Lần đầu tiên, những lo lắng về hệ lụy từ âm nhạc cho thiếu nhi đã chính thức trở thành tâm điểm của một hội thảo khoa học do Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức vào ngày 24/5 và thu hút nhiều nhạc sĩ (NS) lão thành, nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm: NS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội NS Việt Nam, Hồ Quang Bình - Chủ tịch Hội NS Hà Nội, NS Phạm Tuyên, NS Hoàng Lân, PGS.TS Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW vv…
NS Đỗ Hồng Quân phấn khởi khi một chủ đề nóng bỏng là âm nhạc thiếu nhi đã được tổ chức, chính là "bắn phát pháo đầu tiên vào thành trì sáng tác ca khúc hiện nay", nhất là trong bối cảnh âm nhạc đang bị nghiệp dư hóa đến mức báo động.
Nhiều tác phẩm ra đời, dù lai căng, chất lượng kém đều có quyền phổ biến, tạo nên bầu không khí âm nhạc hỗn loạn. Vấn đề giảng dạy âm nhạc cũng phải suy nghĩ, khi bản chất của âm nhạc không phải chỉ dạy nốt nhạc, mà là truyền tình yêu âm nhạc đến thế giới tâm hồn để các em tiếp được mạch nguồn âm nhạc dân tộc.
|
Bài hát "Chú ếch con" của nhạc sĩ Phan Nhân đã có từ lâu đến nay vẫn được các em nhỏ yêu thích.
|
Tại hội thảo, các nhà chuyên môn đều nhất trí rằng, dù quyền thưởng thức, lựa chọn nghệ thuật thuộc về công chúng, nhưng cũng cần định hướng, mới tránh được hậu quả đáng tiếc. Trong khi những bài nội dung tốt, có tính định hướng, lại ít được quảng bá, thì nhiều sáng tác cho thiếu nhi sử dụng tiết tấu, phong cách âm nhạc nước ngoài, hoặc viết lời Việt cho các ca khúc nước ngoài đang thịnh hành, mà thực tế, nội dung rất tệ hại lại được giới thiệu tràn lan, đã dẫn đến nhận thức và hành động lệch chuẩn cho các em.
Còn trong nhà trường, âm nhạc đáng ra là môn nghệ thuật phong phú, hấp dẫn đã trở thành môn học nhạt nhẽo, thiếu sức thu hút. Chương trình sách giáo khoa và việc thực hành quá đơn điệu, thiếu khoa học nên không tạo được sự hứng thú cho trẻ.
NS Phạm Tuyên, người đã sáng tác trên 200 ca khúc cho thiếu nhi, đầy trăn trở: Đang có quá nhiều bài hát Việt chen tiếng Anh kiểu như "Bà xã của tôi number one" hay "Này hỡi người yêu của anh number one, number one"… mà không hiểu sao lại được Đài phát thanh phát và giới thiệu là ca khúc "hot"? Nếu không tỉnh táo, những ca khúc kiểu này sẽ gây nguy hiểm cho cả một thế hệ. Ông hy vọng hội thảo này sẽ tạo được thay đổi của xã hội và nhất là, các cơ quan truyền thông không quảng bá những bài lai căng kiểu như thế nữa.
Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích đặt câu hỏi: Chúng ta có khoảng 10 triệu thiếu nhi đang học phổ thông, nhưng giữa nhu cầu chính đáng của các em và thực tế về ca khúc hay, đang là một khoảng cách mênh mông. Công tác phê bình giới thiệu ca khúc cho trẻ em còn thưa vắng, trong khi những vấn đề lý luận âm nhạc Việt Nam còn rất bộn bề. Các tập bài hát hầu hết là bài cũ, in đi in lại.
Các chuyên gia âm nhạc cũng đau đáu tìm ra hướng đi cho sự phát triển âm nhạc học đường thời gian tới. Nhạc sĩ Hoàng Long cho rằng, hướng đi, trước hết cần phải thay đổi đề tài. Không phải những chủ đề mang tính xã hội, khái quát, mượn lời người lớn nói hộ trẻ nữa, mà tập trung khai thác sinh hoạt thường nhật, sự vật, sự việc gần gũi với tuổi thơ, gắn với tình cảm, suy nghĩ của trẻ.
Cũng không nên viết bài dài, nhiều lời, mà tăng cường khai thác âm nhạc dân gian, dân ca và ngắn gọn, dễ hiểu để các em dễ chấp nhận. Ở các nước, ca khúc cho thiếu nhi vắng bóng nhạc trẻ, chất Rock, Rap hay Hip hop v.v… nên chăng cũng gợi cho chúng ta những suy nghĩ.
Với tư cách một người làm công tác đào tạo, NS Hoàng Lân gợi mở: "Học sinh của thế kỷ XXI có cách nghĩ suy, tiếp cận và thưởng thức âm nhạc thay đổi. Phương tiện và điều kiện tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật phong phú trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng, đòi hỏi nhạc sĩ phải cập nhật, đổi mới tư duy mới mong các em tiếp nhận. Bài hát cho thiếu nhi phải được viết bằng rung cảm đích thực và thể hiện qua ý tưởng sáng tạo của tác giả. Bài hát được các em yêu thích là những bài có giai điệu trong sáng, lời ca giàu tính văn học, hình ảnh gần gũi với đời sống tình cảm, tâm lý các em. Chuẩn bị cho lớp khán, thính giả thưởng thức và hưởng thụ âm nhạc lâu dài sau này với tình hình dân trí ngày càng cao là việc không thể chần chừ".
Cô giáo Nguyễn Thị Hải (Khoa Âm nhạc - Mỹ thuật - ĐHSP Hà Nội) đưa ra một ý kiến đáng chú ý: "Một ca khúc có giai điệu hay, lời ca đẹp, mang nhiều cảm xúc âm nhạc cho tuổi thơ, được quảng bá tốt kết hợp với cách dàn dựng, phối khí hòa âm có chất lượng, chắc chắn ca khúc đó sẽ được các em đón nhận và đến được đông đảo tuổi thơ cả nước".
Giáo dục âm nhạc trong nhà trường đã triển khai hơn 10 năm qua và khả năng giáo dục tư tưởng con người, giáo dục nhân cách, lối sống con người của âm nhạc đã được khẳng định - NS Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nhấn mạnh -Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải có những ca khúc phù hợp cho lứa tuổi phổ thông, để các em có được món ăn tinh thần lành mạnh, không rơi vào ảnh hưởng độc hại của loại nhạc kém phẩm chất. Để nâng cao chất lượng sáng tác âm nhạc cho trẻ em, cùng với nỗ lực của cá nhân các nhạc sĩ, cũng cần có sự quan tâm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc các địa phương đến vấn đề sáng tác cho trẻ em.
Theo baolaodongthudo.com.vn