Tin tức – Sự kiện

Mỹ thuật Việt Nam thập kỷ 90 thế kỷ XX và những hệ luỵ (hay câu chuyện của các hoạ sĩ trẻ)

10 Tháng Tư 2011

 

 

LƯU THẾ HÂN-Lên chùa-khắc gỗ, 1991

Trong cuốn Hoạ sĩ trẻ Việt Nam - NXBMT năm 1996 - phần Phê bình và ước đoán, NPBMT Phan Cẩm Thượng có viết : “Lưu ý rằng thành đạt của nghệ thuật 5 năm qua 1990 -1995 là kết quả bức xúc của của 30 năm trước (1960-1990) với rất nhiều vấn đề xã hội và ngôn ngữ nghệ thuật chưa được giải quyết. Vậy thì những vấn đề căn bản đã được giải quyết xong thì hội hoạ tất yếu suy thoái mà tác phẩm lớn lao vẫn chưa ra đời… ” . 10 năm đầu tiên của thế kỷ XXI đã qua và những quả ngọt cũng như trái đắng cũng đã kết trái và phần ước đoán tiếp theo của NPBMT Phan Cẩm Thuợng “..Các bảo tàng và sưu tập tranh trong nước chắc chắn sẽ hối hận nếu không mua được tranh họa sĩ trẻ 5 năm qua. Các hoạ sĩ thì lãng phí tài năng của trời đất hun đúc vào họ sau trăm năm giao lưu văn hoá Đông Tây ở Việt Nam cuối thế kỷ này …”

Sau 2 thập kỷ, chúng ta có thể đánh giá tương đối rõ ràng những thành tựu mà mỹ thuật Việt Nam đã đạt được. NPBMT Phan Cẩm Thượng đã có những nhận xét “khá chuẩn” cho tương lai gần của MTVN. Thập kỷ 90 rực rỡ và huy hoàng đã là đích ngắm mà lớp hoạ sĩ mới của thập kỷ đầu tiên của thế 21 cố gắng vượt qua. Chính hình bóng rực rỡ ấy vừa là sự khích lệ, vừa là thách thức trải nghiệm cho các hoạ sĩ về sau. Và chính điều đó cũng tạo nên một số ảo tưởng về sự “thành danh dễ dàng và tiền kiếm như nước” trong một khoảng thời gian ngắn ngủi...

Hào quang rực rỡ của thập kỷ 90

Chẳng cần nói lại nhiều thì tất cả chúng ta đều biết vì quãng thời gian đó chưa hề xa. Có thể lý giải một số lý do đã tạo nên những kỳ tích đó.

1. Xoá bỏ bao cấp chính là cánh cửa thần kỳ, là cú hích mạnh mẽ cho hội hoạ. Những ấp ủ, dự định được phơi bầy, được thực hiện một cách thoải mái với các thể loại ngôn ngữ tạo hình trên mọi phương diện chất liệu. Vào những năm 70, 80 mỗi khi có hoạ sĩ nào nghiên cứu, nói chuyện vẽ, siêu thực hoặc trừu tượng sẽ bị nhiều cái nhìn không thân thiện từ phía cơ quan quản lý. Thậm chí, đã có những cuộc họp để phản đối hội hoạ trừu tượng. Thời kỳ đó, hội hoạ Việt Nam đang ở một trong những đỉnh cao mới sau những cây đại thụ Sáng, Nghiêm, Liên, Phái và sau cả một thế hệ hoạ sĩ kháng chiến được sống trong những năm tháng gian khổ và hào hùng của đất nước. Chính vì thế những năm 1990 là quãng thời gian lý tưởng để ngập tràn và rộ nở các hình thức nghệ thuật.

2. Nghệ thuật được mở rộng cửa đón thế giới đến với Việt Nam. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, Việt Nam đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế những khâm phục về một đất nước nhỏ bé mà anh dũng. Khi chúng ta mở cửa đón chào thế giới thì một phản xạ rất tự nhiên như việc một nhà hàng xóm lâu ngày hiếm khi mở cửa tiếp khách nay đã mở cửa và mời chào bạn bè. Du khách đổ xô đến Việt Nam vì tò mò, vì khâm phục và cũng vì muốn khám phá xem những con người anh hùng chống Pháp và Mỹ ấy đang sống một cuộc sống như thế nào?. Điều gì cũng khiến họ ngỡ ngàng và lạ lẫm. Và văn hóa luôn là những hình ảnh được tiếp thị đầu tiên. Đó là nghệ thuật kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc; đó là nhạc, là hát là sắc màu lễ hội dân gian...du khách muốn được sống trong không khí đậm chất bản địa ấy và hội hoạ là những thứ dễ gần và thu hút (chưa kể là có thể đem được về làm kỷ niệm...)

3. Hữu xạ tự nhiên hương bởi sự kiếm tìm ấy khiến các hoạ sĩ được thơm lây. Sự bùng nổ về thị trường hội hoạ chắc chắn không thể thiếu ảnh hưởng từ “ngoại tệ”. Thị trường tranh trở nên tấp nập và ồn ào. Có lúc “một số” hoạ sĩ vẽ đến đâu được mua đến đó. Tranh chưa kịp khô sơn đã có người mua.

Trong tất cả những ào ạt ấy... khi các hoạ sĩ đang “thăng hoa tột độ và ngất ngây” với những thành quả nghệ thuật của mình thì chắc chắn rằng họ cũng ít có thời gian để nghĩ vẽ cái gì mà thường là vẽ theo đơn đặt hàng của gallery. Đại khái là khách thích phong cách ấy, màu sắc ấy, lối vẽ ấy...cứ thế là vẽ thôi. Mọi thứ rất vội vã và rất nhanh.

Nhưng trong tất cả những cái vội vã và nhanh ấy, vô hình chung đã khiến cho hội hoạ Việt Nam có một sự hưng phấn mãnh liệt. Các hoạ sĩ được ngợi khen, khích lệ mà thành quả là những đồng đô la xanh ngọt ngào và quyến rũ. Một loạt các hoạ sĩ thành công, rất thành công không những về kinh tế mà còn cả vị thế nữa. Hội hoạ của họ tuôn chảy và ngôn ngữ được trải nghiệm, được đánh giá rất nhanh thông qua gallery rồi tới khách. Chúng ta phải cảm ơn các gallery bởi chính họ là những nhà trung gian tinh đời và nhanh nhậy. Một loạt hoạ sĩ đã nhanh chóng khẳng định được tên tuổi như Phạm Luận, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Hồng Việt Dũng, Lê Thanh Sơn, Đinh ý Nhi, Đinh Quân, Vũ Thăng, Quách Đông Phương, Đặng Xuân Hoà, Lê Quảng Hà...và rất nhiều hoạ sĩ khác.

Những loay hoay, kiếm tìm và khẳng định...

Chính những thành công rực rỡ và nhanh chóng ấy đã khiến lớp hoạ sĩ mới của thế hệ sau gặp phải nhiều khó khăn... giai đoạn này bắt đầu từ cuối những năm thập kỷ 90 và tới tận những năm gần đây. Tức là cũng phải 5 đến 10 năm.

Sau khi mở cửa với thế giới. Sự bỡ ngỡ và kiếm tìm cái mới của du khách đã qua đi. Hội hoạ dần chững lại và bắt đầu đi vào đúng quỹ đạo của nó. Trong khi các hoạ sĩ còn hoay hoay kiếm tìm cái mới và khẳng định những gì đã có thì ngôn ngữ Sắp đặt, Trình diễn và Video Art với ưu điểm đặc biệt của ngôn ngữ là đánh mạnh vào thị giác công chúng đang bắt đầu ào ạt. Chúng “chớp nhoáng” vì một số người “háo danh đánh bóng, lười sáng tác” ngỡ có thể tạo ra những tuyên ngôn mới. Nhưng ngôn ngữ tạo hình dù có biến chuyển thế nào đi chăng nữa cũng luôn lấy giá trị thẩm mỹ thị giác và văn hoá cốt lõi làm nền tảng thì sắp đặt, trình diễn không bao giờ có chỗ cho những kẻ hám danh và trục lợi. Một số họa sĩ hiếm hoi như: Đặng Thị Khuê, Nguyễn Bảo Toàn, Đào Anh Khánh, Trần Lương, Phạm Ngọc Dương, Đinh Gia Lê, Phạm Huy Phước... được coi là những hoạ sĩ hiếm hoi có “số má” về sắp đặt và trình diễn, được công chúng đón nhận. Trong đó phải kể đến Nguyễn Bảo Toàn với triển lãm sắp đặt Rằm Tháng Bảy “quá đỉnh”.

Song song với sắp đặt một số hoạ sĩ trẻ có tư duy thẩm mỹ tốt, cá tính mạnh, luôn có những tìm tòi, trăn trở và có những đầu tư lâu dài cho sáng tác. Các tác phẩm của họ mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại. Họ nhìn cuộc sống với nhiều cảm nhận khác nhau. Đề tài, hình ảnh nhiều khi là nghiệt ngã, đau đớn nhưng đều ở mức độ cảm thông và chia sẻ. Cái nhìn tích cực ấy gây được nhiều thiện cảm từ cộng đồng. Hội hoạ mang những thông điệp đầy tình cảm và sắp đặt trình diễn trở nên gần gũi hơn khi khơi gợi lại được những xúc cảm đời thường bằng những chủ đề của xã hội và con người mang đầy tính nhân văn. Các hoạ sĩ trẻ như Nguyễn Thanh Hoa, Lý Trần Quỳnh Giang, Dương Thuỳ Dương, Lê Quý Tông, Mai Duy Minh...là những gương mặt khá nổi bật khi trình diện những tác phẩm phản ánh được rất nhiều tâm trạng của xã hội.

Sau những sắp đặt và trình diễn ồn ào, sau những tuyên ngôn “ngất trời” mỹ thuật Việt Nam đã lắng lại, lặng lẽ hơn và bắt đầu đi vào chiều sâu. Đây là “sự tĩnh lặng” cần thiết; để bắt đầu của “sự bùng nổ”...

Sự định hình rõ nét cái gọi là dấu ấn cá nhân...

Đó chính là sự chuyên nghiệp hoá. Đây có thể gọi là sự khởi đầu mới trên bản đồ hình sin của mỹ thuật Việt Nam. Giai đoạn gây sốc, gây chú ý đã qua. Giờ đây, phần lớn những hoạ sĩ tạm định hình phong cách cá nhân đều bắt đầu đi tìm chiều sâu trong sáng tác. Các hoạ sĩ đã lấy mỹ cảm, tư duy thẩm mỹ, trình độ tri thức, văn hoá, tay nghề sáng tác, thời gian đầu tư làm điều kiện cần và đủ để thai nghén những tác phẩm sẽ ra đời. Hội hoạ Việt Nam đang đứng trước giờ đón chờ những tác phẩm lớn. Dấu ấn cá nhân của các hoạ sĩ đã đậm nét lên rất nhiều. Thậm chí, có một vài ý kiến rất tích cực từ phía các cơ quan quản lý nghệ thuật khi họ đang bắt đầu nhen nhóm ý tưởng về một triển lãm tạm gọi là “các hoạ sĩ đương đại thành danh” trong khoảng 20 năm trở lại đây.

Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc vừa diễn ra với nhiều dấu ấn cá nhân đọng lại. Các hoạ sĩ đang rất cố gắng vượt lên chính mình trong từng sáng tác. Chẳng có tuyên ngôn nào nhưng ai cũng nỗ lực hết mình. Có thể gọi tên họ qua tác phẩm. Phong cách nào được coi là thế mạnh đều được khai thác tối đa. Tất cả các chủ đề của cuộc sống, của xã hội được các hoạ sĩ quan tâm một cách toàn diện hơn trước đây rất nhiều. Những lời nhận xét “chua chát” kiểu : “các hoạ sĩ thời nay thiếu lý tưởng sống và sáng tác” đã nhường chỗ cho những ngợi khen. Hội hoạ đã sống chung đời sống của toàn xã hội. Nhiều hoạ sĩ đã chung tay góp sức với cộng đồng, với trẻ em nghèo bằng những hành động đầy tình thân ái, tương trợ như vẽ với các bệnh nhi ung thư, chất độc màu da cam. Chính vì thế những tác phẩm của họ phản ánh xã hội chân thực và nhân văn hơn nhiều. Sự hờ hững và nhạt nhoà cũng đang dần bị thay thế trong cả chủ đề lẫn kỹ thuật. Tranh lụa, tranh sơn dầu, giấy dó, tranh in, điêu khắc, sắp đặt, trình diễn... đều phát triển song hành.

Lời kết

Mỹ thuật Việt Nam đang biến chuyển tích cực cả về nội dung lẫn hình thức. Và theo đúng quỹ đạo của nó thì các hoạ sĩ trẻ “không hề lãng phí tài năng hun đúc của đất trời vào họ” mà chỉ ngày càng làm cho mỹ thuật Việt Nam phát triển hơn mà thôi. Hội hoạ đổi mới thập kỷ 90 đã có một thời kỳ rực rỡ như thời đầu vàng son của Mỹ thuật Đông Dương; cũng như sự quyết liệt , hào hùng thời kháng chiến và giờ đây chuẩn bị là thành quả tốt đẹp của cả một quá trình phát triển cùng dân tộc. Hội hoạ thập kỷ 90 chính là một mắt xích quan trọng của tiến trình ấy.

 

                                                                                                                   Theo vietnamfineart.com.vn