Nguyễn Thị Hảo
K11, Ngành Thiết kế Đồ họa
Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương
Trong ngành thiết kế đồ họa hiện nay, vấn đề vận dụng tranh tranh trổ giấy nói chung vào sản phẩm thiết kế là chưa nhiều, và chưa có nhiều tổ chức, cá nhân làm bởi tranh trổ giấy còn xa lạ với công chúng, nhất là đưa vào sản phẩm mĩ thuật ứng dụng. Sau khi tìm hiểu về tạo hình tranh Trổ giấy ở Việt Nam và Thế giới, tác giả thấy có nhiều yếu tố độc đáo như màu sắc, mảng, nét, không gian...Những yếu tố đó nếu đưa vào sản phẩm của ngành thiết kế đồ họa sẽ rất đặc biệt và có tính mới trong sáng tác thiết kế, vừa đem lại hiệu quả về thị giác, vừa tôn vinh vẻ đẹp của dòng tranh trổ giấy. Việc ứng dụng tranh trổ giấy trong các học phần Sáng tác thiết kế ngành Thiết kế Đồ họa có thể giúp sinh viên khai thác tiềm năng của nghệ thuật này, từ đó tạo ra những sản phẩm độc đáo và ấn tượng. Sử dụng tranh trổ giấy có thể giúp thể hiện được đa dạng của ngành Thiết kế Đồ họa, đặc biệt là trong các sản phẩm mĩ thuật ứng dụng.
1. Khái niệm về nghệ thuật tranh trổ giấy
Nghệ thuật trổ giấy là một nghệ thuật được phát triển trên toàn thế giới và phù hợp với từng nền văn hóa của mỗi nước, nhưng đặc điểm chung đó là sử dụng duy nhất một tờ giấy để làm nên tác phẩm bằng những đường cắt trên giấy đầy nghệ thuật. Bởi thế nên nghệ thuật trổ giấy này thường gắn liền với tranh cắt giấy, trước đây tranh trổ giấy được trổ hoàn toàn bằng thủ công, nhưng từ khi có công nghệ trổ giấy bằng máy laser các tác phẩm nghệ thuật cắt giẩy trở nên đẹp và tinh tế hơn, đồng thời thời gian hoàn thiện cho một tác phẩm cũng nhanh hơn với những tác phẩm hình ảnh sống động hơn.
2. Đặc trưng ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật tranh trổ giấy
Loại hình nghệ thuật này sử dụng các phương tiện cơ bản của nghệ thuật tạo hình như: điểm, đường nét, hình mảng, màu sắc, sắc độ, tỷ lệ, bố cục … để diễn tả đối tượng trên mặt phẳng hai chiều. Nhưng mức độ sử dụng các phương tiện có nét khác biệt so với các lĩnh vực tranh vẽ. Nghệ thuật trổ giấy cần sự cô đọng, súc tích nhưng cũng thật đơn giản, mạch lạc.
Hình, mảng trong tranh trổ giấy
Hình mảng là ngôn ngữ diễn tả chính của loại hình này, là sự kết hợp liên hoàn giữa mảng hình nọ với mảng hình kia trong một chuỗi các đối tượng khác nhau. Sự ghép nối các mảng trong trổ giấy được coi là trọng tâm và quyết định sự thành công hay thất bại cho cách thể hiện của loại hình nghệ thuật này. Do vậy cần sự khéo léo khi xếp đặt các mảng và chú ý the một phong cách thống nhất, không thể chủ quan sắp xếp theo kiểu dàn trải, ngẫu hứng tùy tiện được.
Nét trong tranh trổ giấy
Nét là một tập hợp điểm thành các đường (đường nét) hay là quỹ đạo của một điểm di động trong không gian, là ngôn ngữ đầu tiên của nghệ thuật tạo hình nói chung và nghệ thuật trang trí nói riêng. Nét phân chia ranh giới giữa các hình và bao quanh các diện, các mảng và có vai trò quan trọng trong mối quan hệ với mảng hình, màu sắc để tạo nên những bố cục trang trí đẹp.
Màu sắc trong tranh trổ giấy
Màu sắc không chỉ là một yếu tố thị giác mà còn là một ngôn ngữ riêng biệt trong nghệ thuật tranh trổ giấy. Từ những màu sắc tươi sáng của mặt trời lặn đến sự u ám của một bầu trời đầy sao, màu sắc không ngừng thúc đẩy cảm xúc và tạo ra sự kỳ diệu trong mỗi tác phẩm nghệ thuật. Trong thế giới phong phú của nghệ thuật tranh trổ giấy, mỗi màu sắc đều có một ý nghĩa và tác động riêng biệt. Từ sự ấm áp của màu đỏ, màu vàng cho đến sự bí ẩn của màu đen, mỗi gam màu đều chứa đựng một câu chuyện và một cảm xúc đậm nét. Màu sắc có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của người xem. Việc sử dụng màu sắc một cách sáng tạo có thể kích thích cảm xúc, từ niềm vui và hạnh phúc đến sự buồn bã và hoài nghi.
Không gian trong tranh trổ giấy
Không gian trong nghệ thuật trổ giấy người nghệ sĩ vận dụng thành thục các thủ pháp mỹ thuật khác nhau để mô tả chính xác sự biến hóa về ánh sáng đồng thời có thể tạo ra hình ảnh không gian và hình ảnh lập thể trên một mặt phẳng, giống như một vật thể ba chiều trong thế giới thực được chiếu trên mặt phẳng 2 chiều. Thể hiện không gian thực tế trời và đất dựa trên đường chân trời tạo ra một khung cảnh thực tế gần gũi với con người.
3. Vận dụng nghệ thuật tạo hình tranh trổ giấy vào bài tập các học phần sáng tác thiết kế ngành Thiết kế Đồ họa
Vận dụng vào thiết kế minh họa truyện tranh
Tranh trổ giấy chiếm nhiều ưu điểm trong minh họa truyện tranh, bởi lẽ nó sở hữu những đường nét tinh tế, hoa văn cầu kỳ và màu sắc rực rỡ, tạo nên hiệu ứng thị giác bắt mắt và thu hút. Mỗi tác phẩm tranh trổ giấy đều là duy nhất, mang dấu ấn cá nhân của người nghệ nhân, giúp tạo nên sự khác biệt cho truyện tranh. Tranh trổ giấy gắn liền với văn hóa dân gian Việt Nam, mang đến cho truyện tranh một bản sắc riêng, dễ dàng nhận diện.
Tranh trổ giấy là một nguồn cảm hứng phong phú cho các họa sĩ minh họa truyện tranh. Với những ưu điểm về tính thẩm mỹ, tính độc đáo và tính biểu tượng, tranh trổ giấy đã góp phần tạo nên những tác phẩm truyện tranh ấn tượng và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó có trể kể đến Ứng dụng tranh trổ giấy trong minh họa truyện tranh "Con Rồng Cháu Tiên" của Nguyễn Hoàng Tuấn Duy
Vận dụng vào thiết kế ấn phẩm quảng cáo
Thay vì sử dụng các chất liệu khác đối với poster, standee, chúng ta vẫn có thể thỏa sức sáng tạo nội dung với tranh khắc cách thức biểu đạt, ngôn ngữ đồ họa đa dạng khi dùng nghệ thuật tranh trổ giấy. Nói một cách khác, không chỉ dừng lại ở việc sử dụng hình ảnh bằng các loại hình nghệ thuật khác, ta hoàn toàn có thể thay đổi, cải biên nghệ thuật tranh trổ giấy tiếp cận, phù hợp với yêu cầu của poster, standee.
Vận dụng vào thiết kế Lịch
Lịch cũng là một sản phẩm được đưa vào Sáng tác thiết kế trong học phần Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu. Lịch là một sản phẩm quá quen thuộc với cuộc sống của mỗi chúng ta. Trong những năm gần đây, nghệ thuật tranh trổ giấy đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thiết kế lịch.
Tranh trổ giấy sở hữu những đường nét tinh tế, họa tiết cầu kỳ và màu sắc rực rỡ, mang đến cho lịch một vẻ đẹp độc đáo và ấn tượng, mỗi bức tranh trổ giấy đều là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị, do đó, lịch được thiết kế bằng tranh trổ giấy cũng sẽ trở nên độc đáo và không đụng hàng. Tranh trổ giấy có thể được ứng dụng vào nhiều loại lịch khác nhau, từ lịch treo tường, lịch để bàn đến lịch bỏ túi.
Vận dụng vào thiết kế bao bì sản phẩm
Đối với nghệ thuật tranh trổ giấy trong thiết kế, bao bì cũng là một khía cạnh mới mẻ mà ít ai nghĩ đến nó có thể ứng dụng được vào trong loại hình sản phẩm này. Tuy nhiên, khi đi qua những điều ta cần phải làm khi thiết kế bao bì, ta mới nhận ra rằng thực ra chúng cũng có thể đứng cùng một chỗ rất hòa hợp.Trong xu hướng thiết kế hiện đại, các thương hiệu bắt đầu chú ý đầu tư đến bề mặt bao bì nhằm tăng sức hấp dẫn, mới mẻ của sản phẩm, thu hút sự chú ý của khách hàng. Bởi vậy, nghệ thuật tranh trổ giấy cũng là một nghệ thuật mà có thể lựa chọn để tạo ra một sản phẩm bao bì quảng bá hấp dẫn.
Có thể khẳng định, nghệ thuật tranh trổ giấy có vai trò rất lớn trong thiết kế đồ họa đặc biệt sự ảnh hưởng của nghệ thuật tranh trổ giấy trong thiết kế các sản phẩm ứng dụng, việc kế thừa những thành tựu khoa học kỹ thuật trong thiết kế đồ họa đã đưa yếu tố nét đặc biệt là tranh khắc đen trắng có thêm những kiểu cách hình dáng và diện mạo mới.Tranh trổ giấy có vai trò quan trọng trong ngành Thiết kế Đồ họa như một nguồn cảm hứng sáng tạo và công cụ thực hành kỹ năng. Các nghệ sĩ tranh trổ giấy thường sử dụng kỹ thuật và sự sáng tạo để tạo ra các tác phẩm độc đáo về màu sắc và hình dạng, cung cấp nguồn cảm hứng cho việc phát triển ý tưởng mới trong Thiết kế Đồ họa. Những đặc điểm đa dạng về phong cách và kỹ thuật trong tranh trổ giấy cũng giúp mang lại sự sáng tạo và sự độc đáo cho các sản phẩm thiết kế đồ họa.