Nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 9 lần đầu tiên nhiều nghệ nhân dân gian sẽ được Nhà nước xét phong tặng nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Thế nhưng đến nay, một số bộ, ngành vẫn đang “tranh cãi” về thông tư hướng dẫn...
|
Nghệ nhân Hà Thị Cầu biểu diễn tối 4-1-2011 tại Hà Nội trong sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. “Báu vật sống của nghệ thuật hát xẩm” đang ở tuổi 94 - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
|
Nhằm đuổi kịp giai đoạn nước rút, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã hoàn chỉnh và gửi đến một số bộ, ngành có liên quan góp ý dự thảo thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng cho kịp đến ngày 2-9 sẽ là đợt đầu tiên Nhà nước tôn vinh nghệ nhân dân gian. Tuy nhiên một số bộ cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu vì nếu ban hành sẽ dẫn đến chồng chéo.
Nghệ nhân lặng lẽ ra đi...
Từ lâu, nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách tôn vinh và xây dựng chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian - được gọi một cách trân trọng là “báu vật nhân văn sống”. Những nghệ nhân dân gian khi được tôn vinh và có chế độ đãi ngộ có thể yên tâm dành nhiều thời gian, công sức còn lại để giao truyền những bí quyết mình đang nắm giữ cho thế hệ trẻ.
Lật lại đống tài liệu cũ cách nay gần chục năm, Cục Di sản văn hóa Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) đã phối hợp với Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Bắc Ninh tiến hành điều tra, nghiên cứu để phong tặng nghệ nhân dân gian tiêu biểu, đi kèm là những chế độ đãi ngộ dù nhỏ.
Thời gian ấy, các liền anh, liền chị quan họ tổ chức bình bầu rất sôi nổi, thậm chí “so kè” nhau từng li từng tí để đáp ứng đủ tiêu chí đề ra. Ðầu năm 2004, các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết đề án thí điểm “Nghiên cứu xây dựng danh sách nghệ nhân quan họ tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh”, đã lập được danh sách với 59 nghệ nhân, trong đó bình chọn được sáu nghệ nhân để tôn vinh là nghệ nhân quan họ tiêu biểu.
Những tưởng các nghệ nhân này sẽ được Nhà nước tôn vinh và có chế độ đãi ngộ thí điểm, sau đó nhân rộng ra cả nước. Ðùng một cái, khi trình lên cấp có thẩm quyền thì cách làm này bị vướng luật, nên đành gác lại đến khi luật sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa ra đời năm 2009. Trong số các nghệ nhân được bình chọn ngày đó đến nay hầu hết đã về thiên cổ và chưa một lần được nhận bằng danh hiệu của Nhà nước chứ chưa nói đến chính sách đãi ngộ. Cách đây gần hai năm, cụ Nguyễn Ðức Sôi - một trong những nghệ nhân quan họ cuối cùng - đã ra đi, mang theo nhiều kiến thức, tài năng về dân ca quan họ.
Nhìn ra khỏi vùng quan họ một chút thì năm ngoái chúng ta tiếc nuối vĩnh biệt cụ Trần Kích, người được xem là nghệ nhân cuối cùng của nhã nhạc cung đình Huế, rồi đến nghệ nhân kèn saranai Trượng Tốn cũng đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi ngoài 70. Hầu hết những “báu vật nhân văn sống” đã về với thế giới bên kia đều chưa một lần nhìn thấy tấm danh hiệu do Nhà nước trao tặng. Ðến đây, người viết lại nhớ câu nói của nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu khi được ban tổ chức mời lai kinh trình diễn hát xẩm vào đầu năm nay: “Ðây là lần cuối cùng tôi nhận lời. Vì tôi sức đã cạn, lực đã tàn, không đi lại được nữa”. Cũng đã gần đến cuối đời rồi mà cụ Hà Thị Cầu nghèo khó (“Bà Cầu bị ốm” - Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 29-3-2009) cũng chưa nhận được tấm bằng vinh danh. Không biết cụ Cầu có chờ được đến ngày đó.
Góp ý nước đôi
Dự thảo thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT mà Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch gửi lấy ý kiến các bộ, ban ngành có liên quan bao gồm 4 chương và 17 điều. Các bộ, ban ngành cũng đã có sự phản hồi khá tích cực về dự thảo thông tư này. Tuy nhiên những ý kiến góp ý đều rơi vào “nước đôi”, nghĩa là một mặt tán thành với nội dung dự thảo thông tư đặt ra, mặt khác đề nghị cần nghiên cứu lại để tránh sự chồng chéo, trùng lắp với một thông tư khác.
Theo đó, Bộ Công thương cho rằng từ tháng 1-2007 bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình và hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT mà đối tượng chính là nghệ nhân dân gian làm nghề thủ công truyền thống. Ðể tránh sự chồng chéo và tập trung, chỉ nên có một cơ quan làm đầu mối, Bộ Công thương đề nghị các bộ ngành có liên quan cần ngồi lại với nhau để làm chung một thông tư mới về các đối tượng có liên quan. Bộ Tài chính, Ban thi đua khen thưởng trung ương (Bộ Nội vụ) và Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cũng chung quan điểm như vậy.
Về những ý kiến còn khác nhau này, một vị lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết thông tư của Bộ Công thương ban hành từ tháng 1-2007 chủ yếu tập trung vào đối tượng nghệ nhân nghề thủ công truyền thống. Còn dự thảo thông tư do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch soạn thảo đã đề cập các nghệ nhân dân gian thuộc các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Cần nhấn mạnh, nghệ nhân dân gian làm nghề thủ công truyền thống chỉ là một trong tám lĩnh vực của di sản văn hóa phi vật thể, hiện đang được giao cho Bộ Công thương tổ chức xét tặng danh hiệu. Trong khi đó, các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có tính đặc thù đòi hỏi phải có chuyên môn cao lại đang được giao cho Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch quản lý.
Với việc các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục “tranh cãi” chưa dứt về vấn đề này thì đến nay không ai có thể biết được bộ, ngành nào muốn cầm cương đứng ra chủ trì trong việc tổ chức xét tặng. Phải chăng với những ý kiến nêu ra (đã ban hành thông tư hướng dẫn việc phong tặng cách đây gần bốn năm và đã tổ chức phong tặng lần 1) thì Bộ Công thương sẽ sẵn sàng làm đầu mối và chịu trách nhiệm? Nhưng bên cạnh đó, việc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn, xét tặng NNND, NNƯT trong lĩnh vực do mình quản lý cũng không sai so với luật định. Xem ra ai cũng có lý lẽ để bảo vệ thẩm quyền của mình.
NGUYỄN DƯƠNG
Theo tuoitre.vn