Tin tức – Sự kiện

Họa sĩ "nhí" chuyên vẽ tranh biếm họa giới quyền lực

10 Tháng Tư 2011

14 tuổi Joao Montanaro đã trở thành họa sĩ vẽ tranh biếm họa chính trị tại một tờ nhật báo hàng đầu của Brazil. "Người ta có thể cười đùa về một ai đó quyền lực hơn mình và cháu thích điều này", cậu bé chia sẻ.

Như mọi cậu bé Brazil ở tuổi 14, Joao Montanaro yêu bóng đá, chơi game.

Tuy nhiên cậu cũng đọc báo 2 tiếng mỗi ngày và đọc ké tạp chí tại các sạp báo địa phương. Thị hiếu đọc phong phú của cậu bao gồm từ tạp chí hài hước của Mỹ Mad cho tới tờ Le Monde Diplomatique của Pháp. Tiếp đó là những bản vẽ nguệch ngoạc của cậu - trên những tờ giấy rời rạc, trong sách phác thảo và gần đây là trên Fohla, tờ nhật báo lớn nhất của Brazil.

Giới chính trị và các độc giả trung thành của tờ báo khổ rộng Fohla 90 tuổi rất kinh ngạc khi biết cậu bé học lớp 9 này là thành viên mới nhất trong đội ngũ các nhà biếm họa bất kính của tờ báo. Joao Montanaro, một thiếu niên cao, mảnh khảnh đã trở thành họa sĩ tranh biếm họa với bút danh Joao M, đó là tên cậu thường ký dưới mỗi bức tranh trên trang xã luận của Folha de Sao Paulo mỗi thứ 7.

Joao nói: "Khi còn nhỏ, mọi người đều vẽ nhưng sau này họ ngừng lại. Tuy nhiên cháu vẫn tiếp tục vẽ bởi đó là một nhu cầu rất tự nhiên với cháu."

Folha de Sao Paula hay Nhật báo Sao Paulo có một quan điểm truyền thống là các chính trị gia tồn tại trên đời để được người khác vẽ tranh, cho dù đó là ông chủ của các vùng rừng núi tại Brazil hay cựu tổng thống nổi tiếng Luiz Inacio Lula da Silva. Joao chia sẻ, kể từ khi cậu đủ lớn để thấu hiểu sứ mệnh của tờ Folha, cậu đã hy vọng rằng mình cũng có thể vẽ tranh biếm họa các nhân vật quyền lực trên mục quan trọng nhất của tờ báo - trang xã luận.

Trong một buổi phỏng vấn gần đây tại studio trong nhà cha mẹ, cậu bé cho biết: "Cháu vẽ cả truyện tranh và phim hoạt hình nhưng cháu thích tranh biếm họa chính trị. Người ta có thể cười đùa về một ai đó có quyền lực hơn mình và cháu thích điều này."

 

Joao Montanaro. Ảnh: Washington Post

 

Sự xuất hiện của Joao trong giới truyền thông thành phố không phải là một hiện tượng bất thường.

Các phóng viên Brazil cho rằng vẽ tranh biếm họa chính trị tại đất nước họ đã có một lịch sử phong phú và đầy màu sắc. Trong đó thời hoàng kim diễn ra trong chế độ độc tài quân sự kéo dài 21 năm khi sự mơ hồ của tranh biếm họa có thể giúp thông điệp chính trị vượt qua các kiểm duyệt ngặt nghèo mà một bài báo thông thường không thể. Hiện Brazil có một nền dân chủ thịnh vượng nhưng việc phát hành báo đã giảm đáng kể đối với một số tờ báo lớn, ngay cả tờ Folha một thời hùng mạnh nay cũng chỉ bán được 300.000 bản mỗi ngày.

Các biên tập viên của Folha nhận thấy cơ hội làm một "cú giật gân" - và có thể hấp dẫn độc giả trẻ tuổi - bằng cách giới thiệu Joao. Ngay từ khi 12 tuổi cậu bé đã bắt đầu vẽ tranh minh họa cho phiên bản dành cho trẻ em của tờ báo có tên Folhinha. Vào tháng 5 khi vừa bước qua tuổi 14, cậu bé gia nhập đội ngũ họa sĩ tranh biếm họa của tờ báo với tác phẩm đầu tiên trên trang xã luận.

Mario Kanno, trưởng phòng mỹ thuật của Folha, nhận xét về trang xã luận như sau: "Chúng tôi nảy ra ý tưởng mời cậu bé vào trang quan trọng nhất của tờ báo để thể hiện rằng tờ báo chí không phải chỉ dành cho người già. Vẫn luôn có chỗ cho những người trẻ tuổi."

Mario Barbosa, bố của Joao, cho biết ông khuyến khích con trai mình vẽ từ khi cậu mới khoảng 7, 8 tuổi. Hồi đó, Joao thường leo vào lòng bố để đọc sách, một số sách có rất nhiều tranh minh họa, một số khác có rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ tranh biếm họa nổi tiếng nhất của Brazil.

Joao nói cậu còn quá nhỏ để có thể hiểu được thông điệp trong các bức tranh nhưng rất ấn tượng với nghệ thuật trong đó. "Với cháu hồi ấy, chúng chỉ đơn giản là những bức vẽ bởi cháu chưa hiểu được ý tưởng. Vì vậy cháu tập vẽ lại như một cách học vẽ."

Tính tò mò tự nhiên của Joao sau này thúc đẩy cậu nghiên cứu sâu hơn tác phẩm của các họa sĩ tranh biếm họa và tranh minh họa đến từ các quốc gia bên ngoài Brazil, trong đó có Charles Schulz, tác giả truyện "Peanuts" và họa sĩ tranh minh họa thương mại Jim Flora rất nổi tiếng trong giới quảng cáo chuyên nghiệp tại New York.

Tuy nhiên theo Joao, cảm hứng lớn nhất của cậu đến từ tác phẩm của các họa sĩ tranh biếm họa chính trị người Brazil, đặc biệt là Arnaldo Angeli Filho, họa sĩ tranh biếm họa nổi danh hàng đầu trong nước. Joao nhớ lại cảm xúc của mình khi xem một quyển tranh biếm họa của Angeli và đồng nghiệp: "Cháu thốt lên: "Ôi trời ơi, mình cũng muốn làm được như vậy."

Làm việc trong một phòng nhỏ gần bếp trong nhà riêng, Joao chuyển từ vẽ về sự phức tạp trong xã hội Brazil hiện đại sang các bức vẽ trào phúng về tình trạng hỗn loạn tại Trung Đông.

Năm ngoái cậu thực hiện một bức vẽ được nhiều người đón nhận khi Lula, Tổng thống lúc bấy giờ, đang bị chỉ trích vì bỏ quá nhiều thời gian vào cuộc vận động giúp Dilma Rousseff, cựu thư ký của mình, trong cuộc bầu cử tổng thống. Trong bức vẽ này, lưỡi của Lula - có viết tên "Dilma" trên đó - thò ra bên ngoài miệng, cuốn lấy toàn bộ cơ thể.

Trong một bức tranh khác xuất bản một vài ngày sau trận động đất tại Nhật, Joao sử dụng bức tranh vào thế kỷ 19 có tên "Sóng lừng ở Kanagawa" của họa sỹ nổi tiếng người Nhật Katsushika Hokusai và vẽ cảnh bức tranh đang làm chao đảo xe cộ, nhà cửa.

Kanno, trưởng phòng mỹ thuật của tờ Folha, nhận xét: "Đối với một cậu bé 14 tuổi thì đó là một suy nghĩ rất sâu sắc."

 

Theo tuanvietnam.vietnamnet.vn