Nhưng đến đêm thì không thể ngủ được, ông quyết định tắt đèn. Tắt đèn, ông vẫn không ngủ được. Mấy đêm liền như thế, ông nghĩ mãi không biết tại sao. Sau nhớ đến chiếc đèn dầu vốn vẫn leo lắt hằng đêm trên bàn thờ ông bà, trước khi tắt đèn điện đi ngủ, ông để một ngọn đèn dầu như trước và đã ngủ ngon lành. Một hiện tượng khác thì có xu hướng ngược lại, như những ngôi nhà mát ở miền Tây Nam Bộ. Nhà mát là tên gọi của căn lều nhỏ được dựng lên để người đi bộ dừng lại nghỉ chân.
Nhà thoáng mát, lợp lá thốt nốt, chung quanh thưng lá thốt nốt đến ngang thắt lưng, trong đặt ghế, chum nước mưa, nải chuối chín. Các gia đình trong phum sóc Khmer phân công nhau, hằng ngày quét dọn, tiếp nước và hoa quả. Rồi khi xe đạp, xe máy đã trở thành phương tiện đi lại phổ biến, người đi bộ ít dần thì ở một số vùng, nhà mát đang ở trong tình trạng dần dà vắng bóng.
Có thể coi hai hiện tượng trên đây là thí dụ để chứng minh sự lan tỏa của văn minh có thể đưa tới hai khả năng: hoặc là khó có thể làm thay đổi nét văn hóa riêng trong tập quán sống của một cá thể, một cộng đồng, trong một sớm một chiều; hoặc là sự phát triển của văn minh có thể nhanh chóng làm thay đổi, thậm chí biến thành quá khứ một tập quán hình thành đã lâu đời, như với ngôi nhà mát của bà con người Khmer kể trên. Nhìn trên bình diện xã hội, sau mấy chục năm chúng ta thấy, trong sinh hoạt xã hội đã xuất hiện một số tập quán văn hóa mới rất đáng trân trọng, như hoạt động 'đền ơn đáp nghĩa' nhân ngày 27-7, tôn vinh thầy cô vào ngày 20-11, sự quan tâm dành cho phụ nữ ngày 8-3... Tương tự như vậy, sự có mặt của các phương tiện văn minh hiện đại không chỉ góp phần làm phong phú điều kiện sống của con người, mà có thể đưa tới một số ứng xử mà tập quán cũ thường khó chấp nhận. Như các năm gần đây, hầu như mọi người đã chấp nhận lời chúc mừng năm mới qua điện thoại, tin nhắn điện thoại, qua email mà không cảm thấy việc làm này có điều gì thất thố, hay thiếu tôn trọng... Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, với sự có mặt của văn minh hiện đại, trong sinh hoạt xã hội cũng xuất hiện một số thói quen nếu không kịp thời chấn chỉnh, sẽ có thể đưa tới sự xuất hiện một số tập quán không thể chấp nhận, như văng tục; lấy lợi ích cá nhân làm mục đích của hành động; không quan tâm tới lợi ích của cộng đồng; thờ ơ, vô cảm trước nỗi khổ, nỗi đau của người khác; ít quan tâm chia sẻ với những người chung quanh...
Trên thực tế, muốn làm tập quán thay đổi, cũng phải có thời gian, khi các thế hệ kế tục thừa nhận sự cần thiết, tính hợp lý của sự thay đổi, từ đó hình thành nên những tập quán văn hóa mới, đẩy tới sự phát triển của văn hóa. Ðiều đặc biệt cần chú ý khi xây dựng tập quán văn hóa mới là chỉ có những tập quán văn hóa ra đời từ hệ giá trị, tiêu chí của nền văn hóa mới, phù hợp nhu cầu tinh thần của thời đại, thì mới được xã hội - công chúng thừa nhận và thực hành. Còn khi trong sinh hoạt xã hội xuất hiện một số hiện tượng có thể từ đó hình thành nên thói quen xấu, cần kịp thời chấn chỉnh, hạn chế sự lan tỏa.