Tin tức

Rùng hết cả mình vì phim Việt

05 Tháng Năm 2011
 "Phim Việt Nam tôi ít xem vì cứ xem là hắt hơi liên tục. Hắt hơi vì phim dở quá", NSND Thế Anh thẳng thắn nói về chất lượng phim Việt.



Diễn xuất của hai diễn viên tay ngang trong "Xin thề anh nói thật" thiếu thuyết phục.


Rất nhiều bộ phim truyền hình hiện nay, dù là phát sóng giờ vàng, bị cả giới trong nghề lẫn khán giả kêu ca rất nhiều về mặt chất lượng. Đặc biệt, nhiều diễn viên tay ngang đã bộc lộ diễn xuất có vấn đề khi được giao vai chính trong các bộ phim dài hơi. Do họ đã bị đặt nhầm chỗ hay đạo diễn đã quá cẩu thả còn nhà sản xuất thì vô trách nhiệm với người xem? Tiếp tục mạch bài liên quan đến chất lượng phim Việt, VietNamNet đã tìm gặp các nghệ sĩ có tiếng để tìm nguyên nhân của sự xuất hiện ngày càng nhiều những vai diễn thảm họa trên màn ảnh.


NSND Thế Anh: Do đạo diễn dốt




NSND Thế Anh tại Hà Nội. Ảnh chụp tại ĐH Hội điện ảnh lần thứ VII, tháng 7/2010.


Phim Việt Nam tôi ít xem vì cứ xem là hắt hơi liên tục. Hắt hơi vì phim dở quá. Xem phim của VN mà rùng hết cả mình. Diễn viên bây giờ đa phần là không có học, là tay ngang, ví dụ là người mẫu, ca sĩ nhảy sang đóng phim. Nghề của tôi là nghệ thuật điện ảnh, phải xuất phát từ nội tâm nhân vật, xuất phát từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Một bộ phim người ta nhớ lâu là nhờ câu chuyện sâu sắc và diễn xuất phải chân thật, thật như ngoài đời. Còn bây giờ, các em, các cháu cứ chạy theo ngoại hình.

Một phần do lỗi các cháu, một phần cũng do ông đạo diễn dốt nữa. Do vậy một bộ phim có hay hay không là do trách nhiệm của ông đạo diễn. Tôi không thể hình dung tại sao ông Phi Tiến Sơn lại làm một bộ phim như thế (Xin thề anh nói thật - PV). Xin lỗi, một bộ phim vớ va vớ vẩn, coi thường khán giả một cách khủng khiếp. Tôi ngồi xem mà đỏ mặt vì xấu hổ. Một anh đi tán gái, hẹn các cô rồi đùa đùa cợt cợt chẳng ra làm sao cả. Tại sao nhà nước mình lại phí tiền làm những bộ phim như vậy?


Tôi thương nhất là khán giả vì họ toàn phải xem hàng nhái. Đi chợ đã mua phải toàn hàng nhái rồi, nghệ thuật bây giờ cũng toàn hàng nhái nữa. Tôi cũng không hiểu nổi tại sao người ta lại cho phát sóng những bộ phim như vậy? Buồn nhất là nghệ thuật điện ảnh của mình xuống quá còn những người cho phát những phim đó rất coi thường khán giả. Bây giờ tôi không đóng phim nữa. Làm việc với những ông đạo diễn không có chuyên môn mới tốt nghiệp ra trường thì mang cái mặt mình ra làm cái gì. Nói thật là nhiều người đến mời nhưng tôi tìm cách từ chối khéo vì trông thấy ông đạo diễn mình đã rùng mình rồi.


NSƯT Minh Châu: Diễn chung mà như độc diễn




NSƯT Minh Châu (trái) tới nhận giải Cánh diều cho Nữ diễn viên truyền hình xuất sắc nhất.


Nhiều người có năng khiếu, vào phim một cái là ăn luôn. Còn có người không có năng khiếu, chẳng qua là người ta đẹp, có được cái hình thức trong khi các đạo diễn cứ thích lấy một gương mặt lạ, một gương mặt nổi tiếng, một gương mặt xinh đẹp vào vai. Không phải là họ dễ dãi, họ cũng tính toán chán rồi rằng người mẫu ấy, ca sĩ ấy, hoa hậu ấy có khi diễn yếu một chút nhưng có ngoại hình kéo lại. Do vậy chọn diễn viên nào nhiều khi do cả quan niệm của người đạo diễn nữa. Thêm nữa, đôi khi người bỏ tiền ra làm phim yêu cầu đạo diễn phải lấy anh diễn viên này, cô hoa hậu kia vào phim. Chưa chắc người đạo diễn đó đã thích diễn viên ấy đâu nhưng họ đành phải chiều theo nhà đầu tư. 

Là những người có nghề, khi diễn cùng các diễn viên trẻ chúng tôi cũng hay góp ý lắm. Người ta nói diễn viên khi diễn với nhau thì phải kẻ tung người hứng mới hay được. Do vậy chúng tôi luôn cố gắng làm thật ăn ý những cảnh diễn chung với nhau. Thậm chí nhiều cảnh cảm động chúng tôi còn diễn mồi cho các diễn viên trẻ với mong muốn bộ phim sẽ tốt hơn. Nhưng cũng không thể lại được bởi đâu phải lúc nào họ cũng diễn với mình mà còn diễn với những người khác nữa. Nhiều khi diễn với họ mình cảm giác bị chuội đi, cứ như là một mình mình độc diễn. Tuy nhiên, một bộ phim gây ấn tượng không tốt với khán giả đâu chỉ do lỗi của riêng diễn viên. Đầu tiên do kịch bản dở rồi đạo diễn xử lý cũng dở nốt. 

Đạo diễn Trọng Trinh: Đóng hết phim rồi mới nhập vai!




ĐD Trọng Trinh (áo trắng) trả lời phỏng vấn tại trường quay.

Việc đào tạo diễn viên mỗi năm được bao nhiêu người? Bao nhiêu năm mới được một khoá? Trong khi lượng phim mỗi năm lại không ngừng tăng lên. Do vậy nói thẳng ra là với số lượng diễn viên chuyên nghiệp như hiện nay thì thực sự quá thiếu. Chưa kể các diễn viên đó còn nằm ở các đoàn, sở nữa nên họ tham gia làm phim rất khó khăn. Lượng diễn viên phục vụ cho bộ phim không đủ nên cần đến các diễn viên tay ngang. Vấn đề ở đây là người diễn viên đuợc mời tham gia có thời gian để trải nghiệm, để chuẩn bị trước khi phim bấm máy và có năng lực hay không. Diễn viên tay ngang đòi hỏi phải có năng lực cực lớn vì trong thời gian ngắn họ phải đóng một bộ phim dài hơi trong khi không được đào tạo một cách bài bản. Có thể phim này họ hợp nhưng phim kia lại không hợp vì họ không phải là diễn viên chuyên nghiệp.

Khi mời diễn viên, đương nhiên nhiều đạo diễn phải chịu sức ép từ nhà sản xuất. Tuy nhiên người đạo diễn đó phải có sự chọn lựa và cân nhắc xem diễn viên ấy có đủ năng lực để nhận vai đó hay không. Khi đã không có ý kiến gì thì người đạo diễn đó buộc phải đào tạo diễn viên ấy, phải nhào nặn thế nào để người diễn viên đó làm tốt vai diễn của mình. Với số lượng diễn viên quá ít như hiện nay thì càng có nhiều người tham gia đóng phim càng tốt. Nhưng mới không có nghĩa là không biết diễn và đòi hỏi người đạo diễn càng phải khắt khe hơn với họ. Trước đây tôi cũng đã từng thử sức với nhiều diễn viên mới như Lý Anh Tuấn trong Ban Mai Xanh hay Phan Anh trong Cầu vồng tình yêu sắp phát sóng chẳng hạn. Với những diễn viên lần đầu đóng phim thì mình phải chấp nhận mất thời gian quay nhiều đúp, nắn nhiều lần.

Không có nhiều thời gian xem phim truyền hình nhưng tôi cũng thấy nhiều diễn viên chưa hoà vào được với nhân vật và có cái gì đó gượng gạo. Phải chăng do quay quá nhanh nên họ chưa định thần được? Chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau là nhiều diễn viên bây giờ khi đóng hết rồi mới nhập vai. Khi hết phim mới thấy đúng vai. Với diễn viên chuyên nghiệp, khi nhận vai họ biết ngay sẽ phải diễn thế nào và tính toán xây dựng nhân vật ra sao còn với diễn viên tay ngang thì rất khó. Với thời lượng quay như hiện nay, diễn viên tay ngang theo không kịp nên xem cứ thấy nhạt nhoà, vai diễn không có sức hút khiến người xem nhàm chán. 



                                                                                                                                     Theo vietnamnet.vn