Tin tức – Sự kiện

Chuyện về 4 sinh viên xuất sắc nhận học bổng của CHLB Đức

29 Tháng Tư 2011
Đến từ các trường đại học khác nhau nhưng Thanh Long, Kim Nhãn, Ngọc Trân, Hoài Em đều có điểm chung là cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình để đạt thành tích học tập tốt nhất.

Chúng tôi vừa gặp bốn bạn sinh viên có kết quả học luôn ở mức “đỉnh” này trong một buổi trao học bổng mới đây ở Trường ĐH Cần Thơ.

Nguyễn Thanh Long sinh năm 1990 tại huyện Măng Thít (Vĩnh Long), hiện học năm thứ ba ngành Ngữ văn, Trường ĐH Cần Thơ.
 
Nhà chỉ có một công ruộng nên đời sống gia đình Long gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, Long vẫn được đến trường và từ năm cấp 1 đến cấp 3, Long luôn đạt học sinh khá giỏi. Không phụ lòng cha mẹ, Long thi đậu vào Trường ĐH Cần Thơ. Niềm vui bước chân vào giảng đường ĐH chưa được bao lâu thì bất ngờ cha Long bị bệnh và qua đời. Gánh nặng kinh tế gia đình đè lên vai của người mẹ ngoài 60 tuổi. Một công ruộng, lúa thì thu hoạch theo mùa nên không thể lo đầy đủ cho cuộc sống của hai mẹ con cũng như việc học hành của Long.

“Vào ĐH, để tiếp đỡ đần cho mẹ, em xin đi làm gia sư hay những ngày lễ 8/3, 14/2, 20/11…, em hùn vốn với bạn để đi bán hoa hồng kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí học tập” - Long tâm sự.

 

Nguyễn Thanh Long - sinh viên năm thứ ba ngành Ngữ văn, Trường ĐH Cần Thơ.

 

Trong 2 năm học ĐH, Long luôn đạt được kết quả học tập khá giỏi. Học kỳ 1 năm thứ 3 vừa rồi, Long chính thức tăng thành tích lên mức xuất sắc. Chính kết quả này đã mang Long đến với học bổng của CHLB Đức, trị giá 5,2 triệu đồng.

Không chỉ học giỏi, Long còn là một “tay” hoạt động phong trào cừ khôi của lớp cũng như của Hội Sinh viên tỉnh Vĩnh Long ở ĐH Cần Thơ. Với việc tích cực hoạt động, sôi nổi trong các phong trào, Long được “thăng chức” lên Chi hội phó Sinh viên huyện Măng Thít. Có “chức vụ”, Long càng tích cực hơn nữa với các hoạt động như mùa hè xanh, hiến máu tình nguyện… được Hội Sinh viên trường đánh giá cao.

Long cho biết, ước mơ sau này ra trường được trở thành một biên tập viên của Đài PTTH Vĩnh Long phù hợp với ngành Ngữ văn mà mình đang học.

Trần Thị Kim Nhãn sinh năm 1990), quê ở huyện Tân Thạnh (Long An), đang học năm thứ 3 ngành Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Đồng Tháp. Nhãn cho biết cha mẹ bạn làm ruộng để nuôi 4 chị em Nhãn học hành. Người chị đầu sau đó có chồng ở riêng, Nhãn còn 1 em gái đang học 12 và 1 em trai đang học lớp 6, cũng đều học rất giỏi. Bản thân Nhãn từ hồi cấp 1 đến cấp 3 luôn giữ vững thành tích là học sinh khá giỏi. Nhãn chia sẻ: “Cha mẹ làm ruộng nuôi 5 miệng ăn, thêm việc học hành của tụi em nên hoàn cảnh luôn thiếu trước hụt sau. Vì thế, lúc nào trong thâm tâm em cũng luôn đặt thành tích học tập tốt lên hàng đầu để không phụ lòng của gia đình”.

Năm học thứ nhất, Nhãn chỉ được kết quả khá. Nhãn rất buồn và quyết tâm cố gắng hơn nữa. Sang năm thứ hai, Nhãn “tăng” thành tích lên giỏi và học kỳ 1 năm thứ 3 vừa rồi, Nhãn nâng thêm 1 bậc với kết quả xuất sắc. Nhãn bộc bạch: “Em sẽ cố gắng giữ thành tích này cho đến khi ra trường để có thể phần nào đó dễ xin được việc làm. Kết quả này cũng sẽ làm cho cha mẹ em vui hơn”.

 

Trần Thị Kim Nhãn - sinh viên năm thứ 3 ngành Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Đồng Tháp.

 

Học đã xuất sắc, trong phong trào Nhãn cũng không kém cạnh. Là lớp trưởng lãnh đạo một lớp toàn “thầy cô tương lai”, Nhãn luôn đi đầu trong các hoạt động.

Với kết quả học tập ở mức “đỉnh” và hoạt động phong trào tích cực, Nhãn nhận được học bổng khuyến khích của trường, dù không nhiều nhưng cũng phần nào dành dụm để lo chi phí học tập. Mong muốn của nữ sinh viên này được về quê dạy học và trở thành một giáo viên giỏi.

Trò chuyện với chúng tôi, Ngô Ngọc Trân (sinh năm 1989, quê ở TP Sóc Trăng) - nữ SV có “chức vụ cao nhất” trong Hội Sinh viên tỉnh Sóc Trăng cho biết vì hoàn cảnh gia đình, hai chị em về ở với người dì suốt chục năm nay. Nhà dì Trân cũng gặp khó khăn nên khi thi đậu vào ngành Sư phạm Địa lý - Trường ĐH Cần Thơ, Trân đã tự mình lo cho việc học. Trân cho biết: “Do Nhà nước có chính sách cho sinh viên vay tiền nên em đăng ký vay để đỡ đần cho dì. Trong 3 năm học qua, chủ yếu em dùng tiền vay để đóng học phí và các khoản khác”.

Tuy nhiên, số tiền vay cũng không đủ trang trải nên Trân quyết đi làm thêm. Thời gian đầu, Trân đi chạy bàn ở các quán cà phê. Sau đó, Trân đi bán bánh mì vào những buổi sáng hay buổi tối để kiếm thêm thu nhập lo cho bản thân và phụ dì lo thêm cho đứa em gái.

Dù cuộc sống vất vả như vậy nhưng Trân luôn đạt được thành tích học tập đáng nể: năm học thứ nhất cô bạn đạt kết quả giỏi, năm thứ 2 tiếp tục giỏi và năm 3 tăng thành tích lên mức xuất sắc.

Là Liên chi hội trưởng Chi hội Sinh viên tỉnh Sóc Trăng, Trân rất bận rộn những khi có chương trình hoạt động dành cho sinh viên. Khi chúng tôi hỏi, việc học đã nhiều, thế thời gian đâu Trân lo việc phong trào, Trân bộc bạch: “Em luôn biết sắp xếp việc học và việc của Hội bởi lúc nào em cũng lên kế hoạch hàng tuần, hàng tháng cho mình. Em rất vui khi thành tích học tập em được tốt và vui hơn khi mình có thể hòa đồng cùng các bạn sinh viên trong các phong trào vì mục đích từ thiện xã hội”.

 

Ngô Ngọc Trân - Liên chi hội trưởng Chi hội Sinh viên tỉnh Sóc Trăng.
 
Nguyễn Hoài Em (sinh năm 1986) quê ở tận thị xã Tân Châu, một trong những địa bàn xa nhất của tỉnh An Giang. Nhà của Hoài Em có đến 5 anh chị em nhưng chỉ một Hoài Em được gia đình ưu tiên cho đến trường.

Hoài Em tâm sự: “Nhà em khó khăn lắm, ba em đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi gia đình. Do quá khó khăn nên mấy người anh của em cũng đi làm mướn kiếm sống. Em rất vui khi gia đình luôn ưu tiên em đến trường”.

Để không phụ lòng sự ưu ái của gia đình, Hoài Em cố gắng học qua cấp 2, cấp 3 rồi thẳng tiến vào giảng đường ĐH. Hiện Hoài Em đang học năm cuối ngành Sư phạm Địa lý - Trường ĐH An Giang.

 

Sinh viên Nguyễn Hoài Em đến từ Trường ĐH An Giang.

 

Khi vào ĐH, chi phí tăng lên nên ngoài việc học, Hoài Em làm một số việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập trang trải việc học. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng kết quả các năm học của Hoài Em luôn đạt loại giỏi. Ngoài ra, cậu bạn cũng tích cực tham gia các hoạt động như tư vấn mùa thi, tư vấn tuyển sinh và các hoạt động cộng đồng khác và được Đoàn trường đánh giá cao.

 

Theo dantri.com.vn