Hầu như nhà người dân trồng rau nào ở Vĩnh Quỳnh cũng có hố ủ phân đầy ruồi bọ dùng để bón rau.
Người nông dân nơi đây còn gánh cả thứ "nước tử thần" từ những con mương đen xì, toàn rác rưởi tưới cho những luống hành, rau thơm xanh mơn mởn.
Nước thải và phân tươi hằng ngày vẫn được các hộ sản xuất nội ngoại thành Hà Nội tận dụng để trồng rau, nuôi cá. Việc lạm dụng nguồn nước thải nước cống để tưới, chăm sóc các loại rau, đặc biệt là nguồn nước ô nhiễm từ sông Tô Lịch dẫn đến hậu quả phần lớn các loại rau tiêu thụ trong thành phố Hà Nội bị nhiễm khuẩn nặng nề.
Cứ cuối giờ chiều mỗi ngày, đến làng Ngâu (Thanh Trì – Hoàng Mai), người xem sẽ được chứng kiến những “công nghệ” tưới rau siêu bẩn của người dân nơi đây. Từ việc dùng nước cống, nước sông Tô Lịch để tưới cho rau muống, mùng tơi, hành… cho đến việc mang phân tươi hay ủ các loại phân để chăm sóc.
Những cánh đồng rau bạt ngàn với đủ các loại rau như hành, mồng tơi, rau thơm, rau mùi, rau muống… ở làng Ngâu (Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) từ lâu vốn là một trong những nguồn cung cấp rau chính cho thị trường rau ở Hà Nội. Hầu như nhà người dân trồng rau nào ở Vĩnh Quỳnh cũng có hố ủ phân đầy ruồi bọ hay cảnh người nông dân gánh nước từ những con mương đen xì, toàn rác tưới cho những luống hành, rau thơm xanh mơn mởn.
Theo người dân ở đây, phân tươi được cho vào hố để ủ trước, sau đó mới pha với nước để tưới, thậm chí có một số hộ dân đã dùng ngay phân tươi để tưới cho rau. Rau muống, mùng tơi, các loại rau cải hay bất kỳ loại rau nào cũng phải tưới, nhất là lúc non.
Nếu rau ở vùng sản xuất còn khiến người dân e sợ, thì khi ra đến chợ, người bán nào cũng có những chiêu “phù phép" để rau luôn được tươi, xanh. Từ việc tưới lên rau bằng tất cả các loại nước mà người bán tận dụng được ở chợ đến những bí quyết pha một số loại thuốc vào nước rưới lên để giúp ra tươi, xanh.
Theo chân cô Th., người có 20 năm thâm niên bán rau tại chợ đầu mối Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), phóng viên được biết, một trong những phương pháp giúp rau trông bắt mắt cả ngày của cô Th. và một số tiểu thương bán rau ở chợ này là dùng nước lạnh hòa với thuốc B1 hoặc viên C tưới lên rau. Cô T.h cho biết, tưới bằng cách này rau sẽ tươi lâu hơn, nhưng phải pha một lượng nhất định, chứ không nên lạm dụng vì cho vào nhiều rau sẽ bị úng, nhanh nát. Theo cô Th., B1 và C là loại thuốc giải nhiệt thậm chí con người uống trực tiếp cũng chẳng sao huống gì cho một ít hòa nước và tưới lên rau.
Tháng 5/2011, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa công bố kết quả nghiên cứu rau xanh trồng từ ruộng đến chợ ở vùng ven đô Hà Nội.
Trước đó, nhóm nghiên cứu khảo sát nước thải từ hai con sông chứa nước thải lớn nhất của thành phố là Tô Lịch và Kim Ngưu tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Điểm khảo sát thứ hai là quận Long Biên có nguồn nước tưới chủ yếu là ao chứa nước mưa và nước sông Hồng, hoặc nước giếng hộ gia đình.
Kết quả cho thấy, sự lây nhiễm diện rộng của coliform và các vi khuẩn khác gây bệnh đường ruột đều hiện diện trong rau. Trong nước thải dùng để tưới rau chứa quá nhiều mầm bệnh, đặc biệt là vi khuẩn coliform. Phần lớn nông dân, người vận chuyển còn dùng nước từ ao, hồ để vảy lên rau trong quá trình bảo quản tại nhà, hoặc để rau trên mặt đất qua đêm. Với 96 mẫu rau được lấy tại chợ Hoàng Liệt và 118 mẫu lấy từ Long Biên, kết quả cho thấy, những mẫu nước và rau được thu thập tại chợ đều có nhiều vi khuẩn coliform và các vi khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy. Theo SGTT
|
Theo GDVN
Chị Lan (chung cư La Khê) cho biết: Mặc dù đi chợ thường xuyên, nhìn những bó rau tươi non mơn mởn chị cũng rất thích nhưng sau khi được nhìn những hình ảnh tưới rau ở vùng sản xuất, chị không khỏi rùng mình: "Rau xanh thì không thể tẩy chay được, nên có lẽ chỉ còn cách nhắm mắt làm ngơ nếu muốn tiếp tục ăn rau hay chấp nhận chi thêm tiền mua rau trong siêu thị hay các cửa hàng rau sạch để mua sự yên tâm".