Khi được hỏi ý kiến, nhiều nhà giáo bày tỏ, đã đến lúc cần phải cáo chung cho "ba chung", hoặc ít nhất, những trường ĐH có uy tín có thể đưa ra những nội dung tuyển sinh phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của ngành nghề mà trường mình đào tạo.
Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen (TP.HCM): Nên để những trường có uy tín tự tuyển sinh
Kỳ thi tuyển vào đại học theo kiểu "ba chung" tưởng là công bằng, nhưng thực ra không công bằng. Các trường ĐH vẫn không thực sự chọn được thí sinh phù hợp với mình nhất. Còn thí sinh thì bị rơi vào áp lực không được nhầm lẫn, nếu không sẽ bị trả giá về tiền bạc và thời gian.
Việc tuyển sinh tại Pháp rất đa dạng, có trường không phải thi tuyển, có trường thi tuyển cực kỳ khó (thuộc dạng trường tinh hoa, chỉ tuyển những người thông minh nhất). Trường đào tạo kỹ sư của Pháp chỉ tuyển những người giỏi về công nghệ, thực hành, trong quá trình học, sinh viên được thực hành tại các công ty mà trường liên kết chặt chẽ.
Tại Mỹ cũng vậy, có những trường ĐH tuyển thẳng những người tốt nghiệp tú tài (THPT) mà không cần thi tuyển. Có những trường ở Mỹ yêu cầu điểm SAT (thi Toán, Lý, Hoá) khi những môn này là cần thiết cho ngành học mà sinh viên thi vào.
Nền giáo dục Việt Nam cũng cần sự đa dạng hoá như vậy. Trước mắt, không phải trường nào cũng có khả năng tự tuyển (vì trước "ba chung", đã có nhiều trường "làm bậy" khi tự tuyển). Tuy nhiên, không phải tất cả các trường ĐH ở VN không có khả năng tự tuyển. Bộ nên chọn thử nghiệm những trường có uy tín, thương hiệu lâu năm tổ chức tự tuyển sinh, như thế mới là công bằng.
Tôi cho rằng, việc chọn lựa những trường ĐH "tử tế" là điều có thể làm được, xã hội ai cũng thấy.
Ông Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Lãng phí tiền chỉ để đánh trượt vài em thi tốt nghiệp.
Theo tôi, hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học nên dồn làm một. Chúng ta tốn bao nhiêu tiền của tổ chức thi tốt nghiệp THPT chỉ để đánh trượt một vài em thì không để làm gì.
Chúng ta nên mở rộng các môn thi tốt nghiệp, các em có thể tự chọn những môn yêu thích để thi và cho dù HS thi khác môn vẫn được cấp bằng, như vậy sẽ phù hợp với năng khiếu và năng lực của các em hơn. Không có lý gì bắt các em ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn phải giỏi toán, lý, hoá...như các em ở thành phố.
PGS.TS Bùi Ngọc Sơn-phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội: Nên cho học sinh nhiều cơ hội sửa sai
Thi 3 chung có nhiều cái lợi: giảm được gánh nặng ra đề thi cho các trường, phân loại được trườngvà thí sinh, xóa bỏ nạn dạy thêm và ôn thi ĐH vô tội vạ. Nhiều trường nhờ dùng chung kết quả mà không phải tổ chức thi, chỉ xét tuyển.
Đối với ĐH Ngoại thương, thi 3 chung không ảnh hưởng vì trường chỉ tuyển một đợt là đủ chỉ tiêu. Nhưng với các trường top hai, top 3 thì tuyển đủ chỉ tiêu rất khó khăn, có thể phải hạ điểm chuẩn nhiều, thậm chí nhiều trường còn đề xuất hạ điểm sàn để có thể đủ chỉ tiêu. Cơ hội cho thí sinh vì thế cũng ít hơn.
Hơn nữa, cả năm chỉ có một kỳ thi, lại vào mùa hè nóng nực, vất vả cho thí sinh hơn. Nếu có thể tổ chức hai kỳ thi vào ĐH trong một năm vào tháng 8,9 và 3,4 chẳng hạn, cơ hội cho thí sinh sửa sai sẽ tăng lên 3,4 lần. Các em không phải chờ đợi ròng rã một năm trời. Các trường cũng có điều kiện để sửa sai nhiều hơn.
ĐH Ngoại thương không tự chủ theo hướng ra đề. Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên có một ngân hàng đề thi và không nên để các trường hoàn toàn tự chủ. Như thế có thể lại tái diễn tình trạng luyện thi ĐH tràn lan. Các trường tự lựa chọn đợt thi và tự chấm thi. Đối với những trường có tính đặc thù, có thể đề xuất môn thi và Bộ cần xem xét phê duyệt để tránh lơi ích cục bộ.
PGS.TS Bùi Duy Cam, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐHQG Hà Nội: Phân khối không có lợi
3 chung hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến trường N. Tuy nhiên, trước kia trường cũng gặp khó khăn vì học sinh có thể thi hai khối. Khoa Công nghệ sinh học có năm phải gọi đến 200% mới đủ chỉ tiêu thì những trường top dưới sẽ rất khó tuyển đủ chỉ tiêu. Vì vậy, nên có một cơ chế mềm dẻo hơn, tính toán lại việc xét tuyển, không nên quy định cứng quá về ngày xét tuyển, thời hạn xét tuyển.
Vấn đề tuyển sinh theo đặc thù từng trường không hoàn toàn cần thiết đối với nước ta.
Chỉ có những trường hợp trường năng khiếu như điện ảnh, múa, mỹ thuật... mới tuyển sinh theo tính chất riêng.
Chúng ta chưa có những trường năng khiếu thực sự đặc biệt nên chủ yếu cần mặt bằng chung về năng lực của thí sinh.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc phân khối rõ ràng như vậy không có lợi. Học sinh lên cấp 3, thậm chí ngay từ từ nhỏ đã được định hướng học theo khối nào. Khi lên cấp 3, hầu như các em hoàn toàn học lệch, không đảm bảo kiến thức phổ thông.
Theo tôi, một sinh viên phải có đầy đủ hai năng lực đại diện là Văn và Toán. Ngay cả kỳ thi SAT của Mỹ, họ cũng chú trọng chủ yếu là Ngôn ngữ và Toán học. Nên nghiên cứu lại khối thi vì có những môn khi vào ĐH các em không sử dụng đến như học kinh tế thì Vật Lý, Hóa học coi như bỏ...
Ở nước ta, tâm lý vào ĐH vẫn rất mạnh mẽ. Vì vậy, việc phân chia khối chưa phù hợp với một số trường lại nảy sinh thêm khả năng đào tạo toàn diện ở phổ thông kém đi. Ở phổ thông, các em cần được hoàn thiện về nhân cách và ít nhất nắm được kiến thức của các môn khoa học thường thức.
Chúng ta có thể tham khảo kỳ thi SAT của Mỹ. Các trường đều sử dụng kết quả của kỳ thi này nhưng tùy theo yêu cầu từng trường, họ có thể đòi hỏi thêm ở học sinh năng lực khác và yêu cầu kiếm tra như hòa nhập cộng đồng, làm lãnh đạo, trắc nghiệm tâm lý, phỏng vấn...
TS. Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, giảng viên khoa Sinh- ĐH Sư phạm Hà Nội: Ngoài '3 chung' có thể xét thêm
Thi 3 chung có cái lợi rất rõ ràng cho các trường: quản lý gọn lại, kinh phí ra đề giảm, không phải chịu trách nhiệm về đề thi.
Đối với ĐH Sư phạm, nếu có thể đổi mới và bổ sung thêm, chúng tôi đã chuẩn bị ngoài thước đo là một kỳ thi, có thể thêm vòng xét hồ sơ học phổ thông, đo trắc nghiệm tâm lý và phỏng vấn.
Như vậy sẽ có nhiều chiều nhìn hơn đối với một thí sinh, chọn được những em có thiên hướng nghề nghiệp tốt.
Theo cá nhân tôi, chúng ta có thể tham khảo kỳ thi ở nhiều nước khác.
Chẳng hạn Úc có một kỳ thi toàn quốc như thi tốt nghiệp ở ta nhưng lấy điểm 2 môn cơ bản, ngoại ngữ để nộp vào trường ĐH.
Các trường có thể đòi hỏi thêm các năng lực khác và thí sinh thể hiện trong hồ sơ. Với cách này, thí sinh chủ động hơn vì có điểm trong taytrwowcs, chỉ nộp và chờ xét, bớt đi gánh nặng lo âu chờ kết quả. Kỳ thi này cũng đẩy cả giá trị giáo dục phổ thông lên như một sự chứng nhận cho kết quả học tập của học sinh.
Một cách nữa có thể tham khảo từ kỳ thi TOEFL, tức là phải có một trung tâm kiểm định độc lập, ngân hàng đề và có thể tổ chức thi 3-6 tháng/lần, giá trị của kết quả thi được công nhận trong vòng 1 năm chẳng hạn.
Các trường có thể xét tuyển 2 lần/năm.Tuy nhiên, xây dựng trung tâm này, Bộ GD-ĐT phải có đội ngũ chuyên ra đề, trung tâm phải khẳng định được uy tín trong chất lượng kỳ thi của mình.
Ở nước ta, việc phân top các trường còn rất cảm tính, chủ yếu người dân phân top các trường dựa vào dư luận.
Trong khí đó, công cụ đánh giá khách quan chất lượng một trường ĐH chưa được công nhận. Nhiều học sinh thi vào những ngành nghe rất "oách" nhưng trên thực tế rất khó kiếm việc làm.
Các trường mở ra ngành đào tạo cũng đầu tư cho những ngành như thế khiến đâu đâu cũng thấy kinh tế. Định hướng tự do từ khâu tuyển sinh khiến cho chúng ta bị lệch về đào tạo nhân lực.
Nhưng vấn đề phân luồng người học ngay từ đầu lại không phải là kết quả do tuyển sinh mang lạị mà phần lớn do hệ thống đánh giá nghề nghiệp đang tồn tại trong xã hội.
Tuyển sinh "3 chung" phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhất là nhiều trường chưa thể có điều kiện tự tổ chức một kỳ thi. Các trường top dưới khó đón thí sinh thì cũng cần xem lại chiến lược phát triển và khẳng định thương hiệu nhà trường.
Hương Giang-Nguyễn Hường
Theo vietnamnet.vn