Tin tức

Các thủ khoa ĐH bị GS Ngô Bảo Châu “hút hồn”

21 Tháng Tám 2011
"Em không ngờ đằng sau một con người có vẻ ngoài bình thường lại là một bộ óc phi thường", bạn Vũ Thị Hương Lan, thủ khoa tốt nghiệp trường ĐH SKĐA cho biết cảm xúc của mình sau buổi toạ đàm với GS. Ngô Bảo Châu.

Chiều 20/8/2011, 112 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường ĐH đã trao đổi nhiều vấn đề thú vị với "thần tượng giới trẻ" GS. Ngô Bảo Châu tại trường ĐH đầu tiên của nước Việt - Văn Miếu Quốc Tử Giám.

 

Được trao tặng giải thưởng danh giá về toán học – giải thưởng Fields, GS. Ngô Bảo Châu trở thành cái tên nổi tiếng trong cộng đồng trẻ. Kể từ đó tới nay, GS từng tham gia rất nhiều cuộc toạ đàm, phỏng vấn nhưng theo ông, cảm xúc khi được ngồi giữa các bạn SV, những người cũng dành bao tâm huyết cho sự nghiệp tri thức đã mang lại cho anh sự hào hứng riêng.

 

Đáp lại tấm thịnh tình của GS Ngô Bảo Châu, các bạn trẻ "ra sức" đặt câu hỏi với hy vọng khai thác mọi khía cạnh về con người mang tên Ngô Bảo Châu. Những câu hỏi được nêu lên đi theo nhiều chủ đề, từ chuyện gia đình, sự nghiệp, cho tới sở thích, dự định tương lai... Không gian trầm mặc của Văn Miếu có một ngày sôi động bởi sự nhiệt tình sẻ chia của những trái tim tha thiết được học tập và cống hiến.

 

 

Phạm Ngọc Huyền - thủ khoa HV Hành chính QG mong GS Ngô Bảo Châu chia sẻ phương pháp học tập

 

 

Bạn Dương Thành Long, người từng hai lần được trò chuyện cùng GS Ngô Bảo Châu đặt câu hỏi: "GS làm cách nào để luôn giữ được niềm đam mê với khoa học qua nhiều năm như vậy? GS có thể chia sẻ về vấn đề phát triển khoa học và tuổi trẻ Việt nam hiện nay?"

 

GS Ngô Bảo Châu cho biết: "Quả thật trong làm khoa học, khó nhất là làm được lâu. Nó được gọi tên là niềm đam mê. Cội nguồn của niềm đam mê là nhãn quan của người làm khoa học. Dù đã là một người từng trải nhưng phải giữ cho mình cách nhìn nhận thế giới của một đứa trẻ. "Con mắt trẻ thơ" với sự tò mò sẽ không thoả mãn với câu trả lời của người xưa rằng "trời sinh ra thế".

 

Trước câu hỏi "Liệu trong quá trình nghiên cứu của GS, đã bao giờ GS cảm thấy bế tắc và muốn bỏ cuộc nửa chừng chưa và trong những lúc như vậy thì GS đã/ sẽ làm gí để bản thân có thể vượt qua được?" của bạn Nguyễn Ngọc Dũng (ĐH Mỏ - Địa chất), GS Ngô Bảo Châu chia sẻ:

 

"Con đường khoa học có rất nhiều rủi ro và trong đời ai cũng có lúc gặp phải những khó khăn. Khi đã dấn thân vào con đường này và đặt ra những kì vọng thì luôn muốn biết có đến đích hay không.

 

 

Lắng nghe câu hỏi từ các Thủ khoa

 

 

Nhưng đối với nghiên cứu khoa học nhiều rủi ro, cũng không thể đặt ra chỉ tiêu 5 năm hoàn thành chưong trình này, 10 năm chương trình kia. Tuy nhiên, chính vì vậy mà cảm giác thất bại trong quá trình như lao động như vậy khá là thường xuyên...

 

Nhiều bạn nói vui, làm toán rất là khổ sở, làm 100 ngày thì 99 ngày là khổ sở. Chỉ đúng một ngày vui nhất. Nhưng ngay sau ngày vui ấy lại phải tìm nỗi khổ sở tiếp theo. Nhưng trong nỗi gian nan trong quá trình làm khoa học mình luôn phải thành thực đối diện với thất bại.

 

Để rồi sau khi đã có những thất bại thì sẽ có những mầm mống xuất hiện và mình phải cố gắng chờ đợi cho đến khoảnh khắc mà một chút may mắn sẽ đến. Lúc đó bản thân đã có nhưng chuẩn bị trước để nắm bắt lấy thành công".

 

Thấm thía với những kinh nghiệm hữu ích mà GS chia sẻ, bạn Phạm Ngọc Huyền - thủ khoa xuất săc đến từ HV Hành chính có mong muốn được hiểu biết sâu hơn về con người anh: "GS đã được vinh danh rất nhiều lần nhưng khi đang đặt chân trên ngôi trường ĐH đầu tiên của Việt Nam, GS cảm thấy điều gì?"

 

GS Ngô Bảo Châu: "Những giá trị cấu thành nên con con người Việt Nam có yếu tố yêu chân lí, yêu đạo đức con người, tôn thờ thẩm mĩ. Đối với tôi sự công nhận về các giá trị trên phương diện toán học là chuyên môn thôi.

 

Còn điều khiến tôi vui chính là câu chuyện giống như là tình yêu. Nó dấy lên niềm hi vọng, như các bạn thủ khoa. Mong các bạn cũng có một niềm tin vào tương lai và cả bản thân mình. Mong rằng năm hay mười năm nữa vẫn có thể gặp lại các bạn với ánh mắt như thế này".

 

 

GS Ngô Bảo Châu trong vòng vây của các Thủ khoa

 
Sau buổi trò chuyện nhiều ý nghĩa, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự tiếc nuối "giá mà thời gian có thể kéo dài hơn chút nữa". Cùng với đó, các bạn cũng bày tỏ những tâm sự, cảm xúc khá phong phú về "thần tượng đặc biệt" GS Ngô Bảo Châu:

 

"Lắng nghe GS, gặp gỡ những đỉnh cao trí tuệ, em cảm thấy mình vẫn là một hạt cát rất nhỏ trên sa mạc mênh mông. Sau chương trình này em đã học hỏi được rất nhiều từ GS và cả các bạn. Em nghĩ rằng sau này em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để tiến bộ hơn, đóng góp cho đất nước", Ngô Xuân Hoàng - thủ khoa trường Sỹ quan pháo binh bồi hồi.

 

Bạn Phạm Ngọc Huyền - HV Hành chính, người đã tích cực tham gia đặt câu hỏi: "Những câu trả lời của GS Ngô Bảo Châu đã khiến cho em xúc động mạnh bởi vì nó xuất phát từ tâm huyết làm khoa học của anh. Trong suy nghĩ của em, cái tên Ngô Bảo Châu chính là một trong những biểu tượng của trí tuệ Việt Nam, là một thần tượng của giới trẻ.

 

Cách GS nói chuyện, tiếp xúc với chúng em nó rất thật và ấn tượng. Em không ngờ đằng sau một con người có vẻ ngoài bình thường lại là một bộ óc phi thường".

 

 

112 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp ĐH chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên Quốc Tử Giám

 

Chăm chú theo dõi câu trả lời từ GS Ngô Bảo Châu

 

 
Trả lời dí dỏm và chân thành
 

Các thủ khoa xếp hàng dài để nhận được chữ kí của thần tượng

 

Theo dantri.com.vn