Hệ thống phương pháp dạy và học hát hợp xướng hệ đại học sư phạm âm nhạc (ĐHSPÂN) là tên đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của nhóm giảng viên âm nhạc trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Đề tài đã được nghiệm thu cấp cơ sở vào sáng 6/4 vừa qua.
Đề tài do nhóm tác giả thực hiện, gồm: ThS. Lê Vinh Hưng (chủ nhiệm) cùng các thành viên: TS. Nguyễn Thị Tố Mai, ThS. Nguyễn Thị Kim Anh, ThS. Trần Mai Tuyết, CN. Lương Minh Tân.
Nghệ thuật hợp xướng do các nhà truyền giáo phương Tây du nhập vào Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX. Ban đầu, hợp xướng Việt Nam có cấu trúc chưa chặt chẽ, ngôn ngữ chưa tinh luyện. Tuy nhiên, sang cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nền âm nhạc nói chung, nghệ thuật hợp xướng nói riêng tại Việt Nam đã có những khởi sắc nhất định. Hát hợp xướng càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong diện mạo nền âm nhạc nước ta. Nhận thức được điều này, nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật đã đưa môn Hát hợp xướng vào chương trình giảng dạy của mình.
ThS. Lê Vinh Hưng, chủ nhiệm đề tài
Hát hợp xướng rèn cho sinh viên hát nhiều bè, phát triển tư duy thẩm mỹ âm nhạc, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về dạy hát tập thể ở trường phổ thông. Tuy nhiên, việc giảng dạy môn học này hiện nay còn nhiều hạn chế: thiếu giáo trình, chưa có công trình, đề tài nghiên cứu chuyên sâu về xử lý ngôn ngữ lời Việt, hòa bè, cân đối tỷ lệ giữa các giọng… Do đó, đề tài Hệ thống phương pháp dạy và học hát hợp xướng hệ ĐHSPÂN do ThS. Lê Vinh Hưng, một giảng viên có nhiều năm giảng dạy môn Hát hợp xướng tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW, làm chủ nhiệm chính là một nguồn tài liệu có ý nghĩa thực tiễn và giá trị ứng dụng đối với hoạt động giảng dạy hợp xướng tại các trường giảng dạy âm nhạc hiện nay.
Đề tài chia làm 3 chương: Cơ sở lý luận và thực tiễn; Thực chất của hệ thống phương pháp dạy và học Hát hợp xướng và Vận dụng hệ thống phương pháp vào thực tiễn dạy và học Hát hợp xướng cho sinh viên hệ ĐHSPÂN.
ThS. Nguyễn Hòa Bình phản biện đề tài
Đề tài có hình thức, cấu trúc cân đối, cách trình bày chặt chẽ, khúc chiết. Nhóm tác giả có kinh nghiệm nên thể hiện các khía cạnh của Hát hợp xướng một cách sâu sắc với nhiều minh họa thuyết phục. Những kết quả đạt được mới mẻ, không trùng lặp với các công trình nghiên cứu trước đó, do đó mang tính ứng dụng cao.
Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm: TS. Phạm Trọng Toàn (chủ tịch), ThS. Nguyễn Hòa Bình (phản biện 1), ThS. Lê Anh Tuấn (phản biện 2), TS. Trịnh Hoài Thu (Thư ký, ủy viên) và các ủy viên: TS. Nguyễn Thế Tuân, TS. Trần Hoàng Tiến, ThS. Đặng Thị Loan.
Sản phẩm khoa học của nhóm tác giả thực hiện đề tài: 1 Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài; 1 Báo cáo tóm tắt của đề tài; 1 Kỷ yếu hội thảo, 2 Bài báo khoa học và 1 Hệ thống phương pháp dạy và học Hát hợp xướng hệ ĐHSPÂN.
Hồng Hà