Lời tòa soạn: Ngày 21/4, VietNamNet nhận được bài viết của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books về buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận với những ấn tượng mà ông "quá ngạc nhiên": Đến bộ trưởng – bận như vậy - mà vẫn thường xuyên đọc sách, đi mua sách và có những kỹ năng đọc sách đáng học tập. Dưới đây là bài viết của ông Hùng và mong nhận được trao đổi của bạn đọc về vấn đề đưa ra trong bài viết.
Có những doanh nhân kêu không có thời gian đọc sách. Nhiều bạn trẻ, kể cả sinh viên cũng lười đọc sách. Nhiều người quen của tôi không tiếc tiền ăn nhậu, mua sắm nhưng mua sách thì lại tiếc tiền. Buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cuối giờ chiều qua làm tôi quá ngạc nhiên: Đến bộ trưởng – bận như vậy - mà vẫn thường xuyên đọc sách, đi mua sách và có những kỹ năng đọc sách đáng học tập.
Chúng tôi bất ngờ nhận được điện thoại từ anh Trịnh Xuân Hiếu, Phó chánh Văn phòng kiêm thư ký bộ trưởng rằng chiều muộn, sau 17h, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận sẽ tiếp nhân dịp Tết Sách 23/04.
Tôi cùng đồng nghiệp có mặt tại văn phòng Bộ trước giờ hẹn 15 phút. Anh Hiếu cho biết, sáng mai Bộ trưởng sẽ đi công tác nên sẽ rất ngắn, chủ yếu bàn về việc phát triển văn hóa đọc. Anh Hiếu cũng dặn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận rất cụ thể nên cần đi sâu vào việc bàn bạc các ý tưởng và chương trình hành động.
Ngay đầu buổi nói chuyện, Bộ trưởng đã chia sẻ những cảm nhận của mình về văn hóa đọc và phương pháp đọc sách hiệu quả của chính mình. Chúng tôi khá bất ngờ trước cách đọc sách của ông. Và có lẽ tôi sẽ sử dụng các kinh nghiệm quý giá của Bộ trưởng trong những lần nói chuyện với các cơ quan, doanh nghiệp và sinh viên học sinh về văn hóa đọc và kỹ năng đọc sách siêu tốc.
Bộ trưởng đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng phương pháp đọc sách hiệu quả. Ông nhấn mạnh rằng cả 2 góc độ không đọc sách và đọc nhiều nhưng không có phương pháp đều nguy hiểm như nhau.
|
Một thú vị là Bộ trưởng gợi ý: ngoài việc đến các trường học và cơ quan nói chuyện về sách, văn hóa đọc, kỹ năng đọc sách siêu tốc, chúng tôi cần tổ chức nói chuyện và bàn luận về nội dung từng cuốn sách cụ thể. Chính việc truyền tải nội dung các cuốn sách sẽ kéo bạn đọc đam mê sách hơn, đọc sách nhiều hơn. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề xuất nên tập trung vào các cuốn sách và các tác giả Việt Nam trước.
Bộ trưởng đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng phương pháp đọc sách hiệu quả.
Ông nhấn mạnh rằng cả 2 góc độ không đọc sách và đọc nhiều nhưng không có phương pháp đều nguy hiểm như nhau.
Cũng qua buổi tiếp chúng tôi, một thông tin quý giá được phát hiện: Trong quá trình làm việc từ khi còn giảng dạy cho tới lúc đảm nhận cương vị Bộ trưởng, thầy Phạm Vũ Luận luôn chú trọng hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh cũng như những đồng nghiệp trẻ cách thức đọc sách, thu nhận và xử lí thông tin sao cho có hệ thống và hiệu quả. Phương pháp đọc sách của ông gồm ba bước: Tập luyện, Tu luyện và Tinh luyện. Đó là quá trình biến những kiến thức trong sách vở thành kiến thức của bản thân, để người trí thức thực sự có tri thức chứ không trở thành nô lệ của sách vở.
Ông cho rằng, việc thúc đẩy văn học nếu không được tiến hành đồng thời với việc xây dựng kĩ năng đọc sách thì hiệu quả mang lại sẽ không cao.
Bộ trưởng nhấn mạnh thêm rằng nhiều bạn trẻ ngày nay do ít đọc nên cái gì cũng tìm trên mạng. Và lười nhớ. Chính vì vậy, cần đọc sách không chỉ để có tri thức mà luyện trí nhớ luôn.
Ông cũng nói rằng, nếu đọc quá nhiều, không biết “xả” tri thức ra cũng thật là đáng trách. Chia sẻ tri thức rất cần thiết. Bộ trưởng Pham Vũ Luận cũng cho biết ông sẵn sàng đến các trường học và cơ quan chia sẻ kinh nghiệm về văn hóa đọc và cách đọc sách và sử dụng tri thức từ sách.
Ít tai biết, ngay cả khi bận bịu với công việc của một Bộ trưởng, ông vẫn dành không dưới 1 lần mỗi tháng đi vào các cửa hàng sách tự chọn để xem, chọn và mua sách.
Giờ, ông chỉ đọc những cuốn sách quan trọng nhất, cần thiết nhất. Đống sách “trong bọc ni lông kia” ông để dành khi nào về hưu sẽ đọc
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, ông có thói quen để sách ở mọi nơi để có thể tranh thủ thời gian đọc, ghi chép và suy ngẫm.
Không ít lần, ông bị vợ trách vì bất kì trong chiếc cặp công tác nào của mình cũng đều có một cuốn sách đang đọc dang dở.
Ông còn nói vui: “Từ hồi mình làm Bộ trưởng, mất cả thú vui đọc sách suốt đêm vì phải đảm bảo sức khỏe để làm việc của ngày hôm sau. Bởi nếu mà cầm đến sách sẽ đọc hết đêm mất”.
Tôi bất ngờ khi ông chia sẻ rằng ông mua và được tặng rất nhiều sách nhưng phải bọc ni-lông để cất đi. Ông hỏi tôi có biết tại sao không? Tưởng rằng, ông trả lời mình bận không có thời gian đọc sách. Thì ra, Bộ trưởng nói, nếu để trước mặt, ông sẽ đọc cả ngày, cả đêm mất. Đã đọc là không dứt ra được. Sách quyến rũ mà mê hoặc ông quá! Giờ, ông chỉ đọc những cuốn sách quan trọng nhất, cần thiết nhất. Đống sách “trong bọc ni lông kia” ông để dành khi nào về hưu sẽ đọc!
Trong buổi nói chuyện, tôi có tặng Bộ trưởng bộ sách của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Ông rất thích và nói rằng mình học được rất nhiều từ con người này. Và rằng các bạn trẻ cần đọc Nguyễn Khắc Viện cũng như đọc những “bộ óc” vĩ đại khác để biến tri thức và kinh nghiệm của họ thành của mình.
Theo vietnamnet.vn