Theo nhiều cán bộ chấm thi, rất nhiều bài thi sử có nội dung lan man, lạc đề, lấy sự kiện này cắm vào mốc thời gian nọ, sai kiến thức cơ bản... Có bài thi 12 trang giấy nhưng giám khảo chỉ có thể cho 1 điểm.
Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của việc dạy và học vẹt, coi thường môn sử ở bậc phổ thông.
|
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM dự thi vào khối C các trường ĐH tại TP.HCM xem điểm thi trên mạng ngày 26-7 - Ảnh: Như Hùng |
Theo nhiều cán bộ chấm thi môn lịch sử, rất nhiều bài thi của thí sinh viết lan man, lạc đề, diễn đạt ngô nghê, thậm chí lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Cô T. - một giáo viên THPT tại TP.HCM, cán bộ chấm thi tại Trường ĐH Sài Gòn - cho biết mỗi túi bài thi (38 bài) nhưng điểm tổng chỉ từ 60-62. Thậm chí nhiều khi chấm ba bốn túi bài vẫn không có điểm 4, điểm 5 nào. Bài thi cao điểm nhất cô T. chấm tại trường này là 6,5 điểm. “Có thầy giáo chấm một bài thi được 8 điểm liền reo lên, các thầy cô khác liền đến xem. Phải nói là điểm thi quá thấp nên khi chấm được một bài điểm giỏi ai cũng mừng” - cô T. chia sẻ.
Râu ông nọ cắm cằm bà kia
ĐH Cần Thơ: 2,5% thí sinh đạt điểm trung bình môn sử
Chiều 26-7, Trường ĐH Cần Thơ đã công bố điểm thi. Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, trưởng phòng đào tạo, cho biết mặt bằng điểm thi năm nay thấp hơn so với năm 2010. Đặc biệt, điểm thi môn sử rất thấp và giảm mạnh so với năm 2010. Thống kê cho thấy chỉ có 151 thí sinh đạt điểm môn sử từ 5 điểm trở lên, chiếm tỉ lệ 2,7% (năm 2010 số thí sinh thi môn sử đạt điểm từ 5 trở lên là 13,5%). Điểm thi các môn còn lại nhìn chung cũng giảm hơn so với năm 2010. Riêng môn toán khối A điểm thi tương đối thấp (từ 5 điểm trở lên chỉ đạt 4,8%). Với mặt bằng điểm thi năm nay, ông An dự báo điểm chuẩn có thể thấp hơn năm 2010.
Thống kê từ một số trường công bố điểm trong ngày 26-7 cho thấy điểm thi môn sử cũng khá thấp. Trường ĐH Lạc Hồng chỉ có ba thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, chiếm 2,3%. Tỉ lệ này tại Trường ĐH Luật TP.HCM là 4,6%. Chỉ duy nhất Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) có tỉ lệ thí sinh đạt điểm sử từ 5 trở lên là 12,6%.
T.XUÂN - M.GIẢNG
|
Theo cô T., các lỗi thí sinh mắc phải nhiều nhất đó là sai kiến thức cơ bản, diễn đạt ngô nghê, lạc đề.
Không chỉ thế, nhiều thí sinh bỏ giấy trắng hoặc chỉ viết được vài dòng. Những thí sinh này rất thuộc bài, viết rất đầy đủ ý nhưng chỉ tiếc đó không phải là nội dung đề yêu cầu. Trong khi đó, có thí sinh viết đến 12 trang giấy nhưng chỉ có thể cho 1 điểm do phần lớn nội dung bị lạc đề.
“Đề thi năm nay tương đối khó, không đặt ra yêu cầu cụ thể mà chỉ đặt vấn đề và thí sinh phải biết chọn đúng sự kiện, đúng nội dung để làm, vì thế nhiều em đã chọn sai sự kiện. Chẳng hạn câu 1, nhiều thí sinh không phân tích nguyên nhân mà lại sa đà vào quá trình ra đi tìm đường cứu nước. Câu 3 là câu thí sinh sai nhiều nhất. Đề không cho cụ thể là thắng lợi chính trị, quân sự hay ngoại giao nên thí sinh chọn nhiều thắng lợi khác nhau như Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến thắng Tây nguyên... trong khi dữ kiện đúng là ký kết hiệp định Paris.
Và như thế là không có điểm dù viết cả mấy trang giấy. Đó là hậu quả của cách học vẹt, không tư duy”.
Tương tự, một giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết nhiều thí sinh không nắm vấn đề nên làm câu này được vài dòng lại nhảy sang làm câu khác nhưng cũng chỉ được năm ba câu. Nhiều thí sinh viết cả trang giấy nhưng không đúng được một ý nào và phải cho điểm 0. Nhiều thí sinh nhớ sai sự kiện, chọn sai sự kiện trình bày khiến bài làm không có kết quả. Điểm bài thi hầu hết dưới trung bình.
Chương trình nhồi nhét
Theo nhiều giáo viên, đề thi sử năm nay tương đối khó nhưng ThS sử học Huỳnh Đức Thiện - Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - đánh giá đề thi khó và thí sinh không làm được bài là hệ quả của cách dạy nhồi nhét, không dạy cho học sinh cách tư duy và yêu thích môn lịch sử.
“Cách dạy ở bậc phổ thông là xong bài nào chỉ giúp học sinh biết bài đó mà không có sự so sánh giữa các giai đoạn. Chương trình phổ thông thiên về sự kiện mà không chú ý đến đặc điểm, bản chất của sự kiện. Chương trình và cách dạy khô khan khiến học sinh chán học môn sử. Do đó khi làm bài, thí sinh chỉ trình bày lại những sự kiện đã học mà không có sự tư duy, chọn lọc hay so sánh” - ông Thiện nói thêm.
Lý giải về vấn đề này, một giáo viên THPT tại Q.Tân Bình TP.HCM phân trần: “Thường thì cuối tháng 3 chúng tôi hoàn tất chương trình môn lịch sử. Ở nhiều trường tốp dưới, nếu có thi tốt nghiệp môn sử thì ôn cho các em cũng chỉ mong đậu tốt nghiệp THPT. Nhiều em học yếu, không định hướng được mình thi khối nào nên cuối cùng chọn thi khối C. Liên quan đến chương trình, phải thừa nhận chương trình quá ôm đồm, chỉ dạy kiến thức giáo khoa thôi học sinh đã mệt rồi, lấy thời gian đâu mà tư duy. Cả thầy và trò cố gắng hoàn thành chương trình là đã mệt và hết thời gian”.
Theo tuoitre.vn