Nội san

Ứng dụng hoa văn trên trang phục truyền thống của người Phù Lá ở tỉnh Lào Cai vận dụng vào bài tập thiết kế trong học phần Thiết kế quảng cáo lĩnh vực văn hóa

02 Tháng Năm 2024

Nguyễn Thị Quỳnh Hương

K11 Khoa Thiết kế Đồ họa 

Trường Đại học Sư Phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Có thể nói, trang phục truyền thống cũng giống như một cuốn sách lịch sử, văn hóa. Hoa văn trên trang phục của các dân tộc là sản phẩm lao động thủ công phản ánh những khía cạnh tâm lý, tín ngưỡng, là diễn trình phát triển của lịch sử và sự giao thoa giữa các dân tộc. 54 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những trang phục truyền thống với hệ thống hoa văn độc đáo, riêng biệt. Như bao dân tộc anh em khác người Phù Lá (chủ yếu sinh sống tại Lào Cai) cũng có đến hơn 20 mẫu hoa văn để làm phong phú và tạo điểm nhấn cho trang phục của mình. Đây là những tài sản quý báu cần được khai thác, vận dụng, phát huy trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, tại trường Đại học sư phạm Nghệ thuật TW, ngành thiết kế Đồ họa trong đó có học phần Thiết kế quảng cáo lĩnh vực văn hóa luôn cần và mong muốn được khai thác những đề tài mang tính bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hoa văn trang phục truyền thống của người Phù Lá chắc chắn sẽ là một chủ đề hay bởi những tinh hoa, giá trị mà tộc người đã tạo ra thông qua nghệ thuật tạo hình hoa văn. Họ đã khéo léo khai thác, tổng hợp, chọn lọc những hình ảnh từ thiên nhiên sau đó tối giản, hình tượng hóa để trang trí cho trang phục của tộc người mình. Vì vậy việc ứng dụng hoa văn trang phục truyền thống của người Phù Lá vào sản phẩm mĩ thuật ứng dụng là cần thiết và chắc chắn sẽ tạo ra các tác phẩm không chỉ độc đáo, mới lạ mà còn góp vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Hoa văn trên trang phục truyền thống của người Phù Lá sẽ là một hướng đi thú vị dành cho các bạn sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa với học phần Thiết kế quảng cáo lĩnh vực văn hóa.

1. Nghiên cứu tạo hình hoa văn trên trang phục truyền thống của người Phù Lá ở tỉnh Lào Cai

Để có được ấn phẩm văn hóa thiết kế thành công cần có sự nghiên cứu, học hỏi nghiêm túc. Quá trình này sẽ là tiền đề quyết định hiệu quả của một sản phẩm thiết kế.

Dân tộc Phù Lá gồm có hai nhóm người chính là Pu La và Xá Phó. Hoa văn trên trang phục của hai nhóm người có nhiều điểm tương đồng và khác biệt nhất định. Để nghiên cứu có thể tìm hiểu qua yếu tố sau: 

Bố cục hoa văn: Nhóm Pu La thường trang trí hoa văn thành các băng ngang, tập trung ở vị trí trước ngực và đuôi yếm phía sau lưng. Các hoa văn có tiết diện nhỏ, ở mỗi vị trí có một mảng khác nhau. Nhóm Xá Phó các dải hoa văn lại có tiết diện lớn và được trang trí lặp đi lặp lại chạy thành dải quấn tròn nhiều vòng trên thân người mặc. Tuy có những quy định nghiêm ngặt, giới hạn biểu đạt bị hạn chế nhưng họ vẫn tìm được nơi để tự do thiết kế cho mảng trang trí có chiều sâu, luân chuyển và liên kết.

Mô típ hoa văn: Trên trang phục dân tộc Phù Lá, hệ thống hoa văn được cách điệu từ những hình ảnh trong tự nhiên, trong đời sống từ đó quy về các hình kỷ hà. Từ đó bài trí, sắp xếp theo cấu trúc, nhịp điệu khác nhau lại tạo nên những hình thể đa dạng, mang tính biểu tượng linh hoạt như dạng hình tam giác, hình thoi, vuông, các đường đan chéo, ngang, dọc. Ngoài ra, còn có cách thức tạo sự đồng dạng trong một dải trang trí bằng cách nhân bản một hoa văn theo bố cục xoay chuyển để tạo ra nhiều dạng hoa văn khác nhau có ý nghĩa gắn bó với cư dân của mỗi nhóm.

Màu sắc hoa văn: Hai nhóm thuộc dân tộc Phù Lá sử dụng gam màu tương đối giống nhau nhưng lượng hoa văn và bài trí hoa văn mỗi nhóm lại khác nhau. Tuy nhiên cả hai nhóm đều có cách lựa chọn màu sắc tài tình đã tạo nên  sự kết hợp hài hòa, dung dị của bộ trang phục. Các hoa văn chủ yếu gồm màu đỏ, vàng, cam, tím… Gam màu nóng được phối trên nền chàm đen của vải càng tôn thêm sắc rực rỡ, ấm áp đặc trưng trong trang phục truyền thống của một dân tộc sống ở vùng cao, khí hậu lạnh, quanh năm mây mù bao phủ.

 

2. Thực trạng ứng dụng hoa văn trên trang phục dân tộc thiểu số vào bài tập thiết kế của sinh viên ngành Thiết kế đồ họa trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW

Trên thực tế hiện nay, tại khoa Thiết kế đồ họa trường Đại học SP Nghệ thuật TW, sự tìm hiểu, nghiên cứu của nhiều sinh viên về văn hóa dân tộc nói chung chưa thực sự sôi nổi. Giá trị văn hóa của dân tộc đôi khi đã bị bỏ quên hoặc nếu có vận dụng cũng chưa đi đúng hướng. Trong những khóa gần đây, có một khối lượng sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số vào các bài tập như: thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, tem nhãn mác, bao bì,.... Những bài tập trong học phần Thiết kế quảng cáo lĩnh vực văn hóa gồm có thiết kế lịch, sự kiện, sách, tranh cổ động đều đã và đang xuất hiện những bài tập của sinh viên sử dụng yếu tố văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, có hai vấn đề xảy ra: thứ nhất là rất nhiều sinh viên không nghiên cứu mà đã vận dụng ngay vào bài tập, thứ hai là có nghiên cứu nhưng chưa sâu và thiếu tính xác thực, thậm chí gây phản cảm. Hơn nữa các văn hóa dân tộc được khai khác chủ yếu là dân tộc Thái, Mông, Dao, còn với dân tộc Phù Lá cũng chưa có sản phẩm nào hay bài tập nào trong học phần Thiết kế quảng cáo lĩnh vực văn hóa có ứng dụng họa tiết trang phục người Phù Lá. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu giá trị văn hóa thực sự của của dân tộc, trong đó có dân tộc Phù Lá là vô cùng quan trọng và cấp thiết, cần sự nghiêm túc sưu tầm, học hỏi, tìm nguồn tài nguyên chính thống sau đó rút ra đặc trưng, đối tượng đã qua chọn lọc để khai thác.

3. Ứng dụng hoa văn trên trang phục truyền thống vào bài tập thiết kế trong học phần Thiết kế quảng cáo lĩnh vực văn hóa

Sau khi nắm bắt được thực trạng và nghiên cứu chuyên sâu đề tài cần có quá trình ghi chép, chọn lọc để lựa chọn ra đối tượng hoa văn đưa vào bài tập thiết kế của mình. Tránh việc sao chép y nguyên hoặc đưa quá nhiều hoa văn khiến ấn phẩm hoàn thiện không đạt hiệu quả cao. Chúng ta có thể học hỏi được ở người Phù Lá cách họ sử dụng uyển chuyển, linh hoạt bố cục, mô típ, màu sắc hoa văn như sau:

 Bước đầu cần phác thảo bố cục sau đó lựa chọn hoa văn phù hợp với ẩn phẩm và khoảng trống thiết kế trên ấn phẩm muốn đưa họa tiết vào. Có thể bổ sung hoặc giản lược bớt đi những chi tiết sao cho mới mẻ, hiện đại hơn. Tránh việc thêm bớt bừa bãi khiến cho hoa văn không còn tính đặc trưng và biểu tượng vốn có; Bố cục hoa văn cần phân bố sao cho khi kết hợp với màu sắc cho hài hòa. Mảng cần có sự thay đổi nhịp nhàng tránh việc lặp lại bố cục nhiều lần để thấy sự đổi mới, không gây nhàm chán. Tuy vậy, vẫn cần đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ đặc trưng cho tổng thể bài tập. Những hoa văn lớn với màu sắc rực rỡ cần đặt trong nền chìm để tránh bị chói, họa văn nhỏ cần điểm tô những gam màu sáng hơn, tạo hiệu ứng lóe sáng và tránh bị chìm trong nền tối. Đây sẽ là những bí quyết nên được học hỏi và phát huy trong công cuộc sáng tạo hoa văn trên trang phục của dân tộc Phù Lá.

Sau khi lựa chọn được hệ thống hoa văn, bước tiếp theo, khi đưa vào ấn phẩm thiết kế ( như lịch, tranh cổ động, sách,…), các bạn sinh viên có thể nhờ đến sự trợ giúp của giảng viên góp ý về việc cách sử dụng hoa văn và gợi ý hướng đi cho bài tập. Ở bước này, mỗi sinh viên sẽ có những lựa chọn về phong cách thiết kế, cách thức thiết kế, lựa chọn chất liệu, phương pháp thiết kế cho riêng mình. Ví dụ trong thiết kế lịch sẽ gồm phần chữ, số và phần trang trí, ở đây là trang trí bằng hoa văn. Cần phác bố cục, chia phần chính phụ, xem xét khoảng trang trí và yếu tố hoa văn có thể đưa vào mà không gây biến dạng hay kệch cỡm. Đưa hệ thống hoa văn đã lựa chọn vào ấn phẩm. Kết hợp màu sắc độc đáo, hài hòa, tránh việc dùng toàn bộ màu quá đậm hoặc quá nhạt, hoàn toàn nóng hoàn toàn lạnh. Vận dụng cách thức sáng tạo của người Phù Lá kết hợp với kĩ năng, thẩm mỹ thiết kế của cá nhân. Cuối cùng là kiểm tra và hoàn thiện sản phẩm.

Trang phục của người Phù Lá độc đáo trong lối tạo dáng và phong cách thẩm mỹ khó trộn lẫn, có nét truyền thống nhưng lại mang dáng dấp hiện đại. Các hoa văn của họ tuy tối giản nhưng không đơn thuần chỉ là để trang trí mà trong mỗi hình dáng ấy lại chứa đựng một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần của dân tộc. Để phù hợp với thẩm mỹ đương thời, các bạn sinh viên ngành Thiết kế đồ họa đã khéo léo sử dụng hoa văn truyền thống trên các ấn phẩm hiện đại và đạt được những thành tựu nhất định. Ứng dụng hoa văn dân tộc không chỉ làm tăng thêm tính văn hóa, độc đáo cho ấn phẩm thiết kế mà còn góp phần trong việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa tộc người.