Tin tức

Biên kịch cũng có quyền...muốn

04 Tháng Tư 2011

"Nhà sản xuất đương nhiên sẽ muốn 1 kịch bản tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất với một số tiền thấp nhất. Nhưng biên kịch muốn gì? Muốn một thời gian vừa đủ để sáng tác, một số tiền tương xứng với lao động mình bỏ ra, một kịch bản đọc lại không thấy mình xấu hổ…"

Đội ngũ biên kịch trẻ đang là nguồn cung cấp kịch bản quan trọng cho các dự án phim truyền hình liên tiếp phủ sóng hiện nay.  Nguyễn Thu Thủy sinh năm 1983 nhưng  đến nay đã tham gia hàng chục bộ phim truyền hình nổi tiếng như: “ Lập trình cho trái tim”, “Âm tính”, “Một ngày không có em”, “Cocktail cho tình yêu” “Tam nam vẫn phú”  “Tha thứ cho anh”, “Thiên sứ lông bông”, “Kí ức mong manh”….

Chị đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về nghề biên kịch và những khó khăn của công việc này.

Biên kịch cũng có quyền …muốn

 
Biên kịch Nguyễn Thu Thủy (Ảnh nhân vật cung cấp)
Biên kịch Nguyễn Thu Thủy (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hiện tại, nhiều bộ phim truyền hình vẫn đang được sản xuất ồ ạt. Có khi nào những biên kịch như chị nhận thấy mình đang viết những kịch bản cũ mòn, lặp lại?

- Đó là sự lựa chọn của biên kịch thôi. Trước giờ người ta có thông lệ, nhà sản xuất lựa chọn đạo diễn và biên kịch. Nhưng thực tế, biên kịch cũng như bất cứ một bộ phận nào khác, đều có quyền chọn lựa rằng tôi tham gia hay không tham gia. Chỉ nhận dự án mình hứng thú, mình thấy không quá cũ mòn, thì những câu hỏi phía sau không cần thiết nữa…

 Phim truyền hình dường như đang bị bão hòa về đề tài, kiểu như chỉ có tình, tiền, tù tội. Đề tài mới có vẻ như rất hiếm vì đã được khai thác gần như “cạn kiệt” rồi?

- (Cười) Bao nhiêu thế kỉ, những góc cạnh cuộc sống đều được các loại hình nghệ thuật khai thác hết rồi. Thậm chí, còn hình thành nên những kiểu đề tài, kiểu nội dung mà người ta gọi là mô tip. Hầu như mỗi bộ phim bây giờ, nếu nhìn vào bản chất, thì bộ phim nào cũng được xếp gọn trong một mẫu mô tip nào đó…Motip Hoàng tử lọ lem, mô tip nhà nghèo vượt khó, motip tình yêu vượt qua thù hận…

Hiếm còn mảnh đất nào sơ khai mà người ta chưa khai phá lắm. Chỉ có những cái mà người ta chưa khai phá hết thôi. Cái chúng ta có thể làm, là đi sâu hơn trên những mảnh đất đó, tìm những điều còn ít nhiều mới mẻ.

Làm phim với các nhà sản xuất tư nhân, bị thúc ép về tiến độ và nhiều khi còn bị “điều khiển” cả về kịch bản. Điều đó sẽ gây cho biên kịch những khó khăn như thế nào?

Nó nằm ở vấn đề thương thảo, khi mọi thứ còn đang ở bước khởi đầu. Nhà sản xuất đương nhiên sẽ muốn 1 kịch bản tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất với một số tiền thấp nhất. Nhưng biên kịch muốn gì? Muốn một thời gian vừa đủ để sáng tác, một số tiền tương xứng với lao động mình bỏ ra, một kịch bản đọc lại không thấy mình xấu hổ…

 

Hình ảnh trong phim “Lập trình cho trái tim” – một bộ phim được nhiều bạn trẻ yêu thích
Hình ảnh trong phim “Lập trình cho trái tim” – một bộ phim được nhiều bạn trẻ yêu thích

Như vậy cũng có nghĩa là không chỉ nhà sản xuất muốn mà biên kịch cũng hoàn toàn có quyền muốn?

- Đúng thế, không phải chỉ Nhà sản xuất muốn, mà Biên kịch cũng có quyền ấy. Khi hợp tác, thì biên kịch và nhà sản xuất là đối tác, vị thế ngang bằng nhau, hai bên đều có quyền muốn và quyền đòi hỏi những quyền lợi của mình được đảm bảo.  Khi hai bên dung hòa được hai cái “muốn” đó của nhau, thì hợp tác. Còn không thì không nên quá khiên cưỡng.

Vậy, theo chị NSX chỉ nên tác động đến biên kịch như thế nào để sự hợp tác không bị khiên cưỡng?

-Nhà sản xuất là nhà đầu tư. Họ là người thu mua kịch bản. Họ có tác động về cả tinh thần về vật chất tới biên kịch. Họ có thể khiến biên kịch  hứng thú hoặc bị áp lực với dự án, khiến biên kịch sống thoải mái hay sống chật vật…Do đó, nếu cảm thấy hai bên không có sự thấu hiểu, không có sự cảm thông, hay, không tìm được tiếng nói chung, thì tốt nhất nên dừng lại.

Nghề “thời thượng” nhưng vẫn bị ... không tôn trọng

Biên kịch đang được cho là một nghề thời thượng , nhất là đối với những người trẻ. Chị nghĩ điều đó đúng hay sai?

-Từ “thời thượng” có vẻ gần gần với từ “mốt” nhỉ, mà mốt thì thay đổi nhanh lắm.  Nhưng từ quan điểm cá nhân, tôi không cho là thế. Biên kịch là một nghề, như những nghề khác. Mà đã gọi là một nghề, có nghĩa là một công việc  để kiếm sống, để tồn tại được bằng sự lao động  của mình. Còn những người nghĩ nó là “thời thượng” thì nó sẽ là “thời thượng”, và cách làm của họ cũng sẽ “thời thượng” thôi

Cách làm “thời thượng” – nên hiểu cụm từ ngày theo nghĩa nào?

-Thời thượng là khi người ta thấy nó như một thứ mốt, một trào lưu, khiến người ta bị quyễn rũ và chạy theo.  Nhưng đến một thời điểm nào đó, sẽ lại có  một mốt khác, một trào lưu khác, thì họ lại bỏ đó để đi theo thứ mới.

Do đó, nếu một người trở thành biên kịch chỉ vì nghĩ nghề này thời thượng,  thì tất sẽ không bền. Chỉ khi họ coi đó là một nghề thực sự, cần sự lao động nghiêm túc, thì họ sẽ chuyên tâm vì nó.

Thù lao giành cho biên kịch có đủ sống hoặc là dư giả không?

-Với bản thân tôi, nếu làm việc tập trung, đều đặn thì đủ sống. Còn người khác với cường độ lao động khác, mức thu nhập khác, và với nhu cầu sống khác thì tôi không biết.

Có đạo diễn nói do thù lao dành cho biên kịch quá ít nên nhiều kịch bản hiện nay tệ quá. Không lẽ chỉ vì không  có tiền? Tôi nghĩ, ít nhiều cũng có những nguyên nhân từ phía chủ quan biên kịch chứ?

-Tôi nghĩ đạo diễn đó nói không sai. Đó cũng là một trong những lí do chính, nhưng không hẳn là tất cả. Vì 1 bộ phim dở thì cũng bao gồm nhiều yếu tố quyết định, 1 kịch bản dở cũng bao gồm nhiều yếu tố khác. Chưa kể, hay – dở lại còn phụ thuộc thị hiếu thẩm mĩ của từng người.

Từ yếu tố khách quan thì sự cộng tác giữa NSX, đạo diễn, biên kịch cũng có tính chi phối nhất định trong quá trình sáng tác của biên kịch. Từ phía chủ quan, thì là do khả năng người viết, tinh thần trách nhiệm, sự chuyên tâm và việc sắp xếp thời gian.

 

"Âm tính" cũng là một phim đáng chú ý của Thu Thủy cùng nhóm biên kịch

Nhiều người cho rằng biên kịch trẻ vì thiếu kinh nghiệm nên kịch bản của họ hời hợt và thiếu sự trải nghiệm. Chị nghĩ sao về điều này?

-Chẳng riêng gì biên kịch trẻ, mà tất cả những người trẻ ở những công việc khác đều bị nhìn nhận là thiếu trải nghiệm… Đó là điểm yếu mang tính chất gần như tất yếu. 

Vậy theo chị, đâu là thế mạnh của những biên kịch trẻ?

-Những biên kịch trẻ có những thứ mà những người … không trẻ không có: đó là sức sống, sự tươi mới, khát vọng  và cả sự cả tin đáng yêu của người mới làm nghề.

Sự cả tin đáng yêu? Nên hiểu thế  nào nhỉ?

-(Cười)Thường khi mới bước vào lĩnh vực viết kịch bản, ai cũng rất say mê, rất tin tưởng. Họ không nghĩ đến những hợp đồng, đến những điều khoản ràng buộc. Họ chỉ hạnh phúc vì được viết, khát khao kịch bản của mình được chuyển thành phim.

Họ cũng nghĩ NSX nào cũng đúng hẹn, cũng tôn trọng kịch bản, tôn trọng biên kịch. Chính cái thời điểm đầu tiên này là thời điểm đáng yêu nhất. Còn sau đó, theo thời gian, họ sẽ buộc phải học cách đối phó để bảo vệ bản thân, bảo vệ kịch bản, và bảo vệ quyền lợi của mình.

Nói như chị nghĩa là có những trường hợp NSX thiếu tôn trọng biên kịch?

-(Cười) Có  chứ

Có lý do gì để biên kịch lại “bị không tôn trọng” như vậy? Vai trò của họ rõ ràng là rất quan trọng cơ mà?

-Có lẽ cái này nó thành nếp từ lâu. Có thể vì họ cho rằng việc viết kịch bản là việc quá … đơn giản chăng. Biên kịch là người của công việc tiền kỳ, chứ không phải tại hiện trường hay hậu kỳ. Vì thế, người ta thường nhớ tới diễn viên, đạo diễn nhưng ít nhớ biên kịch, trừ những người gạo cội, nổi bật thực sự

Vậy mong muốn lớn nhất của một biên kịch trẻ như chị là gì? Sẽ là trở thành một biên kịch nổi bật để được tôn trọng như đúng ra phải thế chứ?

Tất nhiên, mong muốn với nghề thì cũng nhiều, nói một cách vĩ mô thì mong muốn trong một ê kip làm phim, vị trí của biên kịch được đặt xứng đáng hơn, trân trọng hơn. Mong muốn nhỏ thôi thì là vẫn tiếp tục sống được với nghề, và chống cự được lại với sự cũ mòn đang ngày ngày xâm lấn.

Xin cảm ơn chị!

Theo laodong.com.vn