Nguyễn Đăng Nghị
Sau đêm chung kết và lễ trao giải Bài hát Việt năm 2008 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, giới báo chí rầm rộ tán dương bằng những mĩ từ như: “sự đổ bộ của thế hệ 8X vào nền âm nhạc Việt Nam”, hay “thế hệ 8X chiếm lĩnh vũ đài âm nhạc”... Không thể phủ nhận, đây là sân chơi đã tạo dựng được những dấu ấn cá nhân đặc sắc của nhiều tác giả, ca sĩ trẻ trước công chúng. Nhưng, nhìn vào cách mà nhà đài xây dựng chương trình, cộng với sự hỗ trợ kinh phí đáng kể của một số công ty, thì chất lượng Bài hát Việt vẫn còn tồn tại một số điều đáng bàn. Và, so với lớp nhạc sĩ đàn anh, sự thể hiện của thế hệ 8X qua chương trình liệu chăng có phải là niềm hi vọng đối với việc thay đổi diện mạo của nền âm nhạc nước nhà hiện nay?
1. Bình tĩnh để nhìn lại
Từ những năm 90 của thế kỉ trước, nếu nhìn trên mối quan hệ giữa tác giả - ca sĩ - công chúng thì ca khúc Việt Nam có chiều hướng giảm. Hiện tượng này là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên phải kể tới sự giao thoa văn hóa giữa các nước trên thế giới trong điều kiện mà kĩ thuật thông tin truyền thông phát triển như vũ bão, ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng nước nhà. Thứ hai, nền kinh tế đang từng bước chuyển hướng theo cơ chế thị trường đã làm xáo trộn cách nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề về văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Các đoàn nghệ thuật từng bước sáp nhập rồi chia tách, thậm chí tan rã, (bởi một điều rất đơn giản là nhà nước không thể bao cấp mãi được), dẫ tới việc ra đời của nhiều nhóm, ban, tốp ca - múa - nhạc với biên chế nhỏ, gọn để vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng trong thời kì mới, vừa tăng thêm thu nhập để duy trì cuộc sống... Chiều theo ý thích của công chúng là một trong những mục đích hàng đầu của nhiều hoạt động âm nhạc trong thời gian qua, đặc biệt là lớp tác giả trẻ. Lẽ dĩ nhiên, muốn vừa lòng khách hàng, các ca sĩ phải chọn những bài hát phù hợp với gu thẩm mỹ của họ. Nhu cầu đó kéo theo sự ra đời của hàng loạt bài hát mà giới chuyên môn gọi là ca khúc thị trường. Sân chơi nghề nghiệp của các nhạc sĩ gạo cội bị thu hẹp dần. Nhiều người không khỏi băn khoăn trước thực tế đáng buồn này, những cảm xúc, sáng tạo, ý tưởng nhiều khi đành phải kép lại. Chẳng ít các nhạc sĩ nhận được lời mời đi cơ sở viết tỉnh ca, huyện ca, trường ca, xí nghiệp ca để tồn tại. Nhưng trên thực tế, những ca khúc viết về cơ sở tuy số lượng nhiều nhưng chất lượng không xứng tầm với tên tuổi của người nhạc sĩ, đồng thời, chúng không tạo được sự lan tỏa, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng đối với công chúng.
Cũng trong thời gian qua, các đoàn ca múa thi thoảng mới có hội diễn chuyên nghiệp. Cơ chế quen-biết ảnh hưởng khá mạnh đến việc sử dụng bài của các nhạc sĩ, dẫn tới việc nhiều bài hay không có đất để diễn. Tuy vậy, thông qua các lần hội diễn chuyên nghiệp, có thể thấy nội lực các ca khúc Việt Nam vẫn khá phong phú và đa dạng với nhiều sắc màu khác nhau. Mà Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp được coi là minh chứng, một trong những kênh đánh giá khá chính xác chất lượng của ca khúc Việt hiện nay.
Như thế là, trong lúc số lượng ca khúc có chiều hướng bị "ứ đọng" thì chương trình Bài hát Việt có vai trò như một tác nhân làm nhiệm vụ "khai thông" dòng chảy đó. Sân chơi hay cuộc chơi nào cũng có những tiêu chí riêng, vì thế không phải lúc nào nó cũng dung nạp hết mọi đối tượng. Do vậy, công chúng thưởng thức chương trình không nên thất vọng cho rằng ca khúc bây giờ không hay như ngày xưa nữa... Một điều phải thừa nhận và đáng ghi nhận ở đây là, chương trình đã thu hút được một lượng không nhỏ khán thính giả quan tâm theo dõi và gây được hiệu ứng tích cực cho xã hội. Diện mạo âm nhạc cũng như thẩm mĩ của lớp trẻ nước nhà trong thời điểm hiện tại phần nào đã được bộc lộ. Trên phương diện văn hóa, các nhà quản lí có thể thông qua chương trình này, coi như một kênh tham khảo, đưa ra những định hướng, giải pháp phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà trong trong thời điểm hiện tại cũng như thời gian tới.
2. Mới hay cũ trong Bài hát Việt năm 2008?
So với ba lễ trao giải trước đó, sân khấu lần này vẫn giữ được sự sang trọng, nhưng có phần hoành tráng hơn. Ngay tiết mục mở màn Thư pháp mở hội, tuy hơi dài nhưng đã gây được ấn tượng đáng kể. Tiết mục này, với phần nhạc đệm là dàn trống hội, có tác dụng khơi gợi để người xem hình dung ra sự tao nhã của văn hóa Việt, đặc biệt là văn hóa thư pháp. Tất nhiên đây là sự sáng tạo lớn không ngoài mong muốn đem đến cho đêm trao giải một màu sắc khác lạ, nhưng bên cạnh đó, nó cũng làm khán giả nhớ đến mô-tip thư pháp mà họ đã từng xem trong đêm khai mạc Olympic Bắc Kinh vừa qua. Riêng tôi thì đồ rằng, tiết mục này là một điểm nhấn báo hiệu của những người làm chương trình Bài hát Việt: nếu chương trình tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới thì sẽ thể hiện cách tư duy mới, đột phá và độc đáo hơn.
Tiết mục mở màn Lễ trao giải (St)
Phỏng đoán luôn thuộc về ý thức chủ quan của cá nhân, còn chương trình đêm chung kết vẫn diễn ra với trình tự có sẵn của nó. Không thể phủ nhận tinh thần làm việc của hội đồng thẩm định trong sưốt năm qua, khi lọc được 56 bài đưa vào 8 live show trong 700 ca khúc, để rồi cuối cùng chọn và trao giải cho 15 ca khúc có chất lượng cao nhất trong đêm chung kết. Nhìn vào số lượng ca khúc dự thi sẽ thấy một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, viết ca khúc là công việc sáng tạo, chỉ cần có tâm hồn nhạy cảm cùng khả năng về văn thơ là có thể sáng tác một tác phẩm. Đối với nước ta, khả năng thơ phú và sự nhạy cảm vốn tiềm ẩn trong con người Việt Nam đã cho ra đời nhiều ca khúc còn mãi với thời gian, khẳng định tên tuổi của người nhạc sĩ. Lịch sử âm nhạc in đậm dấu ấn của nhiều nhạc sĩ tuy chưa học qua trường lớp, nhưng tác phẩm của họ vẫn sống mãi đó sao?! (thậm chí ngoài đời tôi còn biết, có người một đêm còn viết được 3 đến 4 ca khúc). Khoan hãy nói đến chất lượng nghệ thuật, chỉ nhìn vào khả năng sáng tạo và lòng yêu nghề cũng đủ làm người đời bái phục. Vậy thì 700 ca khúc trong thời buổi mà cả nước biết nhạc như ngày nay là số lượng không nhiều.
Nhóm Ngũ cung đạt giải “Nhạc sĩ ấn tượng” (St)
Thứ hai, tôi đồ rằng, trong số 700 ca khúc trên, số đông tác giả của nó là những sinh viên, học sinh nhạc viện. Nếu quả thực như vậy thì đây là sự "bứt phá ngoạn mục" trong cách nhìn của thầy trò các trường âm nhạc. Bởi những năm tháng trước đây, trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp chưa bao giờ đề cao những người viết ca khúc, mà chỉ quan niệm rằng, đó là nghề tay trái viết cho vui. Nhạc sĩ phải là người viết khí nhạc. Trên phương diện học thuật và chức danh thì đó là cách nhìn đúng. Nhưng, thực tế đời sống âm nhạc nước ta có xu hướng theo chiều ngược lại: ca khúc được đông đảo công chúng đón đợi, còn khí nhạc tỏ ra mờ nhạt. Liệu số công chúng của sân chơi kia có mấy ai trong đầu nhớ được những cánh chim đầu đàn của nền khí nhạc Việt Nam như Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Văn Nam, Đàm Linh... Chính vai trò của ca khúc quan trọng như vậy, thì lúc này hơn bao giờ hết, chất lượng trong mỗi bài phải được đặt lên hàng đầu. Điều này thì Hội đồng Thẩm định cũng đành bó tay, bởi cái quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào người viết.
Thành Vương nhận giải dành cho Nhạc sĩ phối khí hiệu quả (St)
Thứ ba, thật ngạc nhiên khi cả 15 trong tổng số 700 bài đều được vinh danh xứng đáng trong đêm lễ trao giải. Lí do thì nhiều, nhưng theo sự giải thích của một số nhạc sĩ trong hội đồng thẩm định thì những bài hát năm nay có chất lượng đồng đều. Vậy nên, ngay cả việc chọn ra bài hát năm cũng là điều vô cùng khó khăn. Cuối cùng bài hát của năm thuộc về Chênh vênh của Lê Cát Trọng Lý - sinh viên chuyên ngành Viola, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh với nhiều lời xì xèo, bàn tán (khen không nhiều mà chê thì lắm) của cả công chúng lẫn giới báo chí. Dẫu vẫn biết rằng chẳng cuộc chơi nào có thể thỏa mãn được tất cả mọi người, nhất là lĩnh vực âm nhạc mang tính nhạy cảm, cảm tính. Nhưng quả thật, khi xem xét trên bình diện nghệ thuật thì chất lượng của ca khúc, ca sĩ thể hiện không thể vượt được, nếu không muốn nói là có chiều hướng suy giảm so với mấy năm trước.
Có nhiều cái cớ dễ làm người thưởng thức suy diễn. Chẳng hạn khi đặt Chênh vênh cạnh À í a (Lê Minh Sơn - 2005), Chuông gió (Võ Thiện Thanh - 2006), Con cò (Lưu Hà An - 2007), hay những bài không đạt giải Bài hát của năm ở những năm trước như Bà tôi, Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến), Giấc mơ trưa (Giáng Son - Thơ: Nguyễn Vĩnh Tiến) thì ta có thể sẽ đánh giá được chất lượng ca khúc trong chương trình Bài hát Việt năm nay.
Lê Cát Trọng Lý nhận giải thưởng “Bài hát của năm”
cho ca khúc Chênh vênh (St)
Theo dõi toàn bộ bài hát trong Lễ trao giải sẽ thấy ngay ngôn ngữ trong ca khúc của các tác giả lạ đã trở nên quá quen. Cái quen đó là sự bắt chước, rập khuôn giữa các tác giả. 15 bài, thì 13 bài có mô-típ giống nhau với lời ca sử dụng hư từ ê, ze, ô, ư... Trên phương diện nghệ thuật mà nhìn nhận, thì việc sử dụng hư từ này như một cách để tạo "mốt thời thượng" chứ hoàn toàn không có ý đồ thêu dệt cho trọn vẹn diện mạo của một câu nhạc nhằm tạo tính thẩm mĩ như các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ... đã từng làm. Tác hại của cái vô thức này đã bẻ gãy, tạo ra sự vụn, rạn câu nhạc, từ đó làm lệch lạc ý của lời ca. Nếu nghe nhiều lần sẽ có cảm giác rờn rợn hơn là sự thích thú!
Tính đồng phục (không phải là phong cách) cũng được thể hiện khá rõ trên nhiều phương diện khác. Chẳng hạn Em trong mắt tôi và Nồng nàn Hà Nội của Nguyễn Đức Cường đích thị là hai anh em song sinh. Hay cách hát của Thùy Chi – ca sĩ được yêu thích nhất trong năm – đượm màu sắc của ca sĩ Khánh Linh.
Ngôn ngữ âm nhạc trong từng loại thể chưa mang tính điển hình. Lời ca nặng về kể lể mà thiếu tính khái quát. Có những điều kì diệu của Dazzy Dạ Lam mang ý nghĩa xã hội, nó không phải là ca khúc thính phòng. Góc tối của Nguyễn Hải Phong, mặc dù cách hát có "gầm ghì", nhưng cũng không phải là bài hát mang phong cách rock...
Nhìn tổng thể Lễ trao giải cũng như toàn bộ live show diễn ra trong năm, ta có thể thấy chất lượng nghệ thuật của các ca khúc chưa cao. Tuy nhiên, thông qua đó, một điều không thể phủ nhận là, sân chơi đã góp phần tạo nên không khí sáng tác rất sôi động cho các tác giả trẻ mà lâu nay đã có phần chìm lắng. Nhìn vào đó, nhiều người cũng hồ hởi, phấn khởi mà cho rằng thế hệ 8X đã chiếm lĩnh thị trường âm nhạc nước nhà (như lời nhận xét của nhạc sĩ Tôn Thất Lập – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – trong Lễ trao giải). Vui thì như thế, nhưng nếu đặt thành công ấy trong sự đối sánh với những năm tháng trước đó sẽ thấy thực chất của vấn đề!
Ở thời điểm với nhiều lợi thế về mặt xã hội như hiện nay, rõ ràng việc thế hệ 8X trở thành tác giả của các bài ca khúc không phải là khó. Lịch sử âm nhạc mới từng ghi nhận, các nhạc sĩ thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, chẳng ít người cũng ở độ tuổi này đã ghi dấu ấn trong nền thanh nhạc nước nhà, mà Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Hoàng Việt, Huy Du, Hoàng Vân... là những minh chứng điển hình. Cũng độ tuổi này, các nhạc sĩ đã vững vàng, vững tin đủ sức để hòa cùng không khí của thời đại. Ngôn ngữ âm nhạc chững chạc, lời ca trong từng ca khúc thường có tính khái quát cao, nhiều chất thơ và đậm tính nhân văn. Điều này hoàn toàn không giống sự phô trương ngôn từ thiên về bề ngoài như các tác giả trẻ trong Bài hát Việt 2008. Và, nếu được trả lời về sự thành công một bài hát nào đó, chắc rằng các nhạc sĩ cũng xúc động, nhưng thiết nghĩ có lẽ không đến nỗi quá ngây ngô để chẳng biết nói gì trước công chúng như vậy! ./.