Ths. Nguyễn Quang Hải
Bức tranh “Những người dệt vải” (hay “Truyền thuyết Arachne) là một trong những kiệt tác của thiên tài người Tây Ba Nha, Dieo Velazquez. Đây là một trong những tác phẩm của Velazquez được giới phê bình và các nhà nghiên cứu quan tâm không chỉ bởi nghệ thuật của nó, với bố cục nhiều ẩn ý, ánh sáng trong trẻo và những độ màu biến chuyển tinh tế, mà còn vì những tranh luận chưa được làm sáng tỏ xung quanh cách lý giải tác phẩm này. Đây được coi là một trong những tác phẩm bí ẩn nhất của D. Velazquez.
Những người dệt vải (Truyền thuyết Arachne)
Giới nghiên cứu nghệ thuật chưa thống nhất về thời gian tác phẩm được sáng tác. Dựa vào các yếu tố nghệ thuật như cách sử dụng ánh sáng, sử dụng sơn dầu một cách tiết kiệm, sự ảnh hưởng rõ nét từ nghệ thuật baroque Italia, nhiều người cho rằng tác phẩm được sáng tác vào khoảng năm 1670. Mặt khác, hình thức và nội dung của tác phẩm gợi lại một giai đoạn sáng tác sớm hơn của D. Velazquez, vào khoảng năm 1644-1650.
Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng, bức tranh là sự tái hiện lại khung cảnh một xưởng dệt thảm tại Santa Isabel. Cho đến năm 1948, Diego Angula, dựa vào hệ thống hình tượng trong tác phẩm, đưa ra giả thuyết rằng chủ đề thực sự của bức tranh là “Truyền thuyết về Arachne” của Ovid, nằm trong hệ thống thần thoại Hy Lap-La Mã. Hai cách nhận định này dẫn tới hai cách hiểu hoàn toàn khác nhau về tác phẩm.
Theo cách hiểu thứ nhất, một số người cho rằng, nội dung của “Những người dệt vải” là sự phản ứng đối với áp bức bất công và phân biệt đẳng cấp trong xã hội, đồng thời thể hiện quan điểm của họa sỹ về vấn đề giai cấp, ẩn dưới hình thức là một tác phẩm kiểu bodegones. Về hình thức, đây là tác phẩm mang phong cách giống những bức tranh bodegone thời kỳ đầu của tác giả, đặc biệt là ở phần khung cảnh phía trước của tác phẩm. Một xưởng dệt tranh tối tranh sáng, ánh sáng được sử dụng tinh tế với nhiều lớp màu sắc biến đổi nhẹ nhàng. Các nhân vật, tượng trưng cho hình ảnh người lao động, được miêu tả rõ nét, giản dị và đẩy lên mặt trước tranh – được nhấn mạnh, nhưng đồng thời lại bị chìm trong bóng tối, với chân dung bị ẩn đi bởi bóng tối hay tư thế. Đối lập lại là khung cảnh phía sau của tác phẩm, với hình ảnh một căn phòng tràn ngập ánh sáng, với các nhân vật tượng trưng cho tầng lớp quý tộc. Ăn vận sang trọng, thể hiện cuộc sống xa xỉ,… những nhân vật này là sự tương phản với cảnh những người lao động. Sự tương phản được nhấn mạnh hơn khi những người lao động dệt thảm, nhưng không có quyền sử dụng mà thay vào đó lại bị bóc lột bởi giới quý tộc. Theo một số nhà nghiên cứu, việc đẩy khung cảnh quý tộc này ra xa, làm mờ nhạt, D. Velazquez bay tỏ thái độ chống đối của ông với tầng lớp trên trong xã hội lúc đó, song song với nó là sự ủng hộ đối với tầng lớp nhân dân lao động.
Cách giải thích này hoàn toàn không làm thỏa mãn giới nghiên cứu nghệ thuật. Bởi D. Velazquez là một họa sỹ được bảo hộ bởi nhà vua Tây Ba Nha, liệu ông có dám bày tỏ thái độ đối lập một cách trực tiếp như vậy không ? Sau nữa, cách giải thích này không thể giải đáp được trọn vẹn việc sử dụng các hình ảnh nhân vật đầy tính biểu tượng của tác giả (như hình ảnh người phụ nữ mặc giáp trụ ở khung cảnh phía sau của bức tranh, sự tương phản giữa hai người phụ nữ đang xe sợi….). Năm 1948, dựa vào yếu tố biểu tượng của tác phẩm, Diego Agula đề xuất cách giải thích thứ hai dựa vào “Truyền thuyết Arachne” của Ovid (một truyền thuyết thuộc thần thoại Hy Lạp).
Truyền thuyết Arachne là câu chuyện về Arachne và cuộc đọ sức của nàng với nữ thần Athena. Arachne là một người dệt thảm có tài năng xuất chúng, người đã dám thách thức thần Athena đọ sức với mình. Và nghiêm trọng hơn, nàng lại dám chiến thắng nữ thần. Ghen tức với tài năng của Arachne, nổi giận vì cô gái trần thế này dám lấy đề tài là đời tư của các vị thần, cùng với tất cả tính “trần thế” của nó, Athena đã trừng phạt Arachne. Thần phá hủy tấm thảm của Arachne, đồng thời nguyền rủa nàng và biến nàng thành loài nhện. Truyền thuyết Arachne là một đề tài lạ, khi so sánh con người với thần thánh, không chỉ bởi tài năng, mà còn bởi những thói hư tật xấu, đôi khi, thần thánh lại vượt xa con người.
Trong tác phẩm của mình, D. Velazquez đã khéo léo sử dụng bố cục để làm rõ đề tài này. Trước hết là cách bố trí nhân vật thành hai tuyến trước-sau hoàn toàn cân bằng. Đường tròn trên trần nhà được lặp đi lặp lại, đồng thời ứng với đường cong đi qua các nhân vật. Cách bố trí này gây cảm giác về sự so sánh giữa hai cảnh trước-sau, giữa ha giới-thượng giới. Cảnh phía trước miêu tả cuộc so tài giữa Arachne và Athena. Nữ thần Athena giả dạng làm một bà cụ già khi thi đấu với Arachne, nhưng phần chân gợi cảm-biểu trưng của sắc đẹp và tuổi thanh xuân vĩnh hằng đã tố cáo nàng. Đồng thời, phía sau nữ thần có hình ảnh cái thang- biểu tượng cho thiên giới, hay sự dẫn đến thiên giới, càng làm rõ hơn hình ảnh Athena. Có ba nhân vật đang giúp đỡ Arachne và Athena, trong đó một nhân vật như đang “nhấm nháy” với nữ thần. Hình ảnh giống như ẩn ý về sự thiên vị- sự không công bằng, ám chỉ tới chiến thắng tất yếu của nữ thần. Nó hướng đến kết cục rõ ràng cho Arachne.Hình ảnh nhân vật Arachne được tạo hình chắc chắn, khỏe mạnh, nhiều người cho rằng D. Velazquez đã lấy hình mẫu từ một nhân vật trong trong trần nhà thờ Sistine của Michelangelo. D. Velazquez đã sử dụng ánh sáng khéo léo, nhấn mạnh vào Arachne, nhân vật chính của tác phẩm.
Cảnh thứ hai, phần sau của tác phẩm miêu tả sự trừng phạt của Athena đối với Arachne. Khung cảnh là gian phòng tràn ngập ánh sáng, gợi nhắc tới hình ảnh đinh Olympia- chốn thần tiên. Athena- vị thần bảo trợ cho nganh dệt đứng ở giữa, xung quanh là bốn phụ nữ khác, những nhân vật được cho là tượng trưng của bốn ngành nghệ thuật khác. Hình ảnh Arachne, khi đó đã bị biến thành nhện, bị ẩn đi, thay vào đó các nhân vật được đặt tương đói cân bằng và ngang hàng với nhau. Bức thảm ở sau cùng là bản sao của tác phẩm “Cưỡng đoạt Europe” của Titian, ở đây được sử dụng như hình ảnh tấm thảm của Arachne. Nó nhấn mạnh lại vào đề tài mà Arachne chọn – đời tư của các vị thần- lý do khiến nàng bị trừng phạt. Nó cũng đồng thời thể hiện sự ngưỡng mộ đối với bậc thầy đi trước của D. Velazquez.
Sử dụng cách bố cục song song, so sánh hai lớp hình ảnh với nhau, D. Velazquez không chỉ đưa ra sự tương đồng giữa con người với thần thánh, mà cao hơn nữa, muốn ám chỉ sự vươn tới tầm cỡ các vị thần. Ỗng cũng đưa ra quan điểm khước từ “tính chất thần thánh” trong sáng tạo nghệ thuật, khẳng định tính vượt trội của con người so với tự nhiên. Trên đây cũng chỉ là hai trong số rất nhiều cách giải thích tác phẩm này. Ý nghĩa của nó vẫn luôn là một bí ẩn của nghệ thuật.