Thiện Nhân là đứa trẻ sơ sinh bị mẹ ruột vứt bỏ ngoài vườn, bị con vật nào đó ăn mất một chân và toàn bộ bộ phận sinh dục mà báo chí đã từng phản ánh cách đây hơn bốn năm. Còn Mai Anh, những ai đã gặp đều ngỡ ngàng trước vóc dáng gầy gò, có phần nhỏ bé của chị, bởi họ khó thể hình dung với cơ thể ấy, chị lấy đâu ra nghị lực để chạy khắp nơi chữa bệnh cho Thiện Nhân suốt bốn năm qua, rồi thời gian dành cho việc nuôi dạy và chăm sóc ba đứa trẻ (Thiện Nhân và hai đứa con của mình).
Cách đây không lâu, bản thân chị từng phải mổ cấp cứu vì chứng phình động mạch não. Nhưng ngay sau khi hồi phục sức khỏe, chị lại tiếp tục hành trình tìm đường chữa bệnh cho con với mong muốn vô hạn là khi đến tuổi đi học, con phải được các bạn coi là bạn trai - chí ít là được dùng nhà vệ sinh chung với các bạn trai khác. Chị nói:
Tôi rất coi trọng điều này, bởi sẽ giúp cháu không bị sốc về mặt tâm lý. Hiện giờ Nhân còn nhỏ và sống trong gia đình có nhiều tình yêu thương nên có thể cháu chưa ý thức hết được những sự khác biệt của bản thân. Nhưng khi đi học rồi, nhất định sự khác biệt ấy sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cháu. Sẽ chẳng có gì đau đớn hơn khi tôi cứu được cháu mà lại không mang được cho cháu một cuộc sống bình thường...
Trở lại những ngày đầu tiên khi đón cháu Nhân về nuôi, do đâu mà chị có quyết định được nhiều người coi là dũng cảm đến vậy?
Nói thật với chị, tôi không bao giờ nghĩ sẽ đón một em bé về làm con nuôi chứ đừng nói đến chuyện đón một em bé thương tích nặng như cháu Thiện Nhân. Hơn bốn năm về trước, hai con trai tôi còn quá nhỏ, cháu nhỏ mới hơn tuổi và rất hay bị bệnh. Đi làm cả ngày về trông con đau ốm cũng đủ vất vả lắm rồi. Lúc đó cháu Thiện Nhân còn chưa biết nói, chỉ "u ơ" thôi. Cho đến thời điểm trước khi thăm cháu Thiện Nhân, cũng chưa bao giờ tôi đến thăm một trại trẻ mồ côi hay gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nào.
Thế đấy, rồi hôm nay cháu mới mừng sinh nhật năm tuổi. Vậy là đã bốn lần cháu đón sinh nhật với gia đình chúng tôi. Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà ngay chính người trong cuộc cũng không thể nào đoán định được. Lần đầu tiên đi thăm cháu cùng với một cô bạn thân, tôi chỉ có ý định đưa cháu đi khám bệnh và xem có thể giúp được cháu chữa bệnh hay lắp chân giả hay không. Lần đấy cũng là lần đầu tiên trong đời tôi đến Núi Thành, Quảng Nam quê cháu.
Về nhà sau khi gặp thằng bé, chưa tìm được bác sĩ giúp cháu, cũng chưa tìm được gia đình cha mẹ nuôi cho cháu, tôi không thể nào yên thân được. Trong giấc ngủ của tôi là bóng một người đàn ông què quặt, lủi thủi trong bóng tối. Tôi thấy thương thằng bé, nếu không ai đón nhận và chữa trị cho cháu, cái chân bị cụt đến tận háng sẽ làm cháu bị lệch cột sống và vẹo vọ đến hết đời, chim và hai tinh hoàn bị mất đi sẽ không thể sản sinh hormone nam và thằng bé sẽ lệch lạc về giới tính đến hết đời... Và cháu Thiện Nhân đã bắt đầu cuộc sống với gia đình chúng tôi một cách không có chủ định như vậy. Cháu khóc thét suốt quãng đường ôtô từ Núi Thành về Đà Nẵng và cũng khóc không chút ngừng nghỉ suốt chuyến bay về tới Hà Nội. Rồi khi vào tới nhà tôi thì hoảng sợ chỉ ôm chặt cháu Thiên Minh bảy tuổi, úp mặt vào lòng anh không dám nhìn một ai.
Phản ứng lúc đó của gia đình chị như thế nào?
Tôi vẫn còn nhớ, khi có ý định đón Thiện Nhân về với gia đình mình, tôi đã hỏi ý kiến một bác sĩ về tình trạng bệnh của cháu và bày tỏ ý định của mình, tôi đã nhận được lời khuyên hết sức chân thành là "đừng bao giờ bắt đầu cho một việc làm không có kết thúc". Mẹ tôi nói rằng: "Con đã bước một bước rồi thì hãy bước tiếp". Còn bố tôi không nói gì cả, chỉ nghĩ ngợi thôi và sau này tôi mới hiểu những suy tư trong ông lúc đó. Biết tính của vợ, chồng tôi ủng hộ vô điều kiện. Tôi cũng chia sẻ điều phiền muộn này với hai cậu con trai lúc đó mới hơn hai tuổi và hơn bảy tuổi, và cả hai cháu đều hỏi "Thế bao giờ mẹ đón em về nuôi?"... Mọi thứ cứ tự nhiên bắt đầu một cách đơn giản trong bối cảnh hết sức lộn xộn. Có lẽ chính vì vậy mà không một ai trong gia đình tôi có phút nào nghĩ lại hay tự hỏi việc đã làm là đúng hay sai.
Tại sao lại "đơn giản trong bối cảnh hết sức lộn xộn"?
Trong suốt cả hai tuần đầu, gia đình tôi sống trong tình cảnh gấp rút với một nỗ lực hết sức là làm sao cho thằng bé ăn, tắm... và nhất là làm sao cho cháu nín khóc. Mẹ của tôi rất lo cho con gái. Bà là người đầu tiên tắm cho cháu Nhân, là người đầu tiên hoảng hốt và xót xa khi tận mắt thấy cháu bị thương tích nặng đến độ nào. Cháu Nhân không khác gì một chú khỉ con hoang dại: không nói, chỉ rúc vào góc, khi đói quá chỉ ăn chút cơm nguội, rất hay nhặt các hạt cơm rơi dưới đất bỏ vào miệng, và một từ duy nhất biết nói là: "Chuối, chuối".
Mỗi lần cháu khóc, bà ngoại lại cho cháu quả chuối. Cháu khéo léo lột vỏ và ăn ngon lành. Phải cả tháng sau, cháu mới dần dần biết ăn các món khác. Bánh mì là món cháu thích nhất. Cháu nhồi nhét cả cái bánh mì vào bụng mà còn đòi ăn tiếp. Trước thì dạy cháu ăn, sau đó lại phải dạy cháu dừng ăn. Khi đã nhận biết xung quanh có nhiều món ăn ngon và thơm lừng khác ngoài cơm nguội và chuối, cháu ăn ngấu nghiến không biết dừng lại. Cháu ăn khiến mọi người phát sợ, ăn đến độ chúng tôi không dám cho cháu uống nước vì sợ cơm và thức ăn nở ra thì tắc ruột, ăn đến độ cả nhà phải giấu đồ ăn đi.
Thế còn hành trình chữa bệnh?
Qua được giai đoạn tập ăn đến giai đoạn chữa các bệnh từ nhỏ tới lớn. Bệnh nhỏ là cháu bị ghẻ lở rất sâu, mỗi ngày bôi thuốc và phải luộc quần áo sôi cả tiếng đồng hồ. Rồi bệnh viêm đường ruột vì bẩn quá nên nhiễm trùng. Sau đó là làm sao cho cháu đi tiểu ra nước thay vì chỉ rơi ra chất bột nhão. Rồi tiếp đến là các chuyến đi không ngừng nghỉ nhiều lần đi đi về về qua Thái Lan, Singapore, Đức, Mỹ, Ý... Tôi cũng không nhớ hết đã đi thế nào, chuyến đi nào trước chuyến đi nào sau, vì quả thực có nhiều chuyến đi không được việc - chữa bệnh như mong muốn. Ví dụ hai chuyến đi Thái Lan để kiểm tra tinh hoàn và giới tính, các bác sĩ hàng đầu của Thái Lan (bác sĩ riêng của hoàng hậu Thái Lan) đều khuyên gia đình chuyển giới cho cháu Thiện Nhân thành con gái.
Nhà báo Mai Anh. Tranh Hoàng Tường |
Rồi chuyến đi Mỹ cả tháng trời với nỗ lực và hy vọng tìm thấy tinh hoàn ẩn cho cháu đã không mang lại kết quả xét nghiệm như gia đình và biết bao người hy vọng vào cái tinh hoàn ẩn...
Nhưng bù lại, có nhiều chuyến đi chữa bệnh mang tính quyết định như chuyến đi Mỹ đầu tiên đã phẫu thuật thành công giúp cháu có thể đi tiểu mạnh thành tia và kiểm soát được việc đi vệ sinh, không phải mang tã nữa. Rồi hai chuyến đi đến nước Ý xa xôi để tìm gặp bác sĩ và khám rồi mổ thành công bước đầu cho cháu để tái tạo lại con chim xinh xinh với hy vọng có đầy đủ các chức năng tạo hóa vốn dĩ ban cho mà cháu không may bị mất.
Và hẳn là việc đón Nhân về không chỉ dừng ở việc nuôi và chữa bệnh cho cháu? Tâm lý của Nhân có là vấn đề với chị và gia đình?
Bên cạnh chữa bệnh là việc dạy dỗ, an ủi cũng rất nhiều giai đoạn với những cung bậc khác nhau: buồn bã vì ra đường có người nói thằng này bị mẹ bỏ rơi và bị thú ăn mất chân, buồn bã vì không tập thể dục được như các bạn, rồi tủi thân trùm chăn khóc giữa đêm... rồi ngang bướng không nghe lời, rồi nóng giận, đập bàn ghế sau mỗi khi tiêm hormone nam...
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một tính cách khác nhau, và số phận lại góp phần tạo ra những góc cạnh riêng của những tính cách ấy. Số phận nghiệt ngã khiến con người ta có bản năng sinh tồn cao hơn nhưng lại làm cho trong sâu thẳm con người ấy yếu đuối hơn. Chị muốn biết tại sao câu chuyện về cháu Thiện Nhân lại làm rung động biết bao con tim ư, tôi cũng bị rung động và có lẽ tôi phần nào hiểu lý do.
Thằng bé là sự hội tụ của nhiều mặt: thiên thần, ác quỷ; mạnh mẽ, mềm yếu; điều tốt, điều xấu; hiện thực tàn nhẫn nhưng lại có cả các phép màu kỳ diệu... Ai cũng tìm thấy một phần của con người mình trong đấy, một phần của trái tim mình trong đấy. Đó cũng có lẽ chính là lý do hàng trăm, hàng ngàn người của nhiều quốc gia, khác biệt cả về ngôn ngữ, địa lý đã đến và gắn bó với cháu Thiện Nhân không phải để làm từ thiện, cũng không phải thấy mình tốt hơn mà đến vì cháu có một phần của con người họ. Và thế là gia đình bé nhỏ của chúng tôi cứ lớn dần lên, lớn dần lên.
Trong số những người đến với cháu Thiện Nhân, với gia đình chị, có "gương mặt" nào thật đặc biệt?
Tôi có thể kể với chị đặc điểm của từng người đã đến với gia đình chúng tôi. Không thiếu một ai cả. Không phải vì trí nhớ của tôi tốt, mà vì mỗi con người lại là một hoàn cảnh riêng, mang nét đặc trưng riêng. Có những người cả năm trời, hoặc từ sau ngày đầu liên hệ không gặp lại nhau nữa nhưng tôi vẫn nhớ và tôi vẫn tin là trong trái tim của họ vẫn có con trai Thiện Nhân trong đó.
Một người mẹ từ Úc đã lập trang blog tập hợp tất cả các bài báo về cháu Thiện Nhân và gia đình tôi. Tất cả các bài báo với nhiều thứ tiếng Anh, Nhật, Đức... đều được chị ấy đưa lên. Không có trang blog này, chính chúng tôi cũng không biết câu chuyện của mình đã đi xa đến các quốc gia khác đến vậy. Những ngày đầu tiên chúng tôi có liên lạc qua email về việc chọn tên cho blog và hỏi thăm nhau, sau đó không có liên lạc gì nữa. Đã bốn năm trôi qua, mỗi khi có bài báo mới về cháu Thiện Nhân phát hành là ngay lập tức được đưa lên trang blog này. Và tình cảm chúng tôi dành cho nhau và cho cháu Thiện Nhân vẫn chặt chẽ trong một mối dây âm thầm như vậy.
Rồi bốn năm qua tôi đã đưa con trai đi bao chuyến bay để chữa bệnh, thế mà lần nào cũng vậy, cứ đúng thời gian ở sân bay làm thủ tục thì nhận được nhắn tin chúc chuyến đi may mắn với những lời chúc đầy yêu thương của một người tôi chưa bao giờ gặp. Bốn năm cũng đã qua, năm nào bọn trẻ cũng vui sướng vì không phải một mà nhiều ông già Noel thay nhau đến tặng quà. Các ông bố, bà mẹ nào đó không quên Thiện Nhân và các anh của cháu trong mỗi dịp Noel. Và cũng như vậy, mỗi lần cháu chuẩn bị đi phẫu thuật lại có các số tài khoản quen thuộc gửi cho tiền từ năm mươi ngàn đồng đến một vài triệu đồng. Chỉ là các số tài khoản không có tên người gửi, những con số do ngân hàng tự động đưa ra tưởng như rất vô tri vô giác, nhưng trong trường hợp của con tôi lại mang ý nghĩa là sợi dây tình cảm rất riêng.
Những người Việt Nam xa quê hương cũng trìu mến và thương yêu chia sẻ; những người khác quốc tịch, khác tiếng nói cũng khóc vì cháu Thiện Nhân và cũng yêu thương chúng tôi như người thân trong gia đình họ. Gia đình rộng lớn của chúng tôi có biết bao thành viên ở Việt Nam, Mỹ, Singapore, Đức, Ý, Nhật, Hàn Quốc... Có những email hỏi thăm tôi phải nhờ đến trang dịch tự động của Google vì tôi không biết tiếng Nhật, Ý, Hàn Quốc... và các bố mẹ chị em của cháu Thiện Nhân không biết tiếng Anh, tiếng Việt. Chẳng sao cả, chúng tôi vẫn hiểu nhau, vẫn yêu thương và vẫn chia sẻ được con trai Thiện Nhân thế nào, buồn vui ra sao, chữa bệnh có thành công hay không, chặng đường con trai còn phải đi thế nào...
Cuộc phẫu thuật gần đây nhất cho Thiện Nhân ở Ý có được như mong muốn của chị?
Ngoài sự mong đợi của tôi, tuy rằng cháu còn phải trải qua ít nhất hai lần phẫu thuật nữa mới hoàn chỉnh được. Nói ngoài sự mong đợi là bởi vì qua cuộc phẫu thuật ấy, tôi còn trở thành cầu nối cho nhiều gia đình khác nữa. Họ tìm đến tôi vì biết là bác sĩ mổ cho Nhân đã nhận lời mời sang Việt Nam khám bệnh cho những bệnh nhi không may có khiếm khuyết như cháu Nhân.
Cơ hội tái tạo dương vật cho cháu Nhân đã đến với mẹ con chị như thế nào?
Tôi quen và giữ liên lạc với bác sĩ Tuệ Đình trong một chuyến sang khám chữa bệnh cho con ở Mỹ. Ông đã rất quan tâm đến trường hợp của Nhân. Khi có được thông tin về công trình khoa học tái tạo dương vật rất thành công của bác sĩ người Ý Roberto De Castro, bác sĩ Tuệ Đình đã gửi cho tôi công trình đã được đăng trên tạp chí khoa học ấy, đồng thời trao đổi với tôi và ông Greig Graft (Giám đốc Quỹ phòng chống thương vong châu Á, cha đỡ đầu của Thiện Nhân) rất nhiều về việc có nên cho cháu sang mổ hay không. Sau đó, chính tôi và Greig Graft lại là cầu nối cho hai ông trao đổi với nhau, thông qua trường hợp của cháu Thiện Nhân.
Và thật may mắn, trong đợt sang thăm khám tới đây của bác sĩ người Ý sẽ có cả sự tham dự của bác sĩ người Mỹ, ông Tuệ Đình, bởi ở Mỹ công nghệ mổ tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em cũng chưa làm được. Các bác sĩ Mỹ cũng muốn thông qua sự hợp tác này để trao đổi, học hỏi. Ông Tuệ Đình là một bác sĩ nhi rất giỏi, hằng năm ông vẫn về bệnh viện ở Đà Nẵng, nơi cha ông sáng lập, để khám chữa bệnh và chuyển giao những công nghệ tiên tiến của Mỹ cho Việt Nam. Tôi chọn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và thay mặt nhóm bác sĩ ở Ý, ở Mỹ mời họ cùng tham gia.
Trong những chuyến đến Việt Nam sắp tới, ngoài việc thăm khám cho các bệnh nhi (vào tháng 8 và dự định mổ vào tháng 11 - PV), các nhà chuyên môn còn tổ chức hội thảo, chuyển giao công nghệ... Hy vọng thông qua sự hợp tác vừa nói, cùng với một nhóm các bác sĩ Việt Nam, chúng ta có thể làm chủ được phương pháp này và chữa bệnh cho các em bé không may ở Việt Nam.
Hiện chúng tôi đang nhận hồ sơ từ các gia đình "kêu cứu", sắp xếp theo hệ thống (tính đến nay đã có trên 40 trường hợp), dịch sang tiếng Anh và gửi cho bác sĩ Roberto De Castro để ông "thăm khám" sơ bộ. Trong từng trường hợp, khi nhìn tình trạng bệnh nhân trên ảnh, bác sĩ có thể chỉ định những bước chuẩn bị trước như: Chụp X quang hay cắt lớp ở tư thế nào, phần nào; siêu âm ra làm sao; làm các xét nghiệm về hormone... Điều này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian khi bác sĩ sang khám trực tiếp.
Vậy còn vấn đề chi phí thì sao?
Đương nhiên, chương trình tái tạo bộ phận sinh dục cho những trẻ em kém may mắn này đang rất cần tiền, nhưng tôi vẫn rất băn khoăn. Phải làm thế nào để sau khi quan tâm đến chương trình, những nhà hảo tâm sẽ tự nguyện cam kết gắn bó với chương trình lâu dài bởi việc chữa bệnh không phải một lần là xong. Hơn nữa, chúng tôi vẫn đang hết sức cố gắng lo chi phí giai đoạn đầu là mời bác sĩ sang thăm khám, để xem có thể mổ được bao nhiêu cháu, cháu nào mổ được, cháu nào không, mỗi ca chi phí cụ thể là bao nhiêu. Có lẽ đến giai đoạn đó mới đi "gõ cửa" để xin tài trợ cho các trường hợp, chứ bây giờ không thể kêu gọi rằng mọi người hãy đóng góp cho tôi để tôi đi mời bác sĩ.
Không phải lúc nào cũng có thể đưa ra một số tài khoản nhằm kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người, dù tôi tự tin rằng khi công bố một số tài khoản nào đó, sẽ có nhiều người sẵn sàng ủng hộ. Những người đã giúp cháu Nhân từ đầu đến giờ không hề nghĩ rằng hành vi này là làm từ thiện mà phần đông trong số họ có những "cam kết" giúp đỡ lâu dài, mỗi khi mẹ con tôi kêu cứu. Những khoản đóng góp dù ít dù nhiều đều được công bố trên website. Thành ra, nếu cần 100-200 triệu đồng để mời bác sĩ sang thăm khám và đón các gia đình tại Hà Nội thì tôi sẽ kêu gọi những người "cam kết" giúp đỡ lâu dài Thiện Nhân tiếp tục giúp đỡ các bạn cùng cảnh ngộ với cháu.
Để mổ cho tất cả các cháu cùng một lúc thì tôi e rằng không đủ sức, bởi cần có bước đột phá về nhiều mặt, từ con người đến tài chính. Số tiền 75.000 USD chi phí cho ca mổ của cháu Nhân được quyên từ nhiều nguồn, trong đó có những khoản đóng góp trị giá 50.000 đồng. Tôi muốn nhân rộng chương trình này ra cả nước, không chỉ trong năm nay, mà còn năm sau và mãi mãi sau này, nhằm kêu gọi sự chung tay góp sức của nhiều tổ chức cá nhân trong xã hội. Tôi cũng lập ra trang web: http://www.thiennhan.info để mọi người quan tâm có thể tìm hiểu...
Đối với trường hợp của Thiện Nhân, chị có ý định giấu cháu về hoàn cảnh đau lòng của cháu?
Quan điểm của tôi là cuộc sống cho mình cái gì thì mình nhận cái đó. Có muốn giấu cũng không được. Cháu Nhân đã có lần hỏi riêng bà ngoại: "Bà ơi tại sao mẹ cháu yêu cháu vậy mà lại để con thú ăn mất chân của cháu?". Tôi có lần đã hỏi con: "Con cũng biết đấy, tại mẹ mà con bị mất chân, con có giận mẹ không?". Cháu trả lời: "Không, mẹ đẻ ra con, mẹ làm gì con cũng được... Con mất chân con vẫn đi được mà, mẹ đừng lo". Tôi tin rằng đến một ngày nào đó, khi hiểu ra không phải là vì tôi mà cháu bị thiệt thòi thì cháu sẽ càng yêu và thương tôi hơn.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Theo tuanvietnam.vietnamnet.vn