Vũ Đình Tùng
Sinh viên K12D – Khoa Thiết kế Đồ họa
Trong thời đại kỹ thuật số, truyện tranh Đồ họa là một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Sự sáng tạo trong việc tạo hình, đặc biệt là với yếu tố siêu thực, đang trở nên ngày càng quan trọng. Tạo hình siêu thực được vẽ ra với mục đích tái hiện lại thế giới xung quanh chúng ta với một cách mới lạ hơn, tạo ra một sự khác biệt giữa thực và giả tưởng. Điều này có thể tạo ra một ảnh hưởng tâm lý đối với người xem khi họ có thể cảm nhận được sự thật giả tưởng trong những tác phẩm này. Bài viết này đề cập đến vấn đề ” Vận dụng yếu tố tạo hình trong tranh siêu thực của họa sĩ Salvador Dali vào minh họa truyện tranh” với mục đích giúp tác giả phát triển kỹ năng thiết kế đồ họa của mình một cách toàn diện hơn, đồng thời giúp cho sinh viên ngành Thiết kế đồ họa nhận thức rõ ràng hơn về vai trò và giá trị của yếu tố tạo hình siêu thực trong sáng tác, trong thiết kế; giúp cho người đọc cũng như các bạn vẽ minh họa truyện tranh có thêm kiến thức cơ bản nhất về tạo hình siêu thực từ đó ứng dụng một cách phong phú hơn cho tác phẩm của mình.
1. Nội dung và ý nghĩa trong tranh siêu thực của họa sĩ Savaldor Dali
Trường phái siêu thực trong nghệ thuật, đặc biệt là qua những tác phẩm của họa sĩ Salvador Dali, mở ra một thế giới sáng tạo và tự do, vượt ra ngoài những giới hạn và quy tắc cứng nhắc. Dali không ngần ngại khám phá những ý tưởng kỳ quặc, tạo ra những tác phẩm độc đáo và gây tranh cãi như "Sự dai dẳng của ký ức". Bức tranh này không chỉ là một phong cảnh đơn thuần, mà là một phong cảnh vượt ra ngoài sự thực, là sự giao lưu của hiện thực và ảo tưởng. Phần thực của bức tranh là phần cảnh vật phía xa, với đường chân trời và sự sắp xếp tự nhiên của những tảng đá trong hậu cảnh. Phần ảo là phần trước cảnh, với những chiếc đồng hồ bị méo mó, biến dạng. Bức tranh này thể hiện rõ ý thức của Dalí về một hiện thực khác biệt, nơi mà thực và mộng hòa quyện một cách mê hoặc. Qua đó ta cảm nhận được sự kỳ diệu và bí ẩn của tác phẩm nghệ thuật, không chỉ là một bức tranh, mà còn là một cửa sổ mở ra với thế giới đầy màu sắc và sự phức tạp của tâm trí của Salvador Dalí.
Dali cũng tận dụng không gian âm để tạo ra hiệu ứng thị giác đặc biệt, như trong "Chợ nô lệ với tượng bán thân biến mất của Voltaire" hay "Đấu sĩ gây ảo giác". Phương pháp hoang tưởng - phê phán của ông giúp khám phá những bí mật sâu kín trong tiềm thức, biến những giấc mơ thành hiện thực trên bức tranh. Dali cũng tôn trọng và làm nổi bật vật thể trong nghệ thuật, biến chúng thành các hình thức năng lượng mới mẻ, như trong "Dream caused by the Flight of a Bee around a Pomegranate a Second before Wakening up" hoặc "Swans Reflecting Elephants". Trường phái siêu thực không chỉ là một phong trào nghệ thuật mà còn là một cách nhìn mới về thế giới, giúp hiểu rõ hơn về tâm trí và thế giới xung quanh.
2. Vận dụng vào thiết kế truyện tranh giáo dục
Truyện tranh giáo dục là một loại truyện được minh họa bằng tranh ảnh với những nội dung hoặc đề tài hết sức gần gũi, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ ngày từ khi còn bé. Truyện tranh giáo dục giúp cha mẹ có thể trao đổi tình cảm với con, lắng nghe con và thấu hiểu con. Với những tình huống gần gũi trong cuộc sống, được thể hiện dưới dạng minh họa vượt qua trí tưởng tượng thông thường có thể giúp các bé hình dung các tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, thu hút các em vào mỗi diễn biến của câu chuyện, các em sẽ hình dung và tưởng tượng được tốt hơn. Bằng việc sử dụng những nhân vật có tạo hình siêu thực sẽ giúp cho góc nhìn của các bé có thêm phần thú vị. Ví dụ trong minh họa truyện tranh giáo dục ta có thể minh họa những con vật, cây cối một cách phi thực tế, nó có thể sử dụng đồ vật, có biểu cảm và cảm xúc như con người. Bằng cách đưa nhân vật minh họa vào trong những tình huống thường gặp trong đời sống để giáo dục lối sống đạo đức cho trẻ em. Trong tập truyện ”Cá chép hóa rồng” của họa sĩ minh họa Lan Bảo. Hình ảnh các con con vật dưới biển được hình tượng hóa lên trên hiện thực, đó là những con sinh vật biển có biểu cảm, cảm xúc của con người. Chú tôm với đôi mắt bất ngờ, cô ếch chỉ tay vui vẻ, chú cá vàng tróc vảy mọc chân mọc sừng đang trong giai đoạn hóa rồng. Hình tượng cá chép ngậm viên ngọc ở đây được coi là phẩm chất đáng quý của con người, hàm ý giáo dục làm người phải có một tâm hồn đẹp, lương thiện như viên ngọc. Biết hy sinh, kiên trì, bền bỉ và sẵn sàng đối mặt với thử thách, cam go, biết khắc phục những khó khăn để đạt tới thành công.
Vận dụng tạo hình trang siêu thực vào sáng tác minh họa truyện tranh giáo dục là một cách thú vị để truyền tải thông điệp và tạo sự ảnh hưởng đến người đọc đặc biệt là giáo dục nhân cách trẻ.
3. Vận dụng vào thiết kế truyện tranh thiếu nhi
Yếu tố tạo hình trong tranh siêu thực có thể đem lại hiệu quả đặc biệt trong minh họa truyện tranh thiếu nhi. Ví dụ với tác phẩm ” Cửa sổ” của họa sĩ Tạ Huy Long .Từ ô cửa sổ của căn nhà số 72 Hàng Bồ, họa sĩ Tạ Huy Long đã cho ra đời những bức tranh minh họa. Chúng đậm chất ma mãnh, mang trong nó những ẩn dụ của luân hồi, chuyển kiếp và phảng phất mơ hồ, khó nắm bắt như những giấc mơ vụt lóe lên giữa cuộc sống bận bịu thường nhật, trong suốt như đôi cánh mỏng tang của đàn châu chấu. Hay trong “ Dế mèn phiêu lưu kí” của họa sĩ Tạ Huy Long, ông minh họa những con dế mèn mang cảm xúc và lí tưởng sống như con người. Qua những hình ảnh minh họa đó họa sĩ đã thành công trong việc truyền tải thông điệp đến thế hệ thiếu nhi như phải ham hiểu biết, trọng lẽ phải, khao khát lý tưởng và quyết tâm hành động cho những mục đích cao đẹp.
Việc giải mã và hiểu ý nghĩa của các hình ảnh siêu thực có thể yêu cầu trẻ em sử dụng kỹ năng phân tích, suy luận và logic. Điều này giúp phát triển kỹ năng tư duy logic và sự linh hoạt trong tư duy của trẻ em. Trẻ em có thể tìm thấy niềm vui, nỗi sợ hãi, sự kích thích và nhiều cảm xúc khác nhau khi tương tác với các tác phẩm nghệ thuật siêu thực này.
4. Vận dụng vào thiết kế truyện kinh dị
Nghệ thuật tạo hình siêu thực có thể tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ trong các tác phẩm truyện tranh kinh dị, giúp tăng cường sự kịch tính, gợi sự sợ hãi và lôi cuốn cho độc giả. Điều này có thể thấy rõ trong cuốn sách minh họa "Ma Quỷ Dân Gian Ký" của họa sĩ Duy Văn, họa sĩ đã sử dụng yếu tố tạo hình siêu thực để minh họa các loài ma quỷ và hiện tượng tâm linh trong văn hoá dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng các yếu tố siêu thực như con người, động vật với hình thù kì quái và màu sắc không gian hư ảo, các họa sĩ có thể tạo ra những hình ảnh đầy ma mị và đáng sợ. Trong ví dụ về bức tranh "Mẹ ranh càn sát", họa sĩ đã biểu tượng hóa cặp vú của con ma dài như hai quả mướp, mái tóc dài, làn da xanh lè u ám và nhăn nheo cùng với đôi mắt đỏ ma mãnh đã ám ảnh và kích thích sự sợ hãi cho độc giả.
Nghệ thuật tạo hình siêu thực cũng có thể tạo ra không gian kỳ lạ và kinh dị trong truyện tranh kinh dị, giúp tăng cường cảm giác hồi hộp và căng thẳng cho người đọc. Trong truyện tranh kinh dị màu sắc thường được sử dụng một cách phi thực tế, không tương ứng hoàn toàn với thế giới hiện thực. Màu sắc có thể được tăng cường, làm sáng lên hoặc làm giảm nhạt đi để tạo ra một không gian mơ hồ, bí ẩn và huyền bí.
5. Vận dụng vào thiết kế truyện dân gian
Truyện dân gian như một phần không thể thiếu của văn hóa dân tộc, là nguồn tài nguyên vô hạn từ những câu chuyện kỳ bí, hấp dẫn và sâu sắc. Được kể từ thế hệ này sang thế hệ khác, những câu chuyện này không chỉ là giải trí mà còn là cách để truyền đạt những giá trị về đạo đức, tâm linh, và tri thức. Truyện dân gian thường mang trong mình những yếu tố mơ mộng, huyền ảo, tạo ra một thế giới khác biệt, một thế giới không gò bó bởi những quy tắc của hiện thực.
Trong minh họa truyện tranh dân gian, việc sử dụng các yếu tố siêu thực này trở nên cực kỳ quan trọng. Bằng cách tái hiện lại những tình huống phức tạp, mâu thuẫn, và kỳ bí của câu chuyện, minh họa truyện tranh giúp cho người xem không chỉ dễ dàng hình dung mà còn dễ hiểu và lưu giữ những bài học sâu sắc.
Ví dụ trong truyện “Thạch Sanh”. Truyện xoay quanh cuộc đời và những chiến công của nhân vật Thạch Sanh – một người nông dân thật thà, chất phác, anh hùng hiệp nghĩa. Hình tượng Thạch Sanh anh dũng, không ngại gian khó và có tấm lòng nhân hậu đã được họa sĩ biểu tượng hóa thêm sức mạnh vượt qua con người bình thường: Đối đầu và giết chết chằn tinh, dùng niêu cơm tiếp đãi quân của 18 nước chư hầu. Bên cạnh đó hình tượng chằn tinh cũng được họa sĩ biểu tượng hóa dựa trên yếu tố siêu thực bao gồm không gian và màu sắc siêu thực. Không gian đồng hiện với màu sắc tương phản phi thực tế làm cho câu chuyện thêm hồi hộp và kịch tính.
Ngoài ra, minh họa truyện tranh dân gian còn là cơ hội để khám phá và thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ cách sắp xếp hình ảnh đến việc sử dụng màu sắc và ánh sáng. Điều này không chỉ làm tăng thêm sự hấp dẫn mà còn giúp cho người xem nhìn nhận và hiểu sâu hơn về nội dung của câu chuyện trong dân gian.
Minh họa truyện tranh dân gian không chỉ là việc tái hiện câu chuyện mà còn là một nghệ thuật, một cách để tạo ra sự kỳ diệu và sâu sắc trong lòng độc giả. Đó chính là sức mạnh của minh họa, khiến cho truyền thống và văn hóa của mỗi dân tộc trở nên sống động và mãnh liệt hơn bao giờ hết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Cao Đàm (1999), phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb Khoa học và Mỹ thuật, Hà Nội
2. Phạm Minh Phong. “Không gian trong tranh siêu thực”- Đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp trường năm 2009
3. Hoàng Phê (chủ biên), 2004, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng
4. Vũ Công Thành (2020), Luận văn nghệ thuật tạo hình của họa sĩ Akira Toriyama vận dụng vào dạy học ngành Thiết kế Đồ họa trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương