Vua Thần Nông dạy cho đời ấm no

Sông Ngân bắc nhịp cầu Ô

Thiên thư cũng phải xe tơ chỉ hồng

Trời có nam, bắc, tây, đông

Đêm thu chú Cuội, chị Hằng ngẩn ngơ

Trên trời lại có sao Ba

Sao Mai, sao Vượt cho ta biết mình

Trên trời có sao Thất Tinh

Cho nên ta mới biết mình ở đây

Bây giờ tay lại cầm tay

Về xin cha mẹ cùng ngay vợ chồng.

 

Nữ:

Hội làng nam, bắc, tây, đông

Nhận vợ, nhận chồng chưa tiện chàng ơi

Ngày xuân nay hãy còn dài

Lụa hồng làng tặng gửi lời làm duyên.

 

Nam:

Bây giờ bến đã có thuyền

Chờ ngày mưa thuận, gió êm thái hòa

Trăng lên, trăng đứng, trăng tà

Mình ơi nhớ lấy đường về Thiên thai.

 

Nữ:

Chung thày, chung mẹ chàng ơi

Chung chăn rửa mặt, chung mùi hương lan

Chung giường, chung chiếu, chung bàn

Chung chăn đắp ấm, chung bàn ngồi chơi.

 

Nam:

Lược ngà trâm ngọc đủ đôi

Gương tàn soi tỏ mặt người mặt ta

Trưa, chiều, sớm, tối vào ra

Căn phòng tuy nhỏ nhưng mà ấm êm.

 

Nam:

Ra đi từ thuở còn thơ

Đông, tây, nam, bắc bây giờ về đây

Trình làng có mặt hôm nay

Lạ thung, lạ thổ, tôi nay lạ nhà

Ba cô tôi lạ cả ba

Bốn cô lạ bốn biết là quen ai

Nhớ cô mặc áo vá vai

Trên thời vá vải, dưới lai miếng xồi

Cô còn hát nữa hay thôi

Cho tôi hát với làm đôi vợ chồng.

 

Nữ:

Ở đâu có chuyện lạ lùng

Chưa hát đã nhận, chưa lòng đã say

Ở nhà em mới ra đây

Em chào các bạn đông, đoài sang chơi

Khen ai khéo lập lên vui

Để cho nam nữ chúng tôi hát hò.

 

Nam:

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói đậm đà có duyên

Ba thương má lúm đồng tiền

Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua

Năm thương cổ yếm đeo bùa

Sáu thương nón thúng quai tua dịu dàng

Bảy thương nét ở đa ngoan

Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh

Chín thương em ở một mình

Mười thương đôi mắt thấu tình từ đây.

 

Nữ:

Một yêu khăn lượt vòng dây

Hai yêu anh có đôi giày Chi Lăng

Ba yêu cắt bá may quần

Bốn yêu nhiễu tím may chăn đắp cùng

Năm yêu yêu lạ yêu lùng

Sáu yêu yêu cả vui chung một nhà

Bảy yêu đức độ thực thà

Tám yêu có bác mẹ cha sinh thành

Chín yêu yêu cả gia đình

Mười yêu yêu cả xung quanh xóm nhà.

 

Nam:

Đôi ta như đũa tre già

Càng vót càng nhẵn, càng và càng trơn

Đôi ta như cá thờn bơn

Nằm trên bãi cát đón cơn mưa rào

Đôi ta như ruộng năm sào

Cách một bờ giữa làm sao cho liền.

 

Nữ:

Đôi ta như thể đồng tiền

Đồng xấp, đồng ngửa, đồng nghiêng, đồng nằm

Đôi ta như thể con tằm

Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong

Đôi ta như thể con ong

Con quấn con quýt, con trong con ngoài

Đôi ta như thể con bài

Chồng đánh, vợ kết chẳng sai quân nào.

 

Nam:

Giờ đây khách hỏi má đào

Thách cưới thế nào em bảo cho anh

Về nhà thày mẹ sắm sanh

Nếu lo không được để dành năm sau.

 

Nữ:

Em là con gái nhà giàu

Mẹ cha thách cưới ra màu thanh cao

Cưới em trăm tấm lụa đào

Một trăm hòn ngọc, nghìn sao trên trời

Tráp trầu đủ cả trăm đôi

Ấm vôi bằng bạc, chìa vôi bằng vàng

Sắm xe tứ mã đem sang

Để quan viên họ nhà chàng đón dâu

Ba trăm nón nghệ đội đầu

Mỗi người một chiếc quạt Tàu thật xinh

Chàng về sắm nhiễu Nghi Đình

May chăn cho rộng ta mình đắp chung

Cưới em chín hũ mật ong

Mười con trâu trắng, mười nong xôi vò

Cưới em trăm vạn trâu bò

Mười vạn dê lợn, chín vò rượu tăm

Lá đa mặt nguyệt đêm rằm

Răng nanh chú Cuội, râu cằm Thiên Lôi

Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi

Xin chàng chín chục con dơi goá chồng

Thách thế mới thoả tấm lòng

Chàng mà lo được em cùng xin theo.

 

Nam:

Anh đây con trai nhà nghèo

Từ lâu không nói đủ điều anh lo

Bây giờ thày mẹ thách to

Công việc cưới ấy anh lo thế nào

Em khoe em đẹp hơn sao

Để anh lận đận đi vào thương yêu

Mẹ em thách cưới cho nhiều

Thử xem anh nghèo có cưới được không

Nghèo thời bán núi bán sông

Lấy tiền mà cưới bõ công đi về

Anh đây có cái nhà tre

Đố làm bằng sậy, rui mè bằng lau

Cột cái bằng cây thầu dầu

Mái nhà anh lợp bằng tàu chuối khô

Ván bưng thời đóng bằng mo

Câu đầu cũng chạm con cò, con chim

Sau nhà có khóm khoai lim

Trước nhà rau dệu, bìm bìm cảnh chơi

Nước ăn anh hứng mưa trời

Nấu nướng mua nồi đất ở Hương Canh

Em về chung sống cùng anh

Giường rơm, chăn cói, quạt rành, mo cau

Đôi ta ý hợp tâm đầu

Anh êm, em ấm, trước sau vẹn tròn.

 

Nữ:

Xin chàng chớ vội giận hờn

Thách vui nhau để giải cơn Tấn Tần

Yêu nhau xích lại cho gần

Không cần vàng bạc, chẳng cần giàu sang

Thày mẹ cũng mến thương chàng

Cho đôi ta kết đá vàng cùng nhau.

 

Nam:

Nghe nàng bày tỏ trước sau

Không phân chia cảnh giàu nghèo, thấp cao

Nghèo thời phải hợp duyên nhau

Nghèo nhưng hoà thuận, hơn giàu chênh vênh

Đời dù lên thác xuống ghềnh

Nguyện cùng nhau sống trọn tình nước non.

 

Nữ + Nam:

Bây giờ trống dục canh dồn

Trăng tà đã xế, người còn đông tây

Vui mừng làng mở hội này

Ra về xin nhớ nhau đây chẳng là.

 

 

1,2  Trần Việt Ngữ. Hát trống quân. NXB Văn hóa Dân tộc. Hà Nội 2002.